Luật quy định “bảo lãnh” khác “bảo lĩnh” ra sao?

Văn phòng luật sư Dragon – Bảo lãnh và bảo lĩnh được dùng như nhau, chẳng qua là do cách phát âm khác nhau của từng vùng miền.

Nhưng về mặt pháp luật, hai từ này lại là hai chế định hoàn toàn khác nhau: Bảo lãnh chỉ có trong quan hệ pháp luật dân sự, còn bảo lĩnh chỉ có trong tố tụng hình sự.

Bảo lãnh, theo BLDS là “biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”. Đây là việc người thứ ba (bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh) nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình (Điều 361). Ví dụ: Một ngân hàng cam kết sẽ thanh toán cho bên thụ hưởng của hợp đồng khoản đền bù trong phạm vi của số tiền được nêu rõ trong giấy bảo lãnh nếu bên đối tác không thực hiện được trách nhiệm của mình trong hợp đồng (bảo lãnh ngân hàng).

Chế định bảo lãnh trong quan hệ pháp luật dân sự được quy định rất cụ thể về hình thức bảo lãnh (Điều 362), phạm vi bảo lãnh (Điều 363), thù lao (Điều 364), trường hợp nhiều người cùng bảo lãnh (Điều 365), quan hệ giữa bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh (Điều 366), quyền yêu cầu của bên bảo lãnh (Điều 367), miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh (Điều 368), xử lý tài sản của bên bảo lãnh (Điều 369), hủy bỏ việc bảo lãnh (Điều 370), chấm dứt việc bảo lãnh (Điều 371).

Còn bảo lĩnh, theo BLTTHS là “biện pháp ngăn chặn”. Chỉ trong pháp luật tố tụng hình sự mới có khái niệm bảo lĩnh. Tuy nhiên, nhiều người, kể cả cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng vẫn quen gọi là bảo lãnh.

Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

Theo Điều 92 BLTTHS, cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ. Trong trường hợp này, ít nhất phải có hai người. Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là thành viên của tổ chức của mình. Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh. Cá nhân nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo phải là người có tư cách, phẩm chất tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Việc bảo lĩnh phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Đối với tổ chức nhận bảo lĩnh thì việc bảo lĩnh phải có xác nhận của người đứng đầu tổ chức. Cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ đã cam đoan và trong trường hợp này, bị can, bị cáo được nhận bảo lĩnh sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác…

Như vậy, sự khác nhau giữa bảo lãnh với bảo lĩnh trong pháp luật là khác về bản chất chứ không chỉ khác về cách phát âm. Thực tiễn xét xử, không chỉ đối với hai khái niệm này bị nói, viết không đúng mà một số chế định khác cũng thường bị nói, viết nhầm lẫn như: Trong tố tụng hình sự không có khái niệm “người giám hộ”, chỉ có khái niệm “người đại diện cho bị can, bị cáo” nhưng các bản án hình sự của tòa vẫn cứ ghi là “người giám hộ”. Hoặc “người chưa thành niên” thì viết “vị thành niên”, “người làm chứng” thì viết “nhân chứng”… Thiết nghĩ chúng ta nên chú ý hơn, nhất là các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng, luật sư thì càng phải nói và viết chính xác theo đúng quy định.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DRAGON TẠI HÀ NỘI

bảo lãnhbảo lĩnhcông ty luật dragon tại đà nẵngluat su da nangluật sư đà nẵngvăn phòng luật sư đà nẵng
Comments (0)
Add Comment