Ngày 14/10, ông Nguyễn Thanh Bình (Chánh văn phòng Liên đoàn Luật sư toàn quốc) cho biết, trước việc nhiều luật sư “tố khổ” khi tham gia tố tụng tại giai đoạn điều tra, lãnh đạo Liên đoàn đã chủ động gặp cơ quan công an để tìm cách tháo gỡ.
Hai bên thống nhất sẽ thiết lập quy chế phối hợp trao đổi thông tin, trong đó có việc lập đường dây nóng giữa Bộ Công an và Liên đoàn. Từ đây, luật sư nếu gặp phải “rào cản” từ phía cơ quan điều tra trong việc làm thủ tục bào chữa, gặp thân chủ hay tiếp cận hồ sơ vụ án… sẽ trực tiếp phản ánh qua đường dây nóng. Bộ Công an căn cứ thông tin trên sẽ xác minh và có biện pháp giải quyết.
Ngược lại, nếu cơ quan công an nhận thấy luật sư khi hành nghề có biểu hiện không tuân thủ pháp luật, hay dấu hiệu tiêu cực… thì cũng thông tin trở lại với Liên đoàn.
Ông Bình đánh giá, việc tham gia tố tụng của luật sư ngay từ giai đoạn đầu của vụ án có ý nghĩa rất quan trọng. Nó sẽ giúp họ hiểu biết sâu, nắm được ngọn nguồn của vấn đề từ đó nâng cao khả năng tranh tụng, phản biện giúp việc điều tra được tiến hành khách quan, minh bạch.
Tuy nhiên, nhiều luật sư phản ánh họ đã bị một số cơ quan điều tra “gây khó dễ”. Đầu tiên là thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa hiếm khi đúng thời hạn 3 ngày theo quy định. Tiếp đó, việc gặp thân chủ trong trại giam hay tiếp cận hồ sơ để tìm hiểu vụ án cũng gặp phải một số “rào cản” khác…
Ba năm trước, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội Phạm Hồng Hải từng làm đơn “tố khổ” gửi Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng kiêm Trưởng ban Nội chính trung ương phản ánh về việc này.
Theo VnExpess