Tôi làm việc cho một công ty tư nhân tại TP.HCM, hợp đồng lao động (HĐLĐ) ký từ ngày 22-10-2011 đến 21-10-2012, hiện đang mang thai và nghỉ thai sản từ ngày 26-6-2012.
Vào ngày 30-8, khi tôi đang nghỉ thai sản được khoảng 2 tháng, công ty điện thoại báo rằng công ty cắt giảm một số nhân sự trong đó có tôi, bắt đầu từ ngày 1-9. Tôi biết công ty vi phạm Luật lao động và phải bồi thường, nhưng không biết cụ thể công ty phải bồi thường như thế nào và bao nhiêu? (Nguyễn Thị Hoa)
Luật sư tư vấn trả lời:
– Theo quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động (BLLĐ) thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng;
b) Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại Điều 85 của bộ luật này;
c) Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn ốm đau đã điều trị 12 tháng liền, người lao động làm theo HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng ốm đau đã điều trị sáu tháng liền và người lao động làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng lao động, mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì được xem xét để giao kết tiếp HĐLĐ;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
đ) Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chấm dứt hoạt động.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 111 BLLĐ thì trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, người lao động nữ được tạm hoãn việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ, kéo dài thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.
Vậy chiếu theo quy định nêu trên, đối với trường hợp của bạn, công ty không được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bạn kể từ ngày 1-9-2012, nên việc công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với bạn là trái pháp luật.
Theo quy định tại Điều 41 BLLĐ, trường hợp công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, công ty buộc phải nhận bạn trở lại làm công việc theo hợp đồng đã ký và phải bồi thường cho bạn một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) trong những ngày bạn không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).
Tiền lương, tiền công làm căn cứ tính bồi thường do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật là tiền lương, tiền công theo HĐLĐ, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi sự việc xảy ra, gồm tiền công hoặc tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).
Văn phòng luật sư Dragon