0983 019 109

Văn phòng luật sư uy tín tại Việt Nam.

Sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Van phong luat su Ha Noi – Tại phiên họp sáng 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét các Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ ghi nhận, trong năm 2012, cùng với quá trình thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XI, tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, phần lớn dung lượng của bản Báo cáo được dành để phân tích 4 mặt tồn tại cơ bản trong công tác này, thể hiện qua các lĩnh vực: quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước; đầu tư công; quản lý, sử dụng đất đai; tình trạng sử dụng vốn và tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước vừa qua còn hạn chế, vấn đề nổi lên là tình trạng trốn lậu, nợ đọng thuế còn lớn và tiếp tục gia tăng. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng tình hình khó khăn chung cố tình chây ỳ không nộp đầy đủ tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số nợ đọng tiền thuế đến cuối tháng 7-2012 tăng 939 tỉ đồng so với năm 2011.

Trong khi đó, việc chi ngân sách nhà nước còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính không nghiêm, sai phạm vẫn còn nhiều. Việc phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước nhất là Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình trái phiếu Chính phủ rất chậm so với quy định và so với năm 2011 ở các cấp ngân sách. Tổng số vốn trái phiếu Chính phủ bố trí của 5 năm chỉ đáp ứng được khoảng dưới 36% số công trình, dự án đã và đang dở dang. Nhu cầu vốn để hoàn thành 20.921 dự án đang triển khai theo tổng mức đầu tư là 512.230 tỉ đồng. Ngoài ra còn 7.335 dự án đã có quyết định đầu tư, với tổng mức đầu tư là 273.469 tỉ đồng nhưng hết năm 2011 chưa được bố trí vốn…

Đặc biệt, lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai còn lãng phí, nhiều hạn chế, bất cập chưa được xử lý kịp thời làm phát sinh những vấn đề phức tạp trong xã hội. Cụ thể, trong 2 năm 2011, 2012 đã thu hồi đất của 792 tổ chức với diện tích 12.550,4 ha; đang lập hồ sơ thu hồi đất của 163 tổ chức với diện tích 1.502 ha; chưa xử lý 3.738 tổ chức với diện tích 60.073 ha. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, hệ thống thanh tra nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý thu hồi 1.610 ha đất do quản lý, sử dụng không đúng quy định.

Về sử dụng vốn và tài sản tại các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý hiệu quả kinh doanh của khối doanh nghiệp nhà nước thấp, chưa tương xứng với lợi thế của loại hình doanh nghiệp này, chưa đảm bảo vị trí, vai trò trong nền kinh tế. Nhiều tập đoàn, tổng công ty sản xuất kinh doanh thua lỗ (như Tập đoàn Xăng dầu, Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam…).

Mặt khác, các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu sử dụng vốn tín dụng, kết quả kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào lãi suất ngân hàng. Từ năm 2009 đến cuối năm 2011, cung cầu mất cân đối, hàng hoá tồn kho lớn, chậm luân chuyển, gây áp lực lớn làm tăng nợ xấu của hệ thống ngân hàng (doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn tín dụng chiếm tới khoảng 70% tổng số nợ xấu, trong đó các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu)…

Sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những kiến nghị quan trọng được nêu nhằm chấn chỉnh tình hình. Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, tới đây cần quy định rõ những nội dung về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra lãng phí, có chế tài xử lý cụ thể, phù hợp, vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục, thuyết phục. Đồng thời cần rà soát về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước, xác định rõ thẩm quyền, hạn chế tối đa những lỗ hổng trong thực thi pháp luật.

Về phía Chính phủ, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; hệ thống định mức, chế độ, tiêu chuẩn, hoặc mục tiêu theo quy định cần được hoàn thiện và minh bạch hóa…

* Cuối phiên họp sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét Tờ trình của Văn phòng Quốc hội về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý tại phiên họp này, Văn phòng Quốc hội tiếp tục hoàn thiện Tờ trình, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối tại phiên họp thứ 12 (tháng 10/2012).

Theo SGGPO

Công ty luật Dragon – Văn phòng luật sư Dragon Hà Nội