Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm:
– Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của hai tội phạm nói trên là bất kỳ ngưòi nào có năng lực trách nhiệm hình sự, thông thường là những người có uy thế trong gia đình như ông, bà, cha, mẹ, anh, chị người nuôi dưỡng của người bị hại hoặc người có quyền uy ảnh hưởng lốn đối với người bị hại (như Thủ trưởng cơ quan đối với nhân viên…) do đó thường là những ngưòi đã thành niên, tức từ đủ 18 tuổi trở lên
– Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội thực hiện hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện thực hiện hành vi của mình do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện của họ, thấy trước được hậu quả và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Đối với tội cưỡng ép hoặc cản trở hôn nhân tự nguyên, tiến bộ người phạm tội bao giờ cũng mong muốn cho hậu quả xảy ra. Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm
– Khách thể của tội phạm:
Các tội phạm nói trên xâm phạm đến quyền kết hôn, quyền ly hôn của người khác (nam, nữ). Ngoài ra còn xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
- Mặt khách quan của tội phạm:
+ Về hành vi. Có một trong các hành vi sau:
Có hành vi cưỡng ép kết hôn: Đây là hành vi buộc người khác (thông thường là con, cháu trong gia đình, họ tộc) phải kết hôn với người (nam hoặc nữ) mà họ không muôn kết hôn với ngươi đó, tức trái với sự tự nguyện của họ.
Có hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ. Được thể hiện qua các hành vi cụ thể sau đây:
– Ngăn cản đôi nam nữ không cho họ kết hôn theo mong muốn của họ, mặc dù họ đã có đầy đủ các điều kiện kết hôn.
– Ngăn cản người khác duy trì quan hệ vợ chồng hợp pháp (tức quan hệ hôn nhân tự nguyện tiến bộ), nghĩa là làm cho họ phải ly hôn, trái với ý muốn của họ (trên thực tế thường xảy ra tình trạng cha mẹ vợ hoặc chồng buộc con mình phải ly hôn với con dâu hoặc con rể do không thuận thảo, mâu thuẫn với cha mẹ vợ hoặc chồng).
Thủ đoạn phạm tội được thực hiện bằng các hình thức sau đây:
+ Hành hạ: Là đốì xử tàn ác đối với người bị cưỡng ép kết hôn hoặc bị cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ như đánh đập, buộc làm những việc nặng nhọc,… và coi đó là một hình phạt gây đau đớn về thể chất một cách thường xuyên, làm cho họ bị đau đớn về thể xác hoặc tinh thần.
+ Ngược đãi: Là đối xử tồi tệ về mọi mặt (ăn, mặc, ở…) đối với người bị cưỡng ép kết hôn hoặc bị cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ. Đối xử tồi tệ được thể hiện qua việc mắng chửi thậm tệ, xỉ vả, làm nhục trước bạn bè… một cách thường xuyên.
+ Uy hiếp tinh thần: Là đe doạ dùng vũ lực xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản hoặc đe doạ xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, tước đi những lợi ích thiết thân (như đuổi ra khỏi nhà…) của người bị cưỡng ép kết hôn hay bị cản trở kết hôn hoặc bị cản trở không cho duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện tiến bộ.
+ Yêu sách của cải: Là cố tình thách cưới thật cao so với tục lệ thách cưới thông thường nhằm để bên bị thách cưới không thể đáp ứng được, phải từ bỏ việc kết hôn.
+ Những thủ đoạn khác: Ngoài những thủ đoạn đã nêu thì những thủ đoạn khác phải là thủ đoạn được sử dụng với mục đích cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ (ví dụ: Ghép ảnh của người nữ thành ảnh khoả thân và gửi cho người nam để họ mâu thuẫn không kết hôn nữa).
Lưu ý:
+ Điều luật gồm 2 tội độc lập, nhưng tính chất nguy hiểm có điểm tương đồng.
+ Hành vi cưỡng ép hoặc cản trở được thực hiện bằng cách ngăn cản, hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải… phải vì mục đích cưỡng ép cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ. Nếu không có mục đích này thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự về những tội danh tương ứng như tội bức tử, tội hành hạ người khác, tội làm nhục người khác, tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, tội dùng nhục hình, tội bức cung .
+ Tội phạm hoàn thành kể từ khi người phạm tội có hành vi vi phạm trong việc cưỡng ép hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ hoặc nếu trước đó họ đã bị xử phạt hành chính về hành vi cùng loại. Vấn đề này được hiểu là nếu trước đó đã xử phạt hành chính họ về hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ mà nay họ lại tiếp tục vi phạm về hành vi cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ, thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về hành vi cưỡng ép người khác trong tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện cũng tương tự như hành vi hành hạ, cưỡng ép trong một số tội phạm chỉ khác nhau ở mục đích của người phạm tội. Người bị hành hạ, cưỡng ép chủ yếu là người có quan hệ lệ thuộc với người phạm tội. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp giữa người phạm tội với người bị hành hạ, cưỡng ép không có mối quan hệ lệ thuộc.
Mối quan hệ lệ thuộc giữa người phạm tội với người bị hành hạ là lệ thuộc về vật chất, về tinh thần. Mối quan hệ này, bắt nguồn quan hệ hôn nhân (vợ chồng), quan hệ huyết thống (cha mẹ với các con, ông bà với các cháu), quan hệ nuôi dưỡng (cha mẹ nuôi với con nuôi, người đỡ đầu với người được đỡ đầu), quan hệ công tác ( thủ trưởng với nhân viên ), quan hệ thầy trò, quan hệ tôn giáo, quan hệ giữa người làm công với chủ, nhất là đối với một số nhà hàng khách sạn tư nhân… Tuy nhiên, người bị hành hạ trong tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ chủ yếu bắt nguồn từ quan hệ huyết thống.
Còn nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cưỡng ép kết hôn, nay có hành vi vi phạm cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ theo chúng tôi thì không cấu thành tội phạm này. Hậu quả của tội này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm mà nó chỉ có ý nghĩa trong việc xác định tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trong việc lượng hình.
+ Dấu hiệu khác:
Ngoài các dấu hiệu của mặt khách quan nêu trên thì người có hành vi phạm tội còn phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi nêu trên mà còn tiếp tục vi phạm thì mối phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội phạm này.
Văn bản hướng dẫn:
Về tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” quy định tại một số điều luật của BLHSNghị Quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999.
6.1. Đối với các tội mà điều luật có quy định tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” và đã được hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện theo đúng hướng dẫn của các văn bản đó.
6.2. Đối với các tội mà điều luật có quy định tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” nhưng chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền thì phân biệt như sau:
- Đối với điều luật quy định một tội (tội đơn) thì “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” là trước đó một người đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó bằng một trong các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó.
Ví dụ: A đã bị xử phạt hành chính về hành vi đặt chướng ngại vật trên đường sắt để cản trở giao thông đường sắt, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính, A lại thực hiện một trong các hành vi (đặt chướng ngại vật trên đường sắt; làm xê dịch ray, tà vẹt; khoan, đào, xẻ trái phép nền đường sắt, mở đường trái phép qua đường sắt…) quy định tại Điều 209 của BLHS để cản trở giao thông đường sắt.
- Đối với điều luật quy định nhiều tội khác nhau (tội ghép) thì “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” là trước đó một người đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong một tội tại điều luật đó bằng một trong các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong những hành vi được liệt kê trong tội đó (không bao gồm các hành vi được liệt kê trong tội khác cũng tại điều luật đó).
Ví dụ: Điều 164 của BLHS quy định tội làm tem giả, vé giả, tội buôn bán tem giả, vé giả.Trường hợp B đã bị xử phạt hành chính về hành vi làm tem giả, chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính, B lại làm vé giả thì bị coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”; nếu B chỉ buôn bán tem, vé giả thì không coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.
====================================================
Văn phòng luật sư Dragon chuyên tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến online – 1900 599 979
Để biết thêm thông tin chi tiết bạn có thể liên hệ với Luật sư Hà Nội theo địa chỉ dưới đây.
- Trụ sở chính văn phòng luật sư Dragon tại quận Cầu Giấy: Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà VIMECO, Đường Phạm Hùng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
- VPĐD Văn phòng luật sư Dragon tại quận Long Biên: Số 24 Ngõ 29 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Tp Hà Nội.
- Chi nhánh văn phòng luật sư Dragon tại Hải Phòng: Phòng 6 tầng 4 Tòa Nhà Khánh Hội, đường Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, Tp Hải Phòng.
Văn phòng luật sư cung cấp biểu phí và thù lao luật sư tham khảo tại đây
Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long
F: www.facebook.com/congtyluatdragon
Y: www.youtube.com/congtyluatdragon
Trân trọng!