Liên đoàn Luật sư có kế hoạch đào tạo một số luật sư có trình độ quốc tế. Về việc này tôi xin góp vài ý kiến cho công việc chung. Ắt sẽ có vị sẽ hỏi rằng “Anh có phải là luật sư có trình độ quốctế không mà ý kiến, ý cò”. Tôi xin thưa là không, nhưng tôi có thiện chí, và biết người ta làm như thế nào.
Trước hết, luật sư có trình độ quốc tế nên được hiểu cho đúng. Trình độ quốc tế thì ở một nước nào đó, chứ không phải trên nhiều nước;và cũng chỉ ở trong một số lãnh vực luật nhất định thôi, chứ không phải nhiều ngành. Thứ nữa không nên nghĩ rằng có trình độ đó là có thể đi cãi ở tòa án tại các nước khác. Tôi chắc rằng trong đoàn ngũ chúng ta, không ai nghĩ như thế vì chúng ta biết luật sư của một đoàn luật sư khu vực nào thì được biện hộ tại tòa án trong khu vực đó; sang thẩm quyền khác thì phải xin phép. Ngoài khó khăn ấy ra, tôi nghĩ khó có thân chủ nào ở Việt Nam nhờ một luật sư ở TP.HCM hay Hà Nội đi biện hộ cho mình ở ICC bên Pháp. Thuê luật sư ở bên đó rẻ hơn. Thuê luật sư ở Việt Nam phải trả tiền máy bay, khách sạn, còn thù lao thì không thấp hơn mức họ kiếm được ở nhà. Chưa hết, luật sư mình có rành rẽ thủ tục tố tụng của người ta không? Bản thân tôi, được nhắc têntrong vài quyển niên giám chuyên ngành (directory) như Chambers, Legal Practice… và là “leading lawyer in corporate governance” năm 2008 và 2009 ở Việt Nam của Asia Law& Practice, hay “senior stateman” của văn phòng mình, năm 2008 trong Chambers. Tuy vậy, tôi chẳng cảm thấy mình có trình độ quốc tế!. Tôi thấy có luật sư nói đã từng cãi ở Tòa án Singapore. Nói phét đấy. Luật sư Singapore nhờ mình sang làm “expert witness” thôi. Tôi đã làm việc này vào năm 1991 và biết rõ. Nghe họ nói với tòa “Sir, my learned collegue” thì đã không biết dịch là gì rồi! Không nên gây hiểu nhầm tai hại.
Trình bày điều trên tôi không định khoe mình (vì tôi biết nhiều người không thích) mà là chỉ nói thật và để độc giả đánh giá các nhận xét sẽ được nêu. Tôi xin trình bày hai điểm: Một là yêu cầu về bản thân của luật sư có trình độ quốc tế và các điều kiện bên ngoài để luật sư ấy duy trì được trình độ; sau khi đã giới hạn “trình độ quốc tế” như trên.
Yêu cầu về bản thân của luật sư
Luật sư có trình độ quốc tế phải là người hiểu (không phải là biết) các luật căn bản của ta như tố tụng, dân sự, hình sự, hành chánh, nắm rõ các nguyên tắc căn bản của chúng, và chuyên sâu về một số ngành luật mình định chọn cho nghề nghiệp.
Muốn thế, khi tốt nghiệp cử nhân người ấy phải giỏi tiếng Anh hay tiếng Pháp để học cao học ở một đại học luật nước ngoài hầu tiếp cận và “bơi” trong tập tục và nội dung của luật pháp quốc tế. Một trong những khó khăn của sinh viên học cao học là không được học luật căn bản (tố tụng,dân sự, hợp đồng…) của nước đó vì họ không dạy chúng ở cao học. Hơn nữa lúc sửa soạn du học đa số người nghĩ rằng nên học môn nào mà Việt Nam không có; chứ còn cái đã biết rồi thì học làm gì. Do vậy, ít người chọn các môn cơ bản. Nếu muốn chọn còn tùy trường họ có cho hay không. Tôi không biết trường luật ởcác nước khác, nhưng ở Harvard, học cao học thì bạn có thể học luật tố tụng, luật về bằng chứng của sinh viên cử nhân; chỉ với điều khi thì phải đạt B- trở lên không thì rớt; trong khi cử nhân thì C cũng đỗ. Sang Mỹ mà học luật tố tụng của họ thì phíquá, dùng nó làm gì ở Việt Nam?
Thế nhưng khi hành nghề ở Việt Nam thì lại cần phải biết chúng, ít nhiều, để còn nói chuyện với khách nước ngoài, giải thích cho họ sự khác biệt. Thí dụ thủ tục nhận tội (plead guilty), tại ngoại, nếu họ hỏi mình; hoặc biết chúng để giao dịch với luật sư nước ngoài khi làm chung với họ trong một vụ của thân chủ mình. Không biết sơ sơ các luật ấy thì mình không biết từ chối và giải thích với họ; thí dụ, ở nước tôi không có luật “đào bới bằng chứng”, rồi sẽ giải thích quy định về bằng chứng của ta, nhấn mạnh là “ không đào bới gì cả” mà “trung thực và khách quan”. Thếlà đồng nghiệp nước ngoài thích mình ngay! Thú thật dịch bằng chứng “khách quan” là gì theo nội dung sang tiếng Anh cho họ hiểu cũng khó.Đó là một từ triết học!Côngviệc thứ nhất của luật sư có trình độ quốc tế là am hiểu luật căn bản của mình và biết về luật căn bản của một hệ thống luật nào đó (dân luật hay thông luật) và nắm bắt các sự thay đổi của ngành luật mình chuyên phụ trách.
Biết thế chưa đủ. Nếu luật sư có làm về vay nợ nước ngoài, danh từ hoa mỹ gọi là tài trợ quốc tế, mà tập tục của ta còn đơn giản so với tập tục của Anh hay Mỹ thì học tiếp: “plain vanilla loans”hay “bells and whistles ones” là gì! Nghe biết, tìm hiểu nội dung, tra cứu tập tục rồi mới có thể thư từ với người yêu cầu mình cùng đối tác của họ. Khách hàng khi thuê luật sư thì họ chỉ không biết điều họ hỏi hay cần tư vấn; còn các vấn đề khác họ rành hơn luật sư nhiều! Trong các lãnh vực của họ mà luật sư nói loạng quạng, hay nổ, thì họ sẽ nghi ngờ khả năng của luật sư đối với vấn đề họ cần biết ngay! Thực ra sau khi có bằng cấp thì chỉ “biết” thôi; còn để hiểu (tại sao) để làm luật sư thì phảimất vài năm sau khi đã học và đụng chạm thực tế.
Học kiểu đó là học để “đáp ứng” vì có nhu cầu của khách đặt ra cho mình. Chưa hết! Người Pháp gọi luật sư là “thầy” (maitre) nên luật sư phải đi trước thân chủ một bước về kiến thức. Thí dụ, để trả lời về Công ước Berne mà chính phủ tuyên bố tham gia, nhà xuất bản sách đến hỏi; luật sư không chỉ trả lời theo văn bản mà còn phải giải thích rộng ra; so sánh với thực tế nhà xuất bản đã kinh qua để họ hiểu quy định mới và cách làm cũ. Muốn đi trước khách hàng một bước thì phải học theo kiểu “đón đầu” (không phải là “đi tắt đón đầu” đâu ạ). Hoc kiểu này mà khách không bao giờ đến là… toi công! Thế nhưng vẫn phải làm dẫu có… công toi!
Xin mở rộng một tí về việc học và hành của luật sư. Làm luật sư khác với làm thầy giáo. Nếu ví môn học như một cái cuốc để phân biệt, thì thầy giáo cầm cái cuốc múa may trên tay, càng “hoành tráng” thì càng được sinh viên khen nức nở. Bảo đảm sẽ có một hai cô sinh viên xinh đẹp đến thăm thầy ngày Nhà giáo. Luật sư thì khác hẳn: cầm cuốc và cuốc, đất, hay đá ong, không ngừng nghỉ! Được trả tiền hay không thì thấy ngay. Kết quả nhãn tiền chứ không phải một sự khâm phục… trong lòng!
Khi có các yêu cầu trên thì có ba vấn đề khác phát sinh. Ấy là: (i) tiếp cận được nguồn sách báo, thông tin ở nước ngoài để cập nhật kiến thức; (ii) vậy phải có tiền và (iii) có thời giờ để làm. Về các hệ quả này, là dân ngoại đạo, tôi xin kể chỉ một điều về thời gian, mắt thấy tai nghe. Luật sư có trình độ quốc tế thực sự hiện nay mà làm việc với khách nước ngoài thì họ thường đến văn phòng từ 9 giờ sáng, đến hơn 10 giờ đêm mới về.Vợ trách con than họ còn giải thích (“em thông cảm”) chứ sách vở nằm trên kệ chờ họ đọc thì… còn lâu! Họ phải thường ăn xôi đi làm; vì sáng dậy thì vợ con đi rồi, phở không để nguội được, cơm rang thì cứng quá do để lâu; chỉ có gói xôi đậu xanh, hay đậu đen là… bền vững! Cuộc sống luật sư Việt Nam có trình độ quốc tế căng thẳng lắm. Họ nhiều việc đến nỗi phải gắt lên “nhiều việc quá, cực quá, không cần tiền nữa!” Than vậy chứ thôi, cũng sợ mất khách. Họ – có cả tôi- sợ mất khách hơn sợ Đoàn luật sư hay Sở Tư pháp nhiều! Các luật sư làm trưởng văn phòng luật sư quốc tếhầu hết đều thấm đẫm cảm giác này. Từ chối khách thì sợ không đủ sở hụi để chi trả hàng tháng cho văn phòng; mà nhiều khách quá thì cả mình lẫn văn phòng không kham nổi. Cách giải quyết là làm thêm về đêm. Khách thuê luật sư thì chỉmuốn “xong từ hôm qua”! Vào tuổi tôi, nhìn lại mình vì có thời giờ, tôi nhận ra: Luật sư chỉ là “Nô lệ cao cấp – Làm đẹp đất nước – Làm an lòng người”.
Tóm lại, cho điều kiện thứ nhất, tự bản thân mình, ngoài công việc phải làm; người luật sư có trình độ quốc tế phải “làm thêm” để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, và tiếp xúc trong nước lẫn quốc tế (tham gia các hội luật sư, đóng hội phí hàng năm). Gay go lắm. Có khi mồ hôi hột đổ, sau áo sơ- mi có thắt cà- vạt, trong máy lạnh!
Hoàn cảnh bên ngoài
Về điểm này có hai điều kiện bắt buộc để luật sư có trình độ quốc tế duy trì được trình độ; không có thì sẽ bị tụt! Ấy là (i) khách hàng và (i) các cơ quan tư pháp cùng hỗ trợ tư pháp hay môi trường pháp lý.
Về khách hàng
Nếu có ai hỏi các luật sư đang hành nghề rằng yếu tố nào ảnh hưởng đến công việc của họ nhiều nhất thì tôi tin đến 99% luật sư sẽ trả lời là khách hàng. Vâng ạ, khách hàng rất quan trọng đối với luật sư. Khách hàng được hiểu là “người đến thuê luật sư làm và trả tiền”. Đối với luật sư, “khách hàng” quyết định chứ không phải “nhu cầu” của họ. Bộ Tư pháp trước kia và Liên đoàn Luật sư hiện nay biết rõ là có nhu cầu cao ở trong nước về kiến thức trong giao thương quốc tế. Và chủ trương của Liên đoàn hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên “nhu cầu” không nuôi được luật sư, quốc tế hay không!
Luật sư – như đã đề cập – không có quyền gì. Vậy ai muốn họ làm “nô lệ cao cấp” thì phải trả tiền cho họ. Không có tiền thì họ treo niêu! Chẳng ai cứu họ vì nghĩ họ giàu! Đó là mặt “trắng”; vậy “mặt đen” sẽ là trả tiền thì mới làm. Đấy là quy luật của cuộc sống mà không ai có thể dùng quyền lực gì để thay đổi. Khách hàng là người quản lý luật sư mạnh nhất và khắc nghiệt nhất. Cách làm của họ khi thất vọng là: “Chào luật sư, tôi đi”. Người nọ truyền tai người kia, và luật sư sẽ từ từ… nợ tiền nhà!
Khi luật sư có trình độ quốc tế hành nghề trong những điều kiện như thế;ai sẽ bảo đảm cho họ rằng, họ sẽ có khách! Đấy là vấn đề cơ bản. Luật sư không thể trông chờ sự giới thiệu khách của bất cứ ai. Giới thiệu là một chuyện, nhận làm hay không là một chuyện khác, do khách hàng và luật sư định đoạt. Đấy là một mặt về sự quan trọng của khách hàng đối với luật sư.
Mặt khác, đòi hỏi của khách hàng sẽ tác động vào, hay thậm chí tạo nên, khả năng chuyên môn của luật sư. Khách hàng toàn đến nhờ luật sư để xin ly hôn – không nhờ làm thủ tục hôn thú – thì luật sư trở thành “luật sư ly hôn.”Họ nhờ luật sư về nhà đất thì thành “nhà đất” vân vân. Nếu khả năng chuyên môn của một luật sư có trình độ quốc tế mà được khách hàng “chuyển đổi” như thế thì rõ ràng trình độ quốc tế cũng bị giảm theo. Họ từ chối ư? Sao họ trả tiền thuê văn phòng?
Về tầm quan trọng của khách hàng thì đã có tiền lệ. Xin cứ nhìn vào hoạt động của các trung tâm trọng tài, quốc tế lẫn quốc nội. Tại sao thế? Thưa vì doanh nhân không đến các trung tâm đó; dẫu có nhiều trọng tài viên có trình độ chuyên môn cao (vì họ đang hành nghề mà).
Tóm lại, luật sư có trình độ quốc tế phải có khách. Không có khách thì tài năng của họ cũng mai một. Khách tìm đến luật sư tại vì uy tín của luật sư mà họ nghe từ người quen và rồikiểm chứng, trước khi trả tiền. Có vẻ như điều kiện này nằm ngoài tầm tay của Liên đoàn. Tôi đoán các cơ quan hữu trách khi đề cập luật sư có trình độ quốc tế chỉ nhìn đến “nhu cầu” của xã hội, một yếu tố chính trị; chứ chưa biết tận tường yếu tố “nhân sinh” của thân phận luật sư.
Toà án và các cơ quan hỗ trợ tư pháp
Có một sự thật này mà ít được lưu ý. Luật sư có viết một bài biện hộ rất hay ở toà (không nói đến các cơ quan) mà ông chánh án bác bỏ, bằng uy quyền của mình nhân danh quốc gia, thì tài nghệ của luật sư kia là bỏ; bỏ thật chứ không có “coi như” đâu nhé! Luật sư có trình độ quốc nội hay quốc tế cũng y như nhau. Luật sư có bức xúc lắm – mà khách hàng phải bằng lòng cơ – thì chỉ có thể leo lên toà phúc thẩm cao hơn nữa là toà tối cao, và rồi bước xuống…sơ thẩm. Vậy xin tóm tắt bằng một câu đơn giản: “ Trình độ củaluật sư không thể cao hơn trình độ của thẩm phán”.
Trong hoàn cảnh kia, xin hỏi đã có những cố gắng gì để làm tăng trình độ của thẩm phán? Trong hệ thống tư pháp, luật sư là khâu yếu nhất vì họ không có quyền mà chỉ “đề nghị toà”. Chọn khâu yếu nhất để nâng trình độ tư pháp của đất nước lên thì cũng giống như nâng một sợi dây xích bằng thép nặng trĩu lên để kéo đi, mà nắm cái mắt xích làm bằng chì. Gia tăng số lượng luật sư là dễ nhất vì không phải đưa tiền cho họ đi học, mà lại còn thu được tiền của họ nữa. Đã có tiền lệ. Cứ hỏi các luật sư đang tập sự thì biết ngay!.
Đấy là về toà án. Còn về những cơ quan hỗ trợ tư pháp thì sao? Luật sư soạn hợp đồng phải đem ra công chứng mà làm khác bản mẫu dùng ở đó thì khó lòng được công chứng lắm. Như vậy thì, khả năng soạn thảo hợp đồng quốc tế của luật sự sẽ bị bản mẫu hợp đồng – xin nhấn mạnh bản mẫu – hạ gục ngay! Công chứng viên rất tươi cười và thông cảm nhưng họ chỉ vào… bản mẫu! Bản hướng dẫn thì còn thêm bớt được, “mẫu hợp đồng” thì phải theo. Rất tiếc các cơ quan của ta thích ra mẫu (trừ Bộ Xây dựng)! Xin kết đoạn này bằng một câu tóm tắt: “Luật sư có trình độ quốc tế sẽ thất bại trước các yêu cầu của bản… mẫu”.Luật lệ của chúng ta trước kia điều chỉnh các hoạt động xã hội theo câu chữ, nay đang từ từ đi vào bản chất (luật đầu tư chung, luật thuế thu nhập doanh nghiệp là ví dụ); nhưng các cấp thi hành luật vẫn giải thích theo câu chữ để “bảo vệ mình” tối đa. Não trạng như thế sao giúp luật sư quốc tế hội nhập!
Xem như thế, ước muốn đào tạo luật sư có trình độ quốc tế sẽ rất khó thực hiện. Việc tồn tại một đội ngũ như mong muốn đòi hỏi ba yếu tố vững bền: bản thân luật sư, khách hàng và trình độ chung của nền tư pháp. Một cái kiềng ba chân mà hai chân khập khễnh thì chắc chắn sẽ làm đổ nồi cơm gạo chợ Đào!
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích ( Phap luat vietnam)
Công ty luật DRAGON