Chuyện bi hài kể từ luật sư tư vấn

Hòa giải tranh chấp đất đai tại cấp xã là quy định bắt buộc tại điều 136 luật Đất đai, việc hòa giải mang tính thủ tục, nhưng một số địa phương không hiểu đúng tính chất của hòa giải tranh chấp….

Có xã đưa việc hòa giải ra xét xử như những quan tòa thực thụ, gây nhiều phiền toái cũng như đi ngược lại với các quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp.

“Thằng luật sư kia, ra ngoài”!

Bà Trương Thị Chí Tâm (cư trú tại 239C Quách Đình Bảo, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TPHCM) được UBND xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai mời đến để hòa giải tranh chấp đất đai vào lúc 14h  ngày 13/10/2011 theo đơn khiếu nại của gia đình ông Đoàn Thái Bảo – Hà Ngọc Bích (thư mời do phó chủ tịch xã Tà Lài – Lê Hữu Thanh ký ngày 10/10/2011).

Ngay từ khi bắt đầu phiên họp, luật sư do bà Tâm mời xuất trình giấy giới thiệu để xin tham gia theo yêu cầu của thân chủ thì bị tất cả những thành viên trong hội đồng hòa giải phản đối quyết liệt. Các thành viên cho rằng, UBND xã có trách nhiệm bảo vệ cho quyền lợi của… nhân dân nên việc mời luật sư là không cần thiết và coi thường UBND xã (?).

Có xã đưa việc hòa giải tranh chấp đất đai ra xét xử như những quan tòa thực thụ. Ảnh: www.lawfirm.vn

Luật sư từ nhẹ nhàng thuyết phục đến “dọa” nếu không có luật sư thì thân chủ không tiếp tục làm việc, đồng thời luật sư sẽ có văn bản khiếu nại về vấn đề này, thậm chí nêu rõ quy định của Luật Luật sư về việc nghiêm cấm mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức cản trở luật sư hành nghề. Mọi biện pháp đều bị từ chối và xã đuổi thẳng cánh luật sư ra ngoài.

Một thành viên hòa giải (giọng lè nhè, có mùi rượu nồng nặc) phát biểu: ở xã này từ xưa đến nay, chưa bao giờ cho luật sư tham gia. Luật sư có muốn tham gia thì ra tòa mà  cãi. Vị hòa giải viên (thuộc Hội Phụ nữ xã) tuyên bố: “Nếu chị (bà Tâm) mời luật sư thì phải báo trước cho UBND xã để xã… yêu cầu bên khiếu nại mời luật sư cho… công bằng!”, đương sự được nước, đứng quát lớn tiếng: “… Thằng luật sư kia ra ngoài”.

Luật sư thẳng thắn, nếu không cho luật sư tham gia thì đề nghị ghi vào biên bản là từ chối luật sư và lý do từ chối. Vị địa chính xã (chắc là chủ trì phiên họp) lắc đầu  khẳng định không ghi chép gì liên quan đến luật sư vào biên bản.

Sự việc càng lúc càng căng thẳng, sợ trễ giờ và không thực hiện được hòa giải, cuối cùng UBND xã cũng chấp nhận cho luật sư “lì lợm” ngồi lại… để nghe, không được nói, hỏi, phát biểu…

Xã xét xử như… tòa

Thay vì tiến hành hòa giải, phân tích, thuyết phục các bên giải quyết tranh chấp trên tinh thần thương lượng, UBND xã Tà Lài thay mặt cho bên khiếu nại đưa ra những chứng cứ, các căn cứ cho rằng bên bị khiếu nại (bà Tâm) sai “bét nhè” mà còn… cứng đầu (lời của cán bộ Tư pháp xã). Sau đó, UBND xã buộc bà Tâm phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng (lưu ý giao dịch trên vô hiệu một phần do đất thuộc quyền sử dụng của người chuyển nhượng), trường hợp không thực hiện, buộc phải bồi thường gấp ba lần tiền cọc cho bên chuyển nhượng (?!).

Buổi họp hòa giải kéo dài từ 14h-17h30 cùng ngày nhưng các đương sự tham gia hòa giải không thống nhất nên kết quả hòa giải không thành. Buổi hòa giải kết thúc nhưng không đi đến kết quả là hòa giải thành hoặc hòa giải không thành theo quy định của pháp luật. Nguyên nhân dẫn đến kết quả như trên là do trong thành phần hội đồng hòa giải hôm đó có một số thành viên có những hành vi trái pháp luật.

Hội đồng hòa giải buộc bên bị khiếu nại phải ký tên đồng ý nội dung mà UBND xã đã… phân tích. Đến lúc này, thì không thể chần chờ, luật sư thẳng thắn đề nghị đương sự ghi rõ vào biên bản là không đồng ý với toàn bộ nội dung nêu trên. Ý kiến này lại bị xã cấm, bởi chỉ ký tên ngoài ra không được ghi thêm làm… hư biên bản.

Trời cũng đã nhá nhem tối, một số thành viên hòa  giải đã lục tục xin phép về trước, số còn lại 03 người lại cố ép cho được một chữ ký của bà Tâm, lúc này, sau 4 tiếng đồng hồ bị chèn ép, phía bà Tâm đã hoàn toàn kiệt sức, đang muốn nhắm mắt mà ký cho xong để được về.

Thấy vậy, luật sư cùng một số người nhà của thân chủ xác định rõ ràng việc ép đương sự ký biên bản trong trường hợp này là trái pháp luật, không dựa trên cơ sở tự nguyện của đương sự. Hành vi cố tình lập biên bản cho bằng được của UBND xã là thiên vị và có vấn đề nên yêu cầu thân chủ không hợp tác, từ chối buổi hòa giải, chủ động ra về dưới sự đắc thắng của thành viên hòa giải và bên khiếu nại.

Trong vụ này, luật sư nhận thấy hội đồng hòa giải không thực hiện đúng chức năng của mình là trung gian hòa giải, nêu ra các phương án hay các sáng kiến, phân tích các lý lẽ phù hợp với các quy định của pháp luật để các bên tranh chấp xem xét và quyết định trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của mình cũng như quyền lợi của người khác mà đang làm công việc xét xử một vụ án theo hướng trấn áp tinh thần đương sự.

Sau buổi “xét xử”, bà Tâm đã có đơn khiếu nại gửi các cấp có thẩm quyền tường trình và khiếu nại sự việc nêu trên để làm sáng tỏ sự việc.

Lợi dụng việc hòa giải để ép một bên tiếp tục thực hiện một giao dịch trái pháp luật ở xã này có thể là do kiến thức pháp luật còn hạn chế, tâm lý “lệ làng” vẫn ăn sâu vào những vị “quan xã” và cũng có thể không còn vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Việc luật sư bị …đuổi vẫn còn tồn tại ở nhiều cơ quan, nhiều nơi trong cả nước. Nhưng hiện nay vẫn chưa có một chế tài, hay quy định đầy đủ về việc tôn trọng quyền hành nghề của luật sư trong thời điểm hiện nay.

(Văn phòng luật sư Dragon trích theo báo người đưa tin)

công ty luật dragoncông ty luật hà nộiluật sư hà nộiluật sư hải phòngvan phong luat su Dragon
Comments (0)
Add Comment