0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Bằng chứng ghi âm trong Bộ luật Tố tụng dân sự

Luật sư Công ty luật Dragon – Theo Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS), băng ghi âm giọng nói được xem là một bằng chứng trước tòa nhưng không hề có luật nào cưỡng chế, bắt buộc đương sự phải cung cấp mẫu giọng nói cho cơ quan chức năng giám định, so sánh. Hiện nay vẫn còn những kẽ hở trong luật đối với việc giám định bằng chứng ghi âm.


Tòa sẽ giải quyết thế nào với trường hợp đương sự không hợp tác giám định bằng chứng ghi âm?

– Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 90 của Bộ luật TTDS có thể hiểu như sau: Khi thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định thì các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan phải có nghĩa vụ thực hiện.

Từ đó, có thể suy ra đương sự phải có nghĩa vụ bắt buộc cho giọng để làm mẫu so sánh trong việc giám định theo như quyết định trưng cầu giám định. Nhưng bất cập ở đây là luật thì có quy định bắt buộc, nhưng nếu đương sự không thực hiện thì luật không nói gì đến việc có chế tài đối với người không thực hiện hay không? Chính vì vậy, các đương sự thường không hợp tác vì không có chế tài dành cho họ.

Theo tôi, có ý kiến trong trường hợp này thì ta nên áp dụng tương tự pháp luật giống như đối với trường hợp xét xử vắng mặt đương sự tại khoản 2, Điều 199 Bộ luật TTDS. Ví dụ: Tòa án có thể ra thông báo yêu cầu đương sự cung cấp mẫu giám định hợp lệ đến lần thứ hai mà đương sự vẫn không hợp tác thì xem như đương sự thừa nhận theo như yêu cầu cần giám định của bên có yêu cầu.

– Trong pháp luật dân sự không có quy định nào buộc đương sự phải phát ra giọng nói của mình để làm cơ sở cho việc giám định. Do đó, nếu như đương sự không hợp tác thì không có cách nào để giám định giọng nói trong băng ghi âm.

Quy định của khoản 2, Điều 83 Bộ luật TTDS yêu cầu phải xuất trình văn bản chứng minh nguồn gốc của bằng chứng ghi âm, ý kiến của luật sư về vấn đề này thế nào?

– Việc này phải cần làm rõ câu chữ của khoản 2, Điều 83. Điều luật ghi: “Các tài liệu nghe được, nhìn được, được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan đến việc thu âm, thu hình đó”.

Nội dung điều luật muốn nhấn mạnh rằng, nếu như một tài liệu (chẳng hạn giấy vay nợ) mà vừa có tài liệu chứng minh bằng văn bản (văn bản này vừa xác nhận xuất xứ của tài liệu, hoặc văn bản này thể hiện các thông tin liên quan đến tài liệu trên) và vừa có băng ghi âm có đính kèm thì băng ghi âm này được xem là chứng cứ.

– Không nên bắt buộc trong mọi trường hợp. Bởi vì khi đương sự không xuất trình được văn bản chứng minh nguồn gốc của file âm thanh, hình ảnh mà mình cung cấp, nhưng tòa vẫn chấp nhận và cho  đối chất, trong quá trình đối chất vẫn có trường hợp xảy ra là phía bên kia thừa nhận đúng là file âm thanh, hình ảnh của mình thì lúc này chứng cứ vẫn được công nhận. Do đó, nếu cứng nhắc theo quy định này thì đương sự sẽ bị bác yêu cầu ngay khi cung cấp file âm thanh, hình ảnh mà không có văn bản chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, vì vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Trường hợp tòa bác yêu cầu giám định, các luật sư sẽ phải làm gì để đảm bảo quyền lợi cho thân chủ của mình?

– Nếu như toà án bác yêu cầu giám định băng ghi âm thì toà đã vi phạm thủ tục tố tụng.  Các đương sự có quyền khiếu nại đến chánh án toà án nơi thẩm phán thụ lý vụ án trên để yêu cầu phải giám định băng ghi âm.

– Theo nguyên tắc chung của Luật TTDS, khi bác yêu cầu về một vấn đề gì mà đương sự có đơn yêu cầu giải quyết thì tòa án phải ban hành bằng văn bản và cho thời hạn khiếu nại hoặc kháng cáo nếu là bản án kể từ ngày đương sự nhận được văn bản đó.

Trong pháp luật dân sự không có quy định nào buộc đương sự phải phát ra giọng nói của mình để làm cơ sở cho việc giám định. Do đó, nếu như đương sự không hợp tác thì không có cách nào để giám định giọng nói trong băng ghi âm.

Văn phòng luật sư Dragon