Công ty Luật tại Hà Nội kính mến. Tên tôi là Ngô Minh Phúc. Sinh năm 1978, Thường trú tại: Hưng Nguyên, Nghệ An.
Tôi xin được trình bày với Văn phòng luật sư sự việc như sau:
1/ Tôi có hợp đồng lao động lần đầu với Xí nghiệp khảo sát Tổng hợp Miền Nam từ ngày 7/5/2008 đến ngày 30/6/2008. Hợp đồng lần 2 từ ngày 1/8/2008 đến 31/12/2008.
Từ ngày 31/12/2008, tôi có hợp đồng lao động không xác định thời hạn với xí nghiệp khảo sát Tổng hợp Miền Nam.
2/ Từ tháng 6 năm 2012 tôi được thông báo bằng điện thoại của trưởng phòng Khảo sát (Ông Nguyễn Văn Dũng) là không có việc làm, xí nghiệp cắt hợp đồng lao động với tôi và từ tháng 6 đến nay, xí nghiệp không thực hiện trả tiền lương nhưng vẫn đóng bảo hiểm lao động, y tế…
– Ngày 31/1/2013 có gửi thông báo về việc làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng vì bận việc nên tôi không đến xí nghiệp vào đúng thời gian thông báo và tôi có gọi điện thoại xin hoãn thời gian.
– Từ ngày 27/5/2013 tôi đến xí nghiệp làm thủ tục chấm dứt hợp đồng.
– Theo thông báo ngày 31/1/2013, tôi yêu cầu xí nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng với tôi, nhưng đại diện phía xí nghiệp không đồng ý, phía xí nghiệp yêu cầu tôi viết đơn xin nghỉ việc nhưng tôi không đồng ý.
Tôi có gặp trực tiếp giám đốc yêu cầu:
– Một là xí nghiệp KSTH Miền Nam đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ngay hôm nay.
– Giám đốc xí nghiệp trả lời có nhưng không hẹn ngày nào, phải chờ đợi.
– Tôi yêu cầu trong lúc chờ đợi thì phải trả tiền lương chờ việc nhưng giám đốc trả lời không:
Vậy tôi làm đơn trình bày với Văn phòng luật sư Dragon tư vấn cho tôi:
1/ Là làm thủ tục thế nào để xí nghiệp KSTHMN thực hiện chấm dứt hợp đồng để đi tìm việc làm mới.
2/ Chế độ tiền lương trong thời gian nghỉ việc.
3/ Các chế độ khi bị mất việc làm
Công ty luật Hà Nội có thể liên hệ với tôi qua email.
Tôi xin trân trọng cám ơn tới Văn phòng luật sư tại Hà Nội
========================================
Luật sư tư vấn online trả lời:
Căn cứ các bản hợp đồng lao động và thông báo số 57/TB-XNKS.P01 của xí nghiệp khảo sát Miền Nam mà ông cung cấp, chúng tôi có ý kiến tư vấn với trường hợp của ông như sau:
Thứ nhất, ông muốn biết “làm thủ tục thế nào để xi nghiệp khảo sát miền nam thực hiện chấm dứt hợp đồng để đi tìm việc làm mới”, thì trường hợp của ông, hai bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 3, Điều 36 Luật Lao động (trường hợp thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động). Nếu không thỏa thuận được, ông có thể nhờ công đoàn cơ sở của xí nghiệp giải quyết, nếu không có công đoàn, hoặc công đoàn không giải quyết, hòa giải được, có thể gửi đơn khiếu nại lên thanh tra – Sở Lao động thương binh xã hội, cuối cùng có thể gửi đơn khởi kiện lên tòa án. Tuy nhiên khi giửi đơn khởi kiện phải có đầy đủ hồ sơ (hợp đồng lao động và quyết định chấm dứt HĐLĐ).
Trong thông báo số 57/TB-XNKS.P01 của xí nghiệp khảo sát tổng hợp miền Nam ngày 25/01/2013 gửi ông Ngô Minh Phúc, xí nghiệp cũng đã thông báo mời ông đến trụ sở để thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy, phương án giải quyết tốt nhất là hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng cũng như thỏa thuận về các chế độ cho người lao động.
Thứ hai, về các chế độ khi bị mất việc làm.
Tại thông báo số 57/TB đã ghi rõ lý do “do phải thu hẹp sản xuất” cho nên xí nghiệp phải cắt giảm lao động. Căn cứ điểm C, khoản 1, Điều 38 Bộ luật lao động về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động: Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
Như vậy, trong trường hợp xí nghiệp chấm dứt HĐLĐ với ông thì sẽ thuộc khoản 10, Điều 36 Luật Lao động. Trường hợp này, xí nghiệp phải trả trợ cấp thôi việc cho ông, căn cứ Điều 48 về trợ cấp thôi việc:
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
Thứ ba, về chế độ tiền lương trong thời gian nghỉ việc từ tháng 6/2012 đến tháng 1/2013.
Như đã nói ở trên, vì lý do kinh tế, thu hẹp sản xuất, mà xí nghiệp phải cắt giảm lao động. Tuy nhiên, xí nghiệp phải chứng minh được rằng vì những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Nếu xí nghiệp không chứng minh được thì khi chấm dứt HĐLĐ với người lao động sẽ không đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, trường hợp của ông xí nghiệp lại chưa ra quyết định chấm dứt HĐLĐ, chỉ thông báo qua điện thoại và bắt ông phải viết đơn xin thôi việc. Cho nên, trong thời gian nghỉ việc từ tháng 6/2012 đến tháng 1/2013, theo quan điểm của Luật sư, vẫn chưa có căn cứ để ông có thể nhận được tiền lương trong khoảng thời gian này. Vì chưa có quyết định chấm dứt HĐLĐ và thực tế, ông lại nghỉ việc và không đến xí nghiệp làm việc từ thời điểm tháng 6/2012.
Chúng tôi xin lưu ý rằng, nếu xí nghiệp muốn ông viết đơn xin nghỉ việc theo trường hợp hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (theo khoản 3 điều 36 Luật lao động) thì ông vẫn được nhận trợ cấp thôi việc theo Điều 48 Luật lao động.
Như vậy, trên đây là ý kiến luật sư tư vấn của chúng tôi để ông có thể cân nhắc và thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ với xí nghiệp để sớm đi tìm công việc mới./.