“Quyền riêng tư” có là “vô biên”?

Tại Dự thảo Hiến pháp, “quyền riêng tư” là quyền bất khả xâm phạm. Phải chăng nếu điều này có hiệu lực, hễ cơ quan báo chí, công dân, cơ quan chức năng “động” đến “quyền riêng tư” là có thể bị kiện?

Quyền riêng tư có “vô biên”?

Tại khoản 1 điều 23 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã ghi rõ: “Mọi công dân có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý

Điều này đã được sửa đổi từ điều 73 của Hiến pháp 1992 cũ và nâng cao hơn các điều quy định về quyền bí mật đời tư và các quyền khác liên quan đến nhân thân trong Bộ Luật dân sự 2005. Tại Hiến pháp cũ và cả Bộ luật dân sự cũng chỉ đặt ra, công dân có quyền bảo vệ quyền riêng tư, được bồi thường nếu bị xâm hại. Nhưng đến Hiếp pháp mới, quyền riêng tư được coi là quyền bất khả xâm phạm. Như vậy, khi đưa vào Hiến pháp, Nhà nước đứng ra bảo hộ nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm.
Tài liệu có nội dung Dự thảo Hiến pháp

Nhiều người dân khi đọc điều luật tại dự thảo đều rất băn khoăn về nguy cơ bị kiện là rất cao khi trong đời sống thực tế nhiều khi rất khó phân biệt đâu là ranh giới của quyền riêng tư. Anh Lê Đức Bắc, sinh viên Đại học Luật Hà Nội cho biết: “Cuộc sống có rất nhiều thứ đan xen nhau, nhiều khi có cả riêng tư có cả đời sống cộng đồng. Tôi lấy ví dụ thế này, một thanh niên mặc cảnh phục đèo đằng sau là bạn gái đi vào đường cấm người dân có quyền quay phim, chụp ảnh không?  Với tình huống này, nếu coi là đời sống riêng tư của thanh niên đó và là quyền bất khả xâm phạm thì người dân không có quyền quay phim, chụp ảnh. Nếu như vậy, những chuyện xâm phạm trật tự công không thể bị lên án trong trường hợp này?”. Những thắc mắc của anh Bắc không phải là không có cơ sở. Phải chăng dự thảo đưa quyền riêng tư của công dân đến giới hạn “vô biên”?

“Cửa” nào cho báo chí?

Khi nói quyền riêng tư được nâng lên trong Hiến pháp, chính báo chí lại là đối tượng liên quan nhiều nhất. Một thực tế những năm gần đây, vấn đề xâm phạm đời tư công dân chủ yếu, rõ nhất xảy ra trên báo chí. Điều này khiến nhiều người băn khoăn đặt ra những câu hỏi:

Vậy nếu điều 23 Dự thảo Hiến pháp có hiệu lực thì những xâm phạm quyền riêng tư trên báo chí có thuyên giảm không?

Báo chí có bị “trói tay” khi vì  bảo vệ lợi ích công mà phải đưa ra những thông tin đời tư?

Hay một vấn đề khác, những đối tượng bị báo chí “phanh phui” có dùng “bình phong” quyền riêng tư để gây cản trở báo chí tác nghiệp?

Những câu hỏi này đang là nỗi trăn trở cho rất nhiều người làm báo, từ cây bút điều tra chống tiêu cực đến những cây bút viết về vấn đề giải trí. Một ví dụ rất điển hình minh chứng điều này, dư luận đã từng biết về  vụ việc Báo Người cao tuổi công bố một số thông tin mang tính cá nhân của một đại biểu quốc hội. Kết quả, báo nêu là đúng và vị đại biểu quốc hội này sau đó đã không còn là…. đại biểu quốc hội nữa. Nếu quy định như Dự thảo Hiến pháp thì việc thu thập thông tin đời sống riêng tư cá nhân đã bị “ngăn chặn” ngay từ đầu. Vậy làm sự việc sao có thể được công khai trên báo chí?
Khi còn là Đại biểu Quốc hội, Bà Đặng Thị Hoàng Yến đã đề xuất dự án Luật bảo về quyền riêng tư, nhưng chưa được Quốc hội tiến hành thảo luận. Ảnh internet.

Lý giải cho câu hỏi này, luật sư Nguyễn Minh Long, Trưởng văn phòng luật sư Dragon, cho biết: “Thực ra, tại Dự thảo Hiến pháp, khoản 2 điều 15, đã có quy định, “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, chính điều 15 đã giới hạn quyền riêng tư của công dân chứ không phải quyền riêng tư là “vô biên”. Tại khoản 2 điều 16 Dự thảo Hiến pháp cũng lặp lại giới hạn này”.

Luật sư Long nói rõ hơn: “Nói như vậy có thể hiểu, nếu báo chí hay cơ quan chức năng khác hoặc công dân thực hiện hoạt động vì lợi ích công, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng thì hoàn toàn có thể mà không xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư”

“Để góp ý, tôi muốn sửa điều 23 gói gọn trong một câu: “Công dân có quyền bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Cần phải bỏ đoạn: Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý.”

 

 

 

Luật sư Nguyễn Minh Long, Đoàn Luật sư Hà Nội.

 

Luật sư Nguyễn Minh Long, Đoàn luật sư Tp Hà Nội
Khác với ý kiến của Luật sư Hoàng Cao Sang (bài trước), Luật sư Nguyễn Minh Long lại đề nghị: “Không nên quy định chi tiết quá như vậy trong đạo luật gốc (Hiến pháp) những điều này nên chỉ quy định tại luật dân sự. Nếu góp ý, tôi muốn sửa điều 23 gói gọn trong một câu: “Công dân có quyền bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình” cần phải bỏ đoạn: Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý. Như vậy, Hiến pháp không làm hết phần của các luật khác và không gây ra hiểu lầm cho người dân khi cơ hội tiếp xúc thông tin chưa được đầy đủ.”
Mặc dù đã đặt ra những giới hạn về quyền riêng tư trong những điều luật khác nhưng điều 23 Dự thảo Hiến pháp, quy định về quyền riêng tư công dân, cần thay đổi để người dân không bị ngộ nhận về ranh giới của quyền này là “vô biên” và cũng không nên quy định quá chi tiết sẽ “gây khó” cho ngành luật phía dưới. Đó là quan điểm của nhiều luật sư, nhà báo mong muốn gửi đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Hồng Chuyên (infonet)

Hiến phápluat su nguyen minh longquyền riêng tưTrưởng văn phòng luật sư Dragon
Comments (0)
Add Comment