Cong ty luat Dragon – Trong nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã ưu tiên đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông. Chỉ riêng trong 5 năm (2005-2010), TP đã xây dựng mới 210km đường, 50 cây cầu, tạo cơ sở quan trọng cho việc phát triển kinh tế, xã hội và đổi mới bộ mặt đô thị.
Đường an toàn hơn, phố đẹp hơn
Mặc dù tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn còn phức tạp, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là nhiều tuyến đường huyết mạch trong nội thành đã an toàn hơn. Bà Nguyễn Thị Hồng (phường 4 quận Phú Nhuận) nhớ lại, trước kia đường Phan Đăng Lưu, ngày cũng như đêm rầm rập xe tải lớn và xe container qua lại. Mỗi khi ra đường là bà cũng như nhiều người trong gia đình bà cứ “thót tim” lại mà sợ. Thế nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, mọi thứ đã khác. Giờ xe tải lớn và xe container chỉ được lưu thông qua đường Phan Đăng Lưu vào buổi tối, từ khoảng 21 giờ trở đi đến trước 6 giờ sáng hôm sau. Thời gian còn lại, muốn đi qua nội thành, xe tải lớn các loại và xe container có thể lưu thông qua đường vành đai 2 quanh thành phố được bắt đầu từ quốc lộ 1A nối với đường Nguyễn Văn Linh qua cầu Phú Mỹ ra Xa lộ Hà Nội… vừa mới được sửa chữa và xây dựng mới nhiều đoạn.
TP Hồ Chí Minh đang xây dựng cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho đô thị có qui mô 10 triệu dân.
Bên cạnh hệ thống đường vành đai, nhiều tuyến đường xuyên tâm cũng đã được xây mới hoặc cải tạo mở rộng hơn. Ấn tượng nhất có lẽ là Đại lộ Đông – Tây dài hơn 20km với 6-10 làn xe chạy từ quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) qua các quận 6, 5, 4, 1, 2 đến Xa lộ Hà Nội. Hiện dự án xây dựng Đại lộ Đông – Tây đã cơ bản hoàn thành xong phần đường, hệ thống cầu trên tuyến, và chỉ còn hạng mục hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn sẽ hoàn thành vào giữa năm nay. Đại lộ không chỉ góp giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông mà còn góp phần rất lớn cho việc chỉnh trang đô thị dọc bờ kênh Tàu Hủ – Bến Nghé. Năm 2010 vừa qua, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cùng các quận, huyện liên quan khá bận rộn cho công tác xây dựng quy chế kiến trúc dọc Đại lộ Đông – Tây với kỳ vọng tạo một bộ mặt hoàn toàn mới đẹp hơn, hiện đại hơn cho các khu phố ở đây. Ngày nay, nhiều khu dân cư, nhiều tuyến phố dọc kênh Tàu Hủ – Bến Nghé đã khang trang… không hề thua kém các quận trung tâm. Giá trị đất đai ở nhiều khu vực đã xấp xỉ một số quận nội thành cũ, thậm chí hơn đến mấy chục phần trăm.
…Và sẽ còn vươn xa hơn
Vẫn còn cửa ngõ phía Đông, khu vực Xa lộ Hà Nội thường xuyên bị ùn ứ trong giờ cao điểm, song các cửa ngõ phía Tây, phía Nam, phía Bắc của TP cơ bản đã thông thoáng. Đặc biệt, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương hoàn thành, đi vào sử dụng, kết nối được với quốc lộ 1A và Đại lộ Đông-Tây (từ đầu năm 2010), … thì hướng đi về khu vực miền Tây Nam bộ cực kỳ thông thoáng. Ông Đinh Nam Dinh, Chủ nhiệm HTX Vận tải số 9, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải TP cho biết, nếu trước kia phải mất gần một tiếng đồng hồ mới “qua” được khu vực này, thì nay chỉ còn khoảng 15 phút. Không chỉ có thế, hầu hết các tuyến đường cũng như các cây cầu mới vừa được xây dựng đều chịu được tải trọng rất cao. Nhiều cây cầu như Nguyễn Văn Cừ, Thủ Thiêm, Phú Mỹ… đã có thể cho xe tải trọng đến hơn 80 tấn lưu thông. Nhiều con đường đã chịu được trọng tải đến 50 tấn, gấp 4-5 lần tải trọng của nhiều cây cầu và con đường cũ. Và đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho hệ thống cảng biển TP Hồ Chí Minh có điều kiện tiếp nhận nhiều chuyến hàng lớn hơn để qua đó vẫn giữ được vị thế là trung tâm cảng biển của cả nước với lượng hàng hóa thông qua chiếm đến gần 50%/lượng hàng hóa thông qua các cảng biển trên toàn quốc.
Thế nhưng, không chỉ khu trú ở TP Hồ Chí Minh, nhiều tuyến giao thông huyết mạch của thành phố đang và sẽ còn được kết nối với các tuyến giao thông cao tốc liên vùng nhằm tăng tính hiệu quả và để qua đó tạo điều kiện cho thành phố mở rộng liên doanh, liên kết với các vùng, với các địa phương khác. Đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây sẽ được kết nối với Đại lộ Đông – Tây ở khu vực quận 2, đường cao tốc liên vùng phía Nam sẽ kết nối với đường Rừng Sác ở khu vực huyện Nhà Bè.