Văn phòng luật Dragon – Năm 2010, nhiều công trình giao thông quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần đưa TPHCM vươn lên tầm cao mới, không chỉ giải quyết khó khăn về giao thông, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội mà còn làm thay đổi diện mạo thành phố một cách cơ bản.
Đại lộ Đông Tây – một công trình trọng điểm của TPHCM hoàn thành trong năm 2010. Ảnh: VIỆT DŨNG
Kỳ vọng từ đại lộ Đông Tây
Từ năm 2005-2010, TPHCM đã đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật thành phố, đặc biệt là hệ thống giao thông. Qua đó, TPHCM đã xây dựng mới 210km đường, 50 cây cầu, tạo cơ sở quan trọng cho việc phát triển kinh tế, xã hội và đổi mới bộ mặt đô thị thành phố. Cụ thể như toàn bộ dự án cầu Thủ Thiêm, đường Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nút giao thông khu A Nam Sài Gòn, nút giao Cát Lái, đường song hành quốc lộ 22, cầu Hoàng Hoa Thám…
Bên cạnh hệ thống đường vành đai, nhiều tuyến đường xuyên tâm cũng được xây mới hoặc cải tạo mở rộng. Ấn tượng nhất là đại lộ Đông Tây dài hơn 20km với 6-10 làn xe chạy từ quốc lộ 1A (trên địa bàn huyện Bình Chánh) qua các quận 6, 5, 4, 1, 2 đến xa lộ Hà Nội. Hiện dự án xây dựng đại lộ Đông Tây đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn hạng mục hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn sẽ hoàn thành vào giữa năm 2011.
Sự xuất hiện của công trình này không những giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông dọc trục Đông Tây của thành phố mà còn góp phần rất lớn vào việc chỉnh trang đô thị dọc bờ kênh Tàu Hủ-Bến Nghé. Hiệu quả của đại lộ Đông Tây không chỉ dừng lại ở các tuyến phố dọc kênh Tàu Hủ-Bến Nghé mà rất nhiều vùng đất rộng lớn gần đó, thuộc quận 6, quận 8, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè… cũng được “đánh thức”.
Bật lên cửa ngõ phía Đông…
Ở cửa ngõ phía Đông, vùng đất hai bên tuyến xa lộ Hà Nội cũng đang chuyển động với những khu dân cư mới và hàng trăm tòa nhà cao ốc hiện đại mọc lên.
Sự phát triển nhanh chóng của khu vực quận 2 khiến giao thông thường xuyên bị ùn tắc. Để khắc phục tình trạng trên, hàng loạt các công trình giao thông quan trọng đã và đang được khẩn trương xây dựng. Đó là đường song hành xa lộ Hà Nội, cầu vượt nút giao thông ngã ba Cát Lái và trong năm 2011 sẽ xây dựng cầu Sài Gòn 2 với quy mô như cầu Sài Gòn hiện hữu, dài 1.500m, rộng 23,5m, gồm 6 làn xe, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong tương lai các quận 2, 9, Thủ Đức… với tuyến đường xa lộ Hà Nội, TPHCM – Long Thành – Dầu Giây… sẽ trở thành những tuyến đường trục kết nối TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ, đưa tam giác kinh tế (TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu) bật lên sức sống mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cửa ngõ phía Nam: khu cảng biển mới
Song song với hệ thống cảng biển cũ nằm bên sông Sài Gòn, một hệ thống cảng biển mới nằm bên sông Soài Rạp cũng đang dần hình thành cùng với sự phát triển mạng lưới giao thông phía Nam thành phố. Các cảng Sài Gòn, Ba Son, Bến Nghé sau nhiều năm phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế của thành phố đã không còn phù hợp. Khu vực quận 7, Phú Xuân – Nhà Bè đang xuất hiện các cảng biển mới. Hiện các hạng mục hạ tầng tại cảng Hiệp Phước đang được đẩy nhanh, trong đó việc nạo vét sông Soài Rạp đến độ sâu 9,5m là hạng mục được ưu tiên làm trước để đón các loại tàu từ 30.000 – 50.000 tấn.
Những kết quả đạt được trong 5 năm qua trên lĩnh vực cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đã tạo cho thành phố diện mạo mới xứng tầm là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học hàng đầu cả nước. Trong năm 2011, 18 công trình giao thông lớn, quan trọng tiếp tục được xây dựng sẽ làm thay đổi nhanh hơn, mạnh hơn bộ mặt kinh tế – xã hội thành phố, góp phần nâng cao đời sống, văn hóa người dân.
Ng.Khoa – T.Long
Theo SGGP
Công ty luật Dragon