– Căn cứ Pháp lệnh Luật sư ngày 25/7/2001;
– Căn cứ Nghị định số 94/2001/NÐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Luật sư.
– Căn cứ Thông tư số 02/2002/TT-Bộ Tư pháp ngày 22/01/2002 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện Nghị định 94/2001NÐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ.
Bản điều lệ này quy định những quan hệ nội bộ của Ðoàn luật sư thành phố Hải Phòng.
Chương I
MỤC ĐÍCH HOẠT ĐỘNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Ðiều 1 – Mục đích hoạt động của Ðoàn luật sư thành phố Hải Phòng
Ðoàn luật sư thành phố Hải Phòng là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động nhằm xây dựng một đội ngũ luật sư của thành phố Hải Phòng đáp ứng được yêu cầu tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần bảo vệ công lý, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế XHCN.
Ðiều 2 – Nhiệm vụ của Ðoàn luật sư
Nhiệm vụ của Ðoàn luật sư là: bồi dưỡng các luật sư về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn; giám sát các luật sư về chấp hành pháp luật và quy tắc, đạo đức nghề nghiệp luật sư; đại diện, bảo vệ cho các quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư trong khi hành nghề.
Chương II
THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ
Ðiều 3 – Gia nhập Ðoàn luật sư thành phố Hải Phòng
Người muốn gia nhập Ðoàn luật sư thành phố Hải Phòng phải là người có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có đủ các điều kiện quy định tại Ðiều 8 Pháp lệnh luật sư ngày 25-7-2001;
2. Cư trú tại thành phố Hải Phòng;
3. Không phải là người đã bị một Ðoàn luật sư thi hành kỷ luật xoá tên;
4. Không thuộc các trường hợp đã bị xử lý hình sự về những hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nghề nghiệp luật sư.
Ðiều 4 – Thủ tục gia nhập Ðoàn luật sư thành phố Hải Phòng
1. Người muốn gia nhập Ðoàn luật sư thành phố Hải Phòng phải có đơn xin gia nhập kèm theo những giấy tờ quy định tại Ðiều 10 Pháp lệnh luật sư ngày 25/7/2001. Nếu là người được miễn đào tạo, miễn hoặc giảm thời gian tập sự thì phải có những giấy tờ chứng minh.
2. Trong thời hạn 30 ngày sau khi nhận đơn và hồ sơ. Chủ nhiệm Ðoàn luật sư có thể yêu cầu người nộp đơn làm sáng tỏ những điều chưa rõ, bổ sung hồ sơ, hoặc cho xác minh thêm những điều cần thiết.
3. Mỗi năm 2 lần, Ban Chủ nhiệm xét đơn xin gia nhập Ðoàn luật sư vào tháng 6 và tháng 12.
Thời hạn nhận đơn phải được niêm yết tại trụ sở Ðoàn luật sư.
4. Ban Chủ nhiệm ra quyết định công nhận người mới được kết nạp là luật sư chính thức, nếu người này được miễn tập sự, nếu người mới được kết nạp phải tập sự thì ra quyết định công nhận là luật sư tập sự và thời gian tập sự tính từ ngày được kết nạp.
5. Ðối với người có đơn mà không đủ điều kiện để gia nhập Ðoàn luật sư thì Ban chủ nhiệm thông báo cho người đó biết, có nói rõ lý do. Người không được kết nạp có quyền khiếu nại đối với quyết định của Ban chủ nhiệm theo Ðiều 41 của Pháp lệnh luật sư và Ðiều 40 của Ðiều lệ này.
Ðiều 5 – Nghĩa vụ và quyền hạn của luật sư tập sự
1. Trong thời gian tập sự, luật sư tập sự phải chỉ rõ danh nghĩa của mình là luật sư tập sự.
2. Luật sư tập sự phải tập sự hành nghề tại một tổ chức hành nghề luật sư sau khi đã thoả thuận với tổ chức hành nghề đó và được Ban chủ nhiệm Ðoàn luật sư giới thiệu. Tổ chức hành nghề đã thoả thuận nhận luật sư tập sự phải báo cáo với Ban chủ nhiệm về việc nhận luật sư tập sự.
3. Nghĩa vụ của luật sư tập sự là:
a. Tham gia các buổi học tập trung của Ðoàn luật sư hoặc những buổi học tập tổ chức riêng cho các luật sư tập sự; tham gia các việc khác do Ðoàn tổ chức;
b. Tham dự các phiên toà hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, sơ thẩm, phúc thẩm có các luật sư của tổ chức hành nghề nơi tập sự tham gia tố tụng hoặc do Ðoàn luật sư tổ chức;
c. Học soạn thảo những văn bản về nghề nghiệp do luật sư hướng dẫn giao cho;
d. Tham gia các việc tư vấn pháp luật, nghiên cứu hồ sơ, gặp bị can, bị cáo của luật sư hướng dẫn hoặc của các luật sư khác trong tổ chức hành nghề khi được sự thoả thuận của các luật sư đó;
đ. Chịu trách nhiệm về chất lượng công việc mà mình thực hiện trước luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề nơi mình tập sự.
4. Luật sư tập sự có quyền:
a. Tư vấn pháp luật và thực hiện các dịch vụ pháp lý cho khách hàng theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý nhưng không được ký văn bản tư vấn pháp luật;
b. Tham gia tố tụng trong các vụ án thuộc thẩm quyền của các Toà án nhân dân cấp quận, huyện hoặc Toà án quân sự khu vực theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý; có những quyền và nghĩa vụ của luật sư theo quy định của pháp luật tố tụng.
5. Chế độ công tác, chế độ trách nhiệm, đóng góp và quyền lợi của luật sư tập sự trong tổ chức hành nghề do luật sư hướng dẫn, tổ chức hành nghề và luật sư tập sự thoả thuận.
6. Thời gian tập sự không được gián đoạn quá 2 tháng; nếu quá thời hạn đó thì thời gian tập sự sẽ bị kéo dài để bù lại thời gian bị gián đoạn.
Ðiều 6 – Nhiệm vụ của luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề
Luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề có nhiệm vụ bồi dưỡng luật sư tập sự về nghề nghiệp, theo dõi việc tập sự, yêu cầu luật sư tập sự nghiêm chỉnh thực hiện nhiệm vụ và báo cáo với Ban Chủ nhiệm về những trường hợp tập sự không nghiêm chỉnh.
Ðiều 7 – Công nhận luật sư chính thức
1. Trước khi hết hạn tập sự 30 ngày, luật sư tập sự phải nộp cho Chủ nhiệm Ðoàn luật sư bản báo cáo về những công việc đã làm và kết quả, có nhận xét và kiến nghị của luật sư hướng dẫn và của tổ chức hành nghề là có đủ điều kiện kiểm tra hết tập sự và xét công nhận chính thức hay không.
2. Nếu luật sư tập sự đạt yêu cầu trong kỳ kiểm tra hết tập sự do Bộ Tư pháp tổ chức thì Ban chủ nhiệm đề nghị Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư; ra quyết định công nhận luật sư chính thức. Nếu không đạt yêu cầu tập sự hoặc không đạt được yêu cầu trong kỳ thi kiểm tra hết hạn tập sự thì Ban chủ nhiệm ra Quyết định gia hạn tập sự theo Ðiều 6 của Nghị định số 94/2001/ NÐ- CP ngày 12-12-2001.
Ðiều 8 – Luật sư ở Ðoàn luật sư khác chuyển về
Luật sư chính thức, luật sư tập sự thuộc các Ðoàn luật sư khác có thể chuyển về Ðoàn luật sư thành phố Hải Phòng nếu họ cư trú tại thành phố Hải Phòng. Thời gian tập sự ở Ðoàn luật sư cũ được tính vào thời gian đã tập sự; nếu chưa đủ thời gian tập sự, thì phải tập sự tiếp. Người chuyển về phải có giấy giới thiệu của Ban Chủ nhiệm Ðoàn luật sư nơi chuyển đi kèm theo hồ sơ gốc của người đó.
Ðiều 9 – Danh sách luật sư
1. Ðịnh kỳ 6 tháng và hàng năm Ðoàn luật sư phải gửi danh sách luật sư, luật sư tập sự về Bộ Tư pháp đúng thời hạn quy định tại điểm 6.2 Thông tư số 02/2002/TT – BTP.
2. Danh sách luật sư được niêm yết tại tổ chức hành nghề luật sư và thông báo đến các cơ quan tố tụng.
Ðiều 10 – Xoá tên trong danh sách luật sư
1. Sẽ xoá tên trong danh sách luật sư trong những trường hợp sau đây:
a. Xin ra khỏi Ðoàn luật sư;
b. Ðược bầu hoặc được tuyển làm cán bộ , công chức, chiến sỹ, sỹ quan lực lượng vũ trang nhân dân;
c. Không đóng phí thành viên 3 tháng liền mà không có lý do chính đáng;
d. Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
đ. Bị quản chế hành chính;
e. Bị kết án mà chưa được xoá án;
g. Bị Ðoàn luật sư thi hành kỷ luật xoá tên;
h. Ðã hành nghề khác, không hành nghề luật sư trong 1 năm;
i. Bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư.
2. Những người quy định tại điểm a, b, c, d, e và h khoản 1 có thể nộp đơn để được ghi lại vào danh sách nếu nguyên nhân xoá tên không còn nữa.
Ðiều 11 – Thẻ luật sư
1. Thẻ luật sư là giấy chứng nhận tư cách luật sư để hành nghề. Thẻ luật sư do Chủ nhiệm Ðoàn luật sư ký, nếu là luật sư tập sự thì được cấp Thẻ luật sư tập sự.
2. Người được cấp thẻ luật sư phải nộp lại Ðoàn luật sư và không được sử dụng Thẻ luật sư khi bị xoá tên khỏi danh sách luật sư.
Chương III
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA LUẬT SƯ:
Ðiều 12 – Quyền và nghĩa vụ của luật sư
1– Luật sư có những quyền và nghĩa vụ quy định tại Ðiều 29 Nghị định số 94/2001/NÐ – CP ngày 12/12/2001, đặc biệt là luật sư phải tuân theo pháp luật, Ðiều lệ, của Ðoàn và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư: Ðộc lập tuân theo pháp luật, tận tâm, trung thực, khách quan, liêm khiết, giữ bí mật nghề nghiệp, tôn trọng đồng nghiệp; không làm gì có hại cho uy tín của luật sư và Ðoàn luật sư học tập và tham gia các buổi học tập do Ðoàn tổ chức để nâng cao trình độ của luật sư.
2– Việc nhận những án chỉ định phải do tổ chức hành nghề phân công theo yêu cầu của Ban chủ nhiệm. Luật sư phải nhận những án chỉ định được phân công và phải thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ đối với những vụ án đó.
Ðiều 13 – Luật sư làm theo hợp đồng
1– Luật sư không phải là sáng lập viên của một tổ chức hành nghề có thể làm hợp đồng với một tổ chức hành nghề luật sư theo vụ việc, có thời hạn hoặc lâu dài. Trong thời hạn thực hiện hợp đồng không được ký hợp đồng với tổ chức hành nghề luật sư khác.
2– Luật sư làm theo hợp đồng có quyền từ chối những việc trái với lương tâm, đạo đức luật sư.
Ðiều 14 – Ký các giấy tờ, phát biểu nhân danh luật sư
1– Luật sư ký các giấy tờ, phát biểu ý kiến nhân danh luật sư trong các việc mà mình đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
2– Chỉ có Chủ nhiệm Ðoàn luật sư mới có quyền ký giấy tờ, phát biểu ý kiến nhân danh Ðoàn luật sư.
Ðiều 15 – Danh thiếp của luật sư
Danh thiếp của luật sư cần phải ghi rõ tên luật sư, tên và địa chỉ Ðoàn luật sư mình là thành viên; nếu là luật sư tập sự thì phải ghi rõ là luật sư tập sự.
Ðiều 16 – Các hình thức quảng cáo của luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư
1 – Các tổ chức hành nghề luật sư có thể in tờ gấp, đăng báo để giới thiệu về những lĩnh vực hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư và các thành viên.
2 – Cấm quảng cáo bằng hình thức gửi thư hoặc cử người đến bị can, bị cáo, đương sự chào mời chung hoặc về một vụ án đang hoặc sắp được xử, hoặc các hình thức khác mà pháp luật cấm hoặc không phù hợp với tính chất nghề nghiệp, đạo đức luật sư.
Chương IV
CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ
Ðiều 17 – Các cơ quan của Ðoàn luật sư
Các cơ quan của Ðoàn luật sư gồm có: Hội nghị toàn thể luật sư, Ban chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng – kỷ luật.
Văn phòng là bộ máy giúp việc của Ban chủ nhiệm Ðoàn luật sư.
Ðiều 18 – Hội nghị toàn thể luật sư
1 – Hội nghị toàn thể luật sư là cơ quan cao nhất của Ðoàn luật sư có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Ðiều 30 Nghị định số 94/2001/NÐ – CP ngày 12/12/2001.
2 – Hội nghị toàn thể luật sư được coi là hợp lệ nếu có 2/3 số luật sư chính thức tham gia. Các luật sư tập sự được tham gia Hội nghị toàn thể luật sư nhưng không có quyền biểu quyết.
Chậm nhất là 15 ngày trước khi họp Hội nghị, Chủ nhiệm Ðoàn luật sư phải gửi cho các luật sư giấy triệu tập và các tài liệu được thảo luận tại Hội nghị.
3 – Hội nghị toàn thể luật sư họp mỗi năm ít nhất 1 lần và có thể họp bất thường theo đề nghị của Ban chủ nhiệm hoặc ít nhất 1/2 số luật sư chính thức.
Nghị quyết của Hội nghị toàn thể luật sư có giá trị khi được quá nửa số luật sư chính thức tán thành.
Ðiều 19 – Ban chủ nhiệm Ðoàn luật sư
1– Ban chủ nhiệm là cơ quan chấp hành của Hội nghị toàn thể luật sư, gồm có Chủ nhiệm, một số Phó chủ nhiệm và một số uỷ viên. Số lượng thành viên Ban chủ nhiệm do Hội nghị toàn thể luật sư quyết định.
Ban chủ nhiệm có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Ðiều 31 Nghị định số 94/2001/NÐ – CP ngày 12/12/2001.
2 – Ban chủ nhiệm do Hội nghị toàn thể luật sư bầu ra bằng phiếu kín. Các luật sư chính thức của Ðoàn có quyền bầu cử, ứng cử hoặc đề cử người vào Ban chủ nhiệm. Danh sách để bầu cử do Hội nghị thảo luận và thông qua.
3 – Người trúng cử phải được số phiếu bầu đạt quá nửa số luật sư chính thức của Ðoàn luật sư hoặc quá nửa số đại biểu được triệu tập trong trường hợp họp Hội nghị đại biểu luật sư. Nếu số người có quá nửa số phiếu lớn hơn so với số lượng cần bầu thì lấy số người có số phiếu cao hơn; nếu ở cuối danh sách trúng cử có nhiều người ngang phiếu nhau thì bầu lại số người ngang phiếu đó để lấyngười có số phiếu cao hơn, không cần phải quá nửa. Trong trường hợp bầu lại mà số phiếu ngang nhau, có bầu lại nữa hay không do Hội nghị quyết định.
4 – Chủ nhiệm Ðoàn luật sư do Hội nghị toàn thể luật sư bầu trong số những người trúng cử vào Ban chủ nhiệm. Việc cử Phó chủ nhiệm và phân công trong Ban chủ nhiệm do Ban chủ nhiệm quyết định.
5 – Ban chủ nhiệm họp mỗi tháng 1 lần. Khi cần thiết, Ban chủ nhiệm có thể họp bất thường.
6 – Ban chủ nhiệm quyết định theo đa số. Quyết định của Ban chủ nhiệm được thông báo cho các luật sư.
Ðiều 20 – Chủ nhiệm Ðoàn luật sư
1 – Chủ nhiệm Ðoàn luật sư điều hành các công việc của Ban chủ nhiệm và đại diện cho Ðoàn luật sư trong các giao dịch.
2 – Phó chủ nhiệm giúp Chủ nhiệm làm nhiệm vụ và có thể được Chủ nhiệm uỷ nhiệm thay mình khi bị ốm đau hoặc vắng mặt.
Ðiều 21- Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Ðoàn luật sư
1– Hội đồng khen thưởng, kỷ luật gồm có các thành viên Ban chủ nhiệm và 2 luật sư. Hội đồng khen thưởng – kỷ luật có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Ðiều 32 Nghị định số 94/2001/NÐ – CP ngày 12/12/2001.
2 – Số luật sư không phải là thành viên Ban chủ nhiệm do Hội nghị toàn thể luật sư bầu theo cách bầu Ban chủ nhiệm.
3 – Tuỳ theo tính chất của việc được xem xét mà Hội đồng khen thưởng, kỷ luật họp với tính chất Hội đồng khen thưởng hoặc Hội đồng kỷ luật.
4 – Chủ tịch Hội đồng khen thưởng là Chủ nhiệm Ðoàn luật sư nhưng nếu Chủ nhiệm Ðoàn luật sư bị xét về kỷ luật thì Ban Chủ nhiệm cử 1 Phó chủ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng kỷ luật.
5 – Quyết định của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật có giá trị khi có quá nửa thành viên của Hội đồng tán thành.
Ðiều 22- Văn phòng Ðoàn luật sư
1 – Văn phòng Ðoàn luật sư có nhiệm vụ:
a. Theo dõi, tổng hợp các hoạt động của các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư;
b. Phụ trách văn thư, thông tin, tư liệu, lưu trữ của Ðoàn luật sư;
c. Phụ trách công tác kế toán, tài chính của Ðoàn luật sư;
d. Xây dựng, quản lý thư viện của Ðoàn luật sư;
đ. Giúp Ban Chủ nhiệm phân công các vụ án chỉ định cho các tổ chức hành nghề luật sư;
e. Quản lý hồ sơ nhân sự của Ðoàn luật sư;
g. Quản lý con dấuvà tài sản của Ðoàn.
2 – Văn phòng Ðoàn luật sư do Phó Chủ nhiệm phụ trách và một luật sư chuyên trách hoặc nhân viên được tuyển theo hợp đồng lao động.
Ðiều 23 – Chế độ phụ cấp cho Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật và các Ban
1 – Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm được hưởng một khoản phụ cấp thường xuyên hàng tháng. Mức phụ cấp do Hội nghị toàn thể luật sư quyết định.
2 – Các thành viên khác trong Ban Chủ nhiệm, các thành viên Hội đồng khen thưởng, kỷ luật được bồi dưỡng về những ngày làm việc.
Chương V
QUAN HỆ GIỮA ĐOÀN LUẬT SƯ VỚI CÁC TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ
Ðiều 24 – Quyền hạn, nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư
1 – Tổ chức hành nghề luật sư có quyền và nghĩa vụ quy định tại các Ðiều 22 và 23 Pháp lệnh luật sư ngày 25-7-2001.
2 – Tổ chức hành nghề luật sư phải báo cáo với Ban chủ nhiệm Ðoàn luật sư về việc thành lập, sáp nhập, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề mở chi nhánh trong nước, mở cơ sở hành nghề nước ngoài; báo cáo về tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề định kỳ 6 tháng và hàng năm.
Ðiều 25 – Quan hệ giữa Ban chủ nhiệm Ðoàn luật sư với tổ chức hành nghề luật sư
1 – Bồi dưỡng các luật sư trong các tổ chức hành nghề về chính trị, nghiệp vụ và đạo đức luật sư.
2 – Giám sát hoạt động các tổ chức hành nghề luật sư, giải quyết các khiếu nại, tố cáo đối với luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư; yêu cầu luật sư hoặc tổ chức hành nghề chấm dứt việc làm trái pháp luật; đưa ra Hội đồng kỷ luật xem xét những trường hợp luật sư phạm kỷ luật.
3 – Hoà giải những tranh chấp giữa luật sư với khách hàng, giữa các luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư.
4 – Tổ chức tổng kết hoạt động của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư.
5 – Phản ánh, báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các khó khăn của các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư; bảo vệ những quyền lợi và lợi ích hợp pháp của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư.
Ðiều 26- Tổ chức hành nghề mở Chi nhánh ở địa phương khác, ở nước ngoài hoặc cử luật sư làm dịch vụ pháp lý ở nước ngoài
1 – Việc mở Chi nhánh ở địa phương khác phải thông báo cho Ban chủ nhiệm Ðoàn luật sư nơi mở Chi nhánh. Các luật sư của Chi nhánh vẫn có những quyền và nghiã vụ đối với Ðoàn luật sư như các luật sư ở cơ sở chính.
2 – Ban chủ nhiệm Ðoàn luật sư thành phố Hải Phòng phải thông báo cho Ban chủ nhiệm Ðoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề mở Chi nhánh tại thành phố Hải Phòng biết những trường hợp luật sư của Chi nhánh đã vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư.
3 – Việc đặt cơ sở hành nghề ở nước ngoài hoặc cử luật sư làm dịch vụ pháp lý ở nước ngoài sẽ thực hiện theo Ðiều 20, 21 của Nghị định 94/2001/NÐ – CP.
Chương VI
THÙ LAO VÀ CHI PHÍ
Ðiều 27 – Thù lao và chi phí
Việc tính thù lao và chi phí trong dịch vụ pháp lý phải tuân theo quy định tại các Ðiều 27,28,30,31 Pháp lệnh luật sư ngày 25-7-2001 và các Ðiều 25,26,27 Nghị định số 94/2001/NÐ- CP ngày 12/12/2001.
Ðiều 28 – Thoả thuận về thù lao và chi phí
1 – Tổ chức hành nghề luật sư và luật sư phải cho khách hàng biết căn cứ tính thù lao và chi phí.
2 – Thù lao và chi phí hợp lý và có căn cứ.
3 – Ngoài thù lao và chi phí do khách hàng trả hoặc do Nhà nước trả đối với những việc do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu Ban chủ nhiệm chỉ định luật sư, tổ chức hành nghề luật sư và luật sư không được đòi hỏi khách hàng nộp bất cứ khoản nào khác.
Ðiều 29 – Tính thêm thù lao và chi phí
1 – Ðối với công việc kéo dài, tổ chức hành nghề luật sư có thể yêu cầu khách hàng ứng trước một số tiền thù lao và chi phí.
2 – Trong trường hợp tính thù lao trọn gói mà phải cần làm thêm những việc ngoài dự kiến ban đầu, tổ chức hành nghề luật sư được thoả thuận với khách hàng về tính thêm thù lao và chi phí.
Ðiều 30 – Miễn, giảm thù lao và chi phí
Ðối với những người thuộc diện chính sách thì có thể miễn, giảm thù lao, chi phí, luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phải báo cho họ biết để không thu thù lao, chi phí hoặc giảm những khoản thu đó.
Ðiều 31 – Thù lao trong trường hợp khách hàng không nhờ luật sư nữa hoặc vụ án được chuyển cho luật sư khác
1 – Trong trường hợp khách hàng không nhờ luật sư nữa thì tính thù lao theo thời gian công việc luật sư đã làm. Nếu khách hàng nhờ luật sư khác thì phải làm hợp đồng dịch vụ mới.
2 – Trong trường hợp một luật sư chuyển vụ án cho luật sư khác làm tiếp thì phải được sự đồng ý của khách hàng. Luật sư đã làm và luật sư làm tiếp thoả thuận với nhau về thù lao mà mỗi luật sư được hưởng.
Ðiều 32 – Thu thù lao và chi phí
1 – Luật sư không trực tiếp thu thù lao và chi phí của khách hàng mà tổ chức hành nghề luật sư phải thu và thanh toán với khách hàng.
2 – Luật sư không được nhận thù lao và chi phí qua một người trung gian không phải là người được khách hàng uỷ quyền hợp pháp và không được chia tiền thù lao cho người không tham gia vào việc dịch vụ pháp lý.
3 – Việc thu thù lao phải có biên lai tài chính và vào sổ kế toán của tổ chức hành nghề luật sư.
Chương VII
THI HÀNH KỶ LUẬT VÀ KHEN THƯỞNG LUẬT SƯ
Ðiều 33 – Ðiều tra, xác minh việc vi phạm kỷ luật
1 – Chủ nhiệm Ðoàn luật sư phải xem xét việc khiếu nại, tố cáo và các nguồn tin khác về vi phạm kỷ luật của luật sư và có thể giao cho một hoặc một số thành viên trong Hội đồng khen thưởng, kỷ luật điều tra, xác minh. Luật sư bị khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm trình bày vụ việc và có quyền tự bào chữa khi vụ việc được điều tra, xác minh .
2 – Nếu thấy cần xem xét về kỷ luật. Chủ nhiệm Ðoàn luật sư chuyển vụ việc sang Hội đồng kỷ luật quyết định.
3. Nếu xét thấy không thể để cho luật sư tiếp tục tham gia tố tụng đối với việc đang bị khiếu nại, tố cáo, Ban chủ nhiệm Ðoàn luật sư có quyền yêu cầu tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư khác thay thế. Trong trường hợp này, luật sư phải chuyển công việc đang làm cho một luật sư khác do tổ chức hành nghề phân công, sau khi đã thoả thuận với khách hàng.
Ðiều 34 – Thủ tục xem xét tại Hội đồng kỷ luật
1 – Ngày họp Hội đồng khen thưởng, kỷ luật phải được Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật báo cho luật sư bị xem xét về kỷ luật biết trước 10 ngày. Ðại diện của tổ chức hành nghề luật sư cũng được mời tham gia cuộc họp của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật.
2 – Nếu khi Hội đồng khen thưởng, kỷ luật họp mà luật sư bị khiếu nại, tố cáo vắng mặt thì tuỳ trường hợp, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật quyết định cứ tiến hành cuộc họp hoặc hoãn cuộc họp để triệu tập lại. Nếu lần thứ hai mà người được triệu tập vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc không rõ lý do thì Hội đồng khen thưởng, kỷ luật có quyền ra quyết định vắng mặt người đó.
3 – Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật làm chủ toạ cuộc họp.
4 – Trình tự cuộc họp:
a. Chủ tịch Hội đồng kỷ luật trình bày kết quả điều tra, xác minh;
b. Luật sư bị xem xét kỷ luật,đại diện tổ chức hành nghề trình bày ý kiến của mình và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật hỏi thêm để xác minh sự việc;
c. Luật sư bị xem xét về kỷ luật trình bày lời bào chữa;
đ. Hội đồng khen thưởng, kỷ luật thảo luận riêng, bỏ phiếu kín và công bố quyết định.
Ðiều 35 – Các hình thức kỷ luật
1 – Hội đồng kỷ luật có quyền quyết định các hình thức kỷ luật sau đây:
a. Khiển trách;
b. Cảnh cáo;
c. Xoá tên khỏi danh sách luật sư.
2 – Cùng với quyết định về hình thức kỷ luật. Hội đồng khen thưởng, kỷ luật có quyền quyết định luật sư bị kỷ luật phải trả lại những tài sản thu lợi bất chính hoặc phải thoả thuận với khách hàng về bồi thường thiệt hại.
3 – Nếu xét thấy không thể để cho luật sư tiếp tục tham gia tố tụng thì Chủ nhiệm Ðoàn luật sư có quyền quyết định đình chỉ công tác của luật sư đối với việc đang bị khiếu nại, tố cáo, hoặc tạm đình chỉ công tác nói chung của luật sư. Trong trường hợp này, luật sư phải chuyển công việc đang làm cho một luật sư khác do tổ chức hành nghề phân công, sau khi đã thoả thuận với khách hàng.
4 – Nếu xét thấy không có căn cứ để thi hành kỷ luật thì Hội đồng khen thưởng, kỷ luật phục hồi công tác của luật sư bị đình chỉ.
Ðiều 36 – Báo cáo, thông báo về quyết định của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật
1. Chủ nhiệm Ðoàn luật sư phải báo cáo với Bộ Tư pháp, đồng gửi cho Sở Tư pháp về những quyết định của Hội đồng kỷ luật.
2. Nguyên văn quyết định của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật phải được gửi cho người khiếu nại và luật sư bị kỷ luật, đồng thời thông báo cho các luật sư trong Ðoàn biết.
Ðiều 37 – Khen thưởng
Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có thành tích được Hội đồng khen thưởng, kỷ luật báo cáo với Hội nghị toàn thể luật sư hoặc Ban chủ nhiệm khen thưởng hoặc đề nghị với UBND tỉnh hoặc Bộ Tư pháp khen thưởng.
Chương VIII
TÀI CHÍNH CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ
Ðiều 38 – Ðóng góp của luật sư
1 – Các luật sư, luật sư tập sự có nghĩa vụ đóng phí thành viên. Mức phí thành viên là 50.000đ/tháng đối với luật sư và 30.000đ/tháng đối với luật sư tập sự.
2 – Nếu cần có đóng góp khác thì Ban chủ nhiệm báo cáo Hội nghị toàn thể luật sư quyết định.
Ðiều 39 – Quỹ và việc sử dụng quỹ của Ðoàn luật sư
1 Quỹ của Ðoàn luật sư bao gồm phí thành viên, các khoản đóng góp của luật sư, các nguồn thu hợp pháp khác.
2 – Quỹ của Ðoàn luật sư được sử dụng vào những việc sau:
a- Trả lương, phụ cấp cho bộ máy làm việc của Ðoàn luật sư;
b- Chi phí về các hoạt động của Ðoàn luật sư;
c- Chi phí về văn phòng phí và các phương tiện kỹ thuật của Ðoàn luật sư;
d- Các chi phí khác.
3 – Ban chủ nhiệm quyết định việc sử dụng quỹ của Ðoàn luật sư và kiểm tra sổ sách, kế toán tình hình tài chính, tài sản của Ðoàn luật sư.
4 – Ban chủ nhiệm phải báo cáo với Hội nghị toàn thể về thu, chi của Ðoàn luật sư.
Chương IX
GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI ĐỐI VỚI CÁC QUYẾT ĐỊNH CỦA BAN CHỦ NHIỆM, HỘI ĐÔNG KHEN THƯỞNG – KỶ LUẬT.
Ðiều 40 – Giải quyết khiếu nại đối với các quyết định của Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật
1 – Thời hạn khiếu nại đối với các quyết định của Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật là 15 ngày kể từ ngày đương sự được thông báo quyết định đó.
2 – Khi có khiếu nại đối với các quyết định của Ban chủ nhiệm, hội đồng khen thưởng, kỷ luật thì Chủ nhiệm Ðoàn luật sư, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng, kỷ luật xem xét trả lời cho người khiếu nại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại.
Ðiều 41 – Xem xét lại quyết định của Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật
Khi UBND Tỉnh, Bộ Tư Pháp, Chủ nhiệm Ðoàn luật sư, Chủ tịch hội đồng khen thưởng, kỷ luật yêu cầu Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật xem xét lại quyết định khiếu nại thì Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật xem xét lại quyết định đó trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu và phải trả lời cho cơ quan hoặc người có yêu cầu biết.
Chương X
QUAN HỆ GIỮA ĐOÀN LUẬT SƯ VỚI BỘ TƯ PHÁP, UBND TỈNH, SỞ TƯ PHÁP VÀ CÁC CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG
Ðiều 42 – Quan hệ giữa Ðoàn luật sư với Bộ Tư Pháp, UBND Tỉnh, Sở Tư Pháp
Ðoàn luật sư phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo với Bộ Tư Pháp, UBND Tỉnh đã được quy định tại Ðiều 33 Pháp lệnh luật sư ngày 25/7/2001 và điều 31 Nghị định số 94/2001/NÐ – CP ngày 12/12/2001. Những báo cáo gửi Bộ Tư Pháp và UBND Tỉnh được đồng kính gửi Sở Tư Pháp.
Ðiều 43 – Quan hệ giữa Ðoàn luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng
Ðoàn luật sư phải bảo đảm phục vụ nhanh chóng chính xác các vụ án, đặc biệt là các vụ án quan trọng, phức tạp phục vụ cho yêu cầu chính trị của địa phương. Thông báo cho các luật sư biết các nhận xét của cơ quan tiến hành tố tụng để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, trao đổi, kiến nghị với các cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác của luật sư.
Chương XI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Ðiều 44 – Ðiều khoản thi hành
Bản Ðiều lệ này đã được Hội nghị toàn thể Ðoàn luật sư thành phố Hải Phòng thông qua ngày 11 tháng 1 năm 2003, thay thế các quy định trước về quan hệ nội bộ của Ðoàn và có hiệu lực kể từ ngày được Bộ Tư pháp phê duyệt.
Việc sửa đổi, bổ sung Ðiều lệ của Ðoàn luật sư do Hội nghị toàn thể Ðoàn luật sư quyết định khi có đề nghị của Ban chủ nhiệm Ðoàn luật sư hoặc của 1/2 số Luật sư
Van phong luat su Hai phong