0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Giảng viên làm luật sư: Lo ‘chân trong, chân ngoài’

Văn phòng luật sư Dragon – Giảng viên luật nếu tham gia hành nghề luật sư sẽ là nguồn lực bổ sung cho số lượng luật sư giỏi đang bị thiếu, nhưng vẫn còn nhiều đại biểu QH lo tình trạng “chân trong, chân ngoài”, tâm lý nể nang khi tranh tụng.


Sáng 6/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật sửa đổi luật Luật sư.

Theo tờ trình của Chính phủ, định hướng đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 20 ngàn luật sư, với yêu cầu chuyên nghiệp hóa cao.

Chỉ tiêu này khiến đại biểu Bùi Văn Xuyến (Thái Bình) lo lắng khi hiện nay số lượng luật sư, đoàn luật sư ít, có tỉnh chỉ có 4-5 luật sư. Riêng Lai Châu còn chưa có đoàn luật sư. Luật sư nói riêng, đoàn luật sư nói chung tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn.

Ông Xuyến kể: Thái Bình có hơn 40 luật sư nhưng cũng rất hạn chế. Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) cũng cho rằng, ở một nhà nước pháp quyền thì tỉ lệ 1 luật sư/12.000 dân là quá thấp.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa- VũngTàu) nêu thực trạng “thừa luật sư thông thường nhưng thiếu luật sư giỏi về thương mại, luật quốc tế cũng như ngoại ngữ”, do đó không thể tham gia các tranh chấp quốc tế, không tranh tụng được bằng tiếng nước ngoài.

Vụ kiện chống bán phá giá một số sản phẩm của Việt Nam là ví dụ điển hình cho thấy sự “thua thiệt” thị phần, phải thuê tư vấn, dịch vụ pháp lý từ luật sư nước ngoài.

Theo đại biểu, trong khi đó, “đầu vào dễ dãi” của nghề luật sư đang đặt ra không ít vấn đề về chất lượng chuyên môn. Từ đó, nảy sinh thực trạng, thiếu vẫn thiếu, nhưng không ít luật sư, đặc biệt ở địa phương “không có gì để làm” như đại biểu Bùi Văn Xuyến nêu.

Lo luật sư “chân trong, chân ngoài”

Áp lực số lượng lẫn chất lượng đẩy đến tình huống phải tạo nguồn luật sư. Để giải quyết, Chính phủ đưa vào dự thảo quy định “viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật” thuộc diện được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, nhằm thu hút những người có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật tham gia hành nghề luật sư.

Các ý kiến chia xu hướng rõ rệt: ủng hộ nhiều và không ủng hộ không ít. Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) cho hay số giảng viên về pháp luật hiện có khoảng 1.500. Trong bối cảnh “thiếu” như hiện nay, có thể tận dụng lực lượng này để tăng cường sức mạnh cho tòa án.

Để không “bỏ phí chất xám”, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng đồng tình với quy định như dự thảo.

Đại biểu Bùi Thị An

Đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An) cũng cho rằng không nên quá lo việc “chân trong, chân ngoài” của các viên chức giảng dạy pháp luật đồng thời hành nghề luật sư.

Ngay tình huống tế nhị là thầy trò gặp nhau tại tòa cũng không phải là vấn đề tâm lý nể nang, e ngại lớn. Vì tại tòa án, việc tranh tụng diễn ra công khai và có nhiều phương tiện, lực lượng tham gia chứng kiến.

“Đây là điều kiện để cọ xát, về nghề nghiệp, về đạo đức của anh, không vì nể anh này anh kia mà xử khác đi. Nếu cứ sợ chuyện này thì bỏ phí nguồn lực xã hội, chưa chắc tốt cho xét xử ở phiên tòa” – ông Tấn phát biểu.

Ở góc nhìn đối lập, đại biểu Nguyễn Tuyết Liên cho rằng vấn đề không chỉ là tâm lý, không chỉ là giảng viên làm luật sư, trong một số điều kiện ngẫu nhiên, có thể đứng ở hai “chiến tuyến” khi bào chữa tranh chấp, còn có tình cảm, đạo đức, có chi phối.

“Tuy nhiên, tôi không lo chuyện chi phối tình cảm mà lo về ảnh hưởng thời gian giảng dạy. Tôi đề nghị không nên cho giảng viên hành nghề luật sư, chỉ nên tập trung giảng dạy, nghiên cứu tư pháp. Khi làm nghiên cứu, hướng dẫn cho sinh viên…, liệu người thầy còn có thời gian đi làm luật sư hay không? Còn nếu muốn tích lũy kinh nghiệm thì thầy có thể đi thực tế chứ không nhất định phải trực tiếp tham gia tố tụng” – đại biểu nêu.

Những ý kiến đồng tình với đại biểu tỉnh Sóc Trăng cũng cho rằng, nếu để cọ xát, cách tốt nhất là giảng viên có thể quan sát tại tòa để lấy kinh nghiệm thực tiễn.
L.Thư – T.Chung – P.Huyền (VNN)

Công ty luật Dragon