Chuyện về chiếc Thẻ luật sư
(Theo báo người đưa tin)Pháp luật bao giờ cũng phải sát hợp với nhu cầu và đời sống thực tiễn, thực hiện được nhiệm vụ điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh, làm cơ sở thúc đẩy cho sự phát triển và tạo môi trường an toàn pháp lý cho các chủ thể xã hội.
Luật Luật sư năm 2006 sau hơn 5 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, cũng bắt đầu bộc lộ những bất cập, khiếm khuyết liên quan đến tổ chức và hoạt động nghề nghiệp, cần phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu và chiến lược phát triển nghề luật sư ở Việt Nam.
Một trong những vấn đề được Chính phủ đặt ra trong Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư dự kiến báo cáo trước kỳ họp Quốc hội sắp tới nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn về tổ chức, tăng cường tính thống nhất và phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội- nghề nghiệp chính là … việc cấp, đổi, thu hồi Thẻ luật sư.
Nhìn lại lịch sử hình thành của chiếc Thẻ luật sư cho thấy, khi ban hành Pháp lệnh về tổ chức luật sư năm 1987, mỗi Đoàn Luật sư tự ”chế bản” không theo một mẫu thống nhất. Đến khi ban hành Pháp lệnh luật sư năm 2001, Bộ Tư pháp là cơ quan có thẩm quyền xét duyệt tư cách, cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho các luật sự được các Đoàn luật sư đệ trình, sau đó cấp ”phôi” Thẻ luật sư theo mẫu thống nhất, giao về cho chủ nhiệm Đoàn Luật sư địa phương ký (viết bằng tay hoặc đánh máy) để cấp cho từng cá nhân luật sư. Vấn đề quản lý các ”phôi” trên thực tế cũng gặp nhiều khó khăn và trong một số trường hợp, việc cấp, đổi Thẻ luật sư còn có phần dễ dãi, tùy tiện…
Sau khi Luật Luật sư năm 2006 được ban hành, những người đã trải qua khóa 6 tháng đào tạo nguồn luật sư tại Học viện tư pháp, đăng ký tập sự hành nghề luật sư tại các tổ chức hành nghề luật sư trong vòng 18 tháng, sẽ phải trải qua một kỳ thi kiểm tra ở tầm quốc gia do Bộ Tư pháp tổ chức. Nếu đạt kết quả thì họ sẽ được Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Với sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, thẩm quyền cấp Thẻ luật sư được giao về cho tổ chức xã hội- nghề nghiệp toàn quốc này theo quy định tại khoản 6 điều 65 Luật Luật sư. Hiện nay, 7.072 luật sư chính thức đang hành nghề trên cả nước đều đang sử dụng Thẻ luật sư được thiết kế theo mẫu thống nhất do Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam ký, trong đó thể hiện tư cách thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nơi gia nhập.
Tuy nhiên, trong Tờ trình của Chính phủ lần này, dựa trên quan điểm để tăng cường vai trò quản lý của Đoàn Luật sư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề của luật sư, dự thảo Luật quy định theo hướng giao cho Đoàn Luật sư cấp Thẻ luật sư theo mẫu thống nhất do Liên đoàn Luật sư phát hành thay vì giao cho Liên đoàn cấp như hiện nay. Mặt khác, khoản 3 điều 20 dự thảo còn quy định Thẻ luật sư có thời hạn 5 năm và được đổi khi hết hạn. Theo quan điểm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham gia góp ý dự thảo với tư cách là thành viên của Hội đồng thẩm định dự án Luật thì việc sửa đổi, bổ sung nói trên là chưa phù hợp với nhu cầu và thực tiễn. Bởi lẽ, bên cạnh việc Liên đoàn Luật sư Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền cấp Thẻ luật sư, tập hợp và tạo được sự gắn kết các luật sư trong một ngôi nhà chung thống nhất, mà còn thể hiện được vị thế của một tổ chức xã hội- nghề nghiệp toàn quốc, hạn chế tình trạng manh mún, cát cứ trong việc cấp, đổi, thu hồi Thẻ luật sư. Thực tiễn cho thấy, trong ba năm qua, việc cấp, đổi, thu hồi Thẻ luật sư của Liên đoàn thực hiện chặt chẽ, nhanh gọn, hiệu quả, ít sai sót, tạo thuận lợi cho các luật sư hành nghề và giúp cho các Đoàn Luật sư địa phương quản lý dữ liệu luật sư được tốt hơn.
Hơn nữa, như thực tế cho thấy, ngoài việc hiện nay mới chỉ có 62/63 tỉnh thành trên cả nước thành lập Đoàn Luật sư, mặc dù theo mẫu thống nhất của Liên đoàn, nhưng việc Thẻ luật sư được giao cho các Đoàn Luật sư cấp khiến cho trong quá trình hành nghề, các luật sư ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng. Nó cũng dẫn đến xu hướng tập trung hóa việc gia nhập và đăng ký hoạt động của các luật sư vào một số thành phố, trung tâm dịch vụ lớn trong cả nước, làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối trong việc đáp ứng nhu cầu thụ hưởng dịch vụ pháp lý công bằng và kịp thời của người dân. Do luật sư khi hành nghề không bị giới hạn trong phạm vi địa phương mình gia nhập, nên việc luật sư sử dụng Thẻ luật sư do Liên đoàn cấp sẽ tạo sự bình đẳng, không phân biệt vùng miền trong quá trình hành nghề của luật sư. Trong xu thế hội nhập quốc tế, việc các luật sư Việt Nam tham gia tư vấn cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài ở Việt Nam và ra nước ngoài, thậm chí đã có nhiều luật sư tham gia tố tụng ở các thiết chế tài phán quốc tế, với Thẻ luật sư do Liên đoàn cấp sẽ nâng cao vị thế của luật sư Việt Nam trên thị trường dịch vụ pháp lý quốc tế.
Ngoài ra, việc quy định thời hạn cấp Thẻ luật sư giới hạn trong 5 năm cũng chưa phù hợp, vì danh xưng luật sư (cùng với nó là Thẻ luật sư) gắn liền với nhân thân và uy tín nghề nghiệp của mỗi luật sư, tương tự như nghề bác sĩ. Việc tăng cường các biện pháp giáo dục, nâng cao tố chất và đạo đức nghề nghiệp, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình hành nghề luật sư là hết sức cần thiết, là một việc làm thường xuyên của Liên đoàn và các Đoàn Luật sư địa phương. Do đó, theo thiển nghĩ của chúng tôi, việc quy định thời hạn hiệu lực của Thẻ luật sư cần được xem xét lại cho phù hợp với bản chất hoạt động của nghề luật sư.
===========================
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DRAGON
LUẬT SƯ NGUYỄN MINH LONG