Luật sư chuyên giải quyết tranh chấp thương mại bằng trung tâm trọng tài

Văn phòng luật sư uy tín tại Hà Nội với đội ngũ luật sư giỏi giàu kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp các vụ án dân sự, hành chính, hình sự, thương mại tại cơ quan toà án có thẩm quyền. Với xu thế chung của hội nhập toàn cầu, Pháp luật Việt Nam ngoài những hành lang riêng về văn hoá pháp lý còn có quy ước chung trong cộng đồng thế giới với sự tham gia bằng hội nhập với cơ hội đầy thách thức tạo điều kiện cho doanh nghiệp, thương nhân phát triển kinh tế đảm bảo đời sống cho người dân. Qua đó cũng không tránh khỏi hệ luỵ của thủ tục trình tự pháp lý thường các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài gặp phải khi việc hoà giải thương lượng không thành, việc lựa chọn trung tâm trọng tài để giải quyết tranh chấp cũng là xu thế chung của thế giới. Tại Việt Nam đã xuất hiện các trung tâm trọng tài thương mại quốc tế để các doanh nghiệp lựa chọn để giải quyết tranh chấp trong một sân chơi chung.

1. Bằng kinh nghiệm trong các vụ việc xảy ra tranh chấp thương mại, Luật sư Hà Nội cho biết lợi ích các doanh nghiệp khi tham gia lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp?

Trước tiên về khái niệm Trọng tài thương mại là gì?

Trọng tài thương mại được hiểu theo cách chung là hội đồng giải quyết tranh chấp do các bên lập ra trên cơ sở thoả thuận và trong lĩnh vực mà pháp luật quy định để giải quyết các tranh chấp giữa chính các bên đương sự đó. Chính vì thếcho thấy:

Tố tụng trọng tài là hình thức giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua hoạt động của Trọng tài viên, với tư cách là bên thứ ba độc lập được lựa chọn bởi 2 bên tranh chấp. Trọng tài sẽ giải quyết 1 tranh chấp bằng cách đưa ra một quyết định bắt buộc các bên tranh chấp phải thực hiện. Bởi đặc trưng của tố tụng trọng tài mà lợi ích của phương thức tố tụng này được thể hiện qua một sốđiểm như:

Thứ nhất, doanh nghiệp được tự chủ trong quá trình giải quyết tranh chấp. Doanh nghiệp được lựa chọn cơ quan trọng tài, hình thức, thời gian, địa điểm phương thức giải quyết tranh chấp theo phương thức tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả nhất cho các bên trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Điều này có thể làm giảm chi phí, thời gian và tăng hiệu quả cho quá trình giải quyết tranh chấp.

Thứ hai, Do thủ tục giải quyết đơn giản, không có nhiều công đoạn tố tụng điều này giúp doanh nghiệp giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và hiệu quả cuộc tranh chấp.

Thứ ba, tính bảo mật của phương thức trọng tài cao. Tính bảo mật được thể hiện trong quá trình giải quyết tranh chấp sẽ được tổ chức dưới hình thức họp kín và quyết định giải quyết tranh chấp chỉ được thông báo công khai khi được sự đồng ý của các bên. Quy định này làm cho các bên, nhất là bên thua, không cảm thấy lo ngại vì kết quả giải quyết tranh chấp có thể có tác động không tốt đến hoạt động kinh doanh của họ. Điều đó, có ý nghĩa lớn trong điều kiện cạnh tranh. Vì tố tụng tại trọng tài là tự nguyện  nên việc thắng, thua trong tố tụng tại trọng tài kinh tế vẫn giữ được mối hoà khí lâu dài giữa các bên tranh chấp. Đây là điều kiện không làm mất đi quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các đối tác. Cần lưu ý quy định này không mang tính tuyệt đối, nếu quá trình giải quyết tranh chấp có liên quan đến lợi ích của bên thứ ba hoặc lợi ích công cộng thì quyết định giải quyết tranh chấp của trọng tài tùy trường hợp sẽ được thông báo đến bên thứ ba hoặc thông báo công khai.

Thứ tư, Quyết định của trọng tài có tính chung thẩm ràng buộc các bên tuân thủ. Phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực thi hành đối với các bên. Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Riêng đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký tại Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết.

2. Nhiều băn khoăn và câu hỏi tới văn phòng luật sư tại Hà Nội khi đưa ra với giải quyết tranh chấp tại toà án,hay phương thức giải quyết tranh chấp khác như thương lượng, hòa giải thì phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại có điểm gì khác biệt ?

Luật sư Hà Nội chúng tôi qua những vụ việc xử lý giải quyết bằng kinh nghiệm cho rằng, nhìn chung cho đến thời điểm hiện tại, có 4 phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh chính là: Thương lượng, hòa giải, Trọng tài và Tòa án. Giữa các phương thức trên cũng có những khác biệt cơ bản như:

a. Sử dụng trọng tài giúp doanh nghiệp xử lý tranh chấp nhanh chóng hơn toà án.

– Trong khi toà án có hai cấp xét xử từ sơ thẩm tới phúc thẩm, sau đó còn có thể bị áp dụng thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì phán quyết của trọng tài chung thẩm, có hiệu lực thi hành và 2 bên không được kháng cáo. Nguyên tắc này xuất phát từ bản chất của trọng tài là nhân danh ý chí và quyền định đoạt của các bên thì 2 bên phải phục tùng quyết định của người đó..

– Thủ tục xét xử Trọng tài đơn giản hơn nhiều so với các quy định/ thủ tục nghiêm, ngặt của Tòa án. Quy trình của tố tụng Trọng tài cũng linh hoạt cho thời gian và lịch làm việc của các bên và năng động hơn so với toà án do trọng tài chỉ chịu sự điều chỉnh của quy định của từng Trung tâm và Luật Trọng tài thương mại 2010.

b. Quyền lựa chọn của 02 bên tranh chấp trong Trọng tài được đề cao hơn Tòa án.

– Trung tâm trọng tài và Trọng tài viên do các bên tranh chấp lựa chọn và trọng tài viên được lựa chọn sẽ bầu Chủ tịch HĐTT. Do vậy các bên có cơ hội lựa chọn những trọng tài viên là chuyên gia có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm dày dặn trong các lĩnh vực đặc thù như Xây dựng, Hàng hải, Thanh toán QT, Sở hữu trí tuệ, Bảo hiểm, Đầu tư v.v. Trong khi tại tòa án, Thẩm phán do Tòa chỉ định và thường không phải là chuyên gia trong các lĩnh vực có tính chuyên môn cao và đặc thù.

– Ngoài ra, nếu tranh chấp có yếu tố quốc tế, thì các bên có quyền thoả thuận chọn tổ chức trọng tài, địa điểm, tiếng dùng trong xét xử và luật áp dụng. Trong khi toà án Việt Nam chỉ có thể xét xử theo tiếng Việt và luật Việt Nam.

c. Tính bảo mật.

– Hầu hết các quy định pháp luật về Trọng tài của các quốc gia đều thừa nhận nguyên tắc xử kín nếu các bên không có thoả thuận nào khác. Xét xử tại toà án ngoài mục đích bảo vệ quyền lợi của đương sự mà còn có ý nghĩa giáo dục việc tuân theo pháp luật. Do vậy hầu hết các phiên toà đều được công khai, bản án được công bố rộng rãi.

– Đây là một ưu điểm quan trọng của trọng tài bởi các doanh nghiệp không muốn chi tiết của các vụ tranh chấp bị đem ra công khai trước toà án, tối kỵ đặc biệt khi có sự tham gia của truyền thông và người dân và khi có liên quan tới các thông tin mật của doanh nghiệp. Việc bảo đảm bí mật của trọng tài cũng sẽ tránh cho các bên nguy cơ làm tổn thương đến mối quan hệ hợp tác làm ăn vốn có, trong khi đó việc xét xử công khai tại toà thường làm cho các bên rơi vào thế đối đầu nhau và một bên được coi như là người chiến thắng còn bên kia là thua cuộc.

d. Tính hội nhập

– Phán quyết trọng tài tại Việt Nam có thể yêu cầu được công nhận và thi hành tại nước ngoài nếu đó là quốc gia thành viên của Công ước New York 1958 (có trên 120 thành viên). Trong khi bản án của tòa án Việt nam chỉ có thể được công nhận và thi hành tại số ít quốc gia đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam.

e. Trọng tài với phương thức hòa giải thương lượng.

– Nếu như ở trung gian hòa giải, người thứ ba ở đây có thể là bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào được các bên lựa chọn làm người trung gian, pháp luật không có bất kỳ tiêu chuẩn nào bắt buộc đối với người này. Như vậy không tránh khỏi trường hợp người thứ ba không có kinh nghiệm, năng lực để giải quyết, dẫn đến hòa giải thất bại. Đối với trọng tài viên, để có thể trở thành trọng tài viên họ phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe được pháp luật về trọng tài thương mại quy định rõ ràng, Do đó họ là  những người có chuyên môn sâu và kinh nghiệm giải quyết đối với lĩnh vực của vụ tranh chấp.

– Một ưu điểm của trọng tài thương mại so với thương lượng và hòa giải nữa là trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu quyền và lợi ích của một bên bị xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại thì có quyền làm đơn yêu cầu toà án nơi Hội đồng trọng tài thụ lý đơn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhằm: Bảo toàn chứng cứ trong trường hợp chứng cứ bị tiêu huỷ hoặc có nguy cơ bị tiêu huỷ; kê biên tài sản tranh chấp để ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản; cấm chuyển dịch tài sản tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng của tài sản tranh chấp; kê biên và niêm phong tài sản ở nơi gửi giữ; phong toả tài khoản tại ngân hàng

3. Điều kiện cần và đủ để trở thành trọng tài thương mại là gì?

Điều 20 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định tiêu chuẩn để trở thành trọng tài viên như sau:

“Điều 20. Tiêu chuẩn Trọng tài viên

1. Những người có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể làm Trọng tài viên:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự;

b) Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên;

c) Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.

2. Những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên:

a) Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án;

b) Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

3. Trung tâm trọng tài có thể quy định thêm các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này đối với Trọng tài viên của tổ chức mình.”

Quy định trên đã thể hiện rất rõ điều kiện cần để trở thành trọng tài thương mại, còn điều kiện đủ theo tôi đó là tâm của người Trọng tài. Chuyên môn giỏi đi cùng với một tâm hồn sáng, chí công vô tư, giữ đúng vai trò của người “cầm cân, nẩy mực” thì mới hội tụ đủ điều kiện cần và đủ đối với trọng tài viên.

4, Hiện tại ở nước ta trung tâm trọng tài thương mại hiện hoạt động theo khung pháp lý gì? ( những vụ việc được giải quyết bằng phương thức này liệu có được thực thi và giám sát thực thi như giải quyết tại Tòa?)

Hiện nay ở nước ta, Trung tâm trọng tài thương mại hoạt động theo sự điều chỉnh của Luật trong tài thương mại 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật trên.

Do bản chất Toà án là cơ quan nhân danh Nhà nước để giải quyết tranh chấp, phán quyết của Toà án được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước, có đầy đủ bộ máy, phương tiện để thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật. Trong khi đó, việc thực hiện các quyết định của Trọng tài hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự nguyện của các bên, nếu bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết Trọng tài thì bên được thi hành phải làm đơn yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết Trọng tài để đảm bảo lợi ích cho mình.

Tính đến ngày 31/7/2015, cả nước đã có 12 Trung tâm trọng tài với tổng số 350 trọng tài viên. Từ năm 2011 đến tháng 6/2015, các Trung tâm trọng tài đã thụ lý 879 vụ việc và ban hành 586 phán quyết trọng tài, trong đó 180 phán quyết đã được thi hành xong với số tiền là 3.612.000 USD và 300 tỉ đồng. Với số lượng phán quyết được thi hành tuy không phải là con số khả quan nhưng cũng đã ghi nhận sự hiện diện và có xu hướng đi lên của phương thức giải quyết trọng tài so với thời điểm Luật trọng tài thương mại chưa ra đời

5. Liệu các điều đó đã đủ để doanh nghiệp tin tưởng mà lựa chọn hình thức này khi có tranh chấp ?

Với những số liệu còn khá khiêm tốn cũng phần nào thể hiện sự chưa hoàn toàn tin tưởng vào tố tụng trọng tài của các doanh nghiệp hiện nay.

Thêm vào đó án phí xét xử tại Tòa án được ấn định sẵn theo quy định của pháp luật và thấp hơn rất nhiều so với chi phí phải trả để giải quyết tranh chấp bằng con đường Trọng tài. Phí Trọng tài khác nhau tùy thuộc vào giá trị của tranh chấp và do Trung tâm Trọng tài ấn định. Với biểu phí Trọng tài của VIAC từ 16,5 triệu đồng đến hơn 3,6 tỷ đồng hiện nay, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không đáp ứng được sẽ chọn con đường giải quyết tranh chấp bằng Tòa án để tiết kiệm chi phí.

6, Vậy để doanh nghiệp lựa chọn hình thức này, với kinh nghiệm luật sư chuyên giải quyết tranh chấp bằng trung tâm trọng tài thương mại thì cần có những giải pháp gì?

Mặc dù Luật Trọng tài thương mại 2010 (được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17-6-2010, có hiệu lực ngày 01-01-2011) đã tạo ra khuôn khổ pháp lý đồng bộ để giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện thương mại cũng như một số vấn đề liên quan khác. Tuy nhiên, qua thời gian thi hành từ 2011 đến nay, Luật Trọng tài thương mại 2010 (sau đây gọi tắt là Luật Trọng tài thương mại) đã bộc lộ không ít những bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và uy tín của Trọng tài thương mại ở Việt Nam.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên của Luật Trọng tài thương mại, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, quy định rõ về phạm vi điều chỉnh của Luật Trọng tài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tranh chấp và các chủ thể có liên quan xác định đúng thẩm quyền của Trọng tài thương mại một cách thống nhất, tránh tình trạng có nhiều quan điểm khác nhau về thẩm quyền trọng tài như hiện nay.

Hai là, cần bổ sung quy định cụ thể về hòa giải trong thủ tục tố tụng trọng tài. Trước hết nên quy định hòa giải là một thủ tục bắt buộc trong tố tụng trọng tài. Trọng tài chỉ đưa vụ tranh chấp ra giải quyết nếu các bên hòa giải không thành công. Quy định này sẽ làm tăng thêm trách nhiệm của Trọng tài viên trong việc cho các bên tranh chấp hoà giải với nhau trước khi đi vào giải quyết vụ tranh chấp. Quy định này cũng không làm mất đi quyền tự định đoạt của đương sự vì quyền quyết định trong hòa giải phụ thuộc hoàn toàn vào các bên. Nếu các bên hòa giải không thành, trọng tài vẫn có thể đưa vụ việc ra giải quyết.

Ba là, nên bổ sung quy định về nội dung thỏa thuận trọng tài trong Luật Trọng tài thương mại. Thực tế, có rất nhiều thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu, dẫn đến các bên tranh chấp không thể lựa chọn trọng tài để giải quyết. Để khắc phục tình trạng này, Luật Trọng tài thương mại cần có quy định cụ thể về nội dung của thỏa thuận trọng tài như: Trung tâm trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp; ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài; chi phí, lệ phí trọng tài; quy tắc tố tụng của trọng tài; cam kết thực hiện quyết định của Trọng tài.

Bốn là, bổ sung quy định về điều kiện công nhận Trọng tài và tiêu chuẩn Trọng tài viên. Sự thiếu sót các căn cứ pháp lý về tiêu chuẩn Trọng tài và điều kiện công nhận Trọng tài viên là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giải quyết các vụ tranh chấp của Trọng tài chưa đạt hiệu quả. Điều này không những gây phiền toái cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Trọng tài thương mại Việt Nam trên trường quốc tế. Để nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Trọng tài, cần xây dựng các quy định pháp lý về điều kiện công nhận Trọng tài viên một cách chặt chẽ để đảm bảo Trọng tài viên có đủ năng lực thực thi nhiệm vụ.

Năm là, bổ sung quy định về thời gian tiến hành tố tụng trọng tài. Luật Trọng tài thương mại có quy định về thời hạn thông báo đơn khởi kiện, thời hạn gửi bản tự bảo vệ của bị đơn, thời hạn thành lập Hội đồng trọng tài, thời hạn bầu chủ tịch Hội đồng trọng tài nhưng lại không quy định rõ về thời hạn giải quyết tranh chấp, nên trên thực tế việc giải quyết vụ việc trong thời hạn bao lâu phụ thuộc hoàn toàn vào Trọng tài. Bởi vậy, Luật cần quy định rõ về thời hạn giải quyết vụ tranh chấp từ khi Hội đồng trọng tài được thành lập đến khi ra phán quyết trọng tài. Ví dụ như: Mỗi vụ kiện có bao nhiêu phiên họp, mỗi phiên họp cách nhau bao lâu, phiên họp cuối của trọng tài được tổ chức khi nào và cần phải thông báo công khai cho các bên tranh chấp biết về phiên họp cuối.

Sáu là,cần có quy định rõ về “những hành vi được coi là bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài” trong Luật Trọng tài thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng trọng tài thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên.

Bảy là, để tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tranh chấp thực hiện phán quyết của Trọng tài, thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức trọng tài và phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, tránh tình trạng hủy hoặc không công nhận phán quyết trọng tài tùy tiện, làm mất lòng tin của doanh nghiệp vào các tổ chức trọng tài, làm ảnh hưởng đến uy tín của Trọng tài Việt Nam trên trường quốc tế, cần bổ sung các quy định trong kết quả giải quyết tranh chấp trong Luật Trọng tài thương mại. Kết quả giải quyết tranh chấp cần ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, thời hạn thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên… có như vậy các bên liên quan mới có thể dễ dàng thực thi phán quyết của Trọng tài.

Liên hệ văn phòng luật sư giỏi thủ tục hoà giải thương lượng giải quyết tranh chấp trong các vụ án thương mại tại Hà Nội theo tổng đài số 1900 599 979 / 098 301 9109

Luật sư Hà Nội hướng dẫn hồ sơ khởi kiện tại Trung tâm trọng tài và án phí lệ phí

các trung tâm trọng tài quốc tếluật sư chuyên bào chữa tại trung tâm trọng tài quốc tếluật sư chuyên giải quyết tranh chấp thương mạiluật sư giỏi tại hà nộiluật sư hà nộithủ tục hoà giải đàm phán thương mạivăn phòng luật sư uy tín tại hà nội
Comments (0)
Add Comment