Đó là nội dung cơ bản trong thông báo rút kinh nghiệm vừa được Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP.HCM (VPT3) gửi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo Bộ luật tố tụng hình sự, đối với trường hợp phải bắt buộc có người bào chữa, cơ quan điều tra phải chủ động mời luật sư tham gia quá trình hỏi cung. Đây là thủ tục bắt buộc, nếu không thực hiện thì các biên bản hỏi cung sẽ không có giá trị pháp luật.
Theo bản rút kinh nghiệm nói trên, một số trường hợp cơ quan điều tra xét hỏi bị can bằng nhiều bản cung nhưng chỉ một bản cung có sự tham gia của luật sư, nội dung bản cung đó lại không thể hiện hậu quả, động cơ mục đích của hành vi phạm tội, mà chỉ thể hiện việc bị can xác nhận các bản cung khai trước đó (không có mặt luật sư) có đúng hay không. Các luật sư cho rằng điều này chỉ mang tính hình thức nhằm hợp thức hóa các bản cung không có luật sư tham gia…
Từ thực tiễn các vụ án như trên, VPT3 đã ra thông báo rút kinh nghiệm gửi các cấp, vì các thiếu sót trên không những vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự mà còn làm việc đánh giá chứng cứ của các biên bản hỏi cung bị can và sử dụng việc làm chứng cứ khi xét xử gặp không ít khó khăn, nhất là đối với các bị can, bị cáo kêu oan, chối tội hoặc khai bị bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra.
TÂM LỤA (TT)