Hàng năm, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm (GĐT), tái thẩm mà ngành Tòa án tiếp nhận mới khá lớn, cộng với một lượng lớn đơn khiếu nại cũ tồn đọng từ năm trước gây ra áp lực công việc vô cùng nặng nề. Trong lúc nguồn nhân lực chưa tương xứng, ngành Tòa án và người dân đang phải sống trong tình cảnh cùng “rượt đuổi công lý”.
Những con số giật mình
Theo số liệu thống kê của TANDTC, năm 2009 số đơn yêu cầu GĐT, tái thẩm mà ngành Tòa án giải quyết là 4.712 đơn/vụ, đạt gần 40% tổng số thụ lý. Trong đó, có đến 3.894 vụ bị trả lời không có căn cứ GĐT, chỉ có 818 vụ được kháng nghị chiếm 6,83% số vụ án phải giải quyết theo trình tự GĐT, tái thẩm và chiếm 0,3% tổng số các loại vụ án mà toàn ngành đã giải quyết. Năm 2010, số đơn đề nghị GĐT, tái thẩm mà toàn ngành phải giải quyết là 10.072 đơn/vụ (trong đó 6.157 đơn/vụ cũ còn lại, 3.915 đơn/vụ mới phát sinh). Tuy nhiên, mới chỉ xem xét giải quyết được 4.081 đơn/vụ (bằng 48%, tăng hơn so với năm trước 89 đơn/vụ). Trong đó đã trả lời cho các đương sự không có căn cứ kháng nghị 3.705 vụ, đã kháng nghị 1.096 vụ do có vi phạm về thủ tục tố tụng, thiếu chứng cứ hoặc đánh giá sai chứng cứ dẫn tới việc giải quyết vụ án không đúng pháp luật; tồn đọng 5.271 đơn/vụ.
“Công tác giải quyết đơn đề nghị GĐT, tái thẩm của ngành TAND nói chung và TANDTC nói riêng ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng đơn được giải quyết và chất lượng năm sau cao hơn năm trước. Trong quá trình giải quyết, TAND các cấp đã tập trung lực lượng cán bộ hoặc phối hợp với VKS để giải quyết các đơn bức xúc, kéo dài hoặc sắp hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục GĐT, tái thẩm từ đó đã giảm bớt đáng kể tình trạng căng thẳng, phức tạp, khiếu nại đông người.
Đặc biệt, khi giải quyết, các Tòa án đã chú trọng công tác tiếp dân, gắn việc tiếp dân với xem xét, giải quyết các vụ việc của công dân theo đúng quy định của pháp luật. Thông qua công tác giải quyết đơn đề nghị GĐT, tái thẩm các sai sót về chuyên môn, nghiệp vụ được phát hiện và khắc phục kịp thời; các khó khăn bất cập được tập hợp để xem xét, tìm biện pháp tháo gỡ; các vướng mắc trong thực tiễn xét xử được nghiên cứu, tổng kết, từng bước xây dựng và ban hành các nghị quyết của HĐTP và Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong toàn ngành.
Năm 2011, số lượng đơn khiếu nại, tố cáo mà ngành phải thụ lý, giải quyết có giảm, nhưng khiếu nại về tư pháp vẫn diễn biến khá phức tạp. Số thụ lý mới có 3.295 đơn/vụ cộng với 5.174 đơn/vụ còn lại của kỳ trước thì tổng số đơn đề nghị GĐT, tái thẩm mà TANDTC và các TAND cấp tỉnh phải giải quyết là 8.469 đơn/vụ. Đã giải quyết được 4.181 đơn/vụ (đạt 50%), tăng hơn cùng kỳ năm trước 485 đơn/vụ.
Số đơn còn lại là 4.288 đơn/vụ đều còn trong thời hạn kháng nghị GĐT, tái thẩm và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định.
Lượng đơn “khủng” bị tồn kho
Như vậy, trung bình mỗi năm, ngành Tòa án phải giải quyết khoảng gần 10.000 đơn/vụ yêu cầu GĐT, tái thẩm; trong số đó có một nửa là đơn mới tiếp nhận, một nửa là đơn cũ từ năm trước tồn đọng lại.
Tuy nhiên, mỗi năm toàn ngành mới chỉ xem xét giải quyết được khoảng 50% lượng đơn, số đơn còn lại sẽ tiếp tục được xem xét giải quyết trong năm sau.
Trong số những đơn “tồn kho” đó, nhiều vụ công dân gửi đơn yêu cầu kháng nghị trong thời hạn luật quy định nhưng do không được giải quyết kịp thời nên đến khi được xem xét giải quyết thì vụ án đó đã quá hạn, vụ án đã được thi hành án xong xuôi, làm phương hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân.
Việc chậm giải quyết đơn khiếu nại GĐT, tái thẩm đã gây bức xúc cho người dân, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại phức tạp kéo dài.
Tại Hội nghị toàn quốc ngành Tòa án nhân dân năm 2011, đồng chí Trương Hòa Bình- Chánh án TANDTC đã chỉ đạo các cấp tòa án phải ưu tiên giải quyết đối với các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị GĐT, tái thẩm, các đơn bức xúc kéo dài nhằm đảm bảo tất cả các đơn đề nghị GĐT, tái thẩm phải được xem xét giải quyết trong thời hạn quy định của pháp luật.
Quán triệt ý kiến chỉ đạo đó, nên trong thời gian qua nhiều vụ việc bức xúc kéo dài đã được tập trung xem xét giải quyết dứt điểm; chất lượng giải quyết đơn kháng nghị và xét xử GĐT, tái thẩm đã từng bước được nâng lên.
Đặc biệt, tình trạng một số vụ khiếu nại trước đó đã được trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC lại ra kháng nghị để giải quyết theo trình tự GĐT, tái thẩm đã được hạn chế. Hầu hết các kháng nghị của Chánh án TANDTC và kháng nghị của Chánh án TAND cấp tỉnh đều đúng căn cứ pháp luật, được HĐXX giám đốc thẩm chấp nhận.
Cần quy định rõ trách nhiệm
Luật hiện hành quy định thẩm quyền kháng nghị GĐT chỉ có Chánh án TANDTC và Viện trưởng Viện KSNDTC. Tuy nhiên, việc trả lời đơn khiếu nại thì qua 3 cấp: cấp một là Tòa chuyên trách của TANDTC, cấp hai là Phó Chánh án trả lời ký thay Chánh án, rồi cấp thứ ba mới là Chánh án.
Quy định như vậy nên thực tế, phần lớn người dân không bằng lòng với trả lời đơn ở cấp một, cấp hai nếu yêu cầu của họ chưa được đáp ứng. Vì lẽ đó, mỗi năm Chánh án phải có trách nhiệm trả lời cả chục ngàn đơn xin GĐT, dẫn đến tình trạng “bội thực” đơn GĐT.
“Lâu nay, những hạn chế, tồn tại của công tác GĐT đã trở thành bài toán hóc búa mà ngành tòa án chưa tìm ra lời giải. Để tạo được bước đột phá cho công tác GĐT, ngành Tòa án cần phải đầu tư, đổi mới hơn nữa về công tác cán bộ trên cả phương diện đạo đức lẫn năng lực chuyên môn. Cần phải kiểm tra để ưu tiên giải quyết trước những vụ việc phức tạp, bức xúc, kịp thời giải tỏa tình trạng căng thẳng. Bên cạnh đó, cũng cần đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật xứng tầm để phục vụ công tác thông suốt, khoa học.”
Một trong những nguyên dân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều công dân đã lợi dụng quyền năng được đề nghị GĐT, tái thẩm.
Nhiều bản án đã được áp dụng đúng pháp luật, hoàn toàn không có căn cứ kháng nghị nhưng công dân vẫn có đơn yêu cầu kháng nghị nhiều lần khiến lượng việc quá tải, gây mất thời gian, công sức, tốn kém tiền của của Nhà nước.
Ngược lại, có trường hợp công dân khiếu nại bản án đúng thời hạn nhưng đơn bị “tồn kho”, đến khi được kháng nghị thì khâu thi hành án đã xong xuôi, gây ra thiệt hại nặng nề.
Vấn đề đặt ra là pháp luật cần có chế tài về trách nhiệm của người có thẩm quyền ra kháng nghị GĐT quá hạn, xử GĐT sai; đồng thời quy định rõ trách nhiệm đối với công dân lạm dụng quyền năng khiếu nại GĐT, tái thẩm không đúng căn cứ pháp luật.
Một mặt, ngành tòa án cần phải kiện toàn hơn nữa đội ngũ cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật xứng tầm để tạo được bước đột phá về công tác cán bộ trên cả phương diện đạo đức và năng lực chuyên môn.
Nếu không thì mãi mãi ngành Tòa án sẽ chỉ trong hành trình rượt đuổi công lý không bao giờ dứt bởi vì lượng án càng ngày càng tăng, sức ép ngày càng chồng chất, nặng nề.
Nếu cứ tiếp diễn tình trạng cán bộ phải làm việc quá nhiều, quá tải sẽ khó tránh được sai sót, ảnh hưởng tới tinh thần thượng tôn pháp luật, làm giảm sút lòng tin của nhân dân.
Trần Nguyên