Văn phòng luật sư Dragon – Mỗi đoàn luật sư tiến hành xử lý kỷ luật luật sư vi phạm một kiểu nên không đảm bảo công bằng: Cùng hành vi, mức độ sai phạm nhưng nơi chỉ khiển trách, nơi lại xóa tên…
Hầu hết các đại biểu tham gia hội thảo về thực trạng, quy chế, quy trình xử lý kỷ luật luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 18-8 đều đồng ý là càng sớm ban hành quy chế, quy trình xử lý kỷ luật luật sư vi phạm ngày nào càng tốt ngày đó…
Mỗi nơi làm một kiểu
Theo luật sư Hoàng Huy Được, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, kết quả khảo thực trạng xử lý kỷ luật luật sư cho thấy về trình tự, thủ tục, hiện mỗi đoàn luật sư đang làm một kiểu do chưa có quy chế chung.
Cụ thể, dù Luật Luật sư đã có hiệu lực từ lâu nhưng một số đoàn luật sư như Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Kon Tum… vẫn duy trì hội đồng khen thưởng kỷ luật theo mô hình của Pháp lệnh Luật sư năm 2001.
Hiện mới chỉ có hai đoàn luật sư của TP Hà Nội và TP.HCM là ban hành quy chế khen thưởng kỷ luật, còn gần như toàn bộ các đoàn được khảo sát đều không có. Việc khen thưởng, kỷ luật của các đoàn chủ yếu dựa vào Điều lệ Đoàn luật sư hoặc quy chế khen thưởng kỷ luật do Sở Tư pháp ban hành.
Có đoàn luật sư hằng năm kỷ luật cả chục luật sư vi phạm nhưng cũng có đoàn luật sư như Đà Nẵng, Long An, Gia Lai… từ khi thành lập đến nay chưa hề kỷ luật bất cứ luật sư nào. Mặt khác, do thiếu quy định cụ thể về chế độ báo cáo định kỳ, đặc biệt là thiếu những quy định mang tính chế tài đối với việc không báo cáo đã dẫn đến tình trạng có đoàn báo cáo, có đoàn không.
Hiện mới chỉ có hai đoàn luật sư của TP Hà Nội và TP.HCM ban hành quy chế khen thưởng kỷ luật. Trong ảnh: Các luật sư đang làm nhiệm vụ tại một phiên tòa hình sự ở TP.HCM.
Về hình thức, nội dung của quyết định xử lý kỷ luật cũng không có mẫu chung thống nhất mà mỗi đoàn luật sư mỗi khác. Quyết định của nhiều đoàn luật sư có hiệu lực ngay khi ký nhưng cũng có quyết định của đoàn chỉ có hiệu lực sau khi ký 15 ngày…
Ban hành quy chế là điều cấp thiết
Hầu hết các đại biểu tham gia góp ý đều nhấn mạnh đến việc cần cấp thiết ban hành quy chế xử lý kỷ luật luật sư.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nhìn nhận: Do chưa có quy định thống nhất và chi tiết về trình tự, thủ tục xem xét kỷ luật luật sư nên quy trình thụ lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo luật sư của hội đồng khen thưởng kỷ luật của các đoàn nơi thì lúng túng, nơi thì tùy tiện. Việc xử lý kỷ luật đối với những luật sư vi phạm vì thế mà còn nhiều hạn chế, bất cập.
Luật sư Chu Đức Lưu, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, góp ý: Để cho việc thưởng hay kỷ luật được công bằng, khách quan đòi hỏi phải có một quy chế chung cho tất cả các đoàn luật sư. Thực tế, vì thiếu các quy chế thống nhất, cụ thể mà nhiều lúc hoạt động khen thưởng, kỷ luật của nhiều đoàn luật sư đã bị cơ quan quản lý nhà nước can thiệp.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Thị Dung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kon Tum, phân tích thêm: Xử lý kỷ luật luật sư là một việc mà kể cả người kỷ luật lẫn người bị kỷ luật đều không ai muốn. Nhưng với số lượng luật sư cả nước hiện là hơn 6.000 luật sư và sẽ còn tiếp tục tăng thêm nhiều trong những năm tới thì việc ban hành một bộ quy chế xử lý kỷ luật luật sư là hết sức cần thiết. Đó sẽ là công cụ của các đoàn luật sư trong việc xem xét xử lý các luật sư vi phạm. Việc ban hành quy chế vừa tạo sự thống nhất trong cách xử lý kỷ luật, vừa tạo nên sự răn đe cần thiết đối với những luật sư vi phạm, vừa tăng hiệu quả trong công tác nâng cao đạo đức hành nghề của luật sư.
Hà Nội và TP.HCM kỷ luật nghiêm túc nhất
Theo thống kê của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, kể từ năm 2010 đến nay, liên đoàn đã nhận được báo cáo của bảy đoàn luật sư với 12 trường hợp luật sư bị xử lý kỷ luật. Trong đó, hai đoàn luật sư có số lượng luật sư bị kỷ luật cao nhất là Đoàn Luật sư TP Hà Nội và Đoàn Luật sư TP.HCM.
Theo kết quả khảo sát, từ năm 2002 đến năm 2006, thực hiện Pháp lệnh Luật sư 2001, Đoàn Luật sư TP.HCM đã kỷ luật 19 trường hợp, trong đó một luật sư bị khiển trách, hai bị cảnh cáo, 16 bị xóa tên khỏi danh sách. Từ năm 2007 đến tháng 7-2011, đoàn đã khiển trách một luật sư, cảnh cáo sáu luật sư, tạm đình chỉ tư cách hành nghề trong thời gian sáu tháng đối với một luật sư và xóa tên khỏi danh sách sáu luật sư.
Cùng thời điểm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã khiển trách tám luật sư, cảnh cáo hai luật sư, xóa tên khỏi danh sách ba luật sư và đề nghị không cấp chứng chỉ hành nghề cho một luật sư tập sự. Từ tháng 10-2008 đến tháng 6-2011, đoàn đã xử lý xóa tên ra khỏi danh sách một luật sư nhưng sau đó điều chỉnh giảm xuống thành tạm đình chỉ tư cách thành viên đoàn luật sư trong 24 tháng.
Có quy chế để chấn chỉnh
Tình trạng luật sư vi phạm quy tắc đạo đức, vi phạm nguyên tắc hành nghề và vi phạm pháp luật đang nghiêm trọng, nếu không kiên định xử lý kịp thời sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Liên đoàn Luật sư tổ chức hội thảo này là rất đúng thời điểm. Việc sớm ban hành quy chế xử lý kỷ luật luật sư sẽ góp phần hạn chế tình trạng luật sư vi phạm và các đoàn luật sư cũng có công cụ hữu hiệu để xử lý thành viên vi phạm.
Luật sư PHẠM ĐỨC CHI, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nam Định
Không thống nhất, không đảm bảo công bằng
Từ thời điểm ban hành Pháp lệnh Tổ chức luật sư 1987 đến nay, vấn đề xử lý kỷ luật luật sư không được quy định chặt chẽ bằng văn bản pháp luật nên các đoàn luật sư phải tự xây dựng các quy chế riêng. Thực tiễn như vậy dẫn đến một hệ lụy tất yếu là quy trình xử lý kỷ luật và mức kỷ luật giữa các đoàn có thể khác nhau với cùng một hành vi, mức độ vi phạm, không đảm bảo nguyên tắc công bằng.
Luật sư NGUYỄN HUY THÀNH,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hải Phòng
Chưa có quy định thống nhất về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, các vấn đề liên quan đến việc xử lý kỷ luật nên mỗi đoàn luật sư tiến hành theo một cách khác nhau, không đảm bảo tính khách quan, tính chặt chẽ, kịp thời, dễ áp dụng tùy tiện. Ngoài ra, bản thân người bị xử lý kỷ luật chưa có cơ chế hữu hiệu để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bản thân mình.
Luật sư