Đôi điều suy nghĩ về đạo đức nghề nghiệp Luật sư
Khi bàn về đạo đức nghề nghiệp luật sư, có nhiều nhận thức và quan niệm khác nhau. Tổng hợp lại, nổi lên có hai khuynh hướng đáng phải suy nghĩ. Có khuynh hướng cho rằng, trong cộng đồng xã hội nghề nào cũng đòi hỏi người làm nghề phải có lương tâm, trách nhiệm đối với nghề của mình trước xã hội. Như vậy, cô cần phải đặt “Đạo đức nghề nghiệp luật sư” thành vấn đề riêng biệt không?
Khuynh hướng khác lại cho rằng, trong thời buổi kinh tế thị trường, mọi ngành nghề trong xã hội đều mang tính cạnh tranh nhằm thu lợi nhuận cao nhất. Hoạt động luật sư là một nghề giống như mọi nghề khác, cùng chịu sự chi phối của quy luật thị trường. Việc đặt “Đạo đức nghề nghiệp luật sư” thành một vấn đề riêng biệt là không tưởng. Hai khuynh hướng trên, tuy có nhưng khía cạnh khác nhau nhưng suy cho cùng lại có chung một là không coi trọng đạo đức nghề nghiệp luật sư ở khuynh hướng thứ hai còn đánh đồng nghề luật sư như mọi nghề khác, tức là tầm thường hoá danh dự nghề luật sưcủa mình. Ai cũng biết rằng, người ta bất cứ làm nghề gì cũng đều phải có lương tâm, trách nhiệm đối với việc làm của mình. Nhưng, do quy luật sinh tồn và phát triển không đồng đều nên mỗi ngành nghề khác nhau đều có tính chất khác nhau, đòi hỏi lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của người làm nghề có sự khác nhau, không ai có thể đánh đồng được.
Nghề dạy học, các thầy giáo, cô giáo không chỉ dạy cái chữ để chống lại sự dốt nát, mà mục tiêu cao cả của nghề dạy học là dạy cách làm người, làm người phải đạo, làm người có đủ phẩm chất, Chân,Thiện, Mỹ. Do mục tiêu cao cả ấy ”nhất tự vi sư, bán tự vi sư” và ”Tôn sư trọng đạo” đã trở thành truyền thống của mọi dân tộc.
Nghề chữa bệnh, các thầy thuốc cầu cho con người thoát khỏi cảnh ốm đau, bệnh tật, chống lại thần chết, kéo dài tuổi thọ, góp phần cho mọi người, mọi nhà được khoẻ mạnh, hạnh phúc. Với mục tiêu cao cả ấy, người làm nghề chữa bệnh không bao giờ coi trọng đồng tiền hơn việc cứu người. Chính vì thế, cả xã hội tôn vinh ”Thầy thuốc như mẹ hiền”.
Nghề sản xuất, kinh doanh, người làm nghề đương nhiên phải tính toán sao cho có lợi nhuận. Nhưng, khoản lợi nhuận ấy phải do bàn tay khéo léo và khối óc thông minh tạo ra, nó không thể có sự gian dối. Đó là đạo đức của người làm nghề chân chính. Người làm nghề luật sư cũng giống như mọi người làm nghề khác ở chỗ: có học, được đào tạo thành người có đủ phẩm chất. Chân, Thiện, Mỹ, cũng đòi hỏi có khối óc thông minh và tấm lòng ngay thẳng, nhân hậu. Nhưng nghề luật sư lại có đặc thù riêng, đó là phải gắn liền với mọi lãnh vực pháp luật của Nhà nước. Các ngành nghề khác chỉ quan hệ đến một vài lĩnh vực pháp luật có liên quan mà thôi.
Hoạt động nghề nghiệp của luật sư, qua thục tiễn cho thấy nổi lên ba tính chất: Trợ giúp, hướng dẫn và phản biện.
Tính chất trợ giúp: Do quy luật phát triển không đồng đều cả về đời sống vật chất. lẫn tinh thần, bất kỳ xã hội nào trong cộng đồng dân cư, cộng đồng dân tộc cũng tồn tại những người rơi vào vị thế thấp kém so với mặc bằng xã hội. Chẳng hạn như người nghèo, người già đon côi, người chưa thành niên mà không có sự đùm bọc của mái ấm gia đình. Những người ở vào vị thế thấp kém này thường bí ức hiếp, bị đối xử bất công trái pháp luật. Những người này khi bị ức hiếp, bị đối xử bất công, họ rất cần sự giúp đỡ, bênh vực của người khác. Tốt nhất là sự trợ giúp của luật sư. Sự trợ giúp của luật sư trong những trường hợp này là hoàn toàn vô tư, không vụ lợi. Ở thời kỳ cổ đại, những thế kỷ trước và sau Công nguyên, những người dám đứng ra bênh vực, trợ giúp các đối tượng bị ức hiếp được xã hội tôn vinh như là các “hiệp sỹ”. Ngày nay, xã hội loài người đã được hưởng thành quả của nhiều nền văn minh, song, từng nước, từng dân tộc vẫn tồn tại những người ở vào vị thế thấp kém của xã hội, vẫn tồn tại sự ức hiếp, sự đối xử bất công trời pháp luật. Vì thế sự hoạt động trợ giúp của luật sư đối với những đối tượng này không chỉ là bổn phận mà còn là thước đo lòng nhân ái và đạo đức của luật sư.
Tính chất hướng dẫn: Do tính chất nghề nghiệp đòi hói luật sư không chỉ thông hiểu pháp luật hiện hành mà còn hiểu biết cả tinh thần, nội dung những quy định của pháp luật ở từng thời điểm của thời gian đã qua, Luật sư còn phải hiểu sâu rộng cả tục lệ và bản sắc văn hoá của dân tộc.
Mọi người hiểu và nghĩ về luật sư như vậy, cho nên mỗi khi bản thân hoặc gia đình có điều gì vướng mắc đều tìm đến luật sư, nhờ luật sư tư vấn. Vì vậy, hoạt động của luật sư luôn luôn có tính chất hướng dẫn. Yêu cầu của hoạt động này là hướng dẫn cho đương sự hiểu đúng tinh thần và nội dung của pháp luật để biết cách xử sự tháo gỡ vướng mắc của họ phù hợp với pháp lý và đạo lý.
Tính chất hướng dẫn của luật sư khác hẳn với việc làm của loại “thầy cò thầy kiện” mà xã hội thường khinh ghét. Hoạt động hướng dẫn của luật sư là sự chỉ dẫn cái đúng, cái sai,việc gì được làm, việc gì không được làm. Đối với người có tội, tuy chức năng của luật sư không phải là lên án, buộc tội họ trước công chúng. Nhưng luật sư phải chỉ cho họ thấy rõ tội lỗi của họ, từ đó giúp họ có phương hướng cái tà quy chính. Nếu có căn cứ để tin rằng họ không có tội thì luật sư phải sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định nhằm gỡ tội cho họ.
Loại “thầy cò thầy kiện” xã hội thường ví là ”đòn càn hai mũi” là loại “đâm bị thóc chọc bị gạo”. Loại người này thường là kém hiểu biết hoặc cố tình không muốn hiểu biết để xuyên tạc sự thật khách quan phải cho trái, trái nói phải, có tội có nói là không, trái lại không tội họ lại đe doạ là có tội. Mục tiêu hoạt động của ”Thầy cò thầy kiện” là cốt ”đục nước béo cò”. Loại người này xã hội thường khinh rẻ,sớm muộn cũng sẽ bị vạch mặt, bị đào thải.
Luật sư là người hoạt động khoa học pháp lý ở vị trí người hướng dẫn pháp luật và đạo lý cho người khác, luôn luôn lấy việc bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải và công bằng xã hội làm mục tiêu cao quý. Do đó, hoạt động của luật sư đòi hỏi phải có khoảng cách khác biệt với việc làm của loại “thầy cò thầy kiện”. Đó chính là nền tảng đạo đức nghề nghiệp luật sư.
Tính chất phản biện: Đây là vấn đề mới, tôi muốn đề cập đến khái niệm phản biện. Theo từ điển tiếng Việt, phản biện được định nghĩa là ”đánh giá chất lượng một công trình khoa học …” Đối với hoạt động của luật sư, tính chất phản biện, ta có thể hiểu đó là những biện luận nhằm phản bác lại lý lẽ, ý kiến quan điểm của người khác mà mình cho là không phù hợp với pháp lý và đạo lý.
Tính chất phản biện trong hoạt động của luật sư, thông thường thể hiện ở lĩnh vực tham gia tố tụng, nhưng rõ nét nhất là trong tố tụng hình sự. Điều 36, khoản 3 Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành có quy định: “Người bào chữa có nghĩa vụ sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định bị can, bị cáo vô tội, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo; giúp bị can, bị cáo về mặt pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ”.
Điều quy định này là cơ sở pháp lý bảo đảm tính chất phản biện của luật sư trong hoạt động tham gia tố tụng hình sự. Tiếc rằng trong xã hội có cả một số ít nhà báo chưa hiểu rõ tính chất phản biện của luật sư là nghĩa vụ phải làm. Do đó, khi thấy luật sư đưa ra những biện luận nhằm phản bác lại những gì không đúng quy định của pháp luật thì họ công kích thậm chí họ còn dùng ngôn từ để thoá mạ luật sư. Có tình trạng này là do sụ lẫn lộn giữa việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo với việc bao che hành vi phạm tội của họ.
Tính chất phản biện của luật sư khác với nguỵ biện về bản chất.
Phản biện là phải dựa trên sự thông hiểu tường tận về pháp lý và đạo lý. Phản biện phải lấy pháp luật và đạo đức xã hội làm chuẩn mục để xem xét mọi khía cạnh của sự việc nhằm xác định rõ đâu là đúng, đâu là sai, thế nào là phải, thế nào là trái, từ đó đề xuất những biện pháp phù hợp loại bỏ cái sai, bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải, đó chính là bảo vệ công lý.
Còn nguy biện, theo từ điển tiếng Việt là sự “cố ý dùng những lý lẽ bề ngoài có vẻ là đúng nhưng thật ra là sai để rút ra những kết luôn xuyên tạc sự thật”. Hoạt động của luật sư cần bảo đảm sao chính chất phản biện của mình có khoảng cách rõ nét không để lẫn lộn với nguỵ biện. Đó cũng là nền tảng của đạo đức nghề nghiệp luật sư.
Một câu hỏi đặt ra, trường hợp không phát biện ra điều gì sai, không có cơ sở để phản biện thì hoạt động của luật sư còn gì để nói?
Giải đáp câu hỏi này, xin nêu một câu ngạn ngữ ở Phương Tây: “Luật sư chỉ giỏi khi gặp viên Chưởng lý tồi”/ Câu ngạn ngữ này có ý nghĩa, người tiến hành tố tụng hoạt động hoàn toàn dúng pháp luật, nhận định và kết luận hoàn toàn chuẩn xác thì không còn chỗ cho luật sư phản biện. Luật sư không còn chỗ để phản biện, cũng giống như thầy thuốc không có bệnh nhân để chữa thì hạnh phúc biết bao.
Hoạt động của luật sư trong trường hợp này chỉ còn ý nghĩa là người chứng kiến. Việc chứng kiến của luật sư không phải là không quan trọng. Có mặt luật sư là chỗ đưa tin cậy của bị can, bị cáo. Sự chứng kiến của luật sư trong khi khai cung, khi đối chất, khi xét xử chắc chắn rằng quyền và lợi ích hợp pháp mà pháp luật dành cho họ sẽ được bảo đảm. Dù họ là kẻ phạm tội, họ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng không ai được quyền tra tấn, đánh đập, hành hạ họ về thể xác và xúc phạm nhân phẩm của họ. Bị can, bị cáo là người đã lâm vào vòng lao lý, phải đối mặt với uy lực của cơ quan công quyền, không phải ai cũng có đủ can đảm tự bảo vệ quyền hợp pháp của mình. Người xưa đã có câu: “Khôn ngoan đến cửa quan mới bíết”.
Có người do kém hiểu biết hoặc do quá sợ hãi mà không có tội vẫn ký biên bản nhận tội, dù biết tội đó là tội đặc biệt nghiêm trọng, có thể bị xử phạt ở mức cao nhất cũng cứ nhận bừa. Vụ án “ai giết chị Là” ở Đông Triều – Quảng Ninh; vụ V-A-K ở Gia Lâm, Hà Nội; vụ Nguyễn Văn Hùng ở Nghệ Tĩnh (cũ); vụ Nguyễn Hữu Đạo Thanh Hoá là những ví dụ cụ thể. Điều đáng lưu ý là các vụ án oan sai này đều không có sự tham gia có tính chất phản biện của luật sư.
Do vai trò và tác dụng của hoạt động luật sư, nên Khoản 2 Điều 1 Pháp lệnh Luật sư năm 2001 đã nêu rõ: “Bằng hoạt động của mình luật sư góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội và pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị viết: “Các quan Tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư tham gia vào quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, bị cáo, nghiên cứu hồ sơ vụ án tranh luận dân chủ tại phiên toà…”
Ba tính chất hoạt động của luật sư như đã nêu trên là đặc thù là ranh giới khác biện với hoạt động của các ngành nghề khác.
Người làm nghề sản xuất, kinh doanh chuyền không sản xuất kinh doanh những mặt hàng không đem lại lợi nhuận cho họ.
Người hành nghề luật sư, có khi biết nguy hiểm vẫn phải làm. Chẳng hạn đứng ra bào chữa cho bị cáo phạm tội giết người, biết rõ gia đình người bị hại công kích,trả thù là khó tránh khỏi, nhưng luật sư không được phép từ chối việc bào chữa do toà án chỉ định.
Xuất phát từ tính chất, đặc thù của nghề luật sư, nó đòi hỏi luật sư ngoài các phẩm chất chung là Chân, Thiện, Mỹ, luật sư còn phải là người có khối óc thông minh, tấm lòng trong sáng,dũng cảm, biết lấy pháp luật và đạo đức xã hội làm cơ sở hoạt động mới xứng đáng với sự tin cậy và tôn vinh của xã hội. Đó chính là yêu cầu rất cao trong đạo đức nghề nghiệp luật sư”.
Theo website Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội
Công ty Luật Dragon