Nghề luật sư (LS) là một hoạt động bổ trợ tư pháp, có vai trò đặc biệt quan trọng trong Nhà nước pháp quyền và trong xã hội nói chung. Giữ vị trí tối cần thiết như vậy, nhưng cả nước hiện chỉ có 5.334 Luật Sư và 2.000 người tập sự hành nghề Luật Sư trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến pháp luật từ dân sự, hình sự, kinh tế, hành chính, đến thương mại, đầu tư, kinh doanh. Tính ra, tỷ lệ Luật Sư trên số dân ở Việt Nam là 1/20.700. Tỷ lệ này quá thấp so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, chẳng hạn ở Singapore là 1/1.000, ở Mỹ là 1/250… Bên cạnh đó, chất lượng của đội ngũ LS cũng còn không ít điểm hạn chế.
Thiếu hụt đầu vào lẫn đầu ra
Khá nhiều người trong xã hội hiện nay có quan niệm: muốn làm LS phải đi học luật, và đã học luật chắc chắn sẽ là Luật Sư. Vế đầu của quan niệm này đúng, bởi tất cả Luật Sư đều phải có bằng cử nhân luật, cũng như muốn là bác sĩ thì phải qua 6 năm đào tạo trong trường đại học y. Còn vế thứ hai thì sai. Theo PGS, TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, một sinh viên vừa tốt nghiệp trường luật đòi hỏi trở thành Luật Sư ngay là điều không thể. Một thực tế là trong thời gian 4 năm học ở trường đại học luật, sinh viên không được học môn học nào về kỹ năng và đạo đức hành nghề của nghề Luật Sư. “Luật Sư là một nghề và được pháp luật điều chỉnh việc hành nghề của họ. Ở trường chúng tôi không đào tạo Luật Sư mà chỉ đào tạo cử nhân luật” – PGS, TS Mai Hồng Quỳ nhấn mạnh.
Qua tìm hiểu, mỗi năm Trường Đại học Luật TPHCM cho “ra lò” khoảng 2.000 cử nhân luật, trong đó phân nửa thuộc hệ tại chức. Ở phía Bắc, Trường Đại học Luật Hà Nội bằng nhiều hình thức đào tạo khác nhau cũng chỉ cho tốt nghiệp hơn 2.000 cử nhân luật/năm. Số lượng sinh viên khoa luật của gần chục trường đại học khác trong cả nước mỗi năm tốt nghiệp khoảng 6.000 người. Và chỉ 10% trong số này đi theo nghề Luật Sư. Nghĩa là mỗi năm, đầu vào để đào tạo nghề LS chỉ khoảng 1.000 người. Trong khi đó, theo Đề án phát triển đội ngũ LS phục vụ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đến năm 2015 cả nước cần đến 20.000 Luật Sư, và ít nhất 10% số Luật Sư này là Luật Sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Sự bất cập trong đầu vào đã dẫn đến sự thiếu hụt đầu ra của đội ngũ Luật Sư. Bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), nhìn nhận: “Sự thiếu hụt Luật Sư đang là vấn đề lớn và là nhu cầu đang cấp bách”.
Mặt khác, đội ngũ LS phát triển chủ yếu ở các thành phố lớn, đặc biệt là TPHCM và TP Hà Nội; vì thế ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, số lượng Luật Sư không đủ đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý của nhân dân. Riêng tỉnh Lai Châu chưa có đủ số lượng Luật Sư cần thiết để thành lập Đoàn LS.
Đào tạo Luật Sư theo kiểu “mì ăn liền”
Song song với sự thiếu hụt đội ngũ Luật Sư, việc đào tạo kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho Luật Sư cũng còn hạn chế. PGS, TS Mai Hồng Quỳ nhận xét: “Thông thường một khóa đào tạo Luật Sư do Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức chỉ khoảng 6 tháng. Nội dung đào tạo chủ yếu chú trọng đến yêu cầu Luật Sư phải làm gì, không được làm gì và những vấn đề cơ bản mà Luật Luật Sư quy định. Như vậy, thời gian để đào tạo một cử nhân luật thành Luật Sư chỉ mất chưa đầy 1 năm, trong khi ở nhiều nước trên thế giới, quá trình đào tạo này phải mất 6 đến 7 năm”.
Các luật sư làm việc tại một phiên tòa. Ảnh: Việt Dũng
LS Phan Thông Anh, Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật Sư Việt Nam, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam, lý giải: “Do thiếu hụt Luật Sư, nên các khóa đào tạo được mở ra theo kiểu “mì ăn liền”, chủ yếu chạy theo số lượng. Đáng chú ý là hình thức đào tạo không đồng nhất, vừa có chính quy, tại chức, vừa có mở rộng, từ xa; độ tuổi của cử nhân luật khi ra trường để đào tạo Luật Sư cũng khác nhau. Điều này khiến cho việc chuẩn hóa chương trình, nội dung đào tạo nghề Luật Sư gặp khó khăn và làm giảm chất lượng đội ngũ Luật Sư”. Hậu quả là trong lúc hành nghề, không ít Luật Sư tỏ ra non kém về kỹ năng, vi phạm những quy tắc ứng xử thông thường nhất của nghề Luật Sư.
Từ kinh nghiệm bản thân, Luật Sư Nguyễn Thành Công (Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật) cho rằng: Để xây dựng đội ngũ Luật Sư thật sự có chất lượng, chương trình học tại các trường đại học luật cần thiết phải được cơ cấu lại, gia tăng các môn học mang tính thực tiễn, hoạt động nghiệp vụ cụ thể. Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho Luật Sư có thể thực hiện theo nguyên tắc “đứng trên vai người khổng lồ sẽ cao hơn người khổng lồ”. Nghĩa là các Luật Sư kỳ cựu sẽ truyền đạt một cách thật tâm huyết cho lớp Luật Sư đàn em về những kinh nghiệm, những “mảng”, “miếng”, những kỹ thuật trong nghề. Khi ấy, sự lĩnh hội của những Luật Sư mới vào nghề sẽ đỡ vất vả hơn, thời gian tinh thông nghề nghiệp rút ngắn hơn. Và như vậy, nước nhà sẽ sớm có một đội ngũ Luật Sư có trình độ cao.
Đội ngũ Luật Sư có chức năng cao cả là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần bảo vệ công lý và pháp chế XHCN. Hoạt động tham gia tố tụng của Luật Sư đã góp phần quan trọng thực hiện nguyên tắc tranh tụng tại tòa – một trong những yêu cầu trọng tâm của cải cách tư pháp, góp phần cải thiện một bước chất lượng hoạt động tố tụng, làm tăng thêm tính dân chủ, công bằng của phiên tòa.
Trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, các Luật Sư đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới mẻ như đầu tư nước ngoài, sở hữu trí tuệ, quan hệ thương mại hàng hóa có yếu tố nước ngoài…
Ái Chân – Hoài Nam
Theo SGGP
Công ty luật Dragon