Luật sư chưa có cửa ở phiên tòa giám đốc thẩm

Văn phòng luật sư:  Nếu có luật sư nào đó hứa hẹn sẽ tham gia bào chữa, giúp xoay chuyển tình thế ở phiên tòa giám đốc thẩm thì người có chuyện nhờ vả nên… dè chừng!


Việc luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đã được pháp luật quy định và các cơ quan tiến hành tố tụng hướng dẫn. Còn ở cấp giám đốc thẩm, pháp luật chỉ dừng lại ở tính nguyên tắc, rất chung, rất khó thực hiện. Bởi luật sư có được tham gia phiên tòa này hay không là do tòa án quyết định chứ không phải quyền của người bị kết án hoặc những người tham gia tố tụng. Các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa có hướng dẫn để luật sư tham gia giai đoạn giám đốc thẩm nên đến nay, việc luật sư tham gia phiên tòa giám đốc thẩm hầu như không có.

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, tại phiên tòa giám đốc thẩm nếu xét thấy cần thiết, tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Và trên thực tế, chưa bao giờ tòa án thấy cần thiết cả. Nói là phiên tòa giám đốc thẩm nhưng thực chất đó chỉ là phiên họp để xét kháng nghị, những người tham gia phiên tòa ngoài hội đồng giám đốc thẩm, đại diện VKS thì chỉ có các cán bộ giúp việc; hình thức phiên tòa cũng không giống với phiên tòa sơ thẩm hay phúc thẩm (luật sư được trình bày ý kiến trước khi đại diện VKS phát biểu nhưng lại không được tranh luận với kiểm sát viên tham gia phiên tòa…).

Giả thiết, tòa án thấy cần thiết phải triệu tập người bào chữa thì họ phải được tòa án cấp giám đốc thẩm cấp giấy chứng nhận bào chữa sau khi thụ lý vụ án và trước khi mở phiên tòa. Thực tế từ trước đến nay chưa có trường hợp nào tòa án cấp giám đốc thẩm cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư. Mặt khác, nếu luật sư nhận bào chữa cho người bị kết án tại phiên tòa giám đốc thẩm thì sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ khi nào? Nếu chỉ thực hiện việc bào chữa tại phiên tòa thì rất ít cơ hội, vì phải được tòa án “thấy cần thiết” và cấp giấy chứng nhận. Nếu luật sư thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của người bị kết án sau khi bản án có hiệu lực pháp luật thì ai là người cấp giấy chứng nhận cho luật sư? Ở giai đoạn giám đốc thẩm không chỉ có chánh án tòa án có quyền kháng nghị mà viện trưởng VKS cũng có quyền kháng nghị. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì hai người này không có quyền cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Vậy cơ chế nào để người bào chữa hoạt động vào quá trình đề nghị giám đốc thẩm?

Thực tế hiện nay, một số luật sư nhận làm dịch vụ pháp lý cho người bị kết án hoặc những người tham gia tố tụng khác chủ yếu là giúp họ viết đơn đề nghị giám đốc thẩm nhưng cũng chỉ đối với luật sư đã tham gia tố tụng từ giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm. Thường thì sau khi bản án có hiệu lực pháp luật trách nhiệm của luật sư đối với “thân chủ” cũng chấm dứt, rất ít trường hợp trong hợp đồng dịch vụ pháp lý có quy định tiếp tục thực hiện ở giai đoạn giám đốc thẩm; nếu người bị kết án hoặc người tham gia tố tụng muốn nhờ luật sư bào chữa hoặc bảo vệ quyền lợi cho mình thì phải ký hợp đồng mới. Tuy nhiên, hoạt động của luật sư sau khi bản án có hiệu lực pháp luật đến khi có phiên tòa giám đốc thẩm lại không có pháp luật điều chỉnh nên tư cách tham gia cũng như trách nhiệm của luật sư đối với “thân chủ” cũng không rõ ràng.

Với hàng loạt các khúc mắc nêu trên nên luật sư tham gia phiên tòa giám đốc thẩm hiện chỉ là các quy định trên giấy!

ĐINH VĂN QUẾ (PLTP)
Công ty luật Dragon – Văn phòng luật sư tại Hà Nội

công ty luật hà nộigiám đốc thẩmluat dan susơ thẩmtòa ánvăn phòng luật sư hà nội
Comments (0)
Add Comment