Luật Đầu tư năm 2014 (Luật Đầu tư hiện hành) hứa hẹn sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép. Tuy nhiên, trên thực tế, với cách thức áp dụng như hiện nay, thủ tục cấp phép đối với các nhà đầu tư không được cải thiện mà còn nhiều hơn.
Xin chấp thuận chủ trương đầu tư:
Chấp thuận chủ trương đầu tư là thủ tục đầu tiên trong quá trình đầu tư. Sau khi có chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để thành lập dự án và thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thành lập doanh nghiệp.
Theo Luật Đầu tư năm 2014, chủ trương đầu tư chỉ áp dụng trong một số trường hợp hạn hữu như những dự án đầu tư đặc biệt phải có chấp thuận chủ trương từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh. Dù vậy, trong thực tế, chấp thuận chủ trương đang bị áp dụng tràn lan, trái với ý tưởng ban đầu của Luật Đầu tư.
Chúng tôi đã từng chứng kiến một doanh nghiệp cơ khí trong nước muốn thành lập công ty con trong một khu công nghiệp bị buộc phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư từ UBND tỉnh cho dù mức vốn, ngành nghề… Không thuộc diện phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư. Hỏi kỹ ra thì đây là chỉ đạo nội bộ từ UBND tỉnh và áp dụng cho mọi doanh nghiệp mới trong khu công nghiệp của tỉnh.
Một tỉnh khác lại có quy định các dự án sản xuất ngoài khu công nghiệp, bất kể của doanh nghiệp trong nước hay của doanh nghiệp nước ngoài, đều phải xin chủ trương đầu tư trước khi thực hiện.
Ngay từ khi được đưa vào dự thảo Luật Đầu tư năm 2014, yêu cầu xin chủ trương đầu tư đã bị phản đối, nhiều người lo sợ chủ trương đầu tư sẽ bị áp dụng tràn lan trong thực tế, vừa tạo rào cản cho quá trình đầu tư vừa tạo ra cơ hội cho việc trục lợi cơ chế. Thực tế chứng minh lo sợ đó đã thành sự thật.
Trong trường hợp của doanh nghiệp nêu trên, để thực hiện dự án của mình, trên thực tế, doanh nghiệp đã phải xin đến ba loại giấy phép: (i) chấp thuận chủ trương đầu tư từ UBND tỉnh; (ii) giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) từ ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh; (iii) giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) tại sở kế hoạch và đầu tư. Điều đáng quan tâm là nếu theo đúng thủ tục của Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp chỉ cần một thủ tục duy nhất là xin cấp GCNĐKDN để thực hiện dự án này.
Thủ tục M&A: Tăng chứ không giảm
Các cơ quan cấp phép nên ngồi lại để cùng hiểu đúng tinh thần của Luật Đầu tư năm 2014 và xây dựng các bộ thủ tục chuẩn, thống nhất theo hướng giảm tải tối đa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.
Theo Luật Đầu tư trước đây, khi thực hiện mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A), nhà đầu tư sẽ phải đăng ký chuyển nhượng vốn để được cấp GCNĐKDN. Sau đó, tùy vào ngành nghề của doanh nghiệp hoặc tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có thể phải tiến hành xin cấp giấy chứng nhận đầu tư do có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần.
Trên thực tế, thủ tục M&A theo Luật Đầu tư năm 2014 phức tạp hơn.
Trước tiên nhà đầu tư phải đăng ký giao dịch M&A dự kiến với cơ quan cấp phép để có được văn bản chấp thuận trước khi thực hiện giao dịch. Sau khi có được chấp thuận rồi, các bên sẽ đăng ký giao dịch M&A đó để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) sửa đổi ghi tên nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Luật Đầu tư năm 2014 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP, sau khi mua vốn, nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp sẽ không phải thực hiện thủ tục đăng ký cấp GCNĐKĐT nên phần thủ tục M&A đến đây có thể coi như xong. Tuy vậy, các cơ quan cấp phép đầu tư vẫn yêu cầu doanh nghiệp xin cấp GCNĐKĐT.
Thực tế này một phần vì lối tư duy bảo thủ trong giải thích và áp dụng luật, nhưng cũng có một phần do Nghị định 118 quy định không rõ. Điều 46.4 của Nghị định 118 quy định rằng doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thì “không phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh GCNĐKĐT hoặc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư đã thực hiện trước thời điểm nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp”. Thế nhưng, Nghị định 118 không giải quyết vấn đề quan trọng: sau thời điểm nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, doanh nghiệp có phải thực hiện thủ tục cấp GCNĐKĐT hoặc quyết định chủ trương đầu tư hay không? Câu trả lời của một số cơ quan cấp phép là: có!
Theo tinh thần Luật Đầu tư năm 2014, GCNĐKĐT được cấp cho nhà đầu tư khi họ muốn thực hiện một dự án đầu tư tại Việt Nam. GCNĐKĐT chính là visa để họ được phép đầu tư vào Việt Nam. Dựa trên visa đó, họ đăng ký mua vốn và được ghi nhận vào GCNĐKKD của doanh nghiệp tại Việt Nam. Một khi họ đã có được GCNĐKKD, cái visa kia hết giá trị. Vậy logic nào ủng hộ cho yêu cầu buộc nhà đầu tư nước ngoài lại phải tiếp tục xin cấp GCNĐKĐT sau khi đã hoàn tất việc góp vốn? Điều này không khác gì việc một người nước ngoài đã xin được visa vào Việt Nam, nhưng khi nhập cảnh vào Việt Nam, thì họ lại phải quay ngược trở lại để xin thêm một cái visa khác – với cùng một mục đích và thời hạn.
Nhân đôi thủ tục thay đổi nội dung doanh nghiệp/dự án khi hoạt động
Trước đây, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời là GCNĐKDN. Khi thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký đầu tư, doanh nghiệp làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư là xong.
Theo Luật Đầu tư năm 2014, giấy chứng nhận đầu tư đã được tách làm hai: GCNĐKĐT cho việc thành lập dự án đầu tư và GCNĐKDN cho việc thành lập doanh nghiệp. GCNĐKĐT do phòng đầu tư nước ngoài của sở kế hoạch và đầu tư hoặc ban quản lý các khu công nghiệp cấp, trong khi GCNĐKDN do phòng đăng ký kinh doanh của sở kế hoạch và đầu tư cấp. Thế nên hiện nay nếu doanh nghiệp có các thay đổi liên quan đến doanh nghiệp và dự án, doanh nghiệp phải làm cả thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp.
Trong thực tế, có doanh nghiệp chỉ chuyển trụ sở từ tòa nhà cũ sang tòa nhà đối diện đã phải cần đến hai tháng để đăng ký thay đổi trụ sở trong GCNĐKDN tại phòng đăng ký kinh doanh của sở kế hoạch và đầu tư và đăng ký thay đổi địa điểm thực hiện dự án trong GCNĐKĐT tại phòng đăng ký đầu tư cũng của sở kế hoạch và đầu tư ấy. Nực cười là cả phòng đăng ký kinh doanh và phòng đăng ký đầu tư đều thuộc một sở kế hoạch và đầu tư nhưng không hề liên thông với nhau. Và doanh nghiệp phải liên hệ hai phòng, nộp hai bộ hồ sơ tương tự về cùng một nội dung.
Chưa kể là nếu doanh nghiệp chưa tách giấy chứng nhận đầu tư thành GCNĐKĐT và GCNĐKDN, doanh nghiệp phải tách giấy này trước khi được thay đổi trụ sở. Thực tế, trong vòng 10 năm (từ năm 2005 đến năm 2015), luật đầu tư đã thay đổi hai lần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã phải trải qua hai lần đổi giấy phép thành lập. Lần 1 từ giấy phép đầu tư sang giấy chứng nhận đầu tư. Lần 2 từ giấy chứng nhận đầu tư sang GCNĐKĐT và GCNĐKDN. Mặc dù việc cấp đổi là không bắt buộc, tuy nhiên, như phân tích trên đây, khi tiến hành bất kỳ thủ nào liên quan đến việc điều chỉnh nội dung đầu tư đồng thời là nội dung đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp đều phải thực hiện thủ tục tách nêu trên mới có thể điều chỉnh các nội dung tương ứng. Điều này gây phiền hà, lãng phí không cần thiết cả về mặt thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp.
Khi nào mới thực sự cải cách?
Thực tế cho thấy các cơ quan cấp phép địa phương vẫn đang áp dụng thói quen cũ và sai tinh thần của Luật Đầu tư năm 2014, dẫn đến các thủ tục đầu tư cứ nhập nhằng, bất nhất và tùy thuộc vào quan điểm của từng cán bộ phụ trách chứ ít theo luật. Có lẽ các cơ quan cấp phép nên ngồi lại để cùng hiểu đúng tinh thần của Luật Đầu tư năm 2014 và xây dựng các bộ thủ tục chuẩn, thống nhất theo hướng giảm tải tối đa thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.
Luật sư Hà Nội – 1900 599 979/ 098 301 9109