Trong một lần gặp gỡ giữa giới luật và doanh nhân tại Vũng Tàu với chủ đề “Hỗ trợ pháp lý với doanh nghiệp”, chúng tôi khá ngạc nhiên khi nhiều ý kiến cho rằng, sự đồng hành giữa Luật sư, Luật gia với doanh nghiệp mới chỉ là lời hô hào, thực tế rất khó mà đồng hành cùng nhau, nguyên nhân là tại cả hai phía và cũng bởi môi trường pháp luật nữa.
Ngạc nhiên, bởi kinh doanh mà không nắm chắc “cây gậy” pháp lý cùng các chuyên gia pháp luật tinh thông từng lĩnh vực thì làm sao tránh được rủi ro.
Về phía doanh nghiệp, vạn bất đắc dĩ thì mới phải thành lập bộ phận pháp chế giúp việc và họ lại ít sử dụng bộ phận này trong hoạch định chiến lược cũng như từng trường hợp cụ thể. Lý do là nhiều chuyện cần “lách luật” không nên cho những người biết luật và hành xử cứng nhắc theo luật này được biết, có thể gây ra chuyện “kỳ đà cản mũi”.
Có công ty có bộ phận chuyên trách giúp việc hẳn hoi nhưng khi xảy ra sự cố thì họ tham vấn luật sư bên ngoài, hiệu quả hơn mà lại giữ được “bí mật kinh doanh”. Ngay bản thân các luật gia, luật sư làm việc trong công ty đó cũng chấp nhận thân phận “làm cảnh”, không tự phấn đấu vươn lên để khẳng định mình cũng như khẳng định vị trí không thể thiếu của bộ phận pháp lý trong hoạt động của doanh nghiệp.
Một tình huống thường thấy là khi ngồi vào bàn thương thảo, thấy đối tác có luật sư đi cùng thì cũng gọi luật sư của mình đến để đối trọng chứ không cần nghe tham vấn, thậm chí, bên kia đã soạn thảo sẵn hợp đồng rồi thì người đại diện của công ty vẫn ký mà không cần đưa cho Luật sư của mình “xem qua”.
Về phía các Luật gia, Luật sư và các tổ chức nghề nghiệp của họ thì trông chờ vào sự mời mọc của doanh nghiệp chứ không chủ động tiếp cận doanh nghiệp và cũng không sẵn sàng giúp đỡ doanh nghiệp một cách vô tư, không điều kiện. Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa thực sự đi vào chiều sâu, có chất lượng, việc thả nổi, để doanh nghiệp tự bơi là khá phổ biến tại thời điểm hiện nay.
Để tồn tại tình trạng nói trên là do môi trường pháp lý hiện nay chưa minh bạch và công bằng do những người thực thi công vụ hoặc nắm giữ thủ tục hành chính gây ra. Một dẫn chứng mang tính phổ biến là việc xây dựng Điều lệ công ty do một bộ phận chuyên gia pháp lý hoặc thuê Luật sư soạn thảo, khi Điều lệ dự thảo này được trình lên thì bị cơ quan chức năng (Phòng Điều lệ kinh doanh hoặc phần nhiều là cá nhân công chức phụ trách vấn đề đó) bẻ hành, bẻ tỏi, bắt làm đi, làm lại nhiều lần.
Chỉ đến khi “nhờ” trực tiếp công chức đó hoặc cơ quan thẩm định đó xây dựng hộ thì mới xuôi chèo mát mái, họ chỉ chỉnh sửa vài chi tiết rồi cho thông qua. Chính vì tình trạng này mà doanh nghiệp không cần đến bộ phận chuyên môn hay Luật sư, cứ “ủy thác” ngay từ đầu cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là xong. Hoặc, một dẫn chứng khác cũng không kém phần thuyết phục là việc lập hồ sơ thuế do các Luật sư có nghề lập hẳn hoi mà cũng không được chấp nhận, bị bắt bẻ từ cái dấu ba chấm (…), cứ lòng vòng mãi mà chẳng được chấp nhận, đành lại phải nhờ chính cái cơ quan đó làm… hộ. Và, cũng như thông lệ, họ chỉ cần chỉnh sửa vài chi tiết là xong!
Không cần đến đội ngũ Luật sư thường trực để tham vấn và soạn thảo hồ sơ đã đành là một chuyện. Song, khi xảy ra sự cố hoặc tranh chấp thì vai trò Luật sư trong công ty luật hoặc văn phòng luật sư, công ty luật đối tác cũng quá ư mờ nhạt. Thuê một Luật sư giỏi trong lĩnh vực này còn hiệu quả gấp mấy, thậm chí, không cần luật sư.
Chẳng hạn, tranh chấp hợp đồng kinh tế được đưa ra Trọng tài thương mại giải quyết nhưng chính một Luật sư là trọng tài viên lại đưa ra lời khuyên với khách hàng của mình là nên đưa ngay vụ việc ra Tòa án vì hiệu lực giải quyết theo con đường Trọng tài là quá kém. Ra tòa, lại phải kén Luật sư thông thạo nhiều thứ chứ không chỉ là kiến thức luật và tài hùng biện, vì thế, mối lương duyên đồng hành giữa Luật sư và Doanh nhân có vẻ vênh nhau.
Dù hiện trạng hôm nay có thế nào chăng nữa thì sự đồng hành giữa Luật sư và doanh nghiệp là hết sức cần thiết, không thể thiếu trong quá trình kinh doanh và làm ăn, đặc biệt khi ra với thương trường quốc tế. Có điều, chính Luật sư phải tự khẳng định được vị trí quan trọng của mình bằng trình độ và năng lực pháp lý. (Điều này, một số văn phòng luật sư và công ty tư vấn pháp luật đã làm được, có uy tín, được doanh nghiệp tin cậy, gắn bó).
Những vụ kiện thương mại quốc tế doanh nghiệp Việt Nam thường chịu phần thua thiệt bởi một nguyên nhân quan trọng là chúng ta chưa có một đội ngũ Luật sư tinh thông nghề nghiệp và am hiểu pháp luật cũng như thông lệ thương mại quốc tế.
Luật sư của chúng ta còn bị lép vế bởi chính năng lực của mình và không giúp được gì nhiều cho doanh nghiệp, chính vì thế mà doanh nghiệp có thái độ không mặn mà cho lắm. Việc này đã gây thiệt hại và các rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp và cả cho nền kinh tế nước nhà. Hy vọng rằng, khi Nhà nước đã bỏ ra một khoản tiền lớn cho việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ khai thông sự đồng hành của giới Luật gia và doanh nhân khi nhìn rõ và được hưởng các lợi ích cụ thể từ việc đồng hành này.
Văn phòng luật sư Dragon