Điều 132 Bộ luật Hình sự quy định về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
Chi tiết Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
Chi tiết Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
- Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
- b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
- Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Văn phòng luật sư phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm:
- Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và phải là người có đủ điều kiện để cứu giúp người bị nạn. Đây cũng có thể xem là dạng chủ thể đặc biệt.
- Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý hoặc cố ý gián tiếp
- Khách thể của tội phạm:
Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đã gián tiếp xâm phạm đến tính mạng của người khác. Do đó khách thể trực tiếp của tội phạm này là quyền được sống, được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Trong trường hợp này, người phạm tội đã không tuân thủ xử sự cứu giúp người khi họ đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
- Mặt khách quan của tội phạm:
+ Hành vi:
Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi không hành động phạm tội. Ở đây, người phạm tội đã không thực hiện hành vi cứu giúp người khác mặc dù có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện nghĩa vụ này do sợ bị hiểu nhầm; sợ liên quan, phiền phức; quan niệm lạc hậu dẫn đến hậu quả người không được cứu giúp chết.
Ví dụ: Một người làm nghề đánh cá thấy một người sắp chết đuối định chèo thuyền lại cứu nhưng lại sợ “cứu người chết đuối làm ăn chẳng ra gì” mà người đó đã để mặc, không cứu giúp nạn nhân kịp thời khiến người này bị chết đuối. Trong trường hợp này, người đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.
Để xác định đúng hành vi không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng tuy có điều kiện dẫn đến hậu quả người đó chết, cần làm rõ một số chi tiết:
- Người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là người mà tính mạng của họ đang trực tiếp bị đe dọa, tình trạng nguy hiểm đang diễn ra hết sức khẩn cấp, tự thân nạn nhân không khắc phục được đòi hỏi phải có sự cứu giúp kịp thời của người khác. Nếu không có sự cứu giúp hoặc không cứu giúp kịp thời thì có thể dẫn đến sự nguy hại cho tính mạng của nạn nhân.
- Dấu hiệu “thấy” người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là việc người phạm tôi ý thức được nạn nhân và tình trạng nguy hiểm của nạn nhân bằng các cách khác nhau như nhìn thấy, nghe thấy hay cảm nhận được tín hiệu về tình trạng nguy hiểm đối với nạn nhân bằng trí thức khoa học, kinh nghiệm bản thân (Ví dụ: Một bác sĩ gặp một nạn nhân bị thương tích sau khi xem xét vị trí vết thương có thể sơ bộ đánh giá tình trạng nguy hiểm của nạn nhân).
- Người phạm tội là người có điều kiện cứu giúp, ngăn chặn hậu quả chết người mà đã không cứu giúp. Điều kiện ở đây được hiểu là khả năng của bản thân cũng như các điều kiện hoàn cảnh cụ thể bên ngoài hoàn toàn cho phép người phạm tội có khả năng cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, việc cứu giúp không gây nguy hiểm cho bản thân và những người khác nhưng người phạm tội đã không cứu giúp. Trường hợp người có điều kiện cứu giúp và đã cố gắng thực hiện hành vi cứu giúp nạn nhân nhưng hành vi mà họ thực hiện không phù hợp hoặc không có hiệu quả hoặc trường hợp tuy người đó không cứu giúp nạn nhân nhưng vì một nguyên nhân nào đó nạn nhân không chết (Ví dụ: Nạn nhân được người khác cứu giúp) thì không cấu thành tội này.
+ Hậu quả:
Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là tội có cấu thành vật chất hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
Vì thế nếu người bị nạn chưa chết mặc dù bị thương tích rất nặng thì cũng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm này. Giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người phải có quan hệ nhân quả với nhau thì mới thỏa mãn chi tiết này.
Văn phòng luật sư Hà Nội trích dẫn Nghị Quyết:
Nghị quyết 04 -HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự
Chương 2: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người
- Tội cố ý không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 107). Theo khoản 1 đây là hành vi phạm tội của người thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (sắp chết) hoặc có thể chết (như: sắp chết đuối; bị thương tích nặng do tai nạn giao thông gây ra…), tuy có điều kiện mà không cứu giúp (tức là có khả năng cứu giúp và sự cứu giúp không gây nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác) mà cố ý bỏ mặc, dẫn đến chết người.
– Theo khoản 2, người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm (như: cùng đi tắm ở sông, người biết bơi đùa nghịch làm cho người không biết bơi bị chới với sắp chìm mà không cứu vớt) hoặc là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp, có nghĩa vụ phải cứu giúp (như thủy thủ tàu đang đi trên sông, trên biển đối với người đang vật vờ trên mặt nước, bác sĩ đối với bệnh nhân đang cần cấp cứu…).
Đối với trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vận tải gây ra tai nạn rồi bỏ chạy, cố ý không cứu giúp người bị nạn để trốn tránh trách nhiệm thì xử lý theo Điều 186, khoản 2, điểm b (tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng).
Văn phòng luật sư Dragon chuyên tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến online – 1900 599 979
Để biết thêm thông tin chi tiết bạn có thể liên hệ với Luật sư Hà Nội theo địa chỉ dưới đây.
- Trụ sở chính văn phòng luật sư Dragon tại quận Cầu Giấy: Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà VIMECO, Đường Phạm Hùng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
- VPĐD Văn phòng luật sư Dragon tại quận Long Biên: Số 24 Ngõ 29 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Tp Hà Nội.
- Chi nhánh văn phòng luật sư Dragon tại Hải Phòng: Phòng 6 tầng 4 Tòa Nhà Khánh Hội, đường Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, Tp Hải Phòng.
Văn phòng luật sư cung cấp biểu phí và thù lao luật sư tham khảo tại đây
Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long