Văn phòng luật sư Hà Nội Dragon – Cải cách tư pháp nói bản án phải dựa vào kết quả tranh tụng tại tòa nhưng chúng tôi bào chữa tòa có nghe đâu, nhiều khi còn quên ghi ý kiến luật sư vào bản án.
Tại hội thảo về chiến lược phát triển nghề luật sư do Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng việc luật sư bị cơ quan tố tụng hắt hủi, không lắng nghe; quy định luật sư tập sự được cho “xuống nước” nhưng không cho “bơi”… là những rào cản rất lớn
với nghề luật sư hiện nay.
Các chuyên gia đều đồng tình rằng chiến lược phát triển luật sư là rất cần thiết, mang tính đột phá, là cú hích cho nghề luật sư phát triển. Nhưng nếu chiến lược chỉ chú trọng vào chuyện phát triển đội ngũ không thôi thì chưa đủ. Điều quan trọng là còn cần hoạch định cả thể chế và thay đổi nhận thức của xã hội đối với luật sư.
Đối xử chưa công bằng
Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) băn khoăn: Nhiều luật sư để làm gì khi môi trường hoạt động có nhiều rào cản không đáng có từ các cơ quan tố tụng.
Luật sư Đức dẫn chứng pháp luật tố tụng hình sự quy định rất rõ là luật sư được tham gia ngay từ giai đoạn điều tra nhưng thực tế chẳng có mấy cơ quan tố tụng nào chịu thực hiện (trừ những vụ bắt buộc phải có luật sư). Nhiều vụ án năm lần bảy lượt luật sư cầm hồ sơ đến xin tiếp xúc với bị can nhưng cán bộ điều tra cứ khất lần hoặc vui thì cho, buồn thì từ chối. Rồi nhiều khi vụ án đã được lên lịch xử, luật sư cũng không biết do không được ai thông báo. Trước khi xử, luật sư phải năn nỉ thư ký tòa cho sao chụp từng tờ bút lục. Xử xong, luật sư lại phải chạy lên tòa xin bản án…
Chia sẻ, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bạc Liêu Vưu Văn Kía nói muốn có một đội ngũ luật sư mạnh thì trước hết phải hoàn thiện chính sách tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động của luật sư. Bởi lẽ sự xung đột giữa luật sư với các cơ quan tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra sẽ làm cho văn hóa tư pháp ngày càng đi xuống. Trong công việc, luật sư chỉ muốn được các cơ quan tố tụng hiểu và tôn trọng bằng cách đối xử công bằng chứ đừng ác cảm, thiếu thiện chí.
Một luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM than thở: Ngay cả cán bộ các cơ quan nhà nước khác cũng không vui vẻ, đố kỵ với luật sư dù biết luật sư đang thực hiện nhiệm vụ của một chức danh tư pháp. Các cán bộ ngành tư pháp còn tỏ ra lạnh nhạt khi thấy luật sư thực hiện các dịch vụ pháp lý khác tố tụng mà luật cho phép. Điều đó dẫn đến một suy nghĩ rằng luật sư giống như “cò” chạy hồ sơ hay “đánh thuê” ăn tiền.
Tập sự mà không cho “bơi”
Theo Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh An Giang Hứa Hoàng Chấn, Luật Luật sư hiện hành đang đẩy lùi quá trình phát triển của nghề luật sư khi không cho người tập sự hành nghề luật sư nhận và thực hiện các dịch vụ pháp lý. Điều đó là hết sức vô lý. Giống như cho xuống nước mà không cho “bơi”. Quy định này lạc hậu hơn so với Pháp lệnh Luật sư cũ, nếu vẫn giữ quy định như vậy thì có phát triển cả 50.000 luật sư cũng ít có người giỏi.
Một luật sư Đoàn Luật sư TP Cần Thơ phân tích: Tập sự mà chỉ được làm mỗi nhiệm vụ xách cặp táp đi theo thầy đến tòa thì làm sao mong có nhiều luật sư đẳng cấp quốc tế. Điều này giải thích tại sao nhiều luật sư trẻ mà cách hỏi bị can thế nào không biết, ra tòa vừa đọc bài bào chữa vừa run… Về kinh tế, một sinh viên luật ra trường đi làm pháp chế cho đơn vị nọ, doanh nghiệp kia một tháng cũng được vài triệu đồng thì tội gì đi tập sự luật sư để suốt 18 tháng không có thu nhập. Cho nên “cuộc họp đoàn luật sư nào cũng vậy, nhìn xuống chỉ toàn thấy mấy ông đầu bạc, không thấy đám thanh niên mới ra trường”.
Tập sự đã vậy, lúc được chính thức hành nghề, luật sư trong nhiều trường hợp không được tôn trọng đúng mức. Luật sư Trần Hải Đức bức xúc: “Cải cách tư pháp nói bản án phải dựa vào kết quả tranh tụng tại tòa nhưng chúng tôi bào chữa tòa có nghe đâu, nhiều khi còn quên ghi ý kiến luật sư vào bản án”. Luật sư Vưu Văn Kía tiếp lời: “Tòa cứ nói chúng tôi “chạy sô” nhưng bản thân tòa cũng thường đua theo số lượng, có khi một buổi lên lịch xử gộp ba, bốn vụ án. Tại tòa, luật sư đang bào chữa rất tâm huyết, xúc động, quay lên thì thấy hội đồng xét xử rù rì nói chuyện, thậm chí bấm điện thoại. Chưa kể đại diện VKS lâu lâu còn làm thay tòa chặn họng, cắt ngang lời luật sư”…
Theo đại diện Bộ Tư pháp, đây là chiến lược đầu tiên Bộ nghiên cứu xây dựng về nghề luật sư nên còn mới mẻ, lạ lẫm. Vì vậy, Bộ luôn mong muốn các luật sư đóng góp ý kiến thẳng thắn để chiến lược thật sự thúc đẩy được sự phát triển mạnh mẽ của nghề luật sư.
Lập đoàn luật sư khu vực?
Trong quá trình Bộ Tư pháp soạn thảo chiến lược, nhiều ý kiến đã đề xuất nên thành lập các đoàn luật sư khu vực để thích ứng với mô hình tòa án khu vực sắp tới.
Đại diện ban soạn thảo nhìn nhận đề xuất này cũng có lý bởi nước ta hiện có 25 đoàn có số lượng không quá 20 người, gộp lại sẽ tiết kiệm được chi phí, hoạt động hiệu quả hơn. Đồng tình, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau Lê Công Nghiệp nói đây là ý tưởng hay vì các đoàn luật sư nhỏ hiện hoạt động rất yếu. Nếu gộp lại thì không chỉ đỡ lo phần kinh phí mà các luật sư còn có cơ hội học hỏi nghiệp vụ lẫn nhau.
THANH TÙNG
Theo PLTP
Văn phòng luật sư Dragon – Dragon Lawfirm