Dự án Pháp lệnh trợ giúp pháp lý vừa được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến, đã đề xuất hình thành đội ngũ “luật sư trợ giúp pháp lý”. Đây sẽ là công chức ăn lương nhà nước. Theo Cục trưởng Trợ giúp pháp lý Tạ Thị Minh Lý phí trả luật sư trợ giúp pháp lý ít hơn nhiều so với luật sư đồng nghiệp khác.
– Đề xuất ra đời luật sư trợ giúp pháp lý – một dạng luật sư công – có nguyên nhân từ vấn đề kinh phí?
Chức danh “luật sư trợ giúp pháp lý” theo giải thích của Dự án Pháp lệnh Trợ giúp pháp lý là công chức (viên chức) nhà nước được bổ nhiệm làm luật sư trong các cơ quan trợ giúp pháp lý để thực hiện các vụ việc của đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý (người nghèo, đối tượng chính sách). |
– Hiện, chúng ta mới có luật sư tư. Thành lập lượng luật sư công là tất yếu. Nói rằng có nguyên nhân về kinh phí thì cũng đúng. Hiện, trung bình chúng tôi thuê luật sư khoảng 500.000 đồng/vụ. Nếu một tháng họ làm 4-5 vụ thì cũng mất 2.000.000-2.500.000 đồng. Còn luật công thì ăn theo lương, chỉ mất 500.000-700.000 đồng/tháng.
Chúng tôi đã tính toán rồi. Với những vụ việc trong thời gian qua, nếu thuê luật sư tư thì chi phí gấp tới 10 lần luật sư công, mà lại không giám sát được, không biết họ làm đã tốt chưa.
– Rõ ràng, thù lao cho luật sư công chắc chắn thấp hơn luật sư tư. Vậy làm thế nào để luật sư công không chạy ra ngoài, thưa cục trưởng?
– Ngoài lương, sẽ đề xuất chế độ trợ cấp cho luật sư như thù lao theo vụ việc chẳng hạn, tăng các khuyến khích khác của nhà nước với họ. Chúng tôi sẽ có tính toán để phân bổ lực lượng này sao cho đủ việc, thuận lợi hơn luật sư tư là không phải tìm kiếm khách hàng. Điều quan trọng là ý thức trách nhiệm của luật sư trợ giúp pháp lý với người nghèo, đối tượng chính sách.
– Cùng một trình độ như nhau, một luật sư tư có thu nhập cao gấp hàng chục lần luật sư công. Vậy nên thu hẹp chênh lệnh này bằng cách cho luật sư công hằng tháng tham gia vào một vụ việc bên ngoài để có thêm thu nhập, ý kiến của bà về việc này thế nào?
– Không được. Nếu cho luật sư công nhận thêm khách hàng bên ngoài thì họ rất dễ bị cơ chế thị trường thu hút, dễ phân tâm lơ là việc công. Trong thời gian tới, Nhà nước cũng cần nghiên cứu về cơ chế, phụ cấp… cho họ một cách hợp lý.
– Bên cạnh đội ngũ luật sư trợ giúp pháp lý, theo bà có nên huy động đội ngũ luật sư tư làm nghĩa vụ trợ giúp pháp lý bằng cách quy định bắt buộc chứ không chỉ là khuyến khích như hiện nay?
– Khi soạn thảo Pháp lệnh, chúng tôi cũng có ý tưởng đưa ra quy định yêu cầu luật sư tư mỗi năm phải tham gia miễn phí bao nhiêu vụ… và xem đó như tiêu chuẩn xem xét khi cấp lại giấy phép hành nghề. Tôi cho rằng đây là vấn đề thuộc về đạo đức xã hội, làm luật sư phải biết luôn có tinh thần bênh vực, giúp đỡ người yếu thế. Vì vậy trợ giúp pháp lý việc đương nhiên phải làm.
– Như vậy, luật sư trợ giúp pháp lý sẽ hoạt động theo Pháp lệnh Luật sư, thưa bà?
– Pháp lệnh luật sư điều chỉnh luật sư tư vì luật sư tư hoàn toàn tự do. Còn luật sư trợ giúp pháp lý phải hoạt động theo Pháp lệnh và do là công chức, viên chức nên cũng đều bị điều chỉnh bởi Pháp lệnh Cán bộ, Công chức.
(Theo Pháp Luật)
Công ty luật Dragon – Văn phòng luật sư Dragon Sài Gòn