“Tín dụng lậu”: Mồi than âm ỉ dưới nền tài chính
Có vụ các bên núp bóng dưới dạng hợp đồng tài trợ, hợp tác đầu tư, có vụ lại ký thẳng hợp đồng vay mượn tính lãi như một hợp đồng tín dụng…
Thực tiễn xét xử án kinh doanh thương mại thời gian qua của ngành tòa án cho thấy không ít doanh nghiệp dù không có chức năng kinh doanh tiền tệ nhưng vẫn đứng ra cho vay tiền lấy lãi.
Thoải mái cho vay
Tháng 5-2011, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng và Du lịch BS ký hợp đồng cho Công ty TNHH Mỹ phẩm thảo dược BL vay hơn 4,5 tỉ đồng (tương đương 220.000 USD lúc đó) trong một tháng với lãi suất 1,75%/tháng. Theo thỏa thuận, nếu Công ty BL không thanh toán đúng hạn thì Tập đoàn BS sẽ tính lãi suất quá hạn là 150% của lãi suất cho vay nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày hết hạn vay của hợp đồng…
Do Công ty BL không trả nợ, cũng không xin gia hạn trả nợ vay nên tháng 11-2011, Tập đoàn BS khởi kiện đòi nợ Công ty BL ra TAND quận Thanh Xuân (Hà Nội). Xét xử sơ thẩm hồi đầu năm nay, TAND quận Thanh Xuân đã tuyên chấp nhận yêu cầu của Tập đoàn BS, buộc Công ty BL phải trả cho Tập đoàn BS tổng cộng 5,5 tỉ đồng cả vốn lẫn lãi.
Vụ khác, năm 1999, Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hải và Du lịch S. cầm cố một con tàu để vay 4 tỉ đồng của một công ty bảo hiểm nhân thọ trong thời hạn bốn năm. Đến năm 2003, Công ty S. không có khả năng trả nợ nên Công ty D. nhận thanh toán thay vì muốn làm chủ con tàu mà Công ty S. đã cầm cố. Phía công ty bảo hiểm nhân thọ đồng ý nên ba bên cùng ngồi lại thỏa thuận chuyển giao quyền và nghĩa vụ. Theo đó, Công ty D. ký hợp đồng vay của công ty bảo hiểm nhân thọ 4,6 tỉ đồng trong hai năm (thực chất đây là khoản vốn và lãi mà Công ty S. phải trả).
Sau đó, đôi bên xảy ra tranh chấp nên công ty bảo hiểm nhân thọ khởi kiện Công ty D. ra TAND TP.HCM đòi nợ. Tại phiên sơ thẩm ngày 13-9 vừa qua, các bên đã tranh luận với nhau rất căng thẳng về việc hợp đồng vay tiền này có vô hiệu hay không.
Theo phía công ty bảo hiểm nhân thọ, dù họ không được cấp phép kinh doanh tiền tệ nhưng việc cho vay ở đây là hoạt động tài chính phù hợp với pháp luật nên giao dịch này không thể vô hiệu. Đối đáp, Công ty D. cho rằng hợp đồng cho vay trên vô hiệu vì nguyên đơn không có giấy phép hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp về việc kinh doanh tiền tệ. Mục đích, nội dung của hợp đồng vi phạm điều cấm của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Nghị định số 100 ngày 18-12-1993 của Chính phủ.
Theo TAND TP.HCM, việc Công ty D. cho rằng phía công ty bảo hiểm phải có giấy phép kinh doanh tiền tệ thì hợp đồng vay giữa hai bên mới không bị vô hiệu là không phù hợp. Hợp đồng vay tiền ở đây là hợp đồng vay tài sản theo pháp luật dân sự, không phải là hợp đồng tín dụng. Tòa cho rằng Công ty D. có lỗi trong việc thanh toán khoản vay cho nguyên đơn. Tuy nhiên, do đây không phải là hợp đồng tín dụng nên không tính lãi suất quá hạn như vay ngân hàng. Từ đó, tòa buộc Công ty D. phải trả cho phía công ty bảo hiểm gần 3,5 tỉ đồng cả vốn lẫn lãi.
“Tài trợ” để… lấy lãi
Tháng 12-2007, Công ty Cổ phần Vốn T. ký hợp đồng hợp tác với hai công ty 100% vốn nước ngoài. Nội dung hợp đồng là hai công ty nước ngoài “tài trợ” cho Công ty T. 100 triệu USD (tương đương 1.610 tỉ đồng lúc đó) với lãi suất 15%/năm tính trên khoản “tài trợ”.
Sau một thời gian hợp tác, Công ty T. cho rằng mình có nguy cơ bị phá sản do kiểu làm ăn bất bình đẳng và chèn ép của hai công ty nước ngoài. Vì vậy, tháng 8-2011, Công ty T. nộp đơn ra TAND TP.HCM yêu cầu tuyên bố hợp đồng hợp tác giữa các bên trong phi vụ hợp tác này là vô hiệu. Không đồng ý, hai công ty nước ngoài lập tức phản tố, đòi Công ty T. trả lại số tiền đã vay còn lại kèm lãi là hơn 405 tỉ đồng.
Xử sơ thẩm hồi tháng 3, TAND TP.HCM đã chấp nhận yêu cầu của Công ty T., bác yêu cầu phản tố của phía bị đơn. Theo tòa, hai công ty nước ngoài đầu tư trực tiếp vốn vào Việt Nam không tuân thủ đúng pháp luật đầu tư tại Việt Nam nên mọi giao dịch đều vô hiệu.
Sau đó, phía bị đơn kháng cáo, VKSND Tối cao cũng có kháng nghị. Theo VKS, việc tòa sơ thẩm xác định hợp đồng vô hiệu trong trường hợp này là có cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, Công ty T. có lỗi là đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Hai công ty nước ngoài chỉ có lỗi là chưa làm thủ tục đầu tư vào Việt Nam như luật định. Họ chỉ thiếu một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Vì vậy cần chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của họ, buộc nguyên đơn thanh toán lãi cho họ theo lãi suất ngân hàng…
Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác các kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo tòa phúc thẩm, thực chất hợp đồng giữa đôi bên là hợp đồng vay giả cách, là hợp đồng cho vay lấy lãi chứ không có sự hợp tác đầu tư nào ở đây cả. Việc doanh nghiệp cho vay lấy lãi là kinh doanh tiền tệ, trong khi theo quy định, chỉ có ngân hàng, tổ chức tín dụng mới có chức năng này.
Đặc biệt, tòa phúc thẩm còn nhấn mạnh: Nếu thừa nhận hợp đồng cho vay dưới cái mác hợp tác “tài trợ” này, vô hình trung đã thừa nhận doanh nghiệp nước ngoài có thể thoải mái kinh doanh tiền tệ ở Việt Nam mà không cần được pháp luật Việt Nam cho phép.
Loạn cho vay: Hại nền kinh tế!
“Việc các doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh tiền tệ cho doanh nghiệp khác vay là vi phạm pháp luật, rất nguy hiểm. Thử tưởng tượng nếu cả xã hội này đi cho nhau vay tiền lấy lãi lung tung hết lên thì sẽ ra sao?” – chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận xét.
Theo ông Doanh, nếu các doanh nghiệp thực sự có dự án để cùng hợp tác kinh doanh, cùng làm chủ sở hữu, cùng chia sẻ trách nhiệm, cùng triển khai, cùng giám sát… và chứng minh được sự hợp tác đó thì có thể chấp nhận được. Còn nếu chỉ có một bên thực hiện, một bên góp vốn rồi ngồi không chờ hưởng lãi thì không được, đấy thực chất là đưa tiền cho nhau vay lấy lãi chứ không phải hợp tác.
Ông Doanh phân tích: Điều nguy hiểm của việc các doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh tiền tệ vẫn có thể cho vay tiền là “mở ra khả năng cho vay đối với những dự án dưới chuẩn”. Những dự án chẳng thể vay vốn ngân hàng được thì lại xoay sang vay vốn của doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp tự cho nhau vay, đi đêm với nhau, không có bộ máy lọc tốt-xấu, không có quy trình đánh giá chặt chẽ như ngân hàng thì sẽ có rất nhiều dự án kém cỏi được tài trợ để thực hiện rồi phá sản. Như vậy, hiệu quả chung của nền kinh tế sẽ rất kém.
Đồng tình, một cán bộ Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp có quyền đưa tiền cho doanh nghiệp khác thông qua hình thức góp vốn. Tuy nhiên, ý nghĩa, thủ tục, trình tự, quyền và nghĩa vụ khi góp vốn khác hoàn toàn với việc cho vay lấy lãi theo Luật Các tổ chức tín dụng hoặc ủy thác đầu tư theo Luật Chứng khoán.
Theo vị cán bộ này, Luật Các tổ chức tín dụng nghiêm cấm doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng. Theo luật này thì cho vay là một nội dung trong hoạt động ngân hàng và một doanh nghiệp chỉ có thể có hoạt động ngân hàng khi có đủ điều kiện, trong đó có việc phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Do đó, doanh nghiệp không được cấp phép mà cho doanh nghiệp khác vay, lập hợp đồng cho vay lấy lãi là sai quy định.
Tương tự, trên thực tế còn có hình thức doanh nghiệp này giao tiền cho doanh nghiệp kia để đi kinh doanh chứng khoán rồi chia lãi. Đây là một dạng ủy thác đầu tư nhưng phải tuân thủ Luật Chứng khoán. Do đó, nếu không đáp ứng điều kiện của Luật Các tổ chức tín dụng hoặc Luật Chứng khoán thì doanh nghiệp không được cho vay lấy lãi hoặc ủy thác đầu tư.
Một công ty cho vay… 433.000 tỉ đồng (?)
Năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk từng có công văn gửi các cơ quan chức năng và giám đốc các doanh nghiệp tại tỉnh này thông báo “cảnh giác với hoạt động lừa đảo” của Công ty Cổ phần T. (đăng ký kinh doanh tại TP.HCM). Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, công ty này chỉ có vốn điều lệ 2 tỉ đồng, không có chức năng kinh doanh tiền tệ nhưng lại có hợp đồng cho 165 doanh nghiệp khác vay vốn với tổng giá trị lên tới… 433.000 tỉ đồng. Theo xác minh của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM vào thời điểm đó, Công ty T. có đăng ký giấy phép kinh doanh tại Sở và vẫn đang trong trạng thái hoạt động. Còn thực hư vụ Công ty T. cho vay 433.000 tỉ đồng như thế nào thì chưa rõ. Còn theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM, chưa xét đến yếu tố có lừa đảo hay không thì việc một công ty không có chức năng hoạt động tín dụng như Công ty T. lại đứng ra cho vay 433.000 tỉ đồng là hoàn toàn sai quy định. |