2012 – Năm An toàn giao thông
Văn phòng luật sư Đà Nẵng – Tháng 9 hằng năm được chọn là Tháng An toàn giao thông (ATGT), chủ đề của Tháng ATGT năm nay là “Phòng, chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”. Trong Nghị quyết 88/NQ-CP, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường bảo đảm trật tự ATGT, trong đó, giao Ủy ban ATGT Quốc gia chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan xây dựng nội dung, kế hoạch hành động “Năm ATGT” báo cáo Thủ tướng để thực hiện trong năm 2012.
Ủy ban ATGT Quốc gia phát động Tháng ATGT năm nay với mục đích từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân về hiểm họa của việc lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông và ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông, không uống rượu bia trước khi lái xe. Ðồng thời, hưởng ứng các hoạt động phòng, chống lạm dụng rượu bia và lái xe trong chương trình “Thập kỷ hành động ATGT đường bộ 2011-2020” của LHQ.
Ðồng chí Thân Văn Thanh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) và 11% số người tử vong do TNGT liên quan rượu, bia. Thời gian gần đây, ở nước ta, những vi phạm về Luật Giao thông có biểu hiện diễn biến phức tạp, trong đó vi phạm do nguyên nhân liên quan rượu, bia được các chuyên gia quốc tế về giao thông đánh giá khá nghiêm trọng. Theo nghiên cứu Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng chất có cồn dù chỉ một lượng rất nhỏ cũng làm tăng khả năng va chạm đối với người điều khiển phương tiện, bởi chất có cồn không chỉ làm giảm tầm nhìn, thời gian xử lý mà còn tác động đến việc phán đoán tình huống. WHO cũng đánh giá, tại nhiều quốc gia, vấn đề này chưa được hiểu một cách đúng mức, vì thế cộng đồng chưa nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề. Uống rượu, bia là một tập quán của người Việt Nam, do vậy Tháng ATGT năm nay sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác của người đi xe máy. Trong Tháng ATGT, các địa phương tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi quy định của pháp luật về nồng độ cồn, các mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe, các nguy cơ gây tai nạn và hậu quả tai nạn giao thông do lái xe uống rượu, bia… Ngoài ra, các cơ quan chức năng sẽ được bổ sung lực lượng, trang thiết bị đo nồng độ cồn, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ðây sẽ là giải pháp quan trọng có tính răn đe cao nhằm tạo thói quen tự giác chấp hành pháp luật, không uống rượu, bia trước khi lái xe.
Theo đánh giá, sau bốn năm thực hiện Nghị quyết số 32, Nghị quyết số 16 của Chính phủ, tình hình trật tự ATGT đã có những chuyển biến tích cực. Việc thực hiện thành công quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy và thực hiện tốt, đồng bộ một số giải pháp khác đã kiềm chế và giảm TNGT trong ba năm liên tiếp từ 2008 đến 2010. Tuy nhiên, kết quả kiềm chế và giảm tai nạn giao thông chưa bền vững, số người chết và bị thương do TNGT vẫn ở mức cao và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra.
Thực trạng trên là do sự lơi lỏng trong công tác quản lý nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT chưa thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ; ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất yếu kém. Ðể bảo đảm trật tự ATGT, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia; duy trì và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đội mũ bảo hiểm, ngăn chặn học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có bằng lái không được lái xe. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục ATGT trong trường học, tuyên truyền về văn hóa giao thông, tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu TNGT, quản lý tốt hoạt động vận tải bằng ô-tô,… Ðối với đường sắt, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt, kiên quyết không để phát sinh đường ngang trái phép, các tỉnh phải bố trí người cảnh giới tại các vị trí đường ngang có nguy cơ xảy ra TNGT cao; rà soát các vị trí đường ngang để cắm biển báo phù hợp, hoàn thành trong quý I-2012. Trong lĩnh vực đường thủy, tăng cường công tác quản lý hoạt động chở khách du lịch, chở khách ngang sông, vận động người đi đò mặc áo phao, điều tiết khống chế bảo đảm giao thông, chống va trôi trên đường thủy nội địa,…
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT, phân công cụ thể và có quy định trách nhiệm cá nhân rõ ràng, từng ngành, từng địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện bằng những chỉ tiêu cụ thể trong từng thời kỳ, phù hợp phạm vi trách nhiệm và địa bàn quản lý. Các bộ, ngành, cơ quan và địa phương rà soát việc thực hiện các kế hoạch, đề án bảo đảm trật tự ATGT đã và đang thực hiện thời gian qua, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của mình để triển khai thực hiện Nghị quyết này, ban hành trong quý IV năm nay.
Hiện nay, các đơn vị liên quan đang khẩn trương triển khai các bước xây dựng nội dung, kế hoạch hành động “Năm ATGT” để báo cáo Thủ tướng trong quý IV. Ðây có thể coi là “tiêu điểm” nhằm ngăn chặn, đẩy lùi TNGT và ùn tắc giao thông một cách hiệu quả. Trong một cuộc họp gần đây, Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Ðường bộ Việt Nam và các cục, vụ, cơ quan, đơn vị có liên quan trong ngành xây dựng kế hoạch hành động “Năm ATGT 2012” của ngành, lĩnh vực mình phụ trách; tổng hợp thành Ðề án và báo cáo bộ xem xét, quyết định; đề xuất giải pháp, lộ trình giảm mô-tô, xe máy và nâng cao năng lực vận tải khách công cộng; rà soát hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên quốc lộ để có biện pháp bổ sung, sửa chữa, điều chỉnh vị trí bảo đảm rõ ràng, dễ nhìn, phù hợp quy chuẩn; đề xuất các khu vực cần phải lắp dải phân cách giữa trên các quốc lộ nhằm hạn chế TNGT. Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, nhiều khả năng Năm ATGT sẽ phát động theo từng chủ đề, trong từng quý để bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tính sát thực và phù hợp từng giai đoạn.
Bài và ảnh: MINH TRANG
Theo Nhan Dan
Công ty luật Dragon