Kính gửi Văn phòng luật sư Dragon – Đoàn luật sư Hà Nội
Hiện tại công ty tôi là một doạnh nghiệp Nhà nước đang có trường hợp ông X là Trưởng phòng tài chính của công ty. Trong thời gian ông X đi công tác ở nước ngoài, ban kiểm soát nội bộ, ban tài chính công ty có kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm trong công tác tài chính do ông X quản lý. Gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát của công ty hàng tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty đã có đơn tố giác tới cơ quan Công an địa phương, và các cơ quan có liên quan. Sau khi tiến hành điều tra hồ sơ giấy tờ, cơ quan công an đã có quyết định bắt và khởi tố vụ án đối với ông X và các đối tượng liên quan. Về tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn, cấu kết với các đối tượng khác tham ô, chiếm đoạt tài sản của công ty. Hiện tại các đồng phạm của ông X đã bị bắt tạm giam để khởi tố, còn riêng ông X do nhận thông tin trong thời gian đang đi công tác ở nước ngoài nên đã bỏ trốn. Cơ quan công an đã có quyết định truy nã ông về tội tham ô tài sản theo điều 278 luật hình sự nước Việt Nam.
Do không hiểu rõ về thủ tục cũng như những quy định của luật pháp Việt Nam về trường hợp này. Nên bằng văn thư này tôi xin công ty Luật Dragon tư vấn về pháp luật và khung hình phạt nếu xác nhận đúng tội của ông X trong trường hợp này bằng văn bản.
Rất mong được sự giúp đõ và phản hồi của quý luật sư của Công ty Luật Dragon.
Tôi xin chân thành cảm ơn.
======================================
CÔNG TY LUẬT DRAGON – CHUYÊN TƯ VẤN LUẬT VỀ TỘI “THAM Ô TÀI SẢN”
Chúng tôi xin gửi lời chào trân trọng và lời chúc thành công tới Quý Công ty!
Nhận được yêu cầu tư vấn pháp lý của Quý Công ty, sau khi nghiên cứu các thông tin cung cấp đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành, Văn phòng luật sư tại Hà Nội đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
Điều 278 Bộ Luật Hình sự quy định về “Tội tham ô tài sản” như sau:
“Điều 278. Tội tham ô tài sản
- Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồngnhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
- a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
- b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
- c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
- c) Phạm tội nhiều lần;
- d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
- a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
- b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
- a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
- b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
- Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Nếu hành vi của ông X gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát của công ty hàng tỷ đồng (phải chứng minh được ông X chiếm đoạt tài sản của Công ty có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên) thì ông X sẽ bị khởi tố về “Tội tham ô tài sản” theo quy định tại khoản 4 Điều 278 Bộ Luật Hình sự. Hình phạt đối với ông X có thể là: phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân hoặc cao nhất là tử hình. Việc quyết định hình phạt nào đối với ông X phụ thuộc vào các tình tiết cụ thể trong vụ án, tính chất mức độ của hành vi vi phạm.
- Những yếu tố cấu thành “Tội tham ô tài sản”:
- Chủ thể:
Chủ thể của tội tham ô chiếm đoạt tài sản là người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời phải là người có trách nhiệm quản lý đối với tài sản chiếm đoạt. Ông X là Trưởng phòng tài chính của công ty nên ông X thỏa mãn điều kiện về chủ thể của tội này.
- Khách thể (các quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ):
Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế của nhà nước và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cơ quan tổ chức nêu trên. Hành vi của ông X gây thiệt hại nghiêm trọng (ví dụ: mất uy tín, các hoạt động của công ty bị gián đoạn, mất thời gian và tiền bạc để khôi phục lại tình trạng ban đầu) cho Công ty và làm thất thoát của Công ty hàng tỷ đồng nên hành vi của ông X thỏa mãn điều kiện về khách thể của tội này.
- Mặt chủ quan:
Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Ông X đã cố ý thực hiện các hành vi vi phạm với mong muốn chiếm đoạt được tài sản của công ty (biết hành vi của mình là sai, gây thiệt hại cho công ty nhưng vẫn thực hiện).
- Mặt khách quan
Hành vi chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ quyền hạn. Ông X đã lợi dụng quyền hạn của mình (Trưởng phòng tài chính) để chiếm đoạt tiền của Công ty.
Khi hết thời hạn điều tra, nếu không biết rõ ông X đang ở đâu thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với ông X theo quy định tại Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự 2003.
- Về phía Công ty:
Công ty sẽ tham gia tố tụng với vai trò là Nguyên đơn dân sự nếu công ty có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với việc bị thất thoát hàng tỷ đồng và các thiệt hại khác do hành vi tham ô tài sản của ông X gây ra. Quyền và nghĩa vụ của “Nguyên đơn dân sự” được quy định tại Điều 52 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2003 như sau:
“Điều 52. Nguyên đơn dân sự
- Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền:
- a) Đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- b) Được thông báo về kết quả điều tra;
- c) Đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này;
- d) Đề nghị mức bồi thường và các biện pháp bảo đảm bồi thường;
đ) Tham gia phiên toà; trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên toà để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn;
- e) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
- g) Kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về phần bồi thường thiệt hại.
- Nguyên đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại”.
Trên đây là một số ý kiến pháp lý của Công ty Luật Dragon về những nội dung mà Quý công ty đã đề nghị tư vấn. Tuy nhiên, cũng đề nghị Quý công ty lưu ý: Những ý kiến tư vấn nói trên của chúng tôi đưa ra là dựa trên những thông tin do công ty cung cấp và chỉ mang tính chất tham khảo. Trong trường hợp có những thông tin khác không đồng nhất đối với những thông tin ban đầu thì có thể những ý kiến của chúng tôi sẽ không còn phù hợp với những thông tin đó.
Trân trọng./.
Mọi ý kiến thắc mắc vui lòng gửi về địa chỉ:
CÔNG TY LUẬT TNHH DRAGON
Đại diện: Luật sư Nguyễn Minh Long
Trụ sở chính: Phòng 6, Tầng 14, Tòa nhà Vimeco, Lô E9, đường Phạm Hùng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Văn phòng Luật sư tại Hải Phòng: Phòng 4.6 Tòa nhà Khánh Hội, Lô 2/3C, đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng
Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến: 1900. 599. 979
Luật sư Đỗ Lý Trà My – Luật sư phụ trách giải quyết vụ việc.
Website: Luật sư tại Hà Nội.
Email: dragonlawfirm@gmail.com