Tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, anh không hình dung thử thách khắc nghiệt của nghề nghiệp không phải đến từ những phiên toà nóng bỏng nơi công đường, mà chính là quyền tự do thân thể và danh dự uy tín của mình bị xúc phạm một cách đặc biệt nghiêm trọng.
Vào ngày 31.3.2010, sau khi tham gia phiên toà bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho một bị đơn trong vụ kiện tranh chấp ly hôn tại TP Đông Hà, Quảng Trị, anh và người em đang uống càphê tại quán Sao Xanh trên đường Lê Quý Đôn, TP Đông Hà thì bị một thanh niên xông vào dùng mũ bảo hiểm đánh thẳng vào mặt và đầu, sau đó ném ly thuỷ tinh vào mặt. Theo kết quả điều trị ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, luật sư Phạm Văn Khánh bị đa chấn thương vùng đầu và mặt, phải khâu 13 mũi…
Sự việc đối tượng hành hung dẫn đến thương tích đối với luật sư Phạm Văn Kh. vừa nêu không chỉ xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ và nhân phẩm của luật sư, mà còn thể hiện thái độ coi thường pháp luật, cố ý xâm hại đến quyền hành nghề hợp pháp của luật sư khi tham gia tố tụng trong vụ án dân sự, gây sự phẫn nộ sâu sắc trong dư luận và đông đảo giới luật sư cả nước.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Liên đoàn Luật sư VN đã có văn bản gửi đến Giám đốc Công an và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Trị đề nghị tiến hành điều tra làm rõ và xử lý nghiêm khắc người đã gây ra thương tích nghiêm trọng cho luật sư Kh.
Trong những năm gần đây, bên cạnh bước chuyển rất cơ bản trong nhận thức xã hội và quan niệm của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với vị trí, vai trò của luật sư, vẫn còn những cản ngại, khó khăn nhất định trong quá trình luật sư tham gia tố tụng trong các vụ án hình sự và một số hoạt động tố tụng khác.
Bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm khi hành nghề của luật sư, ở một phạm vi hẹp, có hiện tượng trật tự, kỷ cương xã hội không nghiêm, thiếu cơ chế bảo vệ, nên một số luật sư đã bị đương sự tố cáo sai sự thật, rượt đuổi đánh ngay tại phiên toà, bị xâm phạm trực tiếp và gây thương tích trên thân thể, bị đe doạ, hành hung, tung tin ác ý, thậm chí đặt vòng hoa, đưa quan tài… đến tận Văn phòng luật sư để đe doạ, nhục mạ.
Trách nhiệm của luật sư là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân, nhằm bảo vệ thực thi đúng đắn và sự công minh của pháp luật. Về mặt quan niệm, trong một chừng mực nhất định, có thể nói, chế định luật sư là tài sản văn minh pháp lý của nhân loại, là tiêu chí đánh giá mức độ phát triển dân chủ của xã hội.
Nếu quyền và lợi ích hợp pháp khi hành nghề của luật sư mà không bảo vệ được, thậm chí bị xâm phạm không được giải quyết công bằng hợp lý thì quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự liệu có bảo vệ được không ? Nói rộng ra, làm sao thực hiện được chức năng xã hội của luật sư là góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh?
Bảo vệ quyền và lợi ích hành nghề hợp pháp của luật sư, bảo đảm hành nghề theo pháp luật của luật sư là một trong những nhiệm vụ, đồng thời là quyền hạn quan trọng của Liên đoàn Luật sư VN và các đoàn luật sư địa phương. Nhiệm vụ này có quan hệ đến sự phát triển của nghề luật sư, đến mức độ tín nhiệm của công chúng trong xã hội đối với luật sư, đến giá trị kỳ vọng của người dân đối với tính minh bạch và công bằng của nền tư pháp và sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền của nước ta.
Do đó, bên cạnh trách nhiệm của Liên đoàn Luật sư VN nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư, tạo lập không gian cho sự sinh tồn và phát triển nghề luật sư, rất cần một sự đồng thuận trong xã hội lên án các hành vi xâm phạm đến quyền hành nghề của luật sư và sự cần thiết xử lý kịp thời, nhanh chóng, nghiêm khắc của các cơ quan chức năng và tiến hành tố tụng đối với hành vi vi phạm nói trên.
Luật sư Phan Trung Hoà