Luật sư Hà Nội – Trước đây, khi Quốc hội chưa ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì chúng ta đã có một số văn bản quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cán bộ, công chức khi có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trong đó phải kể đến Nghị định số 47/CP ngày 03/05/1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.
Tuy nhiên, qua thời gian cùng với sự phát triển của xã hội thì Nghị định 47/NĐ-CP và Nghị quyết 388/NQ- UBTVQH không còn phù hợp nữa bởi xuất phát từ tình hình thực tế, những oan sai, những thiệt hại cần được bồi thường, khắc phục bởi cơ quan nhà nước không chỉ xảy ra ở lĩnh vực tố tụng hình sự mà còn xảy ra ở các lĩnh vực khác như tố tụng dân sự, quản lý hành chính Nhà nước, hoạt động thi hành án.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của thực tế cuộc sống, đáp ứng được tâm tư, nguyên vọng của nhân dân, tạo niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, Nhà nước,nâng cao trách nhiệm công vụ của người thi hành công vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà nước.
Với những tiến bộ và tính chuyên môn cao, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ra đời còn là sự can thiệp kịp thời của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân trước những thiệt hại xuất phát từ những việc làm sai trái, từ tinh thần thiếu trách nhiệm, từ những cách hành xử thiếu tính khách quan của một số cán bộ, công chức gây radẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm theo đó trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại do các cán bộ, công chức Nhà nước gây ra trong các hoạt động quản lý hành chính, hoạt động tố tụng và hoạt động thi hành án được quy định cụ thể, chặt chẽ hơn.
Về cơ bản, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định rõ ràng phạm vi trách nhiệm bồi thường trên cả 3 lĩnh vực: Hoạt động quản lý hành chính; Hoạt động tố tụng; Hoạt động thi hành án. Luật xác định rõ quyền được yêu cầu bồi thường của tổ chức, cá nhân – những người bị gánh chịu thiệt hại về cả vật chất và tinh thần; các thiệt hại cụ thể được bồi thường; xác định rõ cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại; thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại và cả trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ có hành vi hoặc quyết định sai trái tùy theo mức độ hành vi, hậu quả thiệt hại, do vô tình hay cố ý và có chiếu cố hoàn cảnh cụ thể của cán bộ, công chức vi phạm.
Điều quan trọng nữa, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn góp phần khắc phục, hạn chế dần tình trạng khiếu kiện vượt cấp và khiếu kiện tràn lan đến nhiều cơ quan không có liên quan đến vụ việc phải thực hiện bồi thường.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong quá trình thực thi mặc dù có những tiến bộ nhưng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vẫn có nhiều những bất cập, vướng mắc.
Trước hết, phải nói đến công tác phổ biến, tuyên truyền về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện chưa được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp. Luật mới chỉ đến với các đối tượng là cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước.
Là luật sư Cộng tác viên Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước TP Hà Nội, hơn hai năm qua chúng tôi đã có dịp đi nhiều các xã, phường, thị trấn của các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội để trợ giúp pháp lý lưu động và có dịp tiếp xúc với các cán bộ tư pháp, trưởng, phó phòng tư pháp, các lãnh đạo…Khi nói về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với họ vẫn là một điều gì đó mới mẻ. Có người nói họ đọc nhưng không hiểu, có người nói họ biết nhưng chưa xem, thậm chí có người nói họ không quan tâm…còn người dân thì sao? Nhiều người nói họ chưa hề biết đến.
Tính đến thời điểm hiện nay đã hơn 03 năm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đi vào cuộc sống nhưng thực tế cho thấy có rất ít có cá nhân, tổ chức bị thiệt hại thực hiện quyền đòi bồi thường thiệt hại,
Tính trong cả nước hiện nay mới chỉ có khoảng hơn 450 vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước. Đây là con số rất ít so với tỷ lệ số vụ việc đáp ứng đủ điều kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đa số các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại chưa hiểu, chưa nắm rõ Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nên không thực hiện quyền của mình. Họ cho rằng vì họ có địa vị pháp lý thấp so với cơ quan Nhà nước nên đòi được sẽ rất khó. Họ không hiểu một điều là trong quan hệ bồi thường Nhà nước thì Nhà nước không phải là một chủ thể có quyền lực hành chính nữa như trong các lĩnh vực khác mà Nhà nước là một chủ thể của quan hệ tư, một chủ thể dân sự bình đẳng với tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại.
Mặt khác, cũng vì khâu tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn chưa được chú trọng cho không chỉ cá nhân nên các cơ quan có trách nhiệm bồi thường lúng túng trong hoạt động giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả. Công chức được giao công tác bồi thường Nhà nước nhiều người còn yếu về chuyên môn, chưa nắm vững các quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết bồi thường của Nhà nước dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại chưa được đảm bảo.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nướccó đưa ra chế định thương lượng hai bên, việc quy định như vậy tạo lên tâm lý “bất ổn” đối với tổ chức, cá nhân bị thiệt hại vì người bị thiệt hại khó được cơ quan thiệt hại giải quyết việc khiếu nại bồi thường một cách thỏa đáng. Việc giải quyết bồi thường dựa trên cơ sở thương lượng làm cho việc yêu cầu bồi thường bị kéo dài đã đặt cá nhân, tố chức bị thiệt hại rơi vào thể “tiến thoái lưỡng nan”, nếu chấp nhận thương lượng thì e rằng thiệt hại của mình không được bồi thường toàn bộ mà sẽ “ vơi” đi, nhưng nếu thương lượng không thành thì lại ngại việc giải quyết yêu cầu bồi thường của mình gặp khó khăn, cản trở.
Cũng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, người bị thiệt hại còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường do các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chồng chéo với luật khác.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; thời hiệu yêu cầu bồi thường của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là 2 năm kể từ ngày có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ
Đối chiếu với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Dân sự là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm.
Như vậy, nếu căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự thì khi tổ chức, cá nhân nếu thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì có thể thực hiện quyền của mình, đó là yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thế nhưng nếu theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì tổ chức, cá nhận bị thiệt hại mặc dù đã có thiệt hại thực tế xảy ra và biết rõ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm nhưng họ chưa thể thực hiện quyền đó của mình vì chưa đủ điều kiện. Họ cần có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Tuy nhiên, để có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại còn phải mất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian.
Thực tế, đã có những trường hợp người bị thiệt hại còn đang trong thời gian thực hiện thủ tục xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thì họ đã mất quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình (nếu theo Bộ luật Dân sự) vì lý do đã hết thời hiệu giải quyết.
Một bất cập nữa trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đó là việc Luật chưa quy định các hình thức chế tài áp dụng trong trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường cố tình kéo dài thời gian, gây chậm trễ trong việc giải quyết bồi thường. Đây cũng là vấn đề được nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm bởi trên thực tế đã có không ít các vụ việc liên quan đến giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra vì nhiều lý do bị kéo dài, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại không được bảo đảm.
Trên đây là một vài những bất cập, vướng mắc mà chúng tôi thấy được qua thực tiễn áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tất nhiên sẽ còn có những bất cập, vướng mắc nữa mà chúng tôi – những người “ngoài cuộc” chưa phát hiện ra. Mong rằng các luật sư đồng nghiệp, bạn đọc và những người “ trong cuộc” hãy cùng chúng tôi đưa ra những quan điểm của mình để góp phần hạn chế những bất cập, vướng mắc trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật sau này./.
Đoàn luật sư TP Hà Nội
Luật sư tại Hà Nội, văn phòng luật sư tại hà nội, dịch vụ tư vấn luật, luật sư tư vấn tại hà nội, công ty luật hà nội, cong ty luat tai ha noi, luat su ha noi, van phong luat su tai ha noi