Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
- Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.”
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Luật sư phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm:
- Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi luật định. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các trường hợp trộm cắp tài sản quy định tại khoản 3 và 4 Điều 173 BLHS.
- Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội trộm cắp tài sản được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ đó là tài sản thuộc sở hữu của người khác chứ không phải tài sản vô chủ, nhận thức rõ việc mình chiếm đoạt tài sản đó là vi phạm pháp luật nhưng vẫn mong muốn thực hiện và mong muốn chiếm đoạt được tài sản.
- Khách thể của tội phạm:
Tội phạm này xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản.
Đối tượng tác động của tội này là tài sản. Tuy nhiên, không phải mọi loại tài sản đều là đối tượng tác động của tội này. Chỉ có vật thực, tiền, giấy tờ có giá mới là đối tượng tác động của loại tội phạm này.
- Mặt khách quan của tội phạm:
+ Hành vi:
Tội phạm được thể hiện ở hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác.
- Hành vi chiếm đoạt tài sản là người phạm tội bí mật, che giấu hành vi của mình không cho chủ tài sản biết khi người phạm tội dịch chuyển tài sản từ vị trí cất giũ đến vị trí khác. Sự dịch chuyển đó làm cho chủ tài sản không biết tài sản đó đang ở đâu.
- Việc chủ tài sản không biết người phạm tội chiếm đoạt tài sản của mình có thể do họ không có mặt tại địa điểm để tài sản hoặc họ có mặt nhưng người phạm tội đã dùng các thủ đoạn làm cho chủ tài sản không biết được họ thực hiện hành vi đó, hoặc chủ tài sản đang ngủ, say, ngất và việc ngủ say, ngất, ngất xỉu của nạn nhân do yếu tố khách quan, không phải do người phạm tội cố ý đưa họ vào tình trạng đó.
- Việc lén lút chiếm đoạt tài sản của người phạm tội chỉ cần chủ sở hữu hoặc ngươi có trách nhiệm quản lý đối với tài sản.
+ Hậu quả:
Việc lén lút chiếm đoạt tài sản của nạn nhân làm thất thoát tài sản của nạn nhân theo cách mà nạn nhan không biết. Tài sản có thể là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình; là di vật, cổ vật.
Tội phạm hoàn thành từ lúc chiếm đoạt được tài sản.
Văn bản hướng dẫn:
- Hướng dẫn toàn điều:
Thông tư liên tịch 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự năm 1999.
- VỀ MỘT SỐ TÌNH TIẾT LÀ YẾU TỐ ĐỊNH TỘI HOẶC ĐỊNH KHUNG HÌNH PHẠT
- Trong trường hợp tài sản bị chiếm đoạt dưới 500 nghìn đồng (Điều 137, Điều 138, Điều 139 BLHS) hoặc dưới một triệu đồng (Điều 140 BLHS), cũng như trong trường hợp tài sản bị huỷ hoại hoặc bị làm hư hỏng có giá trị dưới 500 nghìn đồng (Điều 143 BLHS) nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 của điều luật tương ứng, nếu không có tình tiết định khung hình phạt khác.
- VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ TÀI SẢN BỊ CHIẾM ĐOẠT, BỊ CHIẾM GIỮ TRÁI PHÉP, BỊ SỬ DỤNG TRÁI PHÉP, BỊ HUỶ HOẠI HOẶC BỊ LÀM HƯ HỎNG
Đối với các hành vi xâm phạm sở hữu nói chung việc xác định đúng giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị chiếm giữ trái phép, bị sử dụng trái phép, bị huỷ hoại hoặc bị làm hư hỏng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp nào chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng như việc áp dụng đúng khung hình phạt; do đó, cần chú ý một số điểm sau đây trong việc xác định giá trị tài sản đối với các tội xâm phạm sở hữu:
- Giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị chiếm giữ trái phép, bị sử dụng trái phép, bị huỷ hoại hoặc bị làm hư hỏng được xác định theo giá thị trường của tài sản đó tại địa phương vào thời điểm tài sản bị chiếm đoạt, bị chiếm giữ trái phép, bị sử dụng trái phép, bị huỷ hoại hoặc bị làm hư hỏng.
- Trong trường hợp có đầy đủ cằn cứ chứng minh rằng người có hành vi xâm phạm sở hữu có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm.
Ví dụ 1: A thấy một người vừa nhận ở kho bạc 100 triệu đồng bỏ vào một chiếc túi xách để trước giỏ xe máy nên có ý định cướp giật 100 triệu đồng này. A lấy xe máy đi theo người vừa nhận tiễn và đã cướp giật được chiếc túi xách này, nhưng trong chiếc túi xách này chỉ còn có 200 nghìn đổng, bởi vì 100 triệu đồng người nhận tiền đã bỏ vào cốp xe máy. Trong trường hợp này phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A theo các điểm d và g khoản 2 Điều 136 BLHS.
Ví dụ 2: B thấy C đeo một chiếc nhẫn mầu vàng. Qua các nguồn tin B tưởng đây là nhẫn bằng vàng 9,999, có trọng lượng 2 chỉ, nên đã dùng thủ đoạn gian dối và đã chiếm đoạt được chiếc nhẫn này. Trong trường hợp này phải lấy trị giá của một chiếc nhẫn bằng vàng 9,999 với trọng lượng 2 chỉ theo thời giá tại địa phương vào thời điểm chiếm đoạt để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với B về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Trong trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người có hành vi xâm phạm sở hữu có ý định xâm phạm đến tài sản, nhưng không quan tâm đến giá trị tài sản bị xâm phạm (trị giá bao nhiêu cũng được), thì lấy giá thị trường của tài sản bị xâm phạm tại địa phương vào thời điểm tài sản bị xâm phạm để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm.
Ví dụ: M thấy một chiếc xe máy dựng trước cửa của một gia đình nên đã vào lấy trộm không quan tâm đó là xe Trung Quốc hay xe Nhật Bản. Trong trường hợp này nếu là xe Trung Quốc thì xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt theo giá trị xe Trung Quốc; nếu là xe Nhật Bản thì xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt theo giá trị xe Nhật Bản.
- Để xác định đúng giá trị tài sản bị xâm phạm trong trường hợp tài sản bị xâm phạm không còn nữa, cơ quan điều tra cần lấy lời khai của những người biết về tài sản này để xác định đó là tài sản gì; nhãn, mác của tài sản đó như thế nào; giá trị tài sản đó theo thời giá thực tế tại địa phương vào thời điểm tài sản bị xâm phạm là bao nhiêu; tài sản đó còn khoảng bao nhiêu phần trăm… để trên cơ sở đó có kết luận cuối cùng về giá trị tài sản bị xâm phạm.
- Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích…), đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương úng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu:
- a) Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
Ví dụ: Tối ngày 12/11/2001 Nguyễn Văn A mang theo một bao tải với mục đích đi trộm cắp tài sản. Lần thứ nhất A vào một gia đình và lấy được 1 chiếc đài cát sét trị giá 200 ngàn đồng bỏ vào bao tải đem dấu ở một bụi cây. Lần thứ hai A vào một gia đình khác lấy được một bộ quần áo trị giá 250 ngàn đồng và bỏ tiếp vào bao tải. Khi đi ngang qua thấy một chiếc xe đạp trị giá 300 ngàn đồng dựng ở sân của một gia đình khác, A phá khoá và dắt xe đạp ra bỏ bao tải tài sản vừa trộm cắp được lên xe đạp. Khi A đạp xe đi được một đoạn thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Trong trường hợp này tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 750 ngàn đồng; do đó, A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 138 BLHS.
- b) Việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính.
Ví dụ: Nguyễn Văn B không có nghề nghiệp bỏ nhà đi lang thang với mục đích trộm cắp tài sản. Ngày 15-3-2001 B trộm cắp được một chiếc xe đạp trị giá 300 ngàn đồng đem bán lấy tiền tiêu xài. Ngày 16-4-2001 B ra bến xe và móc túi được 150 ngàn đồng. Ngày 17-5-2001, B phá khoá cửa của một gia đình vào trộm cắp được một số tài sản trị giá 200 ngàn đồng và bị bắt giữ. Trong trường hợp này tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 650 ngàn đồng; do đó, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 138 BLHS.
- c) Với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới 500 ngàn đồng.
Ví dụ: Thấy trong kho X của Nhà máy Z có rất nhiều tài sản, nhưng sợ bảo vệ phát hiện, nên lợi dụng những lúc sơ hở, M vào kho trộm cắp tài sản và dấu vào người. Mỗi lần trộm cắp giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 100 ngàn đến 150 ngàn đồng. M thực hiện đến lần thứ 6 thì bị phát hiện và bị bắt giữ.
Trong trường hợp này tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 700 ngàn đồng; do đó, M phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 138 BLHS.
Cần chú ý là trong các trường hợp trên đây nếu chỉ căn cứ vào các hành vi xâm phạm cùng loại này thì không áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” (điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS) và cũng không áp dụng tình tiết định khung hình phạt “có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại khoản 2 của điều luật tương ứng quy định về tội phạm tương ứng đó. Trong trường hợp có tình tiết khác định khung hình phạt thì áp dụng khoản tương ứng của điều luật tương ứng có quy định tình tiết định khung hình phạt đó.
- Hướng dẫn điểm a khoản 1 “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản”
- VỀ MỘT SỐ TÌNH TIẾT LÀ YẾU TỐ ĐỊNH TỘI HOẶC ĐỊNH KHUNG HÌNH PHẠT
- Khi áp dụng tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt” quy định tại khoản 1 của các điều 137, 138, 139 và 140 BLHS cần chú ý:
1.1. Bị coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt”, nếu trước đó đã bị xử lý bằng một trong các hình thức sau đây về hành vi chiếm đoạt, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý mà lại thực hiện một trong các hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
- a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính;
- b) Đã bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệnh, Điều lệ của lực lượng vũ trang nhân dân;
- c) Đã bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền (Ví dụ 1: Một sinh viên trộm cắp của bạn 150.000 đồng và bị phát hiện. Hội đồng kỷ luật của Nhà trường đã xét và người có thẩm quyền đã ra quyết định cảnh cáo toàn trường hoặc đuổi học. Ví dụ 2: Một cán bộ (công chức) trộm cắp tài sản của cơ quan và bị phát hiện. Hội đồng kỷ luật của cơ quan đã xét và người có thẩm quyền đã ra quyết định kỷ luật hạ một bậc lương theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức…).
1.2. Hết thời hạn để được coi là chưa bị xử lý là hết thời hạn do pháp luật, Điều lệnh hoặc Điều lệ quy định (Theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp “cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu quá một năm, kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm, thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính”). Đối với các trường hợp bị xử lý mà chưa có quy định về thời hạn để hết thời hạn đó, người bị xử lý được coi là chưa bị xử lý, thì thời hạn đó là một năm, kể từ ngày bị xử lý.
1.3. Bị coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt” nếu trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi sau đây:
- a) Hành vi cướp tài sản;
- b) Hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản;
- c) Hành vi cưỡng đoạt tài sản;
- d) Hành vi cướp giật tài sản;
đ) Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản:
- e) Hành vi trộm cắp tài sản:
- g) Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; .
- h) Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản;
- i) Hành vi tham ô tài sản;
- k) Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
– Hướng dẫn điểm d khoản 2 “dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm”
- VỀ MỘT SỐ TÌNH TIẾT LÀ YẾU TỐ ĐỊNH TỘI HOẶC ĐỊNH KHUNG HÌNH PHẠT
5.3. “Dùng thủ đoạn nguy hiểm” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 136 BLHS là dùng thủ đoạn để cướp giật tài sản mà nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của người bị hại hoặc của người khác như dùng xe mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giật tài sản; cướp giật của người đang đi mô tô, xe máy… Cần chú ý là trong trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm để cướp giật tài sản mà gây ra hậu quả nghiêm trọng, thì phải áp dụng cả hai tình tiết định khung hình phạt quy định tại các điểm d và h khoản 2 Điều 136 BLHS.
– Hướng dẫn điểm đ khoản 2 “hành hung để tẩu thoát”
- VỀ MỘT SỐ TÌNH TIẾT LÀ YẾU TỐ ĐỊNH TỘI HOẶC ĐỊNH KHUNG HÌNH PHẠT
- Khi áp đụng tình tiết “hành hung để tẩu thoát” (điểm đ khoản 2 Điều 136; điểm a khoản 2 Điều 137; điểm đ khoản 2 Điều 138 BLHS) cần chú ý:
6.1. Phạm tội thuộc trường hợp “hành hung để tẩu thoát” là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã… nhằm tẩu thoát.
6.2. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.
======================================
Văn phòng luật sư Dragon chuyên tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến online – 1900 599 979
Để biết thêm thông tin chi tiết bạn có thể liên hệ với Luật sư Hà Nội theo địa chỉ dưới đây.
- Trụ sở chính văn phòng luật sư Dragon tại quận Cầu Giấy: Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà VIMECO, Đường Phạm Hùng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
- VPĐD Văn phòng luật sư Dragon tại quận Long Biên: Số 24 Ngõ 29 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Tp Hà Nội.
- Chi nhánh văn phòng luật sư Dragon tại Hải Phòng: Phòng 6 tầng 4 Tòa Nhà Khánh Hội, đường Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, Tp Hải Phòng.
Văn phòng luật sư cung cấp biểu phí và thù lao luật sư tham khảo tại đây
Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long
F: www.facebook.com/congtyluatdragon
Y: www.youtube.com/congtyluatdragon
Trân trọng!