Điều 371 Bộ luật Hình sự quy định về tội ra quyết định trái pháp luật

Chi tiết Điều 371 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Điều 371 Bộ luật Hình sự quy định về tội ra quyết định trái pháp luật

Chi tiết Điều 371 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017

Điều 371. Tội ra quyết định trái pháp luật

  1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 368, 369, 370, 377 và 378 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Phạm tội 02 lần trở lên;
    c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
    d) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
    đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
    e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
  3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
    a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
    b) Dẫn đến người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người phải chấp hành án, người bị hại, đương sự tự sát;
    c) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.
  4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Phân tích 4 yếu tố cấu thành tội phạm:

  • Chủ thể của tội phạm:

Bộ luật hình sự năm 2015 mở rộng phạm vi chủ thể tội phạm số với Bộ luật hình sự năm 1999. Chủ thể thực hiện tội ra quyết định trái pháp luật là “người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án”.

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra truy tố, xét xử, thi hành án như: Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện kiểm sát; Chánh án, Phó chánh án Toà án; Điều tra viên, kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Chấp hành viên mới có thể thực hiện được tội phạm này.

Nếu người có chức vụ, quyền hạn nhưng không phải là người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra truy tố, xét xử, thi hành án mà ra lệnh cho người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định trái pháp luật thì tuỳ trường hợp mà họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nhưng người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra truy tố, xét xử, thi hành án vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ra quyết định trái pháp luật

  • Mặt chủ quan của tội phạm:

+ Lỗi:

Người phạm tội ra quyết định trái pháp luật thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là người phạm tội nhận thức rõ việc ra quyết định của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Điều luật quy định “biết rõ là trái pháp luật” tức là, người phạm tội phải biết rõ quyết định của mình là trái pháp luật, nếu vì lý do nào đó mà người có thẩm quyền không biết rõ là trái pháp luật thì không phạm tội ra quyết định trái pháp luật.

+ Động cơ, mục đích phạm tội:

không là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này nhưng việc xác định động cơ của người phạm tội rất cần thiết. Căn cứ vào động cơ phạm tội mà có thể xác định người phạm tội có biết rõ quyết định của mình có trái pháp luật hay không.

Nếu người có thẩm quyền ra quyết định và biết rõ là trái pháp luật nhưng vì chấp hành chỉ thị của cấp trên thì tuỳ trường hợp mà người ra quyết định trái pháp luật vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ra quyết định trái pháp luật, còn người ra chỉ thị (ra lệnh) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc đồng phạm với người ra quyết định trái pháp luật.

Nếu người có thẩm quyền nhận hối lộ mà ra quyết định trái pháp luật thì ngoài tội ra quyết định trái pháp luật còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ –  Điều 354 Bộ luật hình sự.

  • Khách thể của tội phạm:

Tội ra quyết định trái pháp luật không chỉ xâm phạm đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, mà còn ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, xâm phạm đến hoạt động bình thường của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án và cơ quan thi hành án, làm mất uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng và Cơ quan thi hành án.

 

Đối tượng tác động của tội phạm này là những quyết định trái pháp luật của những người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra truy tố, xét xử, thi hành án như: quyết định thu giữ đồ vật, tài liệu; quyết định xử lý vật chứng; quyết định việc giữ khẩn cấp; quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định kê biên tài sản; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; quyết định thi hành án,…

Tuy nhiên, nếu trong các quyết định trái pháp luật nếu đó chỉ là thủ đoạn để người phạm tội thực hiện tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc ra bản án trái pháp luật thì không còn là đối tượng tác động của tội phạm này nữa.

  • Mặt khách quan của tội phạm:

+ Hành vi khách quan:

Người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định trái pháp luật có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản (nói chung là bằng văn bản) mà biết rõ là trái pháp luật.

Người thực hiện hành vi ra quyết định trái pháp luật cũng không giống nhau, mà tuỳ trường hợp người có thẩm quyền là ai mà để xác định hành vi ra quyết định có trái pháp luật hay không. Nếu người ra quyết định là Thủ trưởng, Phó thủ trưởng, Cơ quan điều tra, Điều tra viên thì chỉ có thể ra các quyết định trái pháp luật trong quá trình điều tra vụ án hình sự, nhưng nếu là Chánh án, Phó chánh án Toà án, Thẩm phán, Hội thẩm thì không chỉ ra các quyết định trái pháp luật liên quan đến vụ án hình sự mà còn có những quyết định trái pháp luật liên quan đến các vụ dân sự, kinh tế,hành chính, lao động.

Trong trường hợp ra quyết định bằng miệng thì phải có căn cứ xác định người có thẩm quyền đã quyết định và từ quyết định này đã trực tiếp gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì mới bị coi là hành vi phạm tội ra quyết định trái pháp luật. Ví dụ: Nguyễn văn A là Đội trưởng Đội thi hành án dân sự huyện X, được phân công chỉ huy lực lượng cưỡng chế buộc gia đình bà Trần thị C phải ra khỏi nhà để giao nhà cho anh Nguyễn Văn B. Khi lực lượng cưỡng chế đã tập kết tại gia đình bà C thì nhận được quyết định tạm hoãn thi hành án nhưng A vẫn ra lệnh cho lực lượng cưỡng chế thi hành việc buộc gia đình bà C ra khỏi nhà.

Trong trường hợp quyết định trái pháp luật là quyết định bằng miệng của cấp trên đối với cấp dưới trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự hoặc trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, kinh tế, hành chính, lao động có liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc ra bản án trái pháp luật thì cần phân biệt:

–  Nếu người ra quyết định (mệnh lệnh) biết rõ là do mệnh lệnh của mình mà cấp dưới đã truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc ra bản án trái pháp luật thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 367, Điều 368 hoặc Điều 369 Bộ luật hình sự.

–  Nếu người ra quyết định (mệnh lệnh) tuy biết rõ là trái pháp luật nhưng không biết rõ là do mệnh lệnh của mình mà cấp dưới đã truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội hoặc ra bản án trái pháp luật thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 370 Bộ luật hình sự.

+  Hậu quả:

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu hành vi ra quyết định trái pháp luật chưa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân thì chưa cấu thành tội phạm này, mà tuỳ trường hợp người có hành vi có thể chỉ bị xử lý hành chính.

+ Các dấu hiệu khách quan khác

Đối với tội ra quyết định trái pháp luật ngoài hành vi khách quan, nhà làm luật còn quy định một dấu hiệu khách quan rất quan trọng, đó là tính trái pháp luật của quyết định mà người có thẩm quyền đã ra.

Một quyết định bị coi là trái pháp luật là quyết định có nội dung không đúng với quy định của pháp luật. Khi xác định tính trái pháp luật của quyết định mà người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ban hành cần phải xem xét cả nội dung và hình thức của quyết định. Nếu một người không có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án mà lại ra quyết định có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì quyết định đó tuy trái pháp luật nhưng người ra quyết định đó không phạm tội ra quyết định trái pháp luật mà tuỳ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm quyền hoặc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tính trái pháp luật được biểu hiện không chỉ trái pháp luật về nội dung của quyết định mà còn trái pháp luật cả về hình thức của quyết định đó. Tuy nhiên, người phạm tội ra quyết định trái pháp luật chủ yếu là trái pháp luật về nội dung, còn về hình thức rất ít trường hợp người phạm tội để sai, vì nếu vi phạm về hình thức quyết định thì dễ bị phát hiện, mà người phạm tội đã chủ định ra quyết định trái pháp luật thì bao giờ cũng bằng cách này hay cách khác che giấu hành vi phạm tội của mình.

Văn bản hướng dẫn:

Nghị quyết 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự

Chương 8:

CÁC TỘI XÂM PHẠM HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

2) Tội ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật (Điều 232)

– Đó là hành vi ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật về hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình và lao động trong các giai đoạn tố tụng về sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, thi hành án. Tính chất trái pháp luật được thể hiện ở nội dung bản án, hoặc quyết định (như: kết án người rõ ràng không có tội; tuyên không có tội đối với người rõ ràng có tội, truất quyền thừa kế, quyền sở hữu của công dân không có căn cứ hợp pháp; đình chỉ tố tụng không có căn cứ v.v…) Bản án hoặc quyết định có thể sai toàn bộ hoặc sai một phần sai này rõ ràng trái pháp luật.

– Hành vi đó là cố ý, tức là biết rõ là sai mà vẫn làm. Động cơ cá nhân (nếu có) chỉ có ý nghĩa về lượng hình. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm tuyên án hoặc tống đạt quyết định trái pháp nói trên.

– Nếu do thiếu trách nhiệm (cẩu thả hoặc quá tự tin) mà bản án quyết định trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị xử lý theo Điều 220; nếu không có hậu quả nghiêm trọng, thì có thể bị xử lý hành chính.

– Chủ thể của tội phạm này là thẩm phán, hội thẩm nhân dân, tức là người có thẩm quyền ra bản án hoặc quyết định đối với bị cáo hoặc đương sự.

Theo nguyên tắc, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán, do đó, mỗi thành viên trong Hội đồng xét xử đều có trách nhiệm hình sự khi cố ý ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật. Nhưng qua thực tiễn, cần xem xét sự việc cụ thể và thái độ của từng thành viên trong Hội đồng xét xử khi biểu quyết để xác định trách nhiệm cụ thể của từng người (như: đối với một bản án hoặc quyết định được cố ý ra trái pháp luật được biểu quyết theo đa số, một thành viên của Hội đồng xét xử đã biểu quyết ngược lại, thì không thể bị xử lý về tội này).

Theo nguyên tắc “khi xét xử, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” Hội đồng xét xử trong mọi trường hợp đều phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc xét xử vụ án. Khi cần thiết hoặc khi Tòa án cấp dưới hỏi, Tòa án cấp trên có thể cho những ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn về việc áp dụng pháp luật, nhưng không đề ra mức xử lý cụ thể, và không có tính chầt ra mệnh lệnh. Do đó, nếu các thành viên của Hội đồng xét xử, theo sự hướng dẫn của cấp trên, ra bản án hoặc quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật vẫn bị xử lý theo Điều 232. Cấp trên hướng dẫn Hội đồng xét xử ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật có thể bị xử lý hành chính; nếu cho ý kiến có tính chất cố ý ép buộc Hội đồng xét xử ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật thì cũng bị xử lý về tội ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật (Điều 232).

– Hậu quả nghiêm trọng quy định ở Điều 232, khoản 2 thể hiện như: kẻ phạm tội nghiêm trọng đã trốn sau khi bản án tha sai; người bị kết án oan đã bị giam lâu ngày, tự sát, bị tan nát gia đình, bị kiệt quệ về kinh tế.

====================================================

Công ty luật Dragon chuyên tư vấn pháp luật Hình sự trực tuyến online – 1900 599 979

Để biết thêm thông tin chi tiết bạn có thể liên hệ với Luật sư Hà Nội theo địa chỉ dưới đây.

  1. Trụ sở chính Công ty luật Dragon tại quận Cầu Giấy:  Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà VIMECO, Đường Phạm Hùng, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
  2. VPĐD Công ty luật Dragon tại quận Long Biên: Số 24 Ngõ 29 Phố Trạm, phường Long Biên, quận Long Biên, Tp Hà Nội.
  3. Chi nhánh văn phòng luật sư Dragon tại Hải Phòng: Phòng 6 tầng 4 Tòa Nhà Khánh Hội, đường Lê Hồng Phong, quận Hồng Bàng, Tp Hải Phòng.

Công ty luật Dragon cung cấp biểu phí và thù lao luật sư tham khảo tại đây

Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Minh Long

Chi tiết Điều 371 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017Điều 371 Bộ luật Hình sự quy định về tội ra quyết định trái pháp luậtĐiều 371. Tội ra quyết định trái pháp luậtluat su nguyen minh long
Comments (0)
Add Comment