Luật sư Hà Nội – Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư là thước đo về hành vi xử sự của luật sư trong các quan hệ hành nghề. Thể hiện ý thức trách nhiệm của luật sư khi cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng nhằm xây dựng những giá trị chuẩn mực của luật sư. Do tính chất và vị trí, vai trò quan trọng của Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư đối với việc xây dựng và phát triển luật sư và hành nghề luật sư ở nước ta, trong phiên họp thứ II tháng 8/2009 Hội đồng luật sư toàn quốc đã quyết định việc soạn thảo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam giao cho Ls Nguyễn Minh Tâm – Ủy viên ban thường vụ Phó Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam làm Trưởng tiểu ban soạn thảo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư.
Sau 2 năm xây dựng Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư qua 7 lần dự thảo Hội đồng luật sư toàn quốc đã thông qua Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư tại phiên họp thứ 6 ngày 27/2/2011 sau đó, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam ký quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20/7/2011 ban hành để đưa vào tổ chức thực hiện.
Để Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư được triển khai nghiêm túc, sâu rộng trong toàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam và tạo điều kiện để cho nhân dân và cộng đồng xã hội giám sát việc thực hiện Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư; Liên đoàn Luật sư Việt Nam trịnh trọng công bố: Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư trước công luận xã hội và triển khai thực hiện trong toàn bộ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Mục đích của việc ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư sẽ giúp cho các luật sư hiểu được một cách tổng quát, vị trí, vai trò của các Quy tắc xử sự mang tính đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư; xác định ý thức tự giác trách nhiệm của luật sư trong việc chấp hành các nghĩa vụ đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hành nghề và trong giao tiếp xã hội; Giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của nghề luật sư, góp phần xây dựng và củng cố sự tin cậy trong xã hội đối với nghề luật sư ở Việt Nam. Đồng thời để cho cộng đồng xã hội cùng giám sát những hoạt động của luật sư khi cung cấp các dịch vụ pháp lý cho xã hội.
Nội dung Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư gồm: 06 chương 27 Quy tắc và lời nói đầu
Chương I: Quy tắc chung
Bao gồm 05 quy tắc, từ quy tắc 1 đến 5
Quy tắc 1: Bảo vệ công lý và nhà nước pháp quyền
Quy tắc 2: Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan
Quy tắc 3: Bảo vệ tốt nhất lợi ích của khách hàng
Quy tắc 4: Thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí
Quy tắc 5: Xứng đáng với sự tin cậy của xã hội
Mục đích của chương I là xác định đúng vị trí vai trò của luật sư trong hoạt động nghề nghiệp là góp phần vào bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, xây dựng nhà nước pháp quyền, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời nêu cao ý thức trách nhiệm của luật sư trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng và cộng đồng xã hội. Tạo lập được niềm tin của khách hàng, của cộng đồng, của xã hội và của nhà nước đối với luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Chương II: Quan hệ với khách hàng
Bao gồm từ Quy tắc 6 đến 14
Quy tắc 6: Nhận vụ việc của khách hàng
Quy tắc 7: Thù lao
Quy tắc 8: Thực hiện vụ việc của khách hàng
Quy tắc 9: Từ chối nhận và thực hiện vụ việc của khách hàng
Quy tắc 10: Đơn phương chấm dứt thực hiện dịch vụ pháp lý
Quy tắc 11: Giải quyết xung đột về lợi ích
Quy tắc 12: Giữ bí mật thông tin
Quy tắc 13: Tiếp nhận khiếu nại của khách hàng
Quy tắc 14: Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng
Mục đích của chương II quan hệ với khách hàng là giúp luật sư hiểu được bản chất mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng, thấy được bổn phận trách nhiệm của luật sư trong hành nghề cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng để từ đó củng cố lòng tin của khách hàng vào luật sư, góp phần xây dựng hình ảnh cao đẹp của người luật sư trong xã hội.
Chương III: Quan hệ với đồng nghiệp
Bao gồm từ Quy tắc 15 đến 22
Quy tắc 15: Bảo vệ danh dự, uy tín của giới luật sư
Quy tắc 16: Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp
Quy tắc 17: Tình đồng nghiệp trong giới luật sư
Quy tắc 18: Cạnh tranh nghề nghiệp
Quy tắc 19: Ứng xử khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp
Quy tắc 20: Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp
Quy tắc 21: Quan hệ của luật sư với tổ chức xã hội – nghề nghiệp luật sư và tổ chức hành nghề luật sư
Quy tắc 22: Quan hệ với người tập sự hành nghề luật sư
Mục đích của chương III quan hệ với đồng nghiệp: Là cần phải tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp. Bản thân mỗi luật sư nên thân ái, tôn trọng, hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp để cùng hợp tác và cạnh tranh lành mạnh khi cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng để cùng nhau chung tay, góp sức xây dựng ngôi nhà chung Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Chương IV: Quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng
Bao gồm Quy tắc 23 đến 24
Quy tắc 23: Ứng xử của luật sư trong quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng
Quy tắc 24: Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng
Chương V: Quan hệ với các cơ quan nhà nước khác
Bao gồm Quy tắc 25
Quy tắc 25: Ứng xử của luật sư trong quan hệ với các cơ quan nhà nước khác
Mục đích Chương IV và Chương V nhằm giúp luật sư nhận thức được bản chất mối quan hệ với các cơ quan công quyền có chung mục đích là cùng nhau bảo vệ công lý và bảo vệ pháp chế. Hiểu biết sâu sắc, vận dụng linh hoạt và nhuần nhuyễn các quy tắc nói trên sẽ giúp nâng cao ý thức tự giác của luật sư trong việc chấp hành các nghĩa vụ đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hành nghề và trong giao tiếp xã hội với các cơ quan công quyền, hạn chế những sai lầm, ngộ nhận và vi phạm, nâng cao được hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, góp phần thực hiện chức năng xã hội của luật sư.
Chương VI: Các quy tắc khác
Bao gồm từ Quy tắc 26 đến 27
Quy tắc 26: Quan hệ với các cơ quan thông tin đại chúng
Quy tắc 27: Quảng cáo
Mục đích của chương VI là xác định trách nhiệm của luật sư trong việc hợp tác với các cơ quan thông tin đại chúng trong việc thực thi luật pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phòng chống các hiện tượng vi phạm pháp luật và tội phạm cùng nhau góp phần bảo vệ pháp chế, chế độ xã hội và Nhà nước.
Với 6 chương, 27 Điều trong Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư đã tạo dựng hành lang và một bộ khung quy tắc trong các quan hệ hành nghề. Việc thực hiện nghiêm túc đầy đủ các Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư sẽ giúp cho luật sư cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng đáp ứng các yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư đồng thời thực hiện tốt Quy tắc đạo đức sẽ hạn chế các tiêu cực, rủi ro làm mất uy tín, danh dự của luật sư, tạo dựng được niềm tin của Nhà nước, cộng đồng xã hội với luật sư, nghề luật sư. Qua đó nâng cao được vị thế của nghề luật sư và Liên đoàn luật sư Việt Nam trước xã hội.
27 Điều trong Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư không bao hàm hết tất cả các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư trong quá trình hành nghề, nhưng đã là điểm tựa hết sức quan trọng để luật sư tự tin khi hành nghề và xác định được ý thức trách nhiệm trong hoạt động hành nghề với cộng đồng xã hội. Đó cũng là những công cụ để Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn luật sư thực hiện chế độ tự quản về luật sư và là phương tiện để nhân dân và cộng đồng xã hội cùng giám sát hoạt động nghề nghiệp của luật sư. Luật sư khi hành nghề thì phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, giữ gìn phẩm chất tư cách đạo đức, tôn thờ công lý và vì nhân dân và tổ quốc để phụng sự .
Chính vì những lẽ đó Liên đoàn Luật sư Việt Nam yêu cầu các Đoàn luật sư phổ biến, quán triệt và tổ chức học tập Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư với tất cả các luật sư thành viên bắt đầu từ tháng 8 năm 2011 và có sơ kết việc học tập Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư hàng năm để báo cáo kết quả về Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam yêu cầu các luật sư thành viên học tập quán triệt nghiêm túc Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư do Đoàn luật sư tổ chức và thực hiện nghiêm chỉnh các Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư trong hoạt động hành nghề, tạo ra một sự chuyển biến mới trong toàn Liên đoàn về nhận thức và chất lượng dịch vụ pháp lý, góp phần tích cực vào việc bảo vệ công lý, xây dựng nhà nước pháp quyền, tạo sự đoàn kết đồng thuận và hiểu biết thống nhất trong giới luật sư để cùng chung tay góp sức xây dựng giá trị chuẩn mực của luật sự, nghề luật sư, xây dựng sự lớn mạnh của đội ngũ luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tạo lập niềm tin của Đảng, Nhà nước, xã hội và cộng đồng vào luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị các cơ quan truyền thông quảng bá, đưa tin về Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng như truyền thông về những đóng góp về hoạt động hành nghề của luật sư, trong việc bảo vệ công lý, xây dựng nhà nước pháp quyền giữ gìn an ninh và ổn định xã hội, góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như truyền thông trong việc nêu gương những người tốt, việc tốt, những luật sư ưu tú, điển hình trong các hoạt động nghề nghiệp có nhiều đóng góp cho xã hội và nghiêm túc trong việc thực hiện các Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí và truyền thông cùng với nhân dân và cộng đồng xã hội giám sát việc thực hiện Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư đối với giới luật sư Việt Nam. Đồng thời cũng đề nghị các cơ quan truyền thông và cộng đồng xã hội có thể phản ánh, góp ý, xây dựng cho đội ngũ luật sư Việt Nam trong quá trình hành nghề trong việc thực hiện đúng Hiến pháp pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Liên đoàn Luật sư Việt Nam kêu gọi mỗi luật sư cần phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội, đối với nhân dân, đối với Tổ quốc và cụ thể trong từng vụ việc luôn thể hiện trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, có những hành vi ứng xử thể hiện văn hóa của nghề luật sư, tạo lập niềm tin với Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực sự là ngôi nhà chung của giới luật sư Việt Nam.
Xin trân trọng công bố Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư
Xin cảm ơn các Quý vị Đại biểu!