Ngày 20-12-2011, Công ty bảo hiểm PJICO Đồng Nai gửi cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Huada Furniture Việt Nam bản báo giá chi tiết nội dung đơn bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt bao gồm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh thông qua công ty dịch trung gian. Ngay trong ngày, phía Huada Furniture đã đồng ý với bản báo giá. Sau đó, PJICO đã cấp đơn bảo hiểm gốc cho công ty Huada Furniture bao gồm đơn bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm tiền, đồng thời yêu cầu Huada Furniture thanh toán tiền phí bảo hiểm. Hợp đồng thể hiện thời hạn bảo hiểm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6-1-2012 đến ngày 6-1-2013. Điều đáng nói là trong khi công ty Huada Furniture chưa ký vào hợp đồng bảo hiểm, chưa đóng phí bảo hiểm thì ngày 12-1-2012 đã xảy ra vụ cháy nhà xưởng, máy móc, thiết bị tại Công ty Huada Furniture với thiệt hại hơn 50 tỷ đồng. Ngay sau ngày xảy ra vụ cháy, Huada Furniture đã thanh toán toàn bộ phí bảo hiểm vào tài khoản cho PJICO, đồng thời ký tên và đóng dấu vào hợp đồng bảo hiểm gửi cho PJICO. Sau đó, Huada Furniture đã yêu cầu PJICO phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, PJICO đã phủ nhận hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm và từ chối bồi thường cho Huada Furniture. Huada Furniture đã tiền hành nộp hồ sơ khởi kiện thu hồi nợ ra TAND TP.Biên Hòa yêu cầu PJICO bồi thường hơn 67 tỷ đồng.
Tại các phiên tòa, Huada Furniture cho rằng PJICO là bên chủ động gửi bản báo giá, chi tiết đơn bảo hiểm. Huada Furniture đã chấp nhận bằng việc ký xác nhận vào bản báo giá và gửi lại cho PJICO, do đó hợp đồng bảo hiểm giữa hai công ty đã được giao kết. Trong khi đó, phía PJICO cho rằng cho đến ngày 6-1-2012 (ngày có hiệu lực ghi trên hợp đồng bảo hiểm), Công ty bảo hiểm PJICO Đồng Nai vẫn chưa nhận được hợp đồng đã ký kết hay bất cứ thông báo nào bằng văn bản của Huada Furniture liên quan đến việc ký kết hợp đồng và thanh toán phí bảo hiểm. Do đó, việc ghi rõ ngày có hiệu lực trong hợp đồng không còn ý nghĩa vì phía Huada Furniture không hợp tác để khẳng định hiệu lực của hợp đồng.
Xét xử sơ thẩm tháng 9-2015, TAND TP. Biên Hòa đã bác yêu cầu khởi kiện của Huada Furniture. Theo tòa, việc Huada Furniture yêu cầu PJICO bồi thường hợp đồng bảo hiểm là không có cơ sở bởi lẽ quyền và nghĩa vụ các bên chỉ phát sinh khi các bên đã ký hợp đồng. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn, hợp đồng chưa được phía Huada Furniture ký. Việc Huada Furniture chuyển tiền và ký hợp đồng bảo hiểm sau ngày vụ hỏa hoạn xảy ra là để hợp thức hóa việc thực hiện bồi thường bảo hiểm từ phía PJICO. Như vậy, ngay cả trong trường hợp PJICO có chấp nhận việc nộp phí từ Huada Furniture thì sau khi nạp phí cũng không được chấp thuận bởi các bên không có văn bản thỏa thuận khác theo quy định của Bộ Luật dân sự.
Không đồng tình với phán quyết của tòa sơ thẩm, Huada Furniture kháng cáo. Xử phúc thẩm hồi tháng 2-2016, TAND tỉnh Đồng Nai viện dẫn quy định của Bộ Luật dân sự “hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết”. Theo tòa, việc ký kết hợp đồng giữa các đương sự thông qua hình thức fax và trung gian là văn phòng đại diện để dịch tài liệu, do đó thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm giữa hai công ty được xác định vào thời điểm PJICO nhận được trả lời của Huada về việc họ đã chấp nhận giao kết. Vì chấp nhận yêu cầu của Huada Furniture nên PJICO đã phát hành các đơn bảo hiểm, bảo hiểm tiền gửi cho Huada Furniture. Sau khi nhận được tài liệu hồ sơ của PJICO, Huada Furniture đã thực hiện đúng cam kết ghi trên hợp đồng là thanh toán tiền phí bảo hiểm trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu có hiệu lực của đơn bảo hiểm. Vì hợp đồng đã phát sinh hiệu lực nên PJICO phải bồi thương cho Huada Furniture. Tòa phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, tuyên buộc PJICO bồi thường cho Huada Furniture hơn 57 tỷ đồng.
Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, PJICO đã gửi nhiều đơn kiến nghị khẩn cấp đi các nơi. Tháng 6-2016, Viện KSND cấp cao tại TP. HCM đã có bản kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị TAND cấp cao tại TP. HCM hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai để xét xử lại. Theo Viện KSND cấp cao TP. HCM, Bộ Luật dân sự, Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi bổ sung năm 2010 quy định hợp đồng giao kết phải lập thành văn bản, có chữ ký thỏa thuận giữa các bên. Bản án phúc thẩm là chưa có căn cứ bởi lẽ Huada Furniture là khách hàng, PJICO là đơn vị chào giá. Việc hai bên thông qua văn phòng đại diện để dịch các tài liệu về chào giá và đồng ý mua bảo hiểm là không có giá trị giao kết theo quy định của hai Bộ luật nêu trên. Tuy nhiên khi xét xử giám đốc thẩm, tòa cấp cao cho rằng thời điểm Huada Furniture đóng phí bảo hiểm còn trong thời hạn 30 ngày theo giao kết của các bên trong hợp đồng bảo hiểm nên phù hợp với quy định của pháp luật. Như vậy hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết, Huada Furniture đóng đủ phí nên làm phát sinh trách nhiệm bảo hiểm. Tòa phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Huada Furniture là có căn cứ. Vì vậy, TAND Cấp cao tại TP.HCM không chấp nhận kháng nghị của Viện VKSND cấp cao tại TP. HCM, giữ nguyên bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai.
Đến nay, Công ty PJICO vẫn làm nhiều đơn kêu cứu. Theo đại diện PJICO cho biết ngay sau khi xét xử phúc thẩm được 2 ngày, PJICO chưa nhận được bản án phúc thẩm nhưng Cục thi hành án dân sự tỉnh Đồng Nai đã lập tức ban hành quyết định thi hành án. Ngày 17-2-2016, thi hành án đã ra quyết định phong tỏa tài khoản của PJICO tổng số tiền hơn 58 tỷ đồng để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản và đảm bảo thi hành án.
Quan điểm của Công ty tư vấn chuyên thu hồi nợ luật Dragon trong vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm này.
Theo quy định tại Điều 390 Bộ luật dân sự 2005, “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể.” và theo Điều 391, thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực: “Do bên đề nghị ấn định, nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó.” Trong trường hợp này, ngày 20/12/2011, Công ty bảo hiểm PJICO Đồng Nai gửi cho CÔng ty TNHH Huada Furniture Việt Nam bản báo giá chi tiết nội dung đơn bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt bao gồm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh thông qua công ty dịch trung gian. Ngay trong ngày, phía Huada Furniture đã đồng ý với bản báo giá. Điều này chứng tỏ Huada Furniture đã đồng ý với đề nghị giao kết hợp đồng của PJICO, sau đó, PJICO đã cấp đơn bảo hiểm gốc cho công ty Huada Furniture bao gồm đơn bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm tiền, và đồng thời yêu cầu Huada Furniture thanh toán tiền phí bảo hiểm. Như vây, bên công ty bảo hiểm PJICO không có sự thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng theo điều 392 Bộ luật dân sự hay hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng theo Điều 393 Bộ luật dân sự và mặc nhiên cả Huada Furniture và PJICO chịu sự ràng buộc của đề nghị giao kết hợp đồng này, hai bên buộc phải ký kết hợp đồng, nếu một trong hai bên thay đổi không ký kết hợp đồng mà phát sinh thiệt hại cho bên kia vì hành vi không ký kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại. Huada Furniture đã thể hiện thiện chí muốn ký kết hợp đồng và phía PJICO cũng không có ý định muốn hủy bỏ một phần hay toàn bộ lời đề nghị giao kết hợp đồng nên hợp đồng của hai bên chắc chắn sẽ được ký.
Hợp đồng bảo hiểm được quy định tại Điều 12 Luật kinh doanh bảo hiểm, “Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm”, và theo quy định tại Điều 14, Luật Kinh doanh bảo hiểm, “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập bằng văn bản và bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm…”,PJICO chuyển hợp đồng bảo hiểm đến cho Huada Furniture và đã phát hành các đơn bảo hiểm, bảo hiểm tiền gửi cho Huada Furniture, trong hợp đồng có ghi Huada Furniture phải thực hiện việc trả phí bảo hiểm trong vòng 30 ngày chứ cũng không có thông bảo về thời hạn cụ thể để Huada Furniture ký vào hợp đồng và giao lại cho PJICO. Vì vậy, sau khi nhận được tài liệu hồ sơ của PJICO, Huada Furniture ngầm định rằng chỉ cần ký hợp đồng và trả phí trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có hiệu lực của hợp đồng là được. Huada Furniture đã thực hiện đúng cam kết ghi trên hợp đồng là thanh toán tiền phí bảo hiểm trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu có hiệu lực của đơn bảo hiểm, và đồng thời ký hợp đồng giao lại cho phía PJICO. Ngày 6/1/2012 là ngày có hiệu lực ghi trên đơn bảo hiểm và ngày 12/1/2012 Huada Furniture đã thanh toán toàn bộ phí bảo hiểm, ký tên, đóng dấu vào hợp đồng bảo hiểm gửi cho PJICO. Đây chính là bằng chứng cho việc giao kết hợp đồng bảo hiểm giữa PJICO và Huada Furniture và thể hiện sự ràng buộc vào hợp đồng của hai bên. Chính vì vậy, PJICO phải thực hiện hợp đồng đối với hợp đồng bảo hiểm đã ký với Huada Furniture.
Nhìn nhận tổng quan từ các cơ quan tố tụng, công ty Thu hồi nợ Doanh nghiệp thấy rằng:
Việc tòa cấp sơ thẩm và VKSNDTC đã áp dụng khoản 1 điều 401, khoản 4 điều 404, điều 405 BLDS để cho rằng “ Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản” và Hợp đồng giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. “ Để tuyên bố hợp đồng vô hiệu” .
Mấu chốt của vấn đề chính là “ Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”
Rõ ràng trong trường hợp trên, các bên có thỏa thuận khác cụ thể các bên đã thỏa thuận trong “nội dung hợp đồng” này có hiệu lực kể từ ngày 6/1/2012 và thời hạn thanh toán tiền phí bảo hiểm là 30 ngày. Do vậy không thể áp dụng điều 401, 404,405 để tuyên hợp đồng trên vô hiệu được. Cho nên tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM ra quyết định số 47/2016/KDTM-GĐT ngày 29/8/2016 không chấp nhận Kháng nghị số 63/2016/KNGĐT-VC3-V3 ngày 13/6/2016 của viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố hồ chí minh. Giữ nguyên bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 11/2016/KDTM-PT ngày 02/2/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc “ Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” giữa Nguyên đơn là Công ty TNHH Huada Furniture Việt Nam với bị đơn là Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO); người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là công ty bảo hiểm PJICO Đồng Nai là hoàn toàn có cơ sở.
Dịch vụ tư vấn đòi nợ chuyên nghiệp – Công ty Luật Dragon
Địa chỉ: Phòng 14.6, tòa nhà Vimeco, lô E9 đường Phạm Hùng, Cầu Giấy TP Hà Nội
Tel: 1900.599.979
Email : Dragonlawfirm@gmail.com
Website: Luật sư chuyên tư vấn thu hồi nợ cá nhân, doanh nghiệp