Điều lệ đoàn luật sư TpHcm

ĐIỀU LỆ

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ vào Pháp lệnh Luật sư ngày 25 tháng 7 năm 2001. Nghị định số 94/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Luật sư và Thông tư số 02/2002/TT-BTP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Bộ Tư Pháp hướng dẫn một số qui định của Nghị định số 94/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001.

Bản Điều lệ này quy định những quan hệ nội bộ của Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh gồm các chương

CHƯƠNG I

MỤC ĐÍCH HOẠT ĐỘNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

***

Điều 1. Mục đích hoạt động của Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh

Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí minh là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động nhằm góp phần bảo vệ công lý, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế XHCN thông qua việc đáp ứng yêu cầu dịch vụ pháp lý, tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức.

Điều 2. Nhiệm vụ của Đoàn luật sư

Nhiệm vụ của đoàn luật sư là đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư; tham gia việc quản lý và giám sát các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư về hoạt động nghề nghiệp, chấp hành pháp luật và qui tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư: tổ chức việc bồi dưỡng các luật sư về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn.

———-

CHƯƠNG II

THÀNH VIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ

***

Điều 3. Thành viên Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh

Thành viên Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phải là người có đủ các điều kiện sau đây:

a. Có đủ các điều kiện qui định tại Điều 8 Pháp lệnh luật sư ngày 25/07/2001;

b. Cư trú tại Thành phố Hồ Chí Minh;

c. Không thuộc các trường hợp đã bị xử lý về hình sự về những hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín nghề nghiệp luật sư.

Điều 4. Thủ tục gia nhập Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh

1. Người muốn gia nhập Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phải có đơn xin gia nhập kèm theo những giấy tờ qui định tại Điều 10 Pháp lệnhLuật sư ngày 25/07/2001. Nếu là người được miễn đào tạo, miễn hoặc giảm thời gian tập sự thì phải có những giấy tờ chứng minh.

2. Trong thời hạn 30 ngày sau khi nhận đơn và hồ sơ, Chủ nhiệm Đoàn luật sư có thể yêu cầu người nộp đơn làm sáng tỏ những điều chưa rõ, bổ sung hồ sơ, hoặc cho xác minh thêm nếu cần thiết.

3. Ban Chủ nhiệm xét đơn xin gia nhập Đoàn luật sư mỗi năm 2 lần, vào tuần lễ cuối tháng 6 và tháng 12.

Thời hạn nhận đơn phải được niêm yết tại trụ sở Đoàn luật sư.

4. Ban Chủ nhiệm ra Quyết định công nhận luật sư, luật sư tập sự cho người hội đủ điều kiện, ra quyết định từ chối có nói rõ lý do với người không đủ điều kiện. Người bị từ chối có quyền khiếu nại theo Điều 41 của Pháp lệnh luật sư và Điều 42 của Điều lệ này.

Điều 5. Nghĩa vụ và quyền của luật sư tập sự

1. Trong thời gian tập sự, luật sư tập sự phải xác định rõ danh nghĩa của mình là luật sư tập sự.

2. Luật sư tập sự phải tập sự tại một tổ chức hành nghề luật sư, do sự thoả thuận với tổ chức hành nghề đó hoặc do Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư giới thiệu. Tổ chức hành nghề đã thoả thuận nhận luật sư tập sự phải báo cáo với Ban Chủ nhiệm về việc nhận luật sư tập sự.

3. Luật sư tập sự có nghĩa vụ:

a. Tham gia các buổi hội họp, học tập và các việc khác do Đoàn luật sư tổ chức;

b. Tham dự các phiên toà có luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi mình tập sự tham gia tố tụng;

c. Học tập và làm việc theo sự chỉ bảo, phân công của luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư nơi mình tập sự;

d. Chịu trách nhiệm về chất lượng công việc mà mình thực hiện trước luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề nơi mình tập sư.

4. Luật sư tập sự có quyền:

a. Tư vấn pháp luật và thực hiện các dịch vụ pháp lý cho khách hàng theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý nhưng không được ký văn bản tư vấn pháp luật;

b. Tham gia tố tụng trong các vụ án thuộc thẩm quyền của các Tào án nhân dân cấp quận, huyện hoặc Toà án quân sự khu vực theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.

5. Chế độ làm việc, chế độ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của luật sư tập sự trong tổ chức hành nghề do luật sư hướng dẫn tổ chức hành nghề và luật sư tập sự thoả thuận.

6. Thời gian tập sự không được gián đoạn quá 3 tháng trừ trường hợp có lý do chính đáng nhưng vẫn phải bảo đảm đủ thời gian tập sự theo quy định.

Điều 6. Nhiệm vụ của luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề

Luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề  có nhiệm vụ bồi dưỡng luật sư tập sự về nghề nghiệp, theo dõi việc tập sự, yêu cầu luật sư tập sự nghiêm chỉnh thực hiện nhiệm vụ và báo cáo với Ban Chủ nhiệm về những trường hợp tập sự không nghiêm chỉnh hoặc có vi phạm.

Điều 7. Công nhận luật sư

1. Trước khi hết hạn tập sự 30 ngày, luật sư tập sự phải nộp cho Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư bản báo cáo về những công việc đã làm và kết quả, có nhận xét và kiến nghị của luật sư hướng dẫn và của tổ chức hành nghề là có đủ điều kiện để được kiểm tra hết tập sừ hành nghề luật sư hay không.

2. Nếu luật sư tập sự đạt yêu cầu trong kỳ kiểm tra hết tập sự do Bộ Tư pháp tổ chức thì Ban Chủ nhiệm đề nghị Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư; ra Quyết định công nhận luật sư, nếu không đạt yêu cầu tập sự hoặc không đạt yêu cầu trong kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư thì Ban Chủ nhiệm ra Quyết định gia hạn tập sự theo Điều 6 của Nghị định số 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001.

Điều 8. Luật sư ở Đoàn luật sư khác chuyển về

Luật sư, luật sư tập sự thuộc các Đoàn luật sư địa phương khác có thể chuyển về Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nếu họ cư trú tại Thành phố Hồ Vhí Minh. Thời gian tập sự ở Đoàn luật sư cũ được tính vào thời gian đã tập sự. Người chuyển về phải có giấy giới thiệu của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi chuyển đi kèm theo hồ sơ gốc của người đó.

Điều 9. Danh sách luật sư

1. Danh sách luật sư trong Đoàn luật sư gồm luật sư và luật sư tập sự. Định kỳ 6 tháng và hàng năm. Đoàn luật sư phải gởi danh sách luật sư, luật sư tập sự về Bộ Tư pháp, các cơ quan tư pháp Trung Ương và Thành phố Hồ Chí Minh đúng thời hạn qui định tại điểm 6.2 Thông tư số 02/2002/TT-BTP của Bộ Tư pháp.

2. Danh sách luật sư của Đoàn được niêm yết tại Đoàn luật sư và tại các cơ quan tiến hành tố tụng khi được các cơ quan tiến hành tố tụng đồng ý.

Điều 10. Xoá tên trong danh sách luật sư

1. Sẽ xoá tên trong danh sách luật sư trong những trường hợp sau đây:

a. Xin ra khỏi Đoàn luật sư;

b. Được tuyển làm cán bộ, công chức, chiến sĩ, sĩ quan lực lượng vũ trang nhân dân;

c. Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

d. Bị quan chế hành chính;

d. Bị kết án mà chưa được xoá án;

f. Bị Đoàn luật sư thi hành kỷ luật xoá tên;

g. Bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư.

2. Những người qui định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 có thể nộp đơn để được ghi lại danh sách nếu nguyên nhân xoá tên không còn nữa.

Điều 11. Thẻ luật sư

1. Thẻ luật sư là giấy chứng nhận tư cách luật sư để hành nghề. Thẻ luật sư do Chủ nhiệm Đoàn luật sư ký; nếu là luật sư tập sự thì được cấp thẻ luật sư tập sự.

2. Người được cấp thẻ luật sư không được sử dụng thẻ luật sư sau khi bị xoá tên khỏi danh sách luật sư và phải nộp lại Đoàn luật sư.

———-

CHƯƠNG III

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA LUẬT SƯ

***

Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của luật sư

1. Luật sư có những quyền hạn và nghĩa vụ qui định tại điều 15, 16 Pháp lệnh Luật sư và Điều 29 Nghị định số 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001.

2. Việc nhận biện hộ trong những vụ án chỉ định phải do tổ chức hành nghề phân công theo yêu cầu của Ban Chủ nhiệm. Luật sư phải nhận những vụ án chỉ định được phân công và phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với những vụ án đó.

Điều 13. Luật sư làm theo Hợp đồng

1. Luật sư có thể làm theo Hợp đồng với tổ chức hành nghề luật sư, theo chế độ làm công ăn lương hoặc chế độ chia thù lao về vụ việc.

2. Luật sư làm theo Hợp đồng có quyền từ chối những việc trái với lương tâm đạo đức nghề nghiệp luật sư.

Điều 14. Ký các giấy tờ, phát biểu ý kiến

1. Luật sư ký các giấy tờ, phát biểu ý kiến nhân danh luật sư hoặc đại diện tổ chức hành nghề luật sư.

2. Chủ nhiệm Đoàn luật sư hoặc Phó Chủ nhiệm được Chủ nhiệm uỷ quyền mới có quyền ký giấy tờ, phát biểu ý kiến nhân danh Đoàn luật sư.

Điều 15. Danh thiếp của luật sư và biểu hiện của tổ chức hành nghề luật sư

1. Danh thiếp của luật sư cần phải ghi rõ họ tên luật sư, tên và địa chỉ của tổ chức hành nghề và Đoàn luật sư mà luật sư đó là thành viên; nếu là luật sư tập sự thì phải ghi rõ là luật sư tập sự.

2. Biểu hiện của Văn phòng luật sư, Công ty luật hợp danh có thể ghi rõ họ tên của Đoàn luật sư nơi các luật sư của tổ chức hành nghề đó là thành viên.

Đoàn 16. Các hình thức quảng cáo của luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư

1. Các tổ chức hành nghề luật sư có thể đăng báo để giới thiệu về những lĩnh vực hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư và của các thành viên, in tờ gấp với nội dung trên nhưng không được phân phát tại nơi công cộng.

2. Cấm quảng cáo bằng hình thức gửi thư hoặc cử người đến nhà bị can, bịcáo, đương sự chào mời chung hoặc về một vụ án đang hoặc sắp được xử, hoặc các hình thức khác mà pháp luật cấm hoặc không phù hợp với tính chất nghề nghiệp, đạo đức luật sư.

———-

CHƯƠNG IV

CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ

***

Điều 17. Các cơ quan của Đoàn luật sư

Các cơ quan của Đoàn luật sư gồm có: Hội nghị toàn thể luật sư , Ban Chủ nhiệm và Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật.

Văn phòng là bộ máy giúp việc của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư.

Điều 18. Hội nghị toàn thể luật sư

1. Hội nghị toàn thể luật sư là cơ quan cao nhất của Đoàn luật sư, có những nhiệm vụ, quyền hạn qui định tại Điều 30 Nghị định số 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001.

2. Hội nghị toàn thể luật sư được coi là hợp lệ nếu có 2/3 số luật sư tham gia. Các luật sư tập sư được tham dự Hội nghị toàn thể nhưng không có quyền biểu quyết.

Chậm nhất là 15 ngày trước khi họp Hội nghị, Chủ nghiệm Đoàn luật sư phải gửi cho các luật sư giấy triệu tập và các tài liệu được thảo luận tại Hội nghị.

3. Hội nghị toàn thể luật sư họp mỗi năm ít nhất một lần và có thể họp bất thường theo đề nghị của Ban Chủ nhiệm hoặc ít nhất ½ số luật sư.

Nghị quyết của Hội nghị toàn thể luật sư được thông qua khi được quá nửa số thành viên của Đoàn tán thành.

4. Trong trường hợp Đoàn luật sư có từ 500 luật sư trở lên thì Ban Chủ nhiệm có thể triệu tập Hội nghị Đại biểu luật sư. Việc triệu tập hội nhgị Đại biểu luật sư, cách bầu đại biểu và số lượng đại biểu luật sư do Hội nghị toàn thể luật sư quyết định. Hội nghị đại biểu luật sư có những nhiệm vụ, quyền hạn như Hội nghị toàn thể luật sư. Nghị quyết của Hội nghị Đại biểu luật sư có giá trị khi quá nửa số đại biểu tán thành.

Điều 19. Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư

1. Ban Chủ nhiệm là cơ quan chấp hành của hội nghị toàn thể luật sư, gồm có Chủ nhiệm, một số Phó Chủ nhiệm. Số lượng thành viên Ban Chủ nhiệm do Hội nghị toàn thể luật sư quyết định.

Ban Chủ nhiệm có nhiệm vụ, quyền hạn qui định tại Điều 31 Nghị định số  94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001.

2. Ban Chủ nhiệm do Hội nghị toàn thể luật sư bầu ra bằng phiếu kín. Các luật sư của Đoàn có quyền bầu cử, ứng cử hoặc đê cử người vào Ban Chủ nhiệm.

3. Luật sư ứng cử hoặc được đề cử vào Ban Chủ nhiệm và Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật phải có thâm niên ít nhất 3 năm. Chức vụ Chủ nhiệm sẽ được bầu riêng. Người đắc cử phải thu được số phiếu ½ tổng số luật sư của Đoàn, nếu không có ai đạt tỷ lệ này thì hai người có số phiế cao nhất sẽ được bầu vòng hai. Trong vòng hai này người đạt số phiếu cao hơn sẽ trúng cử, nhưng phải đạt số phiếu trên ½ số luật sư có mặt. Nếu số phiếu bằng nhau thì luật sư nào có thâm niên hơn sẽ trúng cử, nếu cùng thâm niên luật sư nào lớn tuổi hơn sẽ trúng cử.

Chức vụ Phó Chủ nhiệm được bầu chung. Người đắc cử phải thu được số phiếu ít nhất ½ số luật sư có mặt. Nếu không đạt được tỉ lệ này thì cũng bầu vòng hai theo thể thức trên.

4. Ban Chủ nhiệm họp mỗi tháng một lần. Khi cần thiết, Ban Chủ nhiệm có thể họp bất thường.

5. Ban Chủ nhiệm quyết định theo đa số. Quyết định của Ban Chủ nhiệm được thông báo cho các luật sư.

Điều 20. Chủ nhiệm Đoàn luật sư

1. Chủ nhiệm đoàn luật sư điều hành các công việc của Ban Chủ nhiệm và đại diện cho Đoàn luật sư trong các giao dịch.

2. Phó Chủ nhiệm giúp chủ nhiệm làm nhiệm vụ và có thể được Chủ nhiệm uỷ nhiệm thay mình khi bị ốm đau hoặc vắng mặt.

Điều 21. Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật của Đoàn luật sư

1. Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật gồm các thành viên Ban Chủ nhiệm và 2 luật sư là Phó Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật. Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật có những nhiệm vụ, quyền hạn qui định tại Điều 32 Nghị định 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001.

2. Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật là Chủ nhiệm Đoàn luật sư.

3. Các luật sư ứng cử hoặc được đề cử Phó Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật không phải là thành viên Ban Chủ nhiệm, do Hội nghị toàn thể luật sư bầu theo cách bầu các Phó Chủ nhiệm.

4. Tuỳ theo tính chất của việc được xem xét mà Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật họp với tính chất Hội đồng Khen thưởng hoặc Hội đồng Kỷ luật.

5. Quyết định của Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật được thông qua khi có quá nữa thành viên của Hội đồng tán thành.

Điều 22. Văn phòng Đoàn luật sư

1. Văn phòng Đoàn luật sư có nhiệm vụ:

a. Theo dõi, tổng hợp các hoạt động của các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư;

b. Phụ trách văn thư, thông tin, tư liệu, lưu trữ cảu Đoàn luật sư;

c. Phụ trách công tác kế toán, tài chính của Đoàn luật sư;

d. Quản lý thư viện của Đoàn luật sư;

e. Giúp Ban Chủ nhiệm phân phối các vụ án chỉ định cho các tổ chức hành nghề luật sư;

f. Quản lý hồ sơ nhân sự của Đoàn luật sư;

g. Quản lý con dấu và tài sản của Đoàn.

2. Văn phòng Đoàn luật sư do 1 Phó Chủ nhiệm phụ trách và có 1 số nhân viên được tuyển theo Hợp đồng lao động.

Điều 23. Các ban của Đoàn luật sư

Khi cần thiết, Ban Chủ nhiệm có thể tổ chức các ban để giúp Ban Chủ nhiệm nghiên cứu hoặc thực hiện một số công việc nhất định.

———-

CHƯƠNG V

QUAN HỆ GIỮA ĐOÀN LUẬT SƯ VỚI CÁC

TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

***

Điều 24. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư

1. Tổ chức hành nghề luật sư có quyền và nghĩa vụ qui định tại các Điều 22 và 23 Pháp lệnh luật sư ngày 25/07/2001.

2. Tổ chức hành nghề luật sư phải báo cáo với Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư về việc thành lập, sáp nhập, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề; mở chi nhánh trong nước, mở cơ sở hành nghề nước ngoài; báo cáo về tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề kỳ 6 tháng và hàng năm.

Điều 25. Quan hệ giữa Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư với tổ chức hành nghề luật sư

Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có những quyền hạn nhiệm vụ sau đây đối với tổ chức hành nghề luật sư:

a. Bồi dưỡng các luật sư trong các tổ chức hành nghề về chính trị, nghiệp vụ và đạo đức luật sư;

b. Giám sát hoạt động các tổ chức hành nghề luật sư; giải quyết các khiếu nại, tố cáo đối với luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư; yêu cầu luật sư hoặc tổ chức hành nghề chấm dứt việc làm trái pháp luật; đưa ra Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật xem xét những trường hợp luật sư vi phạm kỷ luật;

c. Hoà giải những tranh chấp giữa luật sư với khách hàng, giữa các luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư;

d. Tổ chức tổng kết hoạt động của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư;

e. Phản ánh, báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các khó khăn của các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư; bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư.

Điều 26. Tổ chức hành nghề luật sư mở Chi nhánh ở địa phương khác, đặt cơ sở hành nghề ở nước ngoài hoặc cử luật sư làm dịch vụ pháp lý ở nước ngoài

1. Việc mở Chi nhánh ở địa phương khác phải thông báo cho Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi mở chi nhánh. Các luật sư của Chi nhánh vẫn có những quyền và nghĩa vụ đối với Đoàn luật sư như các luật sư ở cơ sở chính.

2. Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh phải báo cáo cho Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi có tổ chức hành nghề luật sư mở Chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh biết những trường hợp luật sư của Chi nhánh đã vi phạm qui tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư.

3. Việc đặt cơ sở hành nghề ở nước ngoài hoặc cử luật sư làm dịch vụ pháp lý ở nước ngoài sẽ thực hiện theo Điều 20, 21 của Nghị định 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành Pháp lệnh Luật sư.

———-

CHƯƠNG VI

THÙ LAO VÀ CHI PHÍ

***

Điều 27. Thù lao và chi phí

Việc tính thù lao và chi phí trong dịch vụ pháp lý phải tuân theo qui định tại các Điều 27, 28, 30, 31 Pháp lệnh luật sư ngày 25/07/2001 và các điều 25, 26, 27 Nghị định số 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001.

Điều 28. Thoả thuận về thù lao và chi phí

1. Tổ chức hành nghề luật sư và luật sư phải cho khách hàng biết căn cứ tính thù lao và chi phí.

2. Thù lao và chi phí phải hợp lý và có căn cứ.

3. Ngoài thù lao và chi phí do khách hàng trả hoặc do Nhà nước trả đối với những việc do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu Ban Chủ nhiệm chỉ định luật sư, tổ chức hành nghề luật sư và luật sư không được đòi hỏi khách hàng nộp bất cứ khoản nào khác.

Điều 29. Tính thêm thù lao và chi phí

1. Đối với công việc kéo dài, tổ chức hành nghề luật sư có thể yêu cầu khách hàng ứng trước một số tiền thù lao và chi phí.

2. Trong trường hợp tính thù lao trọn gói mà cần phải làm thêm những việc ngoài dự kiến ban đầu, tổ chức hành nghề luật sư được thoả thuận với khách hàng về tính thêm thù lao và chi phí.

Điều 30. Miễn, giảm thù lao và chi phí

Đối với những người thuộc diện chính sách thì có thể miễn, giảm thù lao và chi phí, luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phải báo cho họ biết để không thu thù lao, chi phí hoặc giảm những khoản thu đó.

Điều 31. Thù lao trong trường hợp khách hàng không nhờ luật sư nữa hoặc vụ án được chuyển sang luật sư khác.

1. Trong trường hợp khách hàng không nhờ luật sư nữa thì tính thù lao theo thời gian công việc luật sư đã làm.

2. Trong trường hợp một số luật sư chuyển vụ án cho luật sư khác làm tiếp thì phải được sự đồng ý của khách hàng. Luật sư đã làm và luật sư làm tiếp thoả thuận với nhau về thù lao mà mỗi luật sư được hưởng.

Điều 32. Thu thù lao và chi phí

1. Luật sư không trực tiếp thu thù lao và chi phí của khách hàng, tổ chức hành nghề luật sư phải thu và thanh toán với khách hàng.

2. Việc thu thù lao phải có biên lai hoặc hoá đơn và vào sổ kế toán của tổ chức hành nghề luật sư.

———-

CHƯƠNG VII

THI HÀNH KỶ LUẬT VÀ KHEN THƯỞNG LUẬT SƯ

***

Điều 33. Nhắc nhở hoặc thi hành kỷ luật

Luật sư, luật sư tập sự vi phạm Điều lệ Đoàn luật sư, quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư thì tuỳ theo mức độ nặng nhẹ, sẽ bị Chủ nhiệm Đoàn luật sư nhắc nhở hoặc đưa ra Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật.

Điều 34. Điều tra, xác minh việc vi phạm kỷ luật

1. Chủ nhiệm Đoàn luật sư phải xem xét việc khiếu nại, tố cáo và các nguồn tin khác về vi phạm kỷ luật và có thể giao cho một hoặc một số thành viên trong Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật điều tra, xác minh. Luật sư bị khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm trình bày vụ việc và có quyền tự bào chữa khi vụ việc được điều tra, xác minh.

2. Nếu thấy cần xem xét về kỷ luật, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư chuyển vụ việc cho Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật quyết định.

3. Nếu xét thấy không thể để cho luật sư tiếp tục tham gia tố tụng với vụ việc đang bị khiếu nại, tố cáo thì Chủ nhiệm Đoàn luật sư có quyền quyết định chuyển vụ việc luật sư đang làm cho một luật sư khác sau khi đã thoả thuận với khách hàng.

4. Trường hợp luật sư bị khởi tố về hình sự, theo kiến nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Ban Chủ nhiệm có thể ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động nghề nghiệp của luật sư đó và cử một thành viên của Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật theo dõi vụ việc này để báo cáo Ban Chủ nhiệm.

Điều 35. Thủ tục xem xét tại Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật

1. Ngày họp Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật phải được Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật báo cho luật sư bị xem xét về kỷ luật và tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề biết trước 10 ngày. Đại biểu của tổ chức hành nghề luật sư cũng được mời tham gia cuộc họp của Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật.

2. Nếu khi Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật họp mà luật sư bị xem xét về kỷ luật vắng mặt Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật phải hoãn cuộc họp để triệu tập lại. Nếu lần 2 mà người được triệu tập vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc không rõ lý do thì Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật có quyền ra Quyết định mặc dù vắng mặt người đó.

3. Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật làm chủ toạ cuộc họp.

4. Trình tự cuộc họp:

a. Một Thành viên của Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật trình bày kết quả điều tra xác minh;

b. Luật sư bị xem xét về kỷ luật, đại diện tổ chức hành nghề luật sư trình bày ý kiến của mình và Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật hỏi thêm để xác minh sự việc;

c. Luật sự bị xem xét về kỷ luật tự bảo vệ hoặc nhờ luật sư khác giúp đỡ bảo vệ;

d. Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật thảo luận, bỏ phiếu kín và công bố quyết định.

Điều 36. Các hình thức kỷ luật

1. Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật có quyền quyết định các hình thức kỷ luật sau đây:

a. Khiển trách;

b. Cảnh cáo;

c. Xoá tên có thời hạn khỏi danh sách luật sư;

d. Xoá tên khỏi danh sách luật sư.

2. Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người có hành vi sai phạm lần đầu, ít nghiêm trọng. Người bị kỷ luật khiển trách sau ba tháng không sai phạm, đương nhiên được xoá kỷ luật.

3. Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người đã bị xử lý kỷ luật khiển trách, chưa được xoá kỷ luật mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu do lỗi nghiêm trọng. Người bị kỷ luật cảnh cáo sau 6 tháng không sai phạm, đương nhiên được xoá kỷ luật.

4. Hình thức kỷ luật xoá tên có thời hạn khỏi danh sách luật sư áp dụng đối với người bị xử lý kỷ luật cảnh cáo, chưa được xoá kỷ luật mà tái phạm, hoặc vi phạm lần đầu do lỗi rất nghiêm trọng. Người bị kỷ luật xoá tên có thời hạn sau 9 tháng kể từ ngày hết hạn xoá tên mà không sai phạm thì đương nhiên được xoá kỷ luật.

5. Hình thức kỷ luật khỏi danh sách luật sư áp dụng đối với người bị xử lý kỷ luật xoá tên có thời hạn khỏi danh sách luật sư, chưa được xoá kỷ luật mà tái phạm, hoặc vi phạm lần đầu do lỗi đặc biệt nghiêm trọng.

6. Cùng với quyết định về hình thức kỷ luật, Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật có quyền quyết định luật sư bị kỷ luật phải trả lại những tài sản thu lợi bất chính hoặc phải thoả thuận với khách hàng về bồi thường thiệt hại.

7. Nếu xét thấy không có căn cứ để thi hành kỷ luật thì Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật yêu cầu Ban Chủ nhiệm thu hồi quyết định tạm đình chỉ hoạt động nghề nghiệp luật sư.

Điều 37. Báo cáo, thông báo về Quyết định của Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật

1. Chủ nhiệm Đoàn luật sư phải báo cáo với Bộ Tư pháp, đồng gửi cho Sở Tư pháp về những quyết định của Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật.

2. Quyết định của Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật phải được gửi cho người khiếu nại và luật sư bị xem xét về kỷ luật, đồng thời thông báo cho tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó công tác biết và thông báo cho các luật sư trong Đoàn biết khi cần thiết.

Điều 38. Khen thưởng

Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có thành tích công tác, được Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật báo cáo với Hội nghị toàn thể luật sư hoặc Ban Chủ nhiệm khen thưởng hoặc đề nghị với UBND Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Bộ Tư pháp khen thưởng.

———-

CHƯƠNG VIII

TÀI CHÍNH CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ

***

Điều 39. Đóng góp của luật sư

1. Các luật sư có nghĩa vụ đóng phí thành viên. Mức phí thành viên là 50.000đ một tháng đối với luật sư và 30.000đ một tháng đối với luật sư tập sự.

2. Nếu cần có đóng góp khác thì Ban Chủ nhiệm báo cáo Hội nghị toàn thể luật sư quyết định.

Điều 40. Sử dụng quỹ của Đoàn luật sư

1. Quỹ của Đoàn luật sư được sử dụng vào những việc sau:

a. Trả lương, phụ cấp cho bộ máy giúp việc của Đoàn luật sự;

b. Chi phí về các hoạt động của Đoàn luật sư;

c. Chi phí về trụ sở, văn phòng phí và các phương tiện kỹ thuật của Đoàn luật sư;

d. Các chi phí khác.

2. Ban Chủ nhiệm quyết định việc sử dụng quỹ của Đoàn luật sư và kiểm tra sổ sách, kế toán tình hình tài chính, tài sản của Đoàn luật sư.

3. Ban Chủ nhiệm phải báo cáo với Hội nghị toàn thể luật sư về vấn đề tài chính thu, chi của Đoàn luật sư trong các kỳ họp của Hội nghị toàn thể luật sư.

———-

CHƯƠNG IX

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI ĐỐI VỚI CÁC QUYẾT ĐỊNH

CỦA BAN CHỦ NHIỆM, HỘI ĐỒNG KHEN THƯỞNG – KỶ LUẬT

***

Điều 41. Giải quyết khiếu nại đối với các quyết định của Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật

1. Thời gian khiếu nại đối với các quyết định của Ban Chủ nhiệm. Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật là 15 ngày kể từ ngày đương sự được thông báo quyết định đó.

2. Khi có khiếu nại đối với các quyết định của Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật thì Chủ nhiệm Đoàn luật sư, Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật xem xét trả lời cho người khiếu nại thời hạn trong 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại.

Điều 42. Xem xét lại Quyết định của Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật

Khi UBND Thành phố, Bộ Tư pháp, Chủ nhiệm Đoàn luật sư, Chủ tịch hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật yêu cầu Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật xem xét lại quyết định bị khiếu nại thì Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật xem xét lại quyết định đó trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu và phải trả lời cho cơ quan hoặc người có yêu cầu biết.

———-

CHƯƠNG X

QUAN HỆ GIỮA ĐOÀN LUẬT SƯ VỚI BỘ TƯ PHÁP, UBND THÀNH PHỐ, SỞ TƯ PHÁP VÀ CÁC CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG

***

Điều 43. Quan hệ giữa Đoàn luật sư với Bộ Tư pháp, UBND Thành phố, Sở Tư pháp

Đoàn luật sư phải chấp hành nghiệm chỉnh chế độ báo cáo với Bộ Tư pháp, Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố đã được qui định tại Điều 33 Pháp lệnh luật sư ngày 25/07/2001 và Điều 31 Nghị định 94/2001/NĐ-CP ngày 12/12/2001. Những báo cáo gửi Bộ Tư pháp và Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố được đồng gửi cho Sở Tư pháp.

Điều 44. Quan hệ giữa Đoàn luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng

Đoàn luật sư phải cùng với các cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm việc xử lý nhanh chóng, chính xác các vụ án, đặc biệt là các vụ án quan trọng, phức tạp, phục vụ cho yêu cầu chính trị địa phương; thông báo cho các luật sư biết các nhận xét của cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác luật sư.

Điều 45. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh

Ban Chủ nhiệm hoặc 1/3 số thành viên của Đoàn luật sư đề nghị thì Đoàn luật sư sẽ tổ chức Hội nghị toàn thể luật sư thảo luận và biểu quyết về việc sửa đổi, bổ sung điều lệ.

*

*      *

Bản Điều lệ này đã được Hội nghị Toàn thể luật sư Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh thông qua ngày 20 tháng 07 năm 2002 và thay thế các qui định trước về quan hệ nội bộ của Đoàn.

TM. ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINHCHỦ NHIỆM

LS NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG

công ty luật sài gòncông ty luật tại tphcmcông ty luật tp.hcmLuật sưluật sư tphcmvăn phòng luật sưvan phong luat su tai tphcmvăn phòng luật sư tphcm
Comments (0)
Add Comment