Luật sư Việt Nam cần sớm học luật quốc tế

Vanphongluatsu.com.vn – Gia nhập WTO đồng nghĩa với việc giới luật sư quốc tế sẽ đổ vào Việt Nam nhiều hơn. Song, nguyên Chủ tịch Hội Luật sư Anh và xứ Wales Edward Nally cho rằng, pháp luật trong nước gần như là lĩnh vực dành cho luật sư địa phương.

Ông Edward Nally đến Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ Pháp luật Việt Nam – châu Âu, do Bộ Tư pháp, Hội đồng Anh, Hội Luật sư Anh và xứ Wales phối hợp tổ chức. Một số chuyên gia pháp luật khác của châu Âu cũng đến Hà Nội dịp này để tham gia Hội thảo về xây dựng Bộ Quy tắc nghề nghiệp mới cho luật sư Việt Nam.

Ông Edward Nally tại cuộc họp báo về Tuần lễ Luật pháp VN - châu Âu. (Ảnh: tư liệu Vp luật Dragon)

Nguyên Chủ tịch Hội Luật sư Anh và xứ Wales Edward Nally đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh việc cần chuẩn bị gì khi Việt Nam bước vào sân chơi WTO.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), cho biết, ở Việt Nam, ý thức pháp luật của người dân còn thấp và DN không có thói quen sử dụng luật sư. Bộ Tư pháp đã thành lập Câu lạc bộ Pháp chế DN để các luật sư và doanh nhân gặp gỡ, trao đổi định kỳ. Luật Luật sư mới được QH thông qua cũng cho phép luật sư hành nghề tự do và họ quyền tiếp cận trực tiếp với DN.

Liên quan đến Quy chuẩn nghề nghiệp luật sư, ông Thảo nói rằng, quy chuẩn này do tổ chức nghề nghiệp luật sư toàn quốc ban hành, sẽ lấy ý kiến của tất cả các luật sư trong cả nước.

– Thưa ông, vào WTO, áp lực cạnh tranh của các luật sư Việt Nam có lớn không? Họ cần phải có những tố chất gì để có thể cạnh tranh được?

– Các luật sư quốc tế sẽ vào Việt Nam bằng cách lập văn phòng, chi nhánh, liên doanh với các công ty luật trong nước. Trên thực tế, hầu hết các dịch vụ này tham gia tư vấn về luật nước ngoài, luật quốc tế hoặc trọng tài. Pháp luật trong nước gần như là lĩnh vực dành cho luật sư địa phương.

Trước hết, các luật sư Việt Nam phải nhanh chóng nghiên cứu, nắm bắt toàn bộ các quy định pháp luật mới, đặc biệt là pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh doanh và hoạt động XNK, như về kiện chống bán phá giá, tranh chấp hợp đồng hay sở hữu trí tuệ…

Đến Việt Nam, điều đầu tiên nhà đầu tư nước ngoài quan ngại là làm sao để có được những lời tư vấn chất lượng từ đội ngũ luật sư trong nước. Do vậy, đội ngũ luật sư của các bạn cần độ ổn định, được đào tạo tốt với thiết chế luật pháp rõ ràng. Nếu họ tư vấn, bào chữa sai, phải có chế tài để rút chứng chỉ hành nghề hoặc phải bồi thường cho bên bị thiệt hại. Với những chuẩn bị đạo đức của nghề luật sư đã được thế giới thừa nhận thì Việt Nam phải có.

Như vậy, tư cách là thành viên WTO sẽ đem đến Việt Nam những khách hàng mới, đầu tư sẽ bùng nổ nhưng cũng yêu cầu Việt Nam duy trì sự ổn định hơn, hấp dẫn hơn. Điều này có nghĩa là công việc cho luật sư sẽ nhiều hơn. Số lượng luật sư nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng lên, nhưng họ đến cùng với các khách hàng của họ và đem đến những công việc mới cho cộng đồng cung cấp dịch vụ pháp lý Việt Nam.

– Theo ông, trở ngại lớn nhất của luật sư Việt Nam khi hội nhập là gì, có phải là do ngoại ngữ hay không? Ở nước ông đối phó với chuyện luật sư “chạy án” như thế nào?

– Luật sư Việt Nam được cử ra nước ngoài làm việc thì biết ngoại ngữ đúng là thật cần thiết. Nhưng tôi nhìn hai chiều. Nếu tôi đến Hà Nội để kinh doanh, tôi cũng ở vị thế đó là không có ngoại ngữ, không biết nhiều về hệ thống pháp luật Việt Nam, cơ cấu, tổ chức DN. Tôi cũng không biết phải tìm dịch vụ pháp lý ở đâu?

Vì thế thông điệp lớn nhất mà tôi muốn chuyển đến giới luật sư Việt Nam là vào WTO là cơ hội lớn của các bạn. Tôi không cho ngoại ngữ là trở ngại lớn đối với luật sư.

Còn việc luật sư tham gia “chạy án” là vấn đề nghiêm trọng nhưng hiện vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn kể cả từ quốc tế. Rõ ràng là hành vi tham nhũng, chạy án có tác động tiêu cực đến người dân. Nhà đầu tư sẽ lo ngại vì không hoạt động trong môi trường kinh doanh không an toàn. Họ sẽ rút ra và đi nơi khác đầu tư. Việc này ở nơi này, nơi khác cũng có nên Việt nam cần rút kinh nghiệm.

– Ý kiến của ông về quan hệ giữa luật sư và nhà báo? Điều này sẽ được quy định như thế nào trong Quy chuẩn nghề nghiệp vì tại Việt Nam, nhiều luật sư đồng thời cũng là nhà báo?

– Theo quy định thì luật sư không được tiết lộ với báo chí những thông tin liên quan đến những gì phiên tòa đang xét xử để phiên tòa diễn ra một cách công khai, công bằng. Luật sư cũng không được thảo luận, tiết lộ với báo chí về thân chủ của họ khi thân chủ không đồng ý. Luật sư có nghĩa vụ bảo vệ thân chủ, đặc biệt là những người làm kinh doanh. Còn nếu luật sư dùng báo chí để tự quảng bá mình thì không cấm.

– Được biết Hội Luật sư Anh và xứ Wales sẽ giúp Việt Nam xây dựng Bộ Quy tắc nghề nghiệp mới cho luật sư. Như việc chia sẻ kinh nghiệm sẽ như thế nào khi mà hệ thống luật pháp ở Việt Nam và Anh khác nhau?

– Đúng là hiện nay luật ở Anh hiện đang theo án lệ và Việt Nam là hành văn, nhưng khi tôi so sánh Quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp luật sư của Anh và Đan Mạch thấy rất giống nhau. Tôi cũng đã nhìn thấy dự thảo quy chuẩn nghề nghiệp luật sư của Việt Nam, cũng có rất nhiều điểm, nhiều khái niệm giống của Anh. Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hợp tác.

Chúng tôi cũng đang tìm những luật sư trẻ để giúp đào tạo họ tại Anh, thực tập ở Anh sau đó trở về Việt Nam làm việc. Chúng tôi đã áp dụng chương trình này tại Hàn Quốc, Brazil… Chúng tôi rất muốn chuyển giao kỹ năng cho luật sư Việt Nam, nhất là về hệ thống luật quốc tế.

VP luật Dragon ( VietnamNet)

Comments (0)
Add Comment