Văn phòng luật sư Dragon – Luật sư luôn tìm cách làm cho nhân chứng nhầm lẫn, bối rối hoặc giận dữ khiến nhân chứng không kiểm soát được bản thân và đưa ra những lời khai nhầm lẫn hay mâu thuẫn…
Sau bài viết “Vì sao luật sư Việt Nam ít tham gia xét hỏi tại tòa?” trên số trước, chúng tôi nhận được bài viết của luật sư Lê Thành Kính (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ những điều “mắt thấy tai nghe” khi tham gia phiên tòa hình sự nước ngoài.
Trước đây tôi có tham dự phiên xử một người Việt Nam gây tai nạn tại Mỹ. Khi ấy tôi hỗ trợ cho một luật sư người Mỹ bảo vệ cho bị cáo với nhiệm vụ thẩm định lại các chứng cứ về nhân thân, bằng cấp… của bị cáo tại Việt Nam.
Hỏi bằng phương pháp đối chất
Tại phiên tòa, sau khi tuyên bố khai mạc, công tố viên xuất trình bằng chứng đã thu thập được để chống lại bị cáo. Bằng chứng thường gồm hai loại là vật chứng và lời khai của nhân chứng.
Ngay lúc này, luật sư bào chữa có quyền phản đối việc xem xét vật chứng và nếu thành công sẽ được tòa loại ra khỏi diện xem xét. Nếu phản đối của luật sư không được tòa chấp thuận, vật chứng sẽ được một nhân viên phòng xử án xác định chủng loại và đưa vào hồ sơ chính thức.
Còn bằng chứng từ lời khai của nhân chứng được xác lập bằng cách thức hỏi-đáp từ những thông tin cụ thể nhất. Mục đích của việc làm này nhằm xuất trình những bằng chứng phù hợp với vụ án hiện thời và không đưa ra những thông tin gây nhầm lẫn, không phù hợp hay bất hợp pháp có thể làm tòa xét xử sai.
Việc hỏi của luật sư bắt đầu ngay sau lời khai của mỗi nhân chứng và sử dụng phương pháp đối chất. Mục tiêu của luật sư bào chữa là làm cho phía công tố nghi ngờ lời khai của nhân chứng. Đặc biệt, luật sư luôn tìm cách làm cho nhân chứng nhầm lẫn, bối rối hoặc giận dữ khiến cho nhân chứng không kiểm soát được bản thân và bắt đầu đưa ra những lời khai nhầm lẫn hay mâu thuẫn.
Một phiên tòa tại Mỹ. Ảnh: EPA
Lời khai của một nhân chứng cũng có thể bị nghi ngờ nếu sau đó xuất hiện nhân chứng khác phủ nhận nội dung này. Sau khi hoàn thành đối chất, công tố có thể tiến hành kiểm tra lại để làm rõ hay chỉnh sửa một số điểm quan trọng trong quá trình đối chất.
Với luật sư Mỹ, bằng chứng hầu hết là lời khai của nhân chứng tại tòa chứ vật chứng ít được chú trọng. Các nhân chứng được luật sư hỏi, thẩm vấn theo cùng một cách thức và theo lý lẽ của công tố. Mỗi nhân chứng có thể bị đối chất và sau mỗi lần đối chất việc kiểm bằng chứng được tiến hành lại.
Bào chữa cũng là chất vấn
Tại phiên tòa ở Mỹ, sự khác biệt giữa việc đưa lý lẽ từ phía công tố và từ phía luật sư bào chữa là ở trách nhiệm của họ trước pháp luật.
Luật sư không bị yêu cầu xuất trình bất kỳ bằng chứng mới hay nhân chứng nào. Việc bào chữa chỉ đơn thuần là chất vấn mức độ tin cậy hay tính hợp pháp của bằng chứng và nhân chứng do công tố đưa ra. Luật sư không bắt buộc phải chứng minh sự vô tội của bị cáo, chỉ cần chỉ ra rằng lý lẽ của bên công tố chưa ổn, chưa hợp lý. Sau khi luật sư bào chữa xong, tạm quay về chỗ ngồi thì công tố có quyền đưa ra bằng chứng bác bỏ. Đến lượt mình, luật sư bào chữa đưa ra lời kháng biện, được gọi là lời đập lại lời buộc tội của công tố. Sau đó mỗi bên đưa ra những lý lẽ cuối cùng.
Thông thường, đây là hồi gay cấn nhất của phiên tòa vì mỗi bên tìm cách kết luận những lý lẽ của mình cô đọng nhất và trình kháng nghị cuối cùng lên bồi thẩm đoàn.
Thẩm phán chỉ là trọng tài
Trong phiên tòa ở Mỹ, thẩm phán dù rất quan trọng nhưng lại có vai trò tương đối thụ động. Họ không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào hay chủ động tham gia vào việc thẩm vấn mà chỉ giám sát trên cơ sở kiến nghị của công tố và luật sư về loại bằng chứng được đưa ra và loại câu hỏi được dùng để hỏi nhân chứng. Họ sẽ đóng vai trò là một bên tham gia không vụ lợi mà công việc chủ yếu là bảo đảm rằng cả hai bên buộc tội, gỡ tội được phép trình bày lập luận của mình càng đầy đủ càng tốt trong phạm vi luật định.
Nếu các thẩm phán không thực hiện nhiệm vụ một cách công bằng, trung lập thì họ sẽ đi ngược lại với những nguyên lý căn bản của pháp luật Mỹ và phán quyết của họ có nguy cơ bị tòa phúc thẩm bác bỏ. Đặc biệt, thẩm phán ở Mỹ khi xét xử không biểu lộ cảm xúc, tình cảm ra bên ngoài như các thẩm phán ở ta. Họ chỉ lắng nghe và nhắc nhở khi một trong hai bên quá gay gắt hoặc đưa ra vấn đề vượt quá thẩm quyền.
Khác với phiên tòa hình sự ở Việt Nam, luật Mỹ quy định bằng chứng trong phiên tòa phải được bảo mật nên việc quay phim, chụp ảnh đều bị cấm. Sau khi phiên tòa chính thức bắt đầu, cả công tố viên và luật sư bào chữa đều đọc một lời tuyên bố mở đầu để các thành viên bồi thẩm đoàn dễ dàng nắm bắt được ý nghĩa và tầm quan trọng của vật chứng, lời khai. Công tố viên sẽ tuyên bố mở đầu trước, sau đó luật sư bào chữa cũng đưa ra tuyên bố về việc sẽ bác lại sự buộc tội.
Diễn biến phiên tòa hình sự ở Singapore không khác ở Mỹ nhiều, việc tranh tụng của các bên cũng được coi trọng và không hạn chế về mặt thời gian. Đầu tiên, bên công tố trình bày quan điểm để bác lại quan điểm của luật sư bào chữa. Luật sư bào chữa cũng đáp lại quan điểm của bên công tố bằng cách đưa ra những án lệ đã được áp dụng trước đó và kêu gọi lòng vị tha nhằm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo…
Tương tự như ở Mỹ, thẩm phán Singapore cũng giữ vai trò thụ động, không tham gia vào quá trình xét hỏi. Tuy nhiên, khi có vấn đề luật sư trình bày không rõ, thẩm phán sẽ hỏi lại. Thẩm phán sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng về việc chấp nhận hoặc không đề nghị của mỗi bên và nêu lý do một cách ngắn gọn…
(Theo báo pl)
Công ty luật Dragon
Luật sư Nguyễn Minh Long