Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long – Giám đốc Công ty Luật Dragon là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 18 hộ dân thuộc địa phận xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Luật sư liên hệ làm việc với Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Lào Cai – cơ quan quản lý chuyên ngành….chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công thương, trong đó có lĩnh vực quản lý năng lượng. Căn cứ Thông báo số 112/SCT-NL của Sở Công thương tỉnh Lào Cai được ban hành ngày 03/02/2020 về việc tổ chức buổi làm việc liên quan thiệt hại về nhà cửa, tài sản, hoa màu của các hộ dân thuộc xã Bản Hồ, xã Sử Pán, huyện Sa Pa trong đợt mưa lũ ngày 23-24/6/2019;
Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật Dragon đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã có buổi trao đổi làm việc với ông Phan Văn Cương – Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai phụ trách lĩnh vực quản lý năng lượng cùng Thanh tra sở Công thương tại Sở Công thương tỉnh vào sáng ngày 05/02/2020 vừa qua.
Tại buổi họp, ông Phan Văn Cương phó giám đốc Sở công thương chủ trì nêu quan điểm với Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long là Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 18 hộ dân ở xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai như sau:
Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Sở công thương đã có mặt tại hiện trường, tiến hành thu thập dữ liệu và đánh giá tình hình, xác định đây là một sự việc nghiêm trọng, gây thất thoát nặng nề cho nhân dân nên cần thời gian đánh giá và đưa ra kết luận về trách nhiệm của Công ty Việt Long cẩn trọng và kĩ càng, tránh việc kết luận sai gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Sau một thời gian thu thập dữ liệu, đối chiếu số liệu qua trắc của các dự án bên trên, bên dưới và lưu vực xung quanh, Sở công thương xác định: thứ nhất, có lũ với tần suất 0,95% (tương đương hơn 100 năm mới xảy ra 1 lần), lưu lượng lũ về 1400m3/s đánh giá đây là lũ đặc biệt lớn đối với dự án thủy điện Sử Pán này. Thứ hai, lòng suối Mường Hoa chảy qua khu vực xã Bản Hồ bị bồi lấp thêm khiến lòng suối bị cạn là đúng. Thứ ba là Nhà máy thủy điện Sử Pán 1 đã xả lũ cực gấp và nhiệm vụ của các nhà máy thủy điện trong trường hợp này được quy định trong quy trình vận hành nhà máy do Bộ công thương phê duyệt.
Chủ đầu tư dự án – Công ty cổ phần Công nghiệp Việt Long trong quá trình xả lũ có 2 (hai) vi phạm cơ bản như sau:
Hành vi vi phạm thứ 1( Nhất) là vận hành hệ thống cửa van chưa tuân thủ đúng quy trình vận hành. Cụ thể giai đoạn mở cửa van là đúng nhưng giai đoạn sau khi đỉnh lũ đi qua thì không tuân thủ.
Hành vi vi phạm thứ 2 ( Hai) là chưa tuân thủ thông tin liên lạc cho chính quyền địa phương xã Bản Hồ và bà con nhân dân. Chủ đầu tư chỉ mới kéo còi khi xả lũ, thông báo cho dự án thủy điện bên dưới bằng điện thoại mà không thực hiện việc thông báo cho Bản Hồ, trong khi quy trình thông báo bắt buộc phải thông báo cho Bản Hồ. Nếu phía công ty thông báo kịp thời cho người dân thì có thể thiệt hại của bà con vẫn xảy ra nhưng được giảm đi đáng kể. Vì thời gian lũ về từ dự án đến xã Bản Hồ là khoảng 20 phút , trong thời gian đó bà con có thể di chuyển tài sản giá trị đi nơi khác để bảo vệ tài sản của mình. Như vậy, quy trình thông báo, Công ty Việt Long có chấp hành nhưng không đầy đủ.
Trước nhận định đó, sở Công thương tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 03/QĐ-XPVPHC ban hành ngày 29/7/2019 đối với Công ty cổ phần Công nghiệp Việt Long đối với hai hành vi vi phạm nêu trên, căn cứ Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tổng mức phạt: 120.000.000 đồng.
Quan điểm của lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai là đơn vị nào có lỗi thì phải bồi thường. Sau khi UBND xã Bản Hồ thống kê thiệt hại dựa trên kê khai của người dân thì Công ty Việt Long không đồng ý. UBND huyện Sa Pa đã mời các đơn vị thẩm định tư nhân để thẩm định tài sản thiệt hại, tuy nhiên không có đơn vị nào nhận lời.
Do đó UBND huyện Sa Pa phải thành lập tổ thẩm định phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện thẩm định giá trị tài sản thiệt hại của người dân là 2.079.329.922 đồng. Sau đó, lãnh đạo Sở Công thương, UBND huyện và UBND tỉnh đã tổ chức họp dân, công bố giá trị tài sản thiệt hại nhưng bà con nhân dân tiếp tục không đồng tình và yêu cầu được bồi thường thỏa đáng.
Trong quá trình xử lý sự việc xảy ra, dù chủ đầu tư dự án nhà máy Sử Pán 1 – công ty Việt Long có lỗi và hiện nay cũng đang triển khai xây dựng thêm hai dự án khác trên địa phận xã Bản Hồ (dự án thủy điện Bản Hồ, Nậm Sài) xác định “ăn đời ở kiếp” với người dân nơi đây nhưng đã không có thái độ ứng xử phù hợp với người dân bị thiệt hại. Lãnh đạo công ty không xuống thăm hỏi động viên người dân trong vùng lũ, không có lời xin lỗi và nhận trách nhiệm nào với người dân địa phương. Ngược lại còn thoái thách trách nhiệm với lý do lũ về gấp, công ty Việt Long bắt buộc phải xả trước nguy cơ vỡ đập; vì thế thiệt hại của bà con không phải trực tiếp do họ gây ra. Chính điều này đã đẩy sự bức xúc của người dân lên đến tột cùng.
Quá trình khắc phục hậu quả trong thời gian qua có công sức lớn từ các ban ngành địa phương đã quan tâm, giúp đỡ. Sở Công thương đã làm việc, vận động Công ty Việt Long hỗ trợ thêm cho bà con nhưng lãnh đạo công ty chỉ đồng ý hỗ trợ 996.000.000 đồng (bao gồm 700 triệu đồng tiền hỗ trợ ban đầu đã gửi cho Huyện và 296 triệu đồng hỗ trợ đợt 2). Số tiền còn lại hiện nay Sở công thương đang huy động kinh phí từ nguồn ngân sách, nguồn xã hội hóa và nguồn từ doanh nghiệp hỗ trợ. Sở đang vận động Quỹ phòng chống thiên tai và các tổ chức khác góp một phần tài chính để hỗ trợ cho người dân ổn định cuộc sống sau trận xả lũ kinh hoàng rạng sáng 24/6/2019 vừa qua. UBND huyện đã đồng ý phương án của Sở Công thương, Lãnh đạo Sở đang chờ phản hồi từ các cơ quan và nếu huy động được, Sở công thương báo cáo tỉnh và lập ngay phương án chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại ở xã Bản Hồ.
Sau khi có buổi làm việc cùng với Thanh tra sở, Phó giám đốc sở Công thương tỉnh Lào Cai cùng các đơn vị trực thuộc, Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long thuộc đoàn Luật sư Hà Nội đã truyền tải ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân, họ rất bức xúc với doanh nghiệp đang đóng trên địa bàn. Doanh thu của doanh nghiệp là rất lớn, trong khi phí bồi thường thiệt hại chỉ là một phần không đáng kể so với những gì Doanh nghiệp đang có, nhưng tính cầu thị không có, mặc dù người dân cũng thông cảm cho doanh nghiệp, nhưng đề nghị Doanh nghiệp phải xác định mối quan hệ ứng xử văn hóa vùng miền. Nếu không thỏa thuận được số tiền bồi thường thiệt hại và có tiếng nói chung trong thời gian sớm nhất, buộc lòng các hộ dân đưa vụ việc ra cơ quan tố tụng có thẩm quyền giải quyết.
Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long