Luật sư giữ bí mật cho thân chủ đến đâu?

Đạo đức hành nghề của luật sư được các đại biểu tham gia hội thảo “Quản lý nghề luật sư: Kinh nghiệm của Việt Nam và Nhật Bản” rất quan tâm, nhất là khi sắp tới, nội dung này sẽ được Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành thành quy tắc. Vấn đề đầu tiên trong đạo đức hành nghề luật sư là mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng.


Tố giác hay im lặng?

Theo luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc luật sư giữ bí mật cho khách hàng là nguyên tắc cơ bản hàng đầu. Ông phân tích: “Nếu luật sư thực hiện tốt nguyên tắc này thì khách hàng mới có niềm tin vào luật sư. Khi đó họ sẽ cung cấp toàn bộ, đầy đủ thông tin liên quan đến sự việc, kể cả những vấn đề tế nhị. Đó chính là điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của luật sư”.

Nhiều đại biểu tán đồng ý kiến này. Tuy nhiên, luật sư Trương Xuân Tám (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) tỏ ra băn khoăn khi đặt giả thuyết: Nếu khách hàng tiết lộ cho luật sư biết họ đã thực hiện một hành vi phạm tội thì luật sư phải làm thế nào? Đi báo cơ quan chức năng hay im lặng che giấu tội phạm?

Luật sư Toriyama Hanroku (Đoàn Luật sư Osaka) nêu kinh nghiệm của Nhật Bản để các đại biểu tham khảo. Theo ông, luật sư Nhật Bản không được phép tiết lộ thông tin của khách hàng. Tuy nhiên, nếu biết được khách hành của mình đang chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng, luật sư được phép báo cho cơ quan chức năng sau khi đã làm hết các biện pháp khác nhưng không ngăn cản khách hàng được. Còn lại, tất cả các trường hợp khác luật sư đều không được tố cáo, đó là nguyên tắc nghề nghiệp.

Chừng mực khi tham gia tố tụng

Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) kiến nghị khi tham gia vào hoạt động tố tụng, luật sư phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định liên quan; có thái độ tôn trọng cán bộ tố tụng; lịch sự, hợp tác theo đúng chức năng của luật sư.

Đặc biệt, luật sư không được câu kết với cán bộ tố tụng, không được giúp đỡ khách hàng giải quyết công việc bằng những thủ đoạn, hành vi bất hợp pháp, không được lợi dụng tư cách luật sư phát biểu những lời lẽ kích động nhằm hạ thấp uy tín của cán bộ tố tụng…

Luật sư Đoàn Công Thiện (Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang) lật ngược vấn đề: Nếu cán bộ tố tụng có thái độ không đúng, có hành vi sai trái thì chúng ta phải làm sao? Trả lời câu hỏi này, luật sư Kobayashi Tetsuya (Đoàn Luật sư Tokyo) cho rằng luật sư vẫn nên giữ thái độ chừng mực. Nếu thấy cần thiết thì sau đó, luật sư nên có văn bản kiến nghị, phản ánh thái độ, hành vi sai trái của cán bộ tố tụng đến các cơ quan chức năng để họ xem xét, giải quyết.

Không được “hại” đồng nghiệp

Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm, hiện có rất ít quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa các luật sư với nhau. Thực chất, quan hệ đồng nghiệp thật ra là quan hệ đạo đức, chủ yếu là thái độ ứng xử với nhau giữa các luật sư. Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi mỗi luật sư phải coi uy tín của đồng nghiệp, uy tín của giới luật sư là uy tín của chính mình.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nêu lên một số hành vi cụ thể mà luật sư không được làm đối với đồng nghiệp: không được xúc phạm hoặc hạ thấp uy tín của đồng nghiệp, không được dùng thủ đoạn để chiếm lợi thế, không được thông đồng với nhau gây thiệt hại cho khách hàng…

Hứa thưởng, quảng cáo: Chưa rõ

Trong dự thảo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam có hai vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là hứa thưởng và quảng cáo.

Dự thảo cho phép luật sư được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông (quy tắc 29) nhưng nội dung quảng cáo phải trung thực, minh bạch, không gây nhầm lẫn, hình ảnh quảng cáo không được gây phản cảm, làm ảnh hưởng đến văn hóa, lịch sử, thuần phong mỹ tục hoặc lợi ích quốc gia dân tộc.

Nhiều đại biểu thắc mắc: Những điều cấm của dự thảo là đúng nhưng căn cứ nào để xác định quảng cáo có sai phạm bởi rất khó xác định thế nào là gây phản cảm, thế nào là ảnh hưởng văn hóa…

Về vấn đề hứa thưởng (quy tắc 8), dự thảo bắt buộc luật sư không được để việc hứa thưởng đó ràng buộc luật sư phải đảm bảo kết quả vụ việc theo yêu cầu của khách hàng. Nhiều luật sư cho rằng quy tắc này bất hợp lý bởi theo BLDS, hứa thưởng phải là một công việc cụ thể và việc hứa thưởng phải đi kèm với kết quả công việc. Nếu như khi nhận hứa thưởng mà luật sư không để kết quả ràng buộc trách nhiệm thì như vậy luật sư lại vô tình vi phạm BLDS…

Hồng Tú

BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Comments (0)
Add Comment