Có một thực tế đã và đang xảy ra làm đau lòng mọi người: những hành vi lừa đảo để kiếm tiền vẫn đang ngang nhiên xảy ra trong đời sống kinh tế và xã hội.
Bức xúc hơn cả là các “chiêu lừa đảo” thông qua việc bán nhà của các dự án kinh doanh nhà ở. Cuối năm 2009, một vụ động trời với số tiền được “huy động” lên tới gần 600 tỉ đồng của Công ty cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam đã bị phát giác. Kẻ lừa đảo đã bị bắt nhưng số tiền của hàng trăm người “góp vốn” thì chắc chắn khó có thể thu hồi.
Gần đây nhất là vụ bán khống đất khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5 của Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ 1-5 với hơn 400 (có thể là 600) hợp đồng mua bán nhà trên giấy và số tiền đã thu khoảng 400 tỉ đồng (hoặc 600 tỉ đồng). Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước hai vụ điển hình nêu trên đã có rất nhiều vụ khác ở cả miền Nam, miền Trung và miền Bắc mà đến nay các cơ quan bảo vệ pháp luật đang phải đau đầu xử lý.
Lừa đảo trong “dịch vụ vay vốn đầu tư” cũng một thời phát triển khá mạnh. Không ít “đại gia” đã tuyên bố hùng hồn về khả năng huy động vốn đầu tư với rất nhiều ưu đãi và thu hàng chục tỉ đồng tiền đặt cọc của người có nhu cầu vay. Sau khi đã nhận tiền “đặt cọc”, “đại gia” môi giới tự nhiên… biến mất và chỉ xuất hiện khi cơ quan điều tra vào cuộc kịp thời.
Lừa đảo thông qua hình thức “tín dụng đen” hay “hụi, họ” cũng xảy ra không ít. Những vụ “vỡ hụi” đẩy biết bao gia đình vào cảnh bần cùng đã xảy ra liên tiếp vào những năm trước đây ở Khánh Hòa, Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Lừa đảo bằng các tin nhắn của dịch vụ số thông qua mạng điện thoại di động cũng đã và đang phát triển mạnh. Vào bất cứ lúc nào, dù là ngày hay đêm, một số máy điện thoại di động nào đó cũng nhận được hàng loạt tin nhắn mời chào sử dụng dịch vụ hoặc nhận quà khuyến mãi.
Chẳng hạn, “để xem vận mệnh của bạn trong tháng tới, xin soạn tin… gửi đến…” hoặc “bạn có người gửi quà bằng một ca khúc trữ tình, để nhận được quà tặng xin soạn tin NG và gửi tới 6768…”. Người nhận được tin nhắn như trên mà làm theo hướng dẫn là đã bị lừa, bị lấy mất ít nhất là 15.000 đồng trong tài khoản của điện thoại di động. Và sau khi đã soạn tin nhắn, gửi đi theo hướng dẫn là một sự… im lặng!
Trắng trợn hơn, ngay đến điểm trông giữ xe ô tô trên đường phố Hà Nội, hành vi lừa đảo cũng diễn ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật. Sáng 27-4-2010, Đội Thanh tra giao thông quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kiểm tra và phát hiện điểm trông giữ xe tại phố Lý Thường Kiệt, đoạn đối diện phố 19-12, được lập lên một cách trái phép. Thế mà, trong nhiều năm, ở đây xuất hiện một phụ nữ mặc áo xanh ngang nhiên thu tiền của lái xe ngay khi dừng xe. Mức phí bị thu từ 10.000-20.000 đồng bất kể xe đó đỗ hay dừng, đỗ lâu hay chóng. Số tiền bị thu hoàn toàn không có vé…
Còn nhiều, rất nhiều hành vi lừa đảo, từ thô sơ và rất tinh vi, đang diễn ra trong xã hội. Phần lớn bọn lừa đảo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và rất giàu, còn người dân – nạn nhân của những hành vi lừa đảo thì lao đao hoặc khuynh gia, bại sản thì tùy theo từng trường hợp và mức độ bị lừa.
Câu hỏi được đặt ra là: Vì sao những hành vi lừa đảo như nêu trên vẫn đang ngang nhiên tồn tại và phát triển ở nước ta hiện nay?
Có thể nêu một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự ngang nhiên tồn tại và phát triển của các hành vi lừa đảo hiện nay ở nước ta như sau:
Trước hết, nguyên nhân quan trọng nhất cần phải kể đến là sự mất cảnh giác và lòng tham của những đối tượng bị lừa.
Nạn nhân của các vụ sập “tín dụng đen” và môi giới vay vốn đầu tư là những bằng chứng sinh động nhất. Sẽ không trở thành nạn nhân của các vụ vỡ hụi, sập “tín dụng đen” và bị lừa khi “đặt cọc” để vay vốn, nếu người dân tỉnh táo và phân tích được rằng, việc chủ hụi vay vốn với lãi suất từ 3,5-8%/tháng, tức là 42-96%/năm, là không bình thường. Không có bất kỳ lĩnh vực kinh doanh hợp pháp nào có lãi đủ để chi trả mức lãi suất tiền vay như vậy. Do đó, đằng sau việc huy động vốn với lãi suất cao quá mức so với lãi suất trên thị trường phải là những điều không bình thường.
Tương tự như vậy, các chủ doanh nghiệp đang có dự án đầu tư sẽ không bị lừa mất “tiền đặt cọc” nếu phân tích và thấy rằng, không có tổ chức tín dụng nào ở Việt Nam và thế giới lại sẵn sàng cho vay với những điều kiện rất dễ dàng như không cần tài sản thế chấp, thậm chí không cần có dự án đầu tư được phê duyệt. Hơn nữa, cũng chẳng có tổ chức tín dụng nào lại sẵn sàng cho vay với những ưu đãi rất đặc biệt như lãi suất vay ngoại tệ chỉ bằng 30-50% lãi suất của ngân hàng thương mại và “thời gian ân hạn” – không phải trả lãi – lên tới 3-5 năm.
Những người bị lừa do mua nhà trên giấy cũng do thiếu cảnh giác. Khi thấy giá bán 1 mét vuông đất của “dự án” chỉ bằng 50-60% giá thị trường là nộp tiền để mua cho bằng được, không cần xem xét đến những điều kiện pháp lý của dự án và nội dung của hợp đồng do “chủ đầu tư” đưa ra…
Thứ hai, nguyên nhân không kém phần quan trọng là sự tắc trách, thiếu minh bạch thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Chẳng hạn, việc Công ty cổ phần Sàn bất động sản Việt Nam, Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ 1-5 “huy động vốn” một cách ồ ạt trong một thời gian dài lẽ nào các cơ quan quản lý nhà nước từ địa phương đến trung ương không hay biết để ngăn chặn? Lẽ nào một “trạm thu phí đỗ xe” trái phép ở đường Lý Thường Kiệt Hà Nội ngang nhiên hoạt động qua nhiều năm mà chỉ đến khi báo chí lên tiếng, thanh tra giao thông mới phát hiện ra?
Người dân sẽ không bị lừa đảo đến mức trắng trợn như hiện nay nếu các dự án kinh doanh nhà ở được phê duyệt, các tổ chức tín dụng quốc tế có nguồn vốn cho vay với các dự án đầu tư và điều kiện cho vay, các trạm thu phí đỗ xe trong thành phố…được thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Tiếc thay, sự công khai, minh bạch như vậy đã không được thực hiện. Việc ngăn chặn các tin nhắn lừa đảo từ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nội dung số của các mạng điện thoại di động – nơi xuất hiện các tin nhắn lừa đảo – hiện cũng dường như không có giải pháp…
Thứ ba, việc xử lý các vụ lừa đảo đã phát hiện không kịp thời và thiếu nghiêm minh. Sự thiếu kịp thời và thiếu nghiêm minh thể hiện rõ nhất trong việc xử lý các vụ lừa đảo về “bán nhà trên giấy”, các vụ “nhắn tin lừa đảo”. Không ít vụ “bán nhà trên giấy” và lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng đã bị phát hiện nhưng chưa được đưa ra xét xử. Báo chí cũng đã tốn không ít giấy mực phản ánh tình trạng lừa đảo thông qua nhắn tin trong các mạng điện thoại di động nhưng cơ quan quản lý có thẩm quyền vẫn chưa hề có biện pháp gì hữu hiệu để kiểm tra, xử lý…
Dù với bất kỳ nguyên nhân gì, việc các hành vi lừa đảo xuất hiện ở khá nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội là không thể để kéo dài. Điều đó gây ảnh hưởng vô cùng lớn đối với an sinh xã hội, làm xói mòn lòng tin của người dân vào hiệu lực của pháp luật. Cần có ngay những biện pháp quyết liệt ngăn chặn các hành vi lừa đảo – đó lại cũng là một đòi hỏi vô cùng cấp bách.
Luật gia Vũ Xuân Tiền
Theo The Sai Gon Times
Công ty luật Dragon
Luật sư Nguyễn Minh Long