Mặc dù đã có Báo cáo kết luận thanh tra của tỉnh nhưng UBND huyện Mù Cang Chải không thừa nhận “có sai phạm” khi cưỡng chế, tìm lý do để ‘gạt’ luật sư ra lề kéo dài sự việc không đảm bảo quyền của bên bị thiệt hại do quyết định hành chính gây ra.
Đã có kết luận thanh tra… vẫn kêu mình “không sai phạm”
Việc cưỡng chế sai luật đã rõ. Điều này khẳng định trên hồ sơ cưỡng chế và báo cáo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Yên Bái dẫn đến UBND huyện Mù Cang Chải đã ngồi thỏa thuận với doanh nghiệp trả lại tài sản cưỡng chế và “xin” được “hỗ trợ” doanh nghiệp 50 triệu đồng.
Thế nhưng công văn mới đây, ngày 22/06 với nội dung từ chối làm việc với luật sư, phía huyện lại khẳng định “chưa có quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền” nên luật sư không được nói là “UBND huyện có sai phạm”.
|
Trên thực tế, căn cứ vào Báo cáo kết luận thanh tra số 29/BCKL-TTr ngày 27/03/2012 của Thanh tra tỉnh Yên Bái và các hồ sơ liên quan thì UBND huyện đã cưỡng chế tạm giữ sai như sau:
Một là, dùng văn bản sai luật để cưỡng chế, thể hiện ở chỗ sai về quy cách, về người làm chứng, trái về thẩm quyền.
Hai là tạm giữ tài sản vượt quá mức độ quyền hạn quá nhiều lần. Căn cứ vào Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính thì Hạt trưởng hạt kiểm lâm chỉ được tạm giữ tài sản không quá 30 triệu đồng nhưng ở đây tổng số tài sản bị tạm giữ lên đến hàng trăm triệu đồng. Cụ thể, 16 máy dập hạt, 1 máy cưa vanh, 1 máy cắt phôi và hơn 11 tấn gỗ cành và cục Pơmu. Riêng máy máy dập hạt, mỗi máy có giá trị khoảng 17 triệu đồng.
Điều đáng chú ý, mà bất cứ người dân nào không hiểu luật cũng có thể nhận ra, đó là nếu UBND huyện không sai tại sao huyện vội vàng thương lượng với doanh nghiệp, trả lại máy móc và ‘xin’ được “hỗ trợ” doanh nghiệp 50 triệu đồng. Xem ra, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, rất cần UBND tỉnh Yên Bái có quyết định xử lý cán bộ sai phạm thì các cán bộ mới thừa nhận là mình đã sai và sai ở đâu(!)
Gạt luật sư ra lề… kéo dài vụ việc
Trong công văn trả lời 2 lần của UBND huyện với công ty Duyên Thuận và Công ty Luật Dragon đều nại lý do không chấp nhận ủy quyền của Công ty Duyên Thuận với luật sư là Luật khiếu nại tố cáo 2005, quy định người khiếu nại tố cáo chỉ được nhờ luật sư tư vấn hỗ trợ pháp luật, chỉ ủy quyền trong một số trường hợp ốm đau già yếu và các lý do khách quan khác. Tuy nhiên, phần bồi thường sau khi có việc cưỡng chế sai luật của UBND huyện phải giải quyết theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009. Như vậy việc tham gia của luật sư Nguyễn Minh Long thuộc Văn Phòng Luật Sư Dragon – Đoàn Luật Sư Hà Nội trong trường hợp này là hoàn toàn đúng. Khi trong quá trình đàm phán thương lượng không đi tới thống nhất, UBND Huyện đưa ra đề xuất 50 triệu “hỗ trợ” cho Công ty Duyên Thuận đã không đồng ý với quan điểm của UBND Huyện vì thiệt hại xảy ra đối với Doanh nghiệp là quá lớn so với mức gọi là hỗ trợ từ sự việc này Công ty Duyên Thuận đã ủy quyền cho Luật sư trong việc tham gia đại diện để đàm phán trong quá trình giải quyết vụ việc khi quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm thiệt hại.
Hơn nữa, ngày 15/5, UBND huyện Mù Cang Chải đã có biên bản làm việc giữa UBND huyện và công ty Duyên Thuận, thể thức và nội dung có dấu hiệu thỏa thuận dân sự, thương lượng. Thêm vào đó, trong phần trả lời của ông Giàng A Tông- Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải trong bài báo trước: “chúng tôi đang tiến hành thương lượng hòa giải với doanh nghiệp”. Nếu là thương lượng thì vụ việc không thể tiến hành theo thủ tục của Luật khiếu nại tố cáo.
Và có một lý do quan trọng hơn nữa, Luật khiếu nại tố cáo 2011 có quy định: “người khiếu nại có quyền được ủy quyền cho luật sư” sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2012 (còn vài ngày nữa) thì cơ sở bám vào của huyện khi từ chối quyền được ủy quyền cho luật sư của Công ty Duyên Thuận sẽ không còn giá trị. Việc viện lý do như trên chỉ có tác dụng kéo dài sự việc thêm vài ngày, không phải là cách cầu thị để giải quyết vụ việc
Điểm b, khoản 1, Điều 12 Luật khiếu nại tố cáo 2011 quy định:Người khiếu nại có các quyền sau: “Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình;” |
Trong những bài báo trước, Báo điện tử Infonet đã cung cấp cho bạn đọc thông tin về cách giải quyết của huyện sau khi có kết luận thanh tra tỉnh về việc tạm giữ sai trái tài sản doanh nghiệp. Trong thời gian diễn ra hòa giải thương lượng bồi thường, không biết ngẫu nhiên hay cố ý có sự kiện gia đình bà Duyên (Giám đốc công ty Duyên Thuận) bị theo dõi, bị dọa dẫm và đỉnh điểm nhất là bị bắt oan vì ma túy. Không biết những sự kiện này có liên quan gì đến nhau hay không nhưng sự việc đã khiến dư luận luôn đặt ra câu hỏi về cách thức xử lý của UBND huyện Mù Cang Chải. Thêm nữa, việc kiên quyết từ chối luật sư, kiên quyết từ chối quyền được ủy quyền của công ty Duyên Thuận, càng chứng tỏ một điều: Phải chăng UBND huyện đang cố “gạt luật sư ra lề”, xâm phạm quyền của bên thương lượng để giữ thế “thượng phong”?
Sự việc sẽ không thể có hồi kết nếu các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái không đứng ra giải quyết triệt để vấn đề, xử lý sai phạm của cán bộ, thành lập hội đồng xem xét đền bù thiệt hại do cơ quan Nhà nước gây ra theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2009. Dư luận đang rất quan tâm đến cách xử lý tiếp theo của tỉnh Yên Bái.
Trích Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2009
Điều 13. Phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong các trường hợp sau đây:
Khoản 1. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
Khoản 2. Áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính;
Khoản 3. Áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc và biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác;
Điều 56. Nghĩa vụ hoàn trả và xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ
Khoản 1. Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Khoản 3. Người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền quy định tại khoản 1 Điều này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.