Nghề luật sư xu hướng tất yếu của thời đại
Luật sư Nguyễn Minh Long – Thế kỷ thứ 21 đã qua gần một thập kỷ. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các nước gọi là quân chủ lập hiến đều thực hiện việc quản lý xã hội, điều hành nền kinh tế đất nước bằng pháp luật.
Những thể chế dùng phương pháp cai quản xã hội bằng uy quyền, bằng đức quyền đều đã thuộc về dĩ vãng. Trong thời đại ngày nay, người ta nói nhiều đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Cụm từ ấy, nếu nghe qua, không thể thấy hết những nội dung và ý nghĩa quan trọng của nó. Những người hiểu biết pháp luật, dễ dàng nhận ra rằng, nhà nước pháp quyền chính là bộ máy cai quản đất nước, điều chỉnh mọi mặt đời sống của cộng đồng bằng pháp luật. Nhà nước pháp quyền có một nguyên tắc cực kỳ quan trọng, đó là: “Người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Các cơ quan nhà nước, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”.
Trong một nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đòi hỏi việc bảo đảm quyền tự do, dân chủ của dân phải được đáp ứng ngày càng cao. Người công dân với tư cách là người làm chủ đất nước phải hiểu biết pháp luật. Có hiểu biết pháp luật mới biết mình được làm gì và không được làm gì: Khi vi phạm pháp luật, không ai có quyền nói do tôi không biết luật.
Đối với công nhân, viên chức nhà nước, đòi hỏi mọi hành vi của họ, từ lời nói đến việc làm nhất thiết phải theo luật và chỉ được nói và làm đúng quy định của pháp luật. Những quyết định của các cơ quan công quyền, những phán quyết của tòa án các cấp phải là những chuẩn mực cho mọi thành viên trong xã hội noi theo. Người dân trông vào đó mà xem lại mình có gì không phù hợp phải điều chỉnh lại cho phù hợp với quy định của pháp luật. Như vậy trong xã hội sẽ có sự đồng thuận cao giữa công dân với cơ quan nhà nước, với công, viên chức nhà nước. Việc khiếu kiện, chống lại người thi hành công vụ sẽ không có đất tồn tại. Như vậy, xã hội mới thực sự là có nhà nước pháp quyền.
Một câu hỏi đặt ra, trong một nhà nước pháp quyền, nhất nhất theo luật, làm đúng luật, vậy còn gì phải cần đến luật sư?
Xin thưa rằng, nhất nhất theo luật, làm đúng luật, đó là tiêu chí, là ý tưởng tốt đẹp nhằm hướng tới. Còn bao giờ đạt tới đích ấy thì chưa ai có thể đoán biết. Những nước được coi là văn minh nhất, có nền pháp chế tiên tiến nhất, ở đấy luật sư, nghề luật sư cũng phát triển mạnh nhất. Bởi lẽ, việc cai quản xã hội, điều hành nền kinh tế quốc dân; điều chỉnh muôn nghìn mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với thể nhân, thể nhân với thể nhân; công dân với cơ quan nhà nước v.v….và v.v…chung quy lại vẫn là do con người. Đã là con người, trong họ có rất nhiều lý do, nhiều động cơ để họ làm hoặc không làm theo quy định của pháp luật. Nhất là ở các nước kém phát triển hay đang phát triển như nước ta, tiêu chí của nhà nước pháp quyền có lẽ còn xa vời. Điều đó không phụ thuộc vào ý chí của các nhà lãnh đạo hoặc mong muốn của số đông dân chúng.
Ý tưởng và tiêu chí tốt đẹp của nhà nước pháp quyền đến sớm hay muộn phụ thuộc vào sự chuyển biến nếp nghĩ, cách sống của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Trong đó, cá nhân những người lãnh đạo, những người có chức có quyền là động lực quyết định.
Trong điều kiện như nước ta, từ nghìn đời nay chỉ quen sống bằng nghề tiểu nông manh mún, lạc hậu đã hằn sâu trong trái tim, khối óc của các thế hệ con cháu những thói quen tự do, tùy tiện và đầu óc vụ lợi. Ngay cả những người có học vị, bằng cấp cao, những người làm công, viên chức nhà nước cũng không dễ gì bỏ được những thói quen tự do, tùy tiện. Thói quen tự do tùy tiện là môi trường cho động cơ cá nhân tồn tại. Khi người ta làm hay không làm việc gì, họ thường nghĩ đến: Họ được hưởng lợi lộc gì? Nếu không có lợi lộc gì cho họ, họ sẽ không làm hoặc chỉ làm qua loa tắc trách, thậm chí họ còn tìm cách chống lại. Chính vì thế mới có tình trạng, trên bảo dưới không nghe. Có thẩm phán hỏi đương sự, tôi xử cho ông bà được thừa kế thì tôi được hưởng gì? Có một bà thẩm phán đã nhận kết nghĩa anh em với một đương sự mà vẫn nhớ một câu chuyện trong Kiều “Không ba trăm (triệu) lạng việc này không xong”. Quả nhiên, anh kết nghĩa chưa chạy đâu ra ba trăm triệu, bà thẩm phán đã cho thua trắng bụng. Những thực trạng này (tuy không phải là phổ biến) đã cho ta thấy, cái tiêu chí tốt đẹp của nhà nước pháp quyền còn phải phấn đấu gian khổ mới có được.
Trong quá trình phấn đấu ấy, Đảng, Nhà nước, xã hội rất cần có những tiếng nói phản biện để giám sát, phát hiện ra những quyết định, những hành vi sai trái với những quy định của pháp luật, mà pháp luật chính là đường lối, chính sách của Đảng đã được thể chế hóa. Những tiếng nói phản biện trong xã hội ta, trước hết thuộc về hệ thống chính trị, thuộc quyền và nghĩa vụ của công dân.
Luật sư giữ vai trò quan trọng cùng hệ thống chính trị, cùng với công dân đưa ra những ý kiến phản biện, kịp thời phát hiện những quyết định, những hành vi sai trái để khắc phục nhằm làm giảm thiểu những tác hại lẽ ra không đáng có.
Vậy, những ai cần đến luật sư?
Trong thời kỳ hội nhập, các doanh nhân, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước đều cần đến luật sư. Doanh nhân Việt Nam cần có luật sư để tránh bị sơ hở trong khi ký hợp đồng với nước ngoài, mua với giá đắt, bán với giá rẻ; ý định mua dây chuyền, công nghệ mới, hiện đại, nhưng khi nhận hàng, bị nhận những thứ lỗi thời lạc hậu. Doanh nghiệp Việt Nam đã nhiều lần bị kiện bán phá giá, phải đi thuê luật sư nước ngoài bênh vực, trong lúc luật sư nước ngoài lại không hiểu thấu đáo tình hình, và pháp luật Việt Nam nên những lý lẽ đưa ra bênh vực không có sức thuyết phục, dẫn đến thua kiện. Doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài cần đến luật sư Việt Nam để biết rõ môi trường pháp lý của ta để họ yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh mà không sợ vi phạm pháp luật Việt Nam.
Cơ quan, tổ chức nhà nước, ngay cả Chính phủ cũng rất cần đến luật sư Việt Nam. Trong thời kỳ hội nhập, mọi quyết sách của Nhà nước đều cần phải phù hợp với thông lệ quốc tế, nên nước ngoài họ rất quan tâm. Khi ta đã ban hành chính sách, pháp luật rồi, nếu sơ hở sẽ bị họ lợi dụng, gây thiệt hại cho ta. Trường hợp ta không làm đúng những điều pháp luật của ta quy định sẽ bị họ kiện, đòi ta phải bồi thường những khoản tiền rất lớn. Thực tế chúng ta đã bị kiện nhiều vụ, có vụ phải bồi thường khoản tiền lớn như Liên đoàn bóng đá chẳng hạn.
Trong điều kiện nền dân chủ XHCN ngày càng được mở rộng, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao. Cơ quan, công chức nhà nước không tuân thủ đúng pháp luật đã và sẽ bị kiện ngày càng nhiều.
Ngay cả những cơ quan tiến hành tố tụng còn có người chưa có bằng đại học luật. Nhiều người có quyền lực lớn nhưng trình độ lại hạn chế. Họ dùng quyền để cho rằng mình muốn làm gì cũng được, từ đó dẫn đến làm oan sai, xâm phạm đến quyền tự do dân chủ của công dân. Nhiều trường hợp gây tác hại rất lớn, đẩy cả một gia đình, cả một doanh nghiệp vào con đường phá sản. Nhưng cái nguy hại nhất là làm mất lòng tin của dân đối với chế độ, đối với Đảng và Nhà nước. Do đó, những người tiến hành tố tụng nếu chỉ muốn làm lợi cho dân cho nước thì họ cũng rất cần đến luật sư để góp phần cùng họ bảo đảm giải quyết vụ việc một cách có căn cứ và đúng luật.
Cá nhân cũng cần đến luật sư. Trên thông tin đại chúng đã cho thấy, nhiều người bỏ tiền tỷ ra để mua nhà ở nhưng hết năm này qua năm khác không nhận được nhà, xem lại hợp đồng mới biết, hợp đồng không có điều khoản nào ràng buộc chủ doanh nghiệp phải giao nhà cho người mua vào thời điểm nào và họ phải có trách nhiệm gì trước số tiền mà họ đã nhận của người mua. Có người mua nhà, đất ở, nhưng trong hợp đồng chỉ viết mua nhà mà không nói gì đến đất, cuối cùng lại phải trả thêm một khoản tiền mới nhận được quyền sử dụng đất.
Tất cả những điều trên đây đã cho thấy cần thiết của luật sư và nghề luật sư ở nước ta.
Hiện nay Thủ tướng chính phủ đã phê chuẩn dự án số 544/QĐ – TTg ngày 14-5-2008 giao cho Bộ Tư pháp chủ trì tuyển chọn hàng trăm chuyên gia pháp luật và luật sư có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ để đưa đi đào tạo ở nước ngoài nhằm đáp ứng những công việc phát sinh trong thời kỳ hội nhập. Song, hoàn toàn không phải chỉ cần có từng ấy là đủ. Từ nay đến năm 2020 xã hội cần có khoảng 18.000 luật sư có đủ trình độ năng lực nghiệp vụ và có đạo đức nghề nghiệp tốt mới bảo đảm đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội.
Nước ta hiện nay có khoảng trên dưới 5 nghìn luật sư. Trong đó nhiều người đã được đào tạo bài bản. Một số đã được học tập ở nước ngoài về. Nhiều người có bằng cấp, học vị giáo sư, tiến sĩ luật, nhưng không phải mọi người đã sống được bằng nghề luật sư. Nhiều người chỉ lấy danh luật sư để hoạt động sinh sống bằng nghề khác.
Trong những năm gần đây, luật sư Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn so với trước. Song chỉ mới phát triển về mặt số lượng, về số lượng chưa cao, chưa đồng đều. Người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thông thao ngoại ngữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn số luật sư hiện nay hiểu biết pháp luật Việt Nam lại không có trình độ ngoại ngữ, hoặc chỉ biết ngoại ngữ trong giao dịch. Ngược lại, có một số học ở nước ngoài về, trình độ ngoại ngữ khá tốt, nhưng hiểu biết về pháp luật Việt Nam lại hạn chế. Những mặt yếu kém đó làm cho luật Việt Nam còn phải phấn đấu nhiều mới theo kịp trình độ luật sư trong khu vực và thế giới. Chính do sự hạn chế ấy làm cho vị thế của luật sư trong xã hội cũng bị ảnh hưởng. Nhiều cơ quan công quyền, và người dân chưa thấy được vai trò, tác dụng của luật sư. Nhất là gần đây có một vài luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cả giới luật sư.
Một số người nhìn luật sư với con mắt thiếu thiện cảm. Họ cho rằng luật sư chỉ đơn giản là người chạy án, nếu không, sẽ không có hiệu quả gì. Tình trạng ấy đã làm bầu không khí vẩn đục, hoài nghi các hoạt động tư pháp dẫn đến mục tiêu của nhà nước pháp quyền càng bị xa vời.
Trước tình trạng trên, việc chấn chỉnh, xây dựng đội ngũ luật sư có đủ số lượng, chất lượng và có phẩm chất đạo đức, thiết nghĩ, đó là nhiệm vụ hàng đầu, thiết yếu của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng như của các đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trong nhiệm kỳ tới. Các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư không thể ỷ vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Tự mình phải có hướng phấn đấu xây dựng cho mình một đội ngũ không chỉ cho ngày nay mà còn cho cả mai sau. Việc đào tạo phải từng bước từ ít đến nhiều, từ trong nước rồi ra nước ngoài. Đào tạo đến đâu bảo đảm chất lượng đến đấy. Có như vậy, từ nay đến năm 2015, 2020 luật sư Việt Nam mới có đủ năng lực và trình độ đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội và không bị thua kém luật sư các nước.
Công ty Luật Dragon