Luật sư ‘cô gái ngàn tỷ’ nói về việc nhận tài sản

Liên quan đến vụ tranh chấp khối tài sản 1.000 tỷ đồng, được sự ủy quyền của thân chủ, luật sư của “cô gái ngàn tỷ” đã có văn bản trình bày một số nội dung liên quan đến vụ việc.

Vụ tranh chấp khối tài sản 1.000 tỷ đồng gây xôn xao dư luận những ngày qua. Vì thấy đây là chuyện gia đình, việc đưa câu chuyện lên báo chí có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc nên phía chị T.H.H.L. (người con nuôi duy nhất của bà T.K.P.) đã từ chối cung cấp thông tin. Tuy nhiên, do báo chí, dư luận không có đầy đủ thông tin từ nhiều phía dẫn đến việc hiểu không chính xác, không đầy đủ. Do vậy, chị H.L. đã ủy quyền cho luật sư thay mặt chị trình bày các thông tin liên quan.

Luật sư xác nhận chị T.H.H.L. đã được bà T.K.P. nhận làm con nuôi sau khi chào đời không lâu và đã được bà T.K.P. làm thủ tục nhận con nuôi theo quy định.

Vào ngày 10/3/2011, bà P. qua đời để lại di sản nhưng không để lại di chúc. Nhận tin mẹ mất, L. đang đi du học ở nước ngoài đã về nước để chịu tang. Vì bà P. không có chồng, không có con đẻ, cha mẹ đã mất từ trước nên L. đang là người thừa kế duy nhất theo pháp luật.

Sau khi bà P. mất, Thừa phát lại quận Bình Thạnh đã được mời đến lập vi bằng ghi nhận diễn biến sự việc liên quan đến vấn để kiểm kê, ghi nhận các tài liệu, tài sản bà P. để lại cũng như các thỏa thuận liên quan giữa chị L. và những người anh em ruột của bà P.

Luật sư trình bày: Theo vi bằng số 73/2011 được lập ngày 24/3/2011 trong đó kèm theo biên bản kiểm kê tài sản thì: “Các bên thống nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký Biên bản này, hai bên phải có mặt để mở két sắt tại ngân hàng Sacombank và giao toàn bộ các giấy tờ có giá, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu động sản, bất động sản đứng tên bà T. K. P. cho bà T.H.H.L. để làm thủ tục mở thừa kế nếu bên còn lại không xuất trình được Di chúc hợp pháp hay tài liệu hợp pháp chứng minh quyền sở hữu thuộc về mình. Nếu một trong hai bên vắng mặt thì bên kia đương nhiên được quyền đơn phương thực hiện mở niêm phong két sắt mà không cần sự chấp thuận của bên còn lại.

Trường hợp một trong các bên xuất trình được Di chúc hợp pháp trước thời hạn kể trên thì có quyền yêu cầu bên kia có mặt để mở két sắt và thực hiện thủ tục khai di sản thừa kế ngay sau đó. Nếu một bên vắng mặt không có lý do hợp lý thì bên kia đương nhiên được quyền đơn phương thực hiện mở niêm phong két sắt mà không cần đến sự chấp thuận của bên còn lại”.

Đây cũng là cơ sở áp dụng phương thức xử lý đối với khối tài liệu, tài sản được ghi nhận tại biên bản kiểm kê tài sản và vi bằng số 75/2011 lập ngày 25/3/2011. Ngày 26/3/2011, chị L. và ông T.V.P. (em trai bà P.) cùng đứng lên ký hợp đồng thuê ngăn tủ sắt của Sacombank để cất giữ tài sản, tài liệu của bà P. để lại.

Ngày 23 và 25/4/2011 là thời hạn cuối cùng trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký các biên bản kiểm kê trên ông T.V.P. đã không có mặt tại ngân hàng để thực hiện thỏa thuận. Quá thời hạn 30 ngày nói trên, ông P. vẫn không xuất trình được di chúc hay tài liệu hợp pháp nào chứng minh quyền sở hữu khối tài sản thuộc về mình và cũng không có tranh chấp nào liên quan đến di sản do bà T.K.P. để lại mà tòa án đã thụ lý, giải quyết. Do vậy, để thực hiện quyền thừa kế của mình, L. đã làm thủ tục khai nhận thừa kế trước các khoản tiền gửi do người mẹ nuôi để lại tại một số ngân hàng. Ngày 6/6/2011, Phòng Công chứng số 1 TP.HCM đã chứng nhận văn bản khai nhận di sản của L.

Tiếp đó, ngày 13/6/2011, L. làm thủ tục khai nhận thêm di sản là xe ô tô do bà P. để lại tại Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Tạc, TP.HCM. Trong quá trình L. làm thủ tục khai nhận thừa kế di sản, ông T.V.P. đã gửi đơn khiếu nại.

Tuy nhiên, sau 30 ngày, ông P. không cung cấp được căn cứ xác định di sản đó là tài sản được pháp luật quy định không được khai nhận di sản thừa kế hoặc tài sản đang có tranh chấp được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết hay các căn cứ pháp luật khác nên sau đó Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Tạc đã chứng nhận văn bản khai nhận di sản này của L.

Như vậy, theo thông tin luật sư cho biết, vào tháng 6/2011, chị L. đã khai nhận thừa kế trước các khoản tiền gửi do bà P. để lại tại một số ngân hàng và một xe ô tô. Liên quan đến hợp đồng thuê ngăn tủ sắt của Sacombank, luật sư xác nhận sau khi hai hợp đồng thuê két sắt hết hạn, do ông T.V.P. từ chối gia hạn hợp đồng theo điều kiện đề nghị của chị L., ông cũng không chịu nhận tài sản.

Do vậy, chị T.H.H.L. đã ký thanh lý hợp đồng thuê ngăn tủ sắt với Sacombank, chị cam kết chịu toàn bộ trách nhiệm thay cho ngân hàng này nếu có bất kỳ tổn thất, thiệt hại hay chi phí bồi thường nào có liên quan đến hợp đồng thuê ngăn tủ sắt.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DRAGON

luật sư giỏiLuật sư tư vấnthuê luật sư
Comments (0)
Add Comment