Điều 128 Bộ luật Hình sự quy định về Tội vô ý làm chết người
Chi tiết Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
Điều 128. Tội vô ý làm chết người
- Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Văn phòng luật sư Dragon phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm:
- Chủ thể của tội phạm:
Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ.
- Mặt chủ quan của tội phạm:
Về ý thức chủ quan của người phạm tội và đây cũng là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội vô ý làm chết người với tội giết người. Đó là lỗi của người phạm tội, người phạm tội vô ý làm chết người thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi do vô ý bao gồm cả vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.
Đối với tội vô ý làm chết người cũng tương tự, sẽ có 2 hình thức lỗi :
+ Vô ý vì cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hoá, tay nghề.v.v…
+ Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.
- Khách thể của tội phạm:
Tội phạm xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến tính mạng của công dân được pháp luật bảo vệ; quyền được sống của con người được pháp luật bảo vệ.
- Mặt khách quan của tội phạm:
+ Hành vi:
Hành vi có thể được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Những hành vi hành động có thể kể đến như việc trêu chọc một người quá mức dẫn đến hậu quả chết người xảy ra, do cẩu thả trong việc thực hiện công việc khiến cho người khác tử nạn ví dụ như cưa hoặc chặt cây khiến cây đổ vào người khác… Hành vi vô ý làm chết người cũng có thể diễn ra dưới dạng không hành động, tức là không làm việc mà bản thân cần làm để giúp đỡ một người khiến cho họ bị chết.
+ Hậu quả và mối quan hệ nhân quả:
Đây là cấu thành tội phạm vật chất, có nghĩa là phải có hậu quả là chết người xảy ra thì mới có cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người. Hậu quả chết người chưa xảy ra thì không đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vô ý.
Ở đây phải có mối liên hệ ràng buộc giữa hành vi vô ý và hậu quả chết người một cách biện chứng. Hành vi là nguyên nhân gây ra hậu quả và hành vi phải có trước hậu quả làm chết người xảy ra trên thực tế.
Về phía nạn nhân
Nạn nhân của tội vô ý làm chết người có thể là bất cứ người nào.Hậu quả của hành vi là nạn nhân chết xuất phát từ hành vi vô ý của người phạm tội gây ra. Ở đây, nạn nhân có thể là người quen thuộc với người thực hiện tội phạm, thậm chí là người cùng tham gia vào hành vi với người thực hiện tội phạm nhưng vì sự vô ý hoặc quá tự tin của người phạm tội mà bản thân họ trở thành nạn nhân. Nạn nhân cũng có thể là một người hoàn toàn xa lạ, nhưng bị tác động bởi hành vi vô ý dẫn đến việc thiệt mạng.
Văn phòng luật sư trích dẫn nghị quyết:
Nghị quyết 04 -HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự
Chương 2: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người
- Tội vô ý làm chết người (Điều 104). Hành vi vô ý gây thiệt hại đến tính mạng của người khác do vi phạm một quy định hành chính cụ thể (các điều 186, 187, 188…)
– Hành vi do cẩu thả hoặc quá tự tin mà làm chết người, thì nói chung bị xử lý về tội vô ý làm chết người (Điều 104, khoản 1) như: người đi săn ban đêm do lầm lẫn mà bắn chết người.
– Hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp (như: công nhân mắc đường dây dẫn điện do làm việc không cẩn thận gây chết người qua đường) hoặc vi phạm quy tắc hành chính (như: chặt cây công cộng trái với quy định của cơ quan có thẩm quyền, làm gẫy cành cây, đứt dây dẫn điện, gây chết người qua đường…) thì bị xử lý theo quy định của Điều 104, khoản 2.
– Hành vi vô ý gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe người khác do vi phạm một quy định hành chính cụ thể mà điều luật quy định riêng (như các Điều 186, 187, 188, 190, v.v…) thì bị xử lý theo điều luật tương ứng. Thí dụ: lái xe phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn chết người bị xử lý theo Điều 186 về tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng.
Văn phòng luật sư Dragon chuyên tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến online – 1900 599 979
Để biết thêm thông tin chi tiết bạn có thể liên hệ với Luật sư Hà Nội theo địa chỉ dưới đây.
- Trụ sở chính văn phòng luật sư Dragon tại quận Cầu Giấy: Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà VIMECO, Đường Phạm Hùng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
- VPĐD Văn phòng luật sư Dragon tại quận Long Biên: Số 24 Ngõ 29 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Tp Hà Nội.
- Chi nhánh văn phòng luật sư Dragon tại Hải Phòng: Phòng 6 tầng 4 Tòa Nhà Khánh Hội, đường Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, Tp Hải Phòng.
Văn phòng luật sư cung cấp biểu phí và thù lao luật sư tham khảo tại đây
Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long