Năng lực giao thông còn hạn chế
Khoảng một tuần nay, khi các trường học bắt đầu vào năm học mới, mật độ giao thông trên các đường phố ở Thủ đô tăng đột biến. Vào giờ cao điểm buổi sáng, buổi chiều, ùn tắc giao thông diễn ra trên các tuyến đường Khuất Duy Tiến, đường Láng, nút Lê Văn Lương- Láng, đường Trường Chinh, phố Tây Sơn, khu vực ngã ba đê La Thành – Võ Văn Dũng, nút giao thông Thanh Xuân… Thấy tắc, nhiều người đi xe máy rẽ vào các ngõ, ngách ở khu dân cư lân cận để mong thoát khỏi đám đông, nhưng tình hình còn tệ hơn, bởi ngõ nhỏ vừa lộn xộn, vừa chật như nêm, bởi hàng quán, người và xe.
Theo Sở Giao thông vận tải, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 7.300 km đường giao thông, chỉ chiếm khoảng 7% diện tích đô thị (trong khi theo quy hoạch là phải đạt từ 20% đến 25%); mặt đường hẹp, 80% số đường, phố có mặt cắt dưới 11m. Cơ sở hạ tầng còn hạn chế, trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh. Trung bình mỗi năm, có hơn 181 nghìn xe đăng ký mới, trong đó có hơn 20 nghìn xe ô-tô, hơn 161 nghìn xe máy, tăng từ 12 đến 15%/năm. Riêng trong sáu tháng đầu năm nay, thành phố có thêm 28 nghìn xe ô-tô và hơn 155 nghìn xe máy đăng ký mới, đưa tổng số phương tiện trên địa bàn thành phố là hơn bốn triệu, chưa kể khoảng 50 nghìn xe của người dân các tỉnh, thành phố khác hằng ngày vào thành phố học tập, làm việc. Những con số đó so với số km đường hiện có cho thấy một mật độ phương tiện dày đặc.
Thành phố hiện có 2.150 nút giao thông, trong đó lại chỉ có 181 nút được lắp đặt đèn tín hiệu giao thông. Hầu hết đều vượt quá khả năng thông xe, giao thông tại các nút, nhất là vào giờ cao điểm đều rất “căng”. Hà Nội còn là nơi hội tụ của các tuyến giao thông quan trọng như quốc lộ 1A, quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 5, quốc lộ 6, quốc lộ 32 và quốc lộ 68, nên vai trò của hệ thống đường tránh, đường vành đai, các cửa ngõ rất quan trọng. Song, trong thực tế, hệ thống này còn yếu kém, là nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại các cửa ngõ của thành phố, nhất là vào những ngày lễ, Tết. Ngoài ra, hệ thống thoát nước trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước hiện nay, nên cứ khi có mưa lớn là lại xảy ra mất trật tự và ùn tắc giao thông.
Với những hạn chế nói trên, thành phố xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó khẩn trương triển khai xây dựng các công trình giao thông cấp bách nhằm giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng các loại hình, phương tiện vận tải hành khách công cộng, góp phần hạn chế sự gia tăng và từng bước giảm dần phương tiện giao thông cá nhân. Hiện, trên địa bàn thành phố có 21 dự án giao thông quan trọng đang được triển khai gồm: đường 32 (đoạn Cầu Diễn – Nhổn); đường vành đai 2; đường Cát Linh – La Thành – Thái Hà – Láng; đường Văn Cao – Hồ Tây; đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch – Nội Bài) và đường vành đai 3 trên cao; đường Liễu Giai – Núi Trúc; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 6 (đoạn Hà Ðông – Xuân Mai); đường quốc lộ 1A cũ; cống hóa các tuyến mương; cải tạo các nút giao thông; cải tạo và xây mới các cây cầu yếu… Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra thì tiến độ triển khai những dự án giao thông đều chậm. Việc giải phóng mặt bằng kéo dài, thi công không nhanh gọn, dứt điểm đã cản trở việc đi lại của nhân dân trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận.
Hệ thống giao thông còn nhiều hạn chế, năng lực quản lý, điều hành giao thông cũng còn yếu, trong khi đó nhiều người dân thiếu ý thức chấp hành luật lệ trong khi tham gia giao thông càng làm cho tình hình giao thông khó được cải thiện.
Giải pháp nào để cải thiện tình hình giao thông?
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Nhiệm vụ và giải pháp hàng đầu của ngành để kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông là tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chuyên ngành và hoàn thành các đề án như: rà soát, sắp xếp các bến, bãi đỗ xe, quản lý ta-xi… Ðồng thời, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông, triển khai các dự án giao thông mang tính đột phá để phát triển mạng lưới khung về kết cấu hạ tầng giao thông. Sở phấn đấu trước ngày 31-10 sẽ phê duyệt 14 dự án để chuẩn bị cho kế hoạch 2012, trong đó có mười dự án cầu và ba dự án đường; hoàn thành đấu thầu 6/9 dự án cải tạo chống xuống cấp và triển khai 18/36 công trình an toàn giao thông. Quản lý, khai thác có hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; nghiên cứu, tổ chức sắp xếp giao thông linh hoạt, hợp lý theo từng giai đoạn, theo từng khu vực và triển khai nghiên cứu áp dụng hệ thống giao thông thông minh, sử dụng rộng rãi hệ thống điều khiển giao thông tự động. Tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tổ chức giao thông tại một số nút và trên một số tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc…
Tại buổi làm việc với Sở Giao thông vận tải Hà Nội cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo ngành trước mắt cần tập trung thực hiện các biện pháp tổ chức giao thông. Công tác này hiện nay đang được triển khai chậm và có nhiều bất cập, muốn thực hiện tốt đòi hỏi phải có cơ chế phối hợp giữa các ngành, các lực lượng sao cho hiệu quả. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Sở là phải trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch giao thông. Song song với nhiệm vụ này, ngành cần đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đôn đốc thi công dứt điểm, nhanh gọn các dự án giao thông đang triển khai trên địa bàn. Ðồng thời cần tập trung cải tạo hệ thống giao thông nội đô và tìm những giải pháp tổ chức giao thông hợp lý nhất tại các nút giao thông, tìm các giải pháp để từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Bài toán giao thông của Hà Nội rất nan giải, đòi hỏi triển khai các giải pháp phải rất đồng bộ, khẩn trương và thực hiện quyết liệt đến nơi đến chốn. Nếu đề ra nhiều giải pháp nhưng thực hiện chậm chạp, manh mún, thiếu quyết tâm thì chỉ làm cho giao thông của Hà Nội thêm “khó gỡ”.