Văn phòng luật sư Dragon: Lần đầu tiên tôi gặp luật sư Ngô Bá Thành là một buổi sáng cuối thu cách đây 5 năm, trong hội thảo về vai trò của pháp luật đối với sự tiến bộ của phụ nữ. Hồi ấy, tôi là một sinh viên năm thứ ba. Bà đã để lại cho tôi một ấn tượng sâu sắc bởi dáng vẻ nhanh nhẹn, lạ thường, những lời phát biểu sôi nổi, hâm nóng lên bầu không khí trong khán phòng. Nếu nhìn vào mái tóc bạc trắng rồi lại nhìn dáng đi nhanh thoăn thoắt thì thật khó có thể đoán được tuổi của bà. Ấn tượng về người phụ nữ ấy càng sâu đậm hơn khi tôi được biết bà là người đã từng đấu tranh cho phong trào tiến bộ của phụ nữ trên thế giới, có nhiều cống hiến cho nền pháp luật xã hội chủ nghĩa của nước nhà.
Tôi không may mắn là một phóng viên nghị trường để thường xuyên chứng kiến tận mắt những lời phát biểu luôn sôi nổi và hấp dẫn của bà. Tôi đã nghe kể rằng ở đâu có người phụ nữ ấy là ở đó có tranh luận về các vấn đề cho đến khi tìm được sự đồng thuận mới thôi. Mọi người thường nói bà là một đại biểu Quốc hội “hay hỏi”. Bà là một người phụ nữ thật sôi động nhưng điềm tĩnh, thật uyên bác nhưng gần gũi.
Những bước ngoặt cuộc đời
Luật sư Ngô Bá Thành tên thật là Phạm Thị Thanh Vân, là con gái của bác sĩ Phạm Văn Huyến – một trong những bác sĩ thú y đầu tiên của Việt Nam. Bà sinh năm 1931, tại Hà Tĩnh. Năm 1949, cô nữ sinh trường dòng Phạm Thị Thanh Vân mới 18 tuổi đã kết hôn cùng bác sĩ trẻ Ngô Bá Thành theo sự sắp đặt của gia đình. Hai năm sau đôi vợ chồng trẻ Bá Thành – Thanh Vân đã lần lượt đón hai người con chào đời. Niềm vui và hạnh phúc của hai vợ chồng cô không thể xóa đi hết gánh nặng đè lên vai người vợ trẻ khi cô chưa đầy 20 tuổi. Thế rồi một bước ngoặt cuộc đời đã đến với đôi vợ chồng trẻ Ngô Bá Thành – Phạm Thị Thanh Vân. Bác sĩ Phạm Văn Huyến – cha cô quyết định đầu tư ít tiền ban đầu cho hai vợ chồng cô sang Pháp du học. Thế là họ lên tàu sang Paris mà chưa lường hết được những thử thách đang chờ ở phía trước. Hai vợ chồng Thanh Vân thuê một căn nhà nhỏ. Thanh Vân vừa học tú tài, vừa học đánh máy tốc ký, còn chồng cô tiếp tục học chuyên ngành thú y. Sau khi học hết tú tài, cô học Luật so sánh tại Đại học Quốc tế Paris. Hai vợ chồng cô lại có thêm hai người con, kéo theo tăng thêm bao nhiêu vất vả. Cô phải chịu gánh nặng của việc học tập, nay lại chồng chất thêm gánh nặng gia đình, chăm sóc con cái. Để kiếm tiền nuôi con và lo cho việc học tập, ngoài giờ học, Thanh Vân phải làm công việc đánh máy thuê. Cuộc sống thật vất vả nhưng Thanh Vân vẫn luôn chăm chỉ học tập và làm việc với một nghị lực phi thường. Cô đã giành giải thưởng vô địch tốc ký nước Pháp và báo chí tại Pháp đã đăng hình giới thiệu Thanh Vân : “người phụ nữ Đông Dương vô địch tốc ký đánh máy năm nay ở Pháp”.
Trong quá trình học, có những người bạn không có thời gian đến lớp nghe giảng, Thanh Vân đánh máy các bài giảng, rồi bán cho họ. Nhờ có công việc đó mà cô học thuộc lòng các bài giảng lúc nào không hay.
Những thành quả đáng khâm phục
Năm 1957, bà nhận bằng tiến sĩ loại xuất sắc về Luật so sánh và giải thưởng khoa học Levy Uliman dành cho người giỏi nhất. Chẳng bao lâu sau, những thành công đã liên tiếp đến với bà. Cả nước Pháp cũng như Châu Âu đều khâm phục một cô gái nhỏ bé đến từ Đông Dương trở thành tiến sĩ ở tuổi 26 khi đã có bốn con nhỏ. Trường Đại học quốc tế Paris đã mời bà về làm giảng viên về Luật so sánh. Trong thời gian làm giảng viên, bà nghiên cứu thêm về luật pháp một số nước Latinh. Sau đó bà sang Tây Ban Nha học Luật tại Đại học Barcelona và nhận bằng tiến sĩ xuất sắc về Luật công ty. Bản luận án tiến sĩ của bà đã được in và bán tại khắp các nước châu Mỹ – Latinh và các nước nói tiếng Tây Ban Nha khác. Chưa dừng lại ở đó, bà còn nhận được học bổng của Đại học Columbia – Hoa Kỳ theo đề cử của Đại học quốc tế Paris. Bà tiếp tục sang Hoa Kỳ học tại trường Đại học danh tiếng bậc nhất trên thế giới. Tại đây, một lần nữa bà lại có được tấm bằng tiến sĩ Luật học với sự khâm phục của mọi người. Nhưng dường như mọi thành công đến với bà cũng đều xuất phát từ sự cố gắng, kiên nhẫn tột bậc và lấy đi của bà nhiều tâm huyết và sức lực.Bao nhiêu thành công là bấy nhiêu thử thách. Khi vừa đặt chân đến Đại học Columbia, thì bà được nhà trường tuyên bố : chính quyền Sài Gòn buộc bà phải trở về nước phục vụ cho nhà cầm quyền. Chính quyền Mỹ tìm mọi cách gây sức ép để suất học bổng của trường Đại học Columbia không đến được tay bà. Bà lập luận rằng trường Đại học quốc tế cử bà đi học chứ không phải chính quyền Sài Gòn và bà đề nghị làm một bài nghiên cứu trị giá 2000 USD để trả học phí còn các khoản chi phí khác bà sẽ tự túc trả bằng cách dạy thêm tiếng Pháp, phiên dịch, diễn thuyết trong các hội thảo…Sau khi bà tốt nghiệp Đại học Columbia , đích thân ông Hama Rjoeld – Tổng thư ký Liên hợp quốc thời bấy giờ đã mời bà làm việc cho Ban Luật quốc tế, với tư cách là nữ luật gia Việt Nam đầu tiên thông thạo ba ngôn ngữ và ba hệ thống pháp luật Anh, Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, bà đã từ chối để nhận vị trí giám đốc Nghiên cứu Khoa học kiêm Giám đốc tổ chức tại Trường quốc tế. Đây là công việc giúp bà có thể liên hệ với giới trí thức ở Pháp và châu Âu.
Những người phụ nữ bản lĩnh “đòi quyền sống”
Năm 1963, bà từ giã chức vụ cao tại Đại học quốc tế Paris, rời Pháp và trở về Việt Nam với mong muốn vận dụng những kiến thức của mình để phục vụ Tổ quốc. Năm 1970, bà với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống đã tổ chức lễ ra mắt tại chùa Ấn Quang và đã có một bài phát biểu. Lời lẽ của bà lúc chân thành cảm động, lúc bén nhọn, gay gắt, bà đã chỉ rõ những việc mà người phụ nữ không thể không làm để chung tay với phong trào đòi hòa bình: nói lên tiếng nói của mình, đòi lại quyền sống cho chồng con, em cháu và cho chính mình. Từ đó, Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống (sau này được mở rộng ra thành Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống) đã trở thành một lực lượng đấu tranh đắc lực, một nỗi ngán ngại cho chính quyền Sài Gòn. Bà đã tổ chức nhiều phong trào đấu tranh cho học sinh – sinh viên. Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫn – Tổng hội sinh viên Sài Gòn bấy giờ đã kể lại trong cuốn Hồ so một thế hệ – tập 2: “…Một lần Tổng hội SV của chúng tôi bị bao vây chặt lúc đang họp bàn triển khai phong trào đốt xe Mỹ ở 207 Hồng Bàng, cảnh sát vây kín xung quanh, quây dây kẽm gai vòng trong vòng ngoài. Giữa lúc chúng tôi đang nát óc nghĩ cách thoát khỏi thì ai đó reo lên: chị Thành đến. Qua hàng rào kẽm gai, chúng tôi thấy chị dẫn theo hàng ngàn người, từ HSSV, các ba má phong trào đến tăng ni, phật tử. Chị lớn tiếng tranh luận với cảnh sát về pháp luật, hiến pháp nhưng chúng vẫn không hạ súng. Thế là chị ra hiệu cho mọi người ào lên giật súng, giùi cui, kéo dây kẽm gai…Cảnh sát chạy mất, chúng tôi được giải thoát …”. Bà Trần Thị Lan – một người cũng ở trong Ủy ban Phụ nữ đòi quyền sống thời bấy giờ nhận xét: “…Tài diễn thuyết, vận động của bà đã lôi kéo, vận động được mọi tầng lớp từ công nhân, nông dân đến tiểu thương,tri thức, cả những người đang đương chức, có vai vế trong xã hội…”. Bà còn tích cực tham gia trong các cuộc biểu tình với “tà áo dài và một cái loa cầm tay, lý lẽ sắc bén, hành động bất ngờ, quả cảm” (theo lời kể của tác giả Phạm Vũ – Hồ sơ một thế hệ – tập 2 ). Hàng chục lần bà được thả ra nhờ tài diễn thuyết và đấu lý; hàng chục lần khác bà ra tòa để biện hộ và cãi trắng án cho sinh viên học sinh, những người tham gia phong trào bị bắt. Có lần bị bắt giam ở khám Chí Hòa, bị gọi lên lấy khẩu cung, vừa bước vào phòng bà đã làm cả giám thị lẫn cảnh sát mất hồn khi rút chiếc guốc dưới chân ra đập nát tấm hình Nguyễn Văn Thiệu đang treo trên tường. Những lý lẽ, phân tích sắc bén về hòa bình và chiến tranh ở Việt Nam bà đã mang đi diễn thuyết ở nhiều nơi trên thế giới. Những tuyên ngôn, tuyên cáo của phong trào được phát đi khắp nơi. Kể cả khi bị giam trong tù, bà vẫn dùng bình tưới cây làm loa, vẫn viết thư ngở gửi quản đốc trại giam, gửi các đoàn kiểm tra để đòi thuốc, đòi sự chăm sóc cho tù nhân…Bà đã phải nằm trong các nhà giam năm năm, bốn lần bị chính quyền Sài Gòn đưa ra xét xử. Tuy nhiên, chính dư luận phương Tây và trong lòng nước Mỹ lại bảo vệ và lên án mạnh mẽ việc bắt giam bà. Cuối cùng, bà được trả tự do và lại tiếp tục hoạt động cách mạng.
Từ khi hòa bình lập lại, bà đã giữ nhiều trọng trách quan trọng trong cơ quan nhà nước: Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Ủy Viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam; Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII, X. Ngoài ra, bà còn là thành viên của Hiệp hội Luật sư quốc tế Mỹ (Internation Law, and Practise American). Bà mất ngày 3-2-2004, tại nhà riêng, ở tuổi 73. Trước ngày bà mất không bao lâu, nhiều người còn nhớ rõ thái độ kiên quyết của bà khi đưa ra lý lẽ phản đối đạo luật nhân quyền được Mỹ viện dẫn để gắn kết vào Hiệp định Thương mại Việt Mỹ. Bà chỉ rõ: Thượng nghị viện Mỹ đã gác lại Đạo luật Nhân quyền chứ chưa bác bỏ đạo luật này là một hành vi thiếu minh bạch. Đạo luật Nhân quyền là một vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên hợp quốc. Không cho phép bất cứ nước nào được can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Là một luật sư đã từng được đào tạo ở Mỹ, bà khẳng định Đạo luật Nhân quyền ở Việt Nam của Mỹ không có giá trị pháp lý. Bà cũng đã tỏ rõ quan điểm phản đối gay gắt một tiểu bang ở Mỹ cho phép cờ ba sọc. Lúc nào cũng vậy, ý kiến phát biểu, thảo luận của bà luôn mạch lạc, chặt chẽ và sôi nổi, khuấy động không khí nghị trường.
Người phụ nữ với hai cái tên đẹp
Chúng ta vẫn quen gọi tên bà là “Ngô Bá Thành” và cái tên đó cũng đã gắn bó với bà từ khi hoạt động cách mạng cho đến tận sau này, khi bà giữ những trọng trách của Nhà nước trong thời bình. Vậy là bà đã có hai cái tên, mà cả hai đều đẹp, Phạm Thị Thanh Vân – cái tên gắn với bà từ khi bà sinh ra, lớn lên gợi cho chúng ta nhớ đến một người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, bình dị tựa như một làn mây trắng thanh cao và thuần khiết. Ngô Bá Thành – cái tên vừa gắn với một người phụ nữ đầy nghị lực và trí tuệ lại vừa gợi nhớ đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Cái tên như tiếp thêm nghị lực, niềm tin và sự minh mẫn cho bà để làm tốt những nhiệm vụ của đất nước, vai trò người phụ nữ trong gia đình. Dường như trong sự cống hiến của bà có cả sự hy sinh thầm lặng của bác sĩ Ngô Bá Thành – người luôn sát cánh cùng bà trên những bước đường đầy thử thách. Trước đây, vì bà hoạt động cách mạng, ông vốn là Tổng Giám đốc nha ngư nghiệp Sài Gòn đã bị cắt chức, chỉ được dạy chuyên môn ở trường Đại học Nông nghiệp. Ông đã chịu nhiều phiền nhiễu và áp lực từ chính quyền cũ nhưng ông không hề phàn nàn, trái lại còn luôn ủng hộ bà và gánh vác việc dạy dỗ con cái để bà yên tâm hoạt động cách mạng. Hơn mười năm trước, ông đã đột ngột ra đi khi đang đứng trên bục giảng, cũng lặng lẽ như sự hy sinh thầm lặng lúc sinh thời của ông vậy.
Người phụ nữ thiên niên kỷ
Năm 1998, bà được Viện Tiểu sử Hoa Kỳ (American Biographical Insitute – ABI) chọn là người phụ nữ của năm 1998” vì những cống hiến to lớn cho xã hội và nghề nghiệp. Cùng năm đó, Trung tâm tiểu sử quốc tế Anh (International Biographical Centre – IBC) chọn và là “người phụ nữ thiên niên kỷ”, đồng thời bà vinh dự là người phụ nữ châu Á đầu tiên giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Trung tâm tiểu sử quốc tế đầu tiên khu vực châu Á”. Bà nói: “…tôi thực sự cảm thấy tự hào là người phụ nữ Việt Nam con cháu bà Trưng , bà Triệu; tự hào được đứng trong đội ngũ yêu nước của thời đại văn minh, trí tuệ, là chỗ dựa trí tuệ đáng tin cậy của quê hương đất nước Việt Nam anh hùng, cái nôi thân thương đã tạo ra con người Việt Nam được thế giới biết đến và hâm mộ, mà tôi chỉ là một phần nhỏ…”.
Năm ngoái, sau khi bà mất vài ngày, tôi đã tình cờ được đọc một câu chuyện về bà trong bài viết của tác giả Lương Thị Bích Ngọc. “Thời gian còn học đại học ở Paris, cô (tức Luật sư Ngô Bá Thành – NV) phải đi làm thêm đánh máy thuê vào buổi tối. Những đêm khuya mưa tuyết phủ trắng đf ường Paris, sau giờ làm thuê, cô đã từng ngã xuống vì tuyết lạnh, đường trơn, nhưng rồi lại bò dậy lê về nhà cho con bú…”. Đọc những dòng này tôi xúc động đến trào nước mắt. Bà như đã viết nên cho tôi một huyền thoại về một người phụ nữ, hoàn hảo vừa có một trí tuệ của một nhà khoa học, có một ý chí và nghị lực phi thường của một nhà khoa học và một trái tim nhân hậu của một người vợ, người mẹ. Trong hoàn cảnh khó khăn, chật vật tưởng như dồn dập trút xuống đôi vai của người phụ nữ nhỏ bé ấy, bà vẫn luôn vì chồng, vì con, vì lợi ích của Tổ quốc mà hy sinh và vươn lên đến những thành công mà khiến cả thế giới phải nể phục. Bà cũng đã cho tôi một bài học về cách sống sao cho thật ý nghĩa. Trong cuộc sống, luôn có những khó khăn, thử thách và những ranh giới mong manh đòi hỏi chúng ta phải vượt qua. Để có thể vượt qua được những ranh giới đó và chọn cho mình một hướng đi đúng là điều không dễ dàng. Nếu người phụ nữ trẻ Thanh Vân cách đây hơn nửa thế kỷ không tiếp tục lựa chọn con đường du học mà chấp nhận một cuộc sống phẳng lặng thì chúng ta hẳn không thể có một luật sư tài giỏi tầm cỡ thế giới. Nếu ngày đó bà ở lại tiếp tục nhận chức vụ tại Ban Luật quốc tế của Pháp thì Việt Nam đã không có được một nhà hoạt động cách mạng tài ba trong phong trào phụ nữ đòi quyền sống. Nếu người phụ nữ nhỏ bé không gượng đứng dậy mà chịu gục ngã trong trời tuyết giá lạnh tại Paris thì gia đình bà làm sao có được một người vợ, người mẹ tuyệt vời đến thế.
Cuộc đời của bà từ khi là một thiếu nữ đôi tám cho đến tận khoảnh khắc cuối cùng ở tuổi 73 không có giây phút nào phẳng lặng, bởi bà đã không lựa chọn cho bản thân một cuộc sống phẳng lặng. Bà luôn mong muốn vươn lên, không chỉ làm tốt vai trò của người phụ nữ trong gia đình mà còn của một nhà khoa học, nhà chính trị gia cống hiến hết mình cho đất nước.
Công ty Luật Dragon