Điều 282 Bộ luật Hình sự quy định về tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy
Chi tiết Điều 282 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
Điều 282. Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy
- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tàu bay hoặc tàu thủy, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Có tổ chức;
b) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
d) Chiếm đoạt tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm - Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản 500.000.000 đồng trở lên. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”.
Phân tích 4 yếu tố cấu thành tội phạm:
- Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể thường, là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi luật định.
- Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý.
- Khách thể của tội phạm:
Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản là tàu thủy của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Đối tượng tác động của tội phạm này chính là tàu thủy.
- Mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tàu thủy. Hành vi dùng vũ lực có thể làm cho nạn nhân bị thương tích, bị tổn hại đến sức khoẻ hoặc bị chết, nhưng cũng có thể chưa gây ra thương tích đáng kể. Ngoài hành vi dùng vũ lực và đe doạ dùng vũ lực người phạm tội còn dùng các thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tàu thủy như: lén lút, gian dối, công nhiên, lạm dụng tín nhiệm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn… Tuy nhiên, nếu người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp quản lý tàu thuỷ mà chiếm đoạt thì không thuộc trường hợp phạm tội “chiếm đoạt tàu thủy” mà là phạm tội “tham ô tài sản”.
Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, tức là người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi khách quan là tội phạm đã hoàn thành.
Văn bản hướng dẫn:
Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/3/2013 của Bộ công an, Bộ quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của Bộ Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.
- Hướng dẫn khoản 1 về “thủ đoạn khác”
Điều 16. Về tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221 Bộ luật hình sự)
- Các thủ đoạn khácquy định tại khoản 1 Điều 221 Bộ luật hình sự như lén lút, lừa dối, lợi dụng lòng tin, cưỡng ép, gây sức ép, uy hiếp tinh thần, đánh thuốc mê nhằm chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy.
- Hướng dẫn điểm a khoản 2 “Sử dụng vũ khí, phương tiện”
Điều 16. Về tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221 Bộ luật hình sự)
- Vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sựlà một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2011 (sửa đổi, bổ sung năm 2013); các công cụ, dụng cụ nguy hiểm như búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt); vật mà người phạm tội chế tạo ra (như thanh sắt mài nhọn, côn gỗ) hoặc vật có sẵn trong tự nhiên (như gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt) mà việc sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công.
====================================================================
Điều 283 Bộ luật Hình sự quy định về tội điều khiển tàu bay vi phạm quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Chi tiết Điều 283 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
Điều 283. Tội điều khiển tàu bay vi phạm quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào điều khiển tàu bay vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 và Điều 111 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.”
Phân tích 4 yếu tố cấu thành tội phạm:
- Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người chỉ huy hoặc điều khiển tầu bay mới là chủ thể của tội phạm này (bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài).
- Mặt chủ quan của tội phạm:
Người phạm tội vi phạm quy định điều khiển tầu bay thực hiện hành vi là do vô ý.
- Khách thể của tội phạm:
Hành vi phạm tội xâm phạm đến quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối tượng tác động của tội phạm này là tầu bay.
- Mặt khách quan của tội phạm:
Thực hiện hành vi điều khiển tàu bay vào hoặc ra khỏi Việt Nam mà vi phạm quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Đây cũng là đặc điểm riêng của tội phạm này, vì tính chất đặc biệt quan trọng về sự an toàn các chuyến bay.
Văn bản hướng dẫn:
Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/3/2013 của Bộ công an, Bộ quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của Bộ Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.
Điều 17. Về tội điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 222 Bộ luật hình sự)
Khi áp dụng Điều luật này cần chú ý: Cấu thành tội phạm điều khiển tàu bay vi phạm các quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự cơ bản giống cấu thành tội phạm vi phạm các quy định về điều khiển tàu bay quy định tại Điều 216 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên cần chú ý, khách thể của tội phạm quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự ngoài xâm phạm vào những quy định về an toàn giao thông đường không còn đe dọa xâm phạm đến an ninh quốc gia.
=============================================================
Điều 284 Bộ luật Hình sự quy định về tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Chi tiết Điều 284 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
Điều 284. Tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
1. Người nào điều khiển phương tiện hàng hải vào hoặc ra khỏi Việt Nam hoặc đi qua lãnh hải Việt Nam mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 và Điều 111 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Chạy quá tốc độ cho phép trong vùng nước cảng biển;
b) Chạy không đúng vùng được phép hoạt động theo quy định;
c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thủ tục vào cảng, rời cảng, chế độ hoa tiêu, thủ tục neo, đậu, cập cầu, cập mạn, quy định về trật tự vệ sinh, an toàn cháy nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường;
d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về đi, tránh nhau, vượt nhau, nhường đường trong hoạt động giao thông hàng hải hoặc phương tiện giao thông hàng hải không có, không bảo đảm về còi, chuông, kẻng theo âm lượng quy định;
đ) Không bảo đảm về đèn hành trình, đèn hiệu theo tiêu chuẩn quy định, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc phát tín hiệu về âm hiệu, tín hiệu ánh sáng.
- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.”
Phân tích 4 yếu tố cấu thành tội phạm:
- Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm này là người có trách nhiệm trực tiếp trong việc điều khiển phương tiện hàng hải.
- Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý hoặc vô ý. Động cơ mục đích đa dạng nhưng không phải mục đích chống chính quyền nhân dân.
Nếu hành vi vi phạm nêu trên có mục đích chống chính quyền nhân dân thì xem xét trách nhiệm hình sự theo tội gián điệp theo Điều 110 hoặc tội phạm an ninh xã hội theo Điều 111 BLHS 2015
- Khách thể của tội phạm:
Hành vi phạm tội xâm phạm ào sự an toàn của ngành hàng hải của nước CHXHCN Việt Nam.
- Mặt khách quan của tội phạm:
Tội phạm thể hiện ở hành vi điều khiển tàu thủy hay phương tiện hàng hải khác vào hoặc ra khỏi Việt Nam hoặc đi qua lãnh hải Việt Nam không đúng quy định như:
+ Chạy quá tốc độ cho phép trong vùng nư¬ớc cảng biển;
+ Chạy không đúng vùng được phép hoạt động theo quy định;
+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thủ tục vào cảng, rời cảng, chế độ hoa tiêu, thủ tục neo, đậu, cập cầu, cập mạn, quy định về trật tự vệ sinh, an toàn cháy nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường;
+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về đi, tránh nhau, vượt nhau, nhường đường trong hoạt động giao thông hàng hải hoặc phương tiện giao thông hàng hải không có, không bảo đảm về còi, chuông, kẻng theo âm lượng quy định;
+ Không bảo đảm về đèn hành trình, đèn hiệu theo tiêu chuẩn quy định, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc phát tín hiệu về âm hiệu, tín hiệu ánh sáng.
Văn bản hướng dẫn:
Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/3/2013 của Bộ công an, Bộ quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của Bộ Luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về các tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.
Điều 18. Về tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 223 Bộ luật hình sự)
Vi phạm các quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 223 Bộ luật hình sự được hiểu là một trong những hành vi sau đây:
- Chạy quá tốc độ cho phép trong vùng nước cảng biển, chạy không đúng vùng được phép hoạt động theo quy định;
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các thủ tục vào cảng, rời cảng, chế độ hoa tiêu, thủ tục neo, đậu, cập cầu, cập mạn, trật tự – vệ sinh, an toàn cháy nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do phương tiện hàng hải gây ra;
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về đi, tránh nhau, vượt nhau, nhường đường trong hoạt động giao thông hàng hải;
- Phương tiện giao thông hàng hải không có hoặc không bảo đảm về còi, chuông, kẻng theo âm lượng quy định; không bảo đảm về đèn hành trình, đèn hiệu theo tiêu chuẩn quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng về phát tín hiệu về âm hiệu, tín hiệu ánh sáng;
- Các vi phạm khác về an toàn giao thông hàng hải Việt Nam.
====================================================
Công ty luật Dragon chuyên tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến online – 1900 599 979
Để biết thêm thông tin chi tiết bạn có thể liên hệ với Luật sư Hà Nội theo địa chỉ dưới đây.
- Trụ sở chính Công ty luật Dragon tại quận Cầu Giấy: Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà VIMECO, Đường Phạm Hùng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
- VPĐD Công ty luật Dragon tại quận Long Biên: Số 24 Ngõ 29 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Tp Hà Nội.
- Chi nhánh văn phòng luật sư Dragon tại Hải Phòng: Phòng 6 tầng 4 Tòa Nhà Khánh Hội, đường Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, Tp Hải Phòng.
Công ty luật Dragon cung cấp biểu phí và thù lao luật sư tham khảo tại đây
Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long