Vụ PMU 18: Công tố và luật sư tranh luận căng thẳng
Văn phòng luật sư Dragon – VKS cho rằng việc truy tố là đúng người đúng tội, có căn cứ, trong khi 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Bùi Tiến Dũng đều đồng loạt phản bác những căn cứ buộc mà VKS nêu ra.
Ngày 2/8, phiên tòa xét xử vụ án Bùi Tiến Dũng cùng 4 cựu cán bộ PMU 18 tiếp tục ngày làm việc thứ 4. Sau 2 ngày tranh luận căng thẳng và gay gắt, cả luật sư và đại diện VKS đều thừa nhận việc tranh luận vẫn chưa “ngã ngũ”. Ít có một phiên tòa nào mà các luật sư được tranh luận thoải mái, không giới hạn về thời gian, như phiên tòa này. Tuy VKS đã có đưa ra các luận điểm để đối đáp lại quan điểm của các luật sư nhưng theo các luật sư, việc đối đáp lại của đại diện VKS vẫn chưa thỏa đáng
Về hành vi cố ý làm trái của Bùi Tiến Dũng, VKS sát cho rằng việc truy tố dựa trên căn cứ là văn bản của Bộ giao thông khẳng định Tổng giám đốc PMU 18 không có quyền điều động xe và kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, xác định thiệt hại do việc điều động xe ôtô của dự án cho một số cơ quan mượn và việc Bùi Tiến Dũng sử dụng 2 xe ôtô vượt quá tiêu chuẩn, gây thiệt hại 2,6 tỷ. “Kết luận giám định là đúng thẩm quyền vì đó là cơ quan chuyên môn, chuyên gia có uy tín”, đại diện công tố khẳng định.
Tranh luận với đại diện VKS, luật Hoàng Văn Dũng (bào chữa cho Bùi Tiến Dũng) cho rằng bị cáo Dũng có hành vi cho mượn xe nhưng hành vi đó không bị coi là trái pháp luật. Luật sư này lập luận: “Để làm rõ hành vi đó có phạm tội hay không, phải căn cứ vào quy định của pháp luật chức không phải căn cứ vào công văn của một cơ quan quản lý nhà nước”.
Dẫn ra văn bản quy định chức năng nhiệm vụ của Viện khoa học hình sự Bộ Công an, luật sư Hoàng Văn Dũng cho rằng, cơ quan này chỉ có chức năng giám định kỹ thuật hình sự và pháp y chứ không có thẩm quyền giám định tài chính. “Một giám định viên hình sự liệu có thể đưa ra những nhận định về tài chính để quyết định sinh mạng chính trị của một con người?”, luật sư Dũng nêu câu hỏi.
Luật sư Ngô Ngọc Thủy và Hà Đăng cho rằng VKS nói tài sản bị chiếm đoạt nhưng tài sản đó là của ai, động cơ mục đích của việc làm trái là gì thì không rõ
Đối đáp lại luận điểm này của luật sư, đại diện công tố khẳng định tài sản đó là nguồn vốn có nguồn gốc ODA cho nên đó là tài sản nhà nước. “Chúng tôi cảm thấy xót xa khi các bị cáo nhận thức được nguồn vốn ODA là tiền đi vay của nước ngoài nhưng lại sử dụng với thái độ bàng quan, thiếu trách nhiệm, chi tiêu thoải mái và sai mục đích. Thiệt hại mà hành vi của các bị cáo gây ra tuy chỉ nằm ở con số vài tỷ nhưng nếu đem so sánh với đời sống người dân Việt Nam thì nó rất to lớn”, đại diện công tố lên tiếng.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Sơn, bị cáo buộc về hành vi lập hợp đồng khống để bố mình là ông Nguyễn Ngọc Mỡi ký hợp đồng với Ban điều hành dự án chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng, luật sư Hoàng Văn Quánh cho rằng, pháp luật không quy định người soạn thảo hợp đồng cho người khác ký là có tội. Việc bố của bị cáo Sơn có nhà cho thuê là có thật, suốt thời gian cho thuê theo hợp đồng, bên cho thuê đã không cho người nào khác vào thuê, việc ký kết giao tiền đều là có thật chứ không phải ký khống. Theo luật sư Quánh, việc ký kết hợp đồng giữa bố của bị cáo Sơn với Giám đốc Ban điều hành là ông Đinh Cao Thắng là theo luật dân sự. Do đó, luật sư Quánh đề nghị tòa tuyên Nguyễn Thanh Sơn không phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Bào chữa cho bị cáo Bùi Thu Hạnh, luật sư Bùi Huy Cường đồng ý về tội danh nhưng đề nghị tòa xem xét lại tính bình đẳng. Luật sư này nêu thắc mắc tại sao cùng một hành vi nhưng cơ quan điều tra lại ra quyết định đình chỉ đối với Trưởng phòng PIB6 là Nguyễn Hữu Vĩnh? Đồng thời, luật sư Cường còn nêu ra nhiều tình tiết giảm nhẹ như bị cáo Hạnh từng có nhiều giấy khen của Bộ và Ban quản lý dự án, đã khắc phục hậu quả, gia đình bố mẹ đều được tặng nhiều huân huy chương…, từ đó luật sư này đề nghị tòa miễn hình phạt cho bị cáo Hạnh.
Đáp lại, VKS cho rằng đã căn cứ vào hợp đồng kinh tế, trong hợp đồng kinh tế đều có các hạng mục thuê nhà, xe. Nhưng việc thuê nhà, xe đều được ký sau khi Hợp đồng kinh tế chính được ký kết một năm.
Cũng theo đại diện công tố, việc truy tố các bị cáo Nguyễn Thanh Sơn, Lê Thị Thanh Hòa về tội lợi dụng chức vụ vì các bị cáo đều là Phó phòng PIB6, biết trong hợp đồng kinh tế có điều khoản thuê nhà cho nên đã ký hợp đồng chỉ nhằm hợp thức hóa. “Nó không khống về mặt hình thức nhưng nó khống về mặt nội dung”, đại diện công tố kết luận.
Lời nói sau cùng, bị cáo Bùi Tiến Dũng nói có sai nhưng chỉ mức độ, đề nghị HĐXX xem xét. Bị cáo Hòa nói do không hiểu biết pháp luật nên có một số sai sót, mong HĐXX xem xét. Các bị cáo còn lại cũng đều xin HĐXX xem xét hành vi của mình và xin được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Chiều 3/8, HĐXX sẽ tuyên án.
Ngọc Linh
Theo VTC New
Công ty luật Dragon